Thể thao Việt Nam cần có thêm trọng tài quốc tế

Trên sân chơi thể thao thành tích cao, trọng tài không chỉ đơn thuần đảm nhiệm vị trí của một người cầm cân nảy mực. Có nhiều dẫn chứng cho thấy thành công của một đoàn thể thao có liên quan trực tiếp đến số lượng trọng tài làm nhiệm vụ, bên cạnh màn thể hiện của các vận động viên.

Câu chuyện của Pencak Silat

Nguyễn Thái Linh là người được biết đến rộng rãi trong giới Pencak Silat. Anh có nhiều năm là tuyển thủ quốc gia, từng đại diện Việt Nam thi đấu nhiều giải quốc tế. Đỉnh cao trong sự nghiệp thi đấu của Thái Linh là tấm Huy chương Bạc ASIAD 18 tại Indonesia. Nhưng, xuyên suốt sự nghiệp, Thái Linh đã trải qua nhiều trận đấu dở khóc dở cười.

Cựu võ sĩ Nguyễn Thái Linh hiện là trọng tài Pencak Silat quốc tế.

Cựu võ sĩ Nguyễn Thái Linh hiện là trọng tài Pencak Silat quốc tế.

Tại SEA Games 2015, Thái Linh bị truất quyền thi đấu sau một pha ra đòn không thực sự rõ ràng ở trận chung kết. Cú đá của Thái Linh trúng phần giáp, nhưng võ sĩ Thái Lan lại nằm ra đất bất tỉnh như thể trúng đòn vào mặt. Các trọng tài nhận định Thái Linh phạm quy, đồng thời bị xử thua. Võ sĩ Thái Lan bị đánh ngất lại trở thành nhà vô địch.

Đến SEA Games 2017, Thái Linh chạm trán một võ sĩ Thái Lan khác. Anh tiếp tục thi đấu áp đảo, đồng thời hạn chế tối đa những đòn đá tầm cao có thể bị suy luận thành đòn phạm quy. Nhưng, ngay cả khi đánh trúng đối phương tới tấp, Thái Linh vẫn không được tính điểm. Khi biết mình thua cuộc, anh hét to về phía trọng tài: "Đánh thế mà không được điểm nào?".

Những câu chuyện của Thái Linh khi còn thi đấu có lẽ là một phần lý do khiến anh quyết định làm trọng tài. Bên cạnh công tác huấn luyện tại địa phương, Thái Linh hiện làm tổng trọng tài ở các giải Pencak Silat quốc gia. Anh cũng là một trong số trọng tài Việt Nam thường xuyên được mời làm nhiệm vụ ở nhiều giải quốc tế.

Thành công của đội tuyển Pencak Silat Việt Nam tại SEA Games 32 có đóng góp không nhỏ của Thái Linh trên cương vị trọng tài. Trước một số trận đấu được dự đoán sẽ diễn ra vô cùng căng thẳng, Thái Linh luôn nhắc rất kỹ ông Nguyễn Văn Hùng, Huấn luyện viên (HLV) trưởng đội tuyển quốc gia về cách phản ứng, cũng như khiếu nại khi cảm thấy võ sĩ của mình bị xử ép.

"Ngay cả khi trọng tài chấm điểm xử ép mình, thầy (Thái Linh từng là học trò của HLV Nguyễn Văn Hùng tại đội tuyển quốc gia) cũng không được dùng hết quyền khiếu nại. Thầy phải giữ lại một lượt khiếu nại đến cuối cùng. Nếu thầy dùng hết từ sớm, họ sẽ dễ bắt ép mình hơn". Lời khuyên đó của Thái Linh đã giúp Silat Việt Nam có một kỳ SEA Games thành công.

Trọng tài thể thao, họ là ai?

Bóng đá là môn thể thao hiếm hoi có nhiều trọng tài độc lập. Khái niệm "trọng tài độc lập" thường dành cho những người làm công việc không liên quan đến bóng đá. Họ chỉ thực hiện nhiệm vụ như một nghề tay trái vào mỗi dịp giải đấu diễn ra. Với những môn thể thao thành tích cao, trọng tài thường là HLV làm việc tại các đơn vị, địa phương.

Đội ngũ trọng tài môn Pencak Silat có người Việt Nam đã giúp Hồng Ân giữ được Huy chương vàng SEA Games 32.

Đội ngũ trọng tài môn Pencak Silat có người Việt Nam đã giúp Hồng Ân giữ được Huy chương vàng SEA Games 32.

Câu chuyện của Nguyễn Thái Linh, một người làm trọng tài quốc tế, cho thấy tầm quan trọng của những đoàn thể thao có người cầm cân nảy mực khi du đấu. Những đội tuyển thể thao lớn không chỉ mạnh nhờ chất lượng của dàn vận động viên. Họ còn có đội ngũ huấn luyện viên, cũng như trọng tài cực kỳ đông đảo. Điều đó cũng đúng với thể thao Việt Nam.

Không phải ai cũng có thể trở thành trọng tài hàng đầu quốc gia trong một môn thể thao nhất định. Bên cạnh năng lực chuyên môn, người này còn phải có tầm ảnh hưởng và quen biết rộng với những đơn vị khác. Những trọng tài vươn tầm quốc tế còn phải đáp ứng yêu cầu về ngoại ngữ, cả trong giao tiếp thông thường và hướng dẫn chuyên môn cho vận động viên.

Ở góc độ khách quan, việc có một HLV làm trọng tài sẽ giúp bộ môn của một địa phương sớm cập nhật những thay đổi về luật thi đấu. Nhiều HLV thể thao tại Việt Nam thường dạy học trò theo kinh nghiệm, dựa trên những bộ luật rất cũ. Vì lý do đó, họ cần có những đồng nghiệp bên cạnh có khả năng cập nhật luật thi đấu để điều chỉnh giáo án theo hướng hiện đại hơn.

Trên phương diện chủ quan, trọng tài chính là một phần sức mạnh của mỗi đơn vị. Trong phạm vi Việt Nam, những đơn vị mạnh ở một môn thể thao luôn có trọng tài đi làm nhiệm vụ ở giải vô địch quốc gia. Họ không đơn thuần đến giải với công tác của một người cầm cân nảy mực.

Sự hiện diện của một trọng tài thuộc đơn vị A chính là lời thông báo đến các đồng nghiệp khác: Không thể xử ép đơn vị A trong những tình huống không rõ ràng. Nếu trọng tài thuộc đơn vị B cố tình xử ép đơn vị A, các vận động viên của B hoàn toàn có khả năng bị xử ép ngược lại, ngay cả khi trọng tài A có trực tiếp làm nhiệm vụ trận đấu của B hay không.

"Xử ép" là hiện tượng thường xảy ra trong thể thao đối kháng, đặc biệt là các môn võ sử dụng con người để tính điểm. Trong câu chuyện của Nguyễn Thái Linh, anh hiểu ngay cả khi công nghệ được áp dụng để hỗ trợ công tác khiếu nại, nó vẫn luôn có hạn chế. Cách duy nhất để ngăn hiện tượng xử ép là đập tan ý đồ đó trước khi đối phương có cơ hội hành động.

Quốc gia và quốc tế

Tầm quan trọng của một trọng tài như Nguyễn Thái Linh được thể hiện rất rõ tại SEA Games 32. Trong trận chung kết đối kháng giữa Safira Dwi Meilani và Nguyễn Hoàng Hồng Ân, nữ võ sĩ Việt Nam đã thực hiện thành công một đòn khóa tay để giành chiến thắng knock-out. Phía Indonesia không hài lòng nên đã tấn công ban tổ chức, đòi lật kết quả thắng chung kết cho mình.

Boxing là môn không có trọng tài Việt Nam làm nhiệm vụ tại SEA Games vừa qua.

Boxing là môn không có trọng tài Việt Nam làm nhiệm vụ tại SEA Games vừa qua.

Nếu Pencak Silat Việt Nam không có trọng tài nào làm nhiệm vụ tại SEA Games 32 như Thái Linh, gần như ban tổ chức sẽ 'lật kèo". Nhưng, trước sức ép của đoàn Việt Nam, bao gồm cả những trọng tài Việt Nam đang làm nhiệm vụ quốc tế, ban tổ chức đã quyết định trao Huy chương Vàng cho cả hai võ sĩ. Hồng Ân phải "chia" Huy chương Vàng cho đối thủ, nhưng ít ra cô cũng không bị tước ngôi vô địch.

Việc các đoàn thể thao có trọng tài đi cùng sẽ giúp vận động viên hạn chế bị xử ép khi thi đấu. Giống như các giải trong nước, trọng tài nước A sẽ không dám "làm bậy" với vận động viên nước B nếu trong đội ngũ trọng tài có người của nước B. Đây là luật ngầm "có đi có lại" trong giới trọng tài, vốn bao hàm rất nhiều câu chuyện không công khai đến công chúng.

Tuy nhiên, không phải môn thể thao nào của Việt Nam tại SEA Games 32 cũng có trọng tài làm nhiệm vụ. Vì thế, Hồng Ân đã may mắn hơn rất nhiều đồng nghiệp khi thi đấu quốc tế tại Campuchia hồi tháng 5 vừa qua. Một trong những người đen đủi phải nhận thất bại sớm do công tác trọng tài gây tranh cãi chính là võ sĩ Boxing Nguyễn Văn Đương.

Ông Vũ Xuân Thành từng làm trọng tài ở 2 kỳ Olympic.

Ông Vũ Xuân Thành từng làm trọng tài ở 2 kỳ Olympic.

Trong trận đấu thuộc vòng loại môn Boxing SEA Games 32, Nguyễn Văn Đương chạm trán Ian Clark Bautista, võ sĩ người Philippines. Đôi bên hòa điểm nhau sau 2 hiệp đầu tiên, với thế trận phần nào nghiêng về Đương. Nhưng, đến hiệp 3, từ một tình huống đối đòn, Đương bị rách mắt và phải cầm máu.

Sau lần cầm máu đầu tiên, Đương trở lại thi đấu, nhưng anh lại bị rách mắt. Chứng kiến lần cầm máu thứ hai diễn ra quá nhanh, trọng tài dừng trận đấu, đồng thời xử thua Nguyễn Văn Đương. Ban huấn luyện đội tuyển Việt Nam không hiểu vì sao Đương bị thua, thậm chí có ý kiến cho rằng trọng tài xử ép.

Lý giải trên góc độ khách quan, việc trọng tài xử thua Nguyễn Văn Đương có thể được hiểu là hành động để bảo vệ vận động viên. Khác với Boxing chuyên nghiệp, nơi võ sĩ có thể đánh nhau chảy máu liên tục, Boxing Olympic (Boxing nghiệp dư) lại đề cao khía cạnh thể thao. Vì thế, trường hợp vận động viên liên tục phải cầm máu, trọng tài hoàn toàn có thể dừng trận đấu để bảo vệ vận động viên.

Khái niệm "bảo vệ vận động viên", vì thế, có thể trở thành một kẽ hở để trọng tài khai thác, xử ép. Hẳn trọng tài đài trong trận đấu của Nguyễn Văn Đương sẽ không dám xử ép anh nếu như Việt Nam có trọng tài Boxing làm việc tại giải đấu. Nhưng, Việt Nam không có trọng tài Boxing nào làm việc ở SEA Games 32 vừa qua nên mọi khiếu nại đều đi vào quên lãng.

Trọng tài trở thành lãnh đạo cấp cao

Với mối quan hệ rộng, cũng như tầm ảnh hưởng trong và ngoài nước, nhiều trọng tài Việt Nam đã dần trở thành lãnh đạo cấp cao trong ngành thể thao. Một trong những gương mặt nổi bật nhất là ông Vũ Xuân Thành, Phó Trưởng phòng Thể thao Thành tích cao I (Cục Thể dục Thể thao). Ông từng làm trọng tài Taekwondo tại 2 kỳ Olympic 2000 và 2012.

Cũng có 2 kỳ làm việc tại Thế vận hội là trọng tài Vương Trọng Nghĩa (Boxing). Đây là trọng tài có đẳng cấp cao nhất của Boxing Việt Nam từ trước đến nay. Ông Vương Trọng Nghĩa là trọng tài 3 sao của Hiệp hội Boxing Quốc tế (IBA), từng đảm nhiệm công tác trọng tài ở Olympic 2012 và 2016. Ông cũng là Tổng trọng tài Liên đoàn Boxing Việt Nam nhiệm kỳ I.

Trong một lần chia sẻ về tiêu chuẩn xét duyệt trọng tài làm nhiệm vụ tại Olympic, ông Vương Trọng Nghĩa cho biết đó là cuộc thi "10 đấu 1". Giữa 300 trọng tài quốc tế đủ tiêu chuẩn, ban tổ chức chỉ chọn ra 34 người tốt nhất để làm nhiệm vụ. Ông Nghĩa vượt qua cuộc tuyển chọn gắt gao đó không chỉ một, mà tới hai lần.

Sau những tranh cãi tại giải vô địch quốc gia giai đoạn 2017-2018, trọng tài Vương Trọng Nghĩa chính thức "quy y ở ẩn". Tuy nhiên, những học trò được ông trực tiếp chỉ dạy trước đây vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ. Họ đã trở thành những trọng tài Boxing hàng đầu Việt Nam, thường xuyên làm nhiệm vụ tại các giải thành tích cao, cũng như chuyên nghiệp tổ chức tại Việt Nam.

Đơn Ca

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/the-thao-viet-nam-can-co-them-trong-tai-quoc-te-i712501/
Zalo