Thể thao và phụ nữ trong kỷ nguyên vươn mình
Ngày 30/6, tại Hà Nội, Cục Thể dục thể thao Việt Nam tổ chức tọa đàm với chủ đề 'Thể thao và phụ nữ trong kỷ nguyên vươn mình, hướng đến phát triển bền vững' trong khuôn khổ Dự án bình đẳng giới ASEAN + Nhật Bản.

Quang cảnh tọa đàm.
Tọa đàm chia sẻ nhiều góc nhìn thực tiễn, khẳng định vai trò của phụ nữ trong thể thao, đồng thời mở ra đối thoại chính sách, nhằm xóa bỏ rào cản, thúc đẩy sự tham gia toàn diện của nữ giới vào sự nghiệp thể dục thể thao trong nước và khu vực.
Phát biểu tại tọa đàm, Phó Cục trưởng Cục Thể dục thể thao Việt Nam Lê Thị Hoàng Yến cho biết: Tháng 10 tới đây, Việt Nam vinh dự đăng cai Hội nghị Bộ trưởng Thể thao ASEAN lần thứ 8 và Hội nghị Quan chức cấp cao ASEAN về Thể thao lần thứ 16. Cùng với đó, Việt Nam sẽ tổ chức các phiên họp mở rộng với Nhật Bản, một trong những đối tác chiến lược trong lĩnh vực thể thao của khu vực.
Tọa đàm “Thể thao và phụ nữ trong kỷ nguyên vươn mình, hướng đến phát triển bền vững”.
Trong khuôn khổ hợp tác ASEAN + Nhật Bản, nhiều dự án trọng điểm đã được triển khai thường xuyên, tập trung vào các nội dung thiết thực như: thể thao cho người khuyết tật, giáo dục thể chất, chính sách phát triển thể thao, và đặc biệt là thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ và trẻ em gái vào thể thao. Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Đại học Seijo (Nhật Bản), đơn vị được phía bạn ủy quyền triển khai dự án bình đẳng giới trong thể thao tại ASEAN.
Thể thao ngày càng có vai trò không thể thiếu trong xã hội hiện đại, nhất là đối với phụ nữ. Những năm gần đây, nhờ nỗ lực từ nhiều phía, bất bình đẳng giới trong thể thao đã từng bước được thu hẹp. Xã hội ngày càng ghi nhận nhiều hơn những cống hiến xuất sắc của các vận động viên nữ như Nguyễn Thị Ánh Viên, Nguyễn Thùy Linh, Nguyễn Thị Oanh, Châu Tuyết Vân hay các đội tuyển bóng đá, bóng chuyền nữ quốc gia.
Tọa đàm lần này là một phần quan trọng trong lộ trình xây dựng hình ảnh một ASEAN năng động, hòa nhập và phát triển bền vững. Việt Nam với vai trò là quốc gia thành viên tích cực, sẽ góp phần thúc đẩy tiến trình thực hiện dự án bình đẳng giới trong thể thao, đồng thời tăng cường sự gắn kết và hiểu biết giữa các nước ASEAN với Nhật Bản.
Là người trực tiếp phụ trách nhóm dự án phát triển , bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng đá Việt Nam chia sẻ về định hướng rõ ràng và dài hạn dành cho bóng đá nữ, xuất phát từ cột mốc lịch sử: Đội tuyển nữ Việt Nam lần đầu tiên góp mặt ở Vòng chung kết World Cup năm 2023.

Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng đá Việt Nam Nguyễn Thanh Hà chia sẻ về định hướng rõ ràng và dài hạn dành cho bóng đá nữ.
Từ sự hỗ trợ của UEFA và AFC, chiến lược phát triển bóng đá nữ Việt Nam đã được chính thức công bố ngày 6/6/2025. Chiến lược gồm 5 mục tiêu chính: phát triển toàn diện từ cấp câu lạc bộ đến đội tuyển quốc gia; truyền cảm hứng cho thế hệ cầu thủ nữ trẻ; chú trọng đào tạo huấn luyện viên, trọng tài nữ; xây dựng thương hiệu, gia tăng tài trợ và truyền thông; và mở rộng bóng đá học đường dành cho nữ sinh.
Cụ thể, đến năm 2027, Việt Nam đặt mục tiêu tăng số đội bóng đá nữ từ 8 lên 10, và có 3 câu lạc bộ đạt tiêu chí dự AFC Women’s Champions League năm 2028. Xa hơn, hướng đến bán kết giải đấu châu lục vào năm 2030 và vào chung kết World Cup nữ 2031. Đây là những mục tiêu đầy tham vọng nhưng cho thấy tầm nhìn và quyết tâm đầu tư dài hạn.
Bà Nguyễn Thanh Hà mong muốn Cục Thể dục Thể thao tiếp tục đồng hành để tạo dựng nền móng vững chắc, giúp bóng đá nữ Việt Nam phát triển bền vững và góp phần khẳng định vị thế trên đấu trường quốc tế.
Từ những trải nghiệm cá nhân, vận động viên Nguyễn Thị Oanh, người từng giành nhiều Huy chương Vàng quốc tế ở bộ môn điền kinh, chia sẻ hành trình vượt qua bệnh tật và định kiến. Cô nhớ lại thời điểm mắc viêm cầu thận năm 2014, quãng thời gian khủng hoảng khi đang trên đà phát triển sự nghiệp. Chính sự cổ vũ, tình cảm của người thân, đồng đội và người hâm mộ đã giúp Oanh đứng dậy, tiếp tục gắn bó và nỗ lực cống hiến cho thể thao nước nhà.
Với vận động viên nữ, lựa chọn theo đuổi thể thao vốn đã là quyết định cần nhiều bản lĩnh. Bên cạnh áp lực luyện tập và thi đấu, họ còn phải đối mặt với định kiến giới về hình thể, về vai trò trong gia đình và ngoài xã hội. Những cái nhìn khắt khe như “con gái mà tập thể thao thì cơ bắp, đen nhẻm” vẫn tồn tại, ảnh hưởng đến lựa chọn và hành trình theo đuổi đỉnh cao của nhiều người.

Phó Cục trưởng Cục Thể dục Thể thao Việt Nam Lê Thị Hoàng Yến nhấn mạnh, tọa đàm này sẽ góp phần hiệu quả cho tiến trình dự án Bình đẳng giới trong thể thao.
Nhưng với Oanh, những khoảnh khắc hạnh phúc lớn nhất đến từ chính niềm tin của người khác đặt vào mình, những cảm xúc vượt qua nghịch cảnh để đi tiếp cũng chính là động lực mạnh mẽ để cô bước tiếp.
Để có được hướng đi bền vững sau thành tích, dưới góc nhìn của người làm nội dung thể thao và đồng hành với nhiều vận động viên nữ, bà Trần Thùy Chi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcontent chia sẻ: “Đến được thành tích đã khó, giữ được giá trị sau thành tích còn khó hơn”. Theo thống kê quốc tế, có đến 60% vận động viên gặp khó khăn nghề nghiệp sau khi giải nghệ và 70% không có kế hoạch tài chính dài hạn. Tuổi đời ngắn, ít được đầu tư như nam giới, thiếu kỹ năng mềm và phải đối mặt với vai trò làm mẹ, làm vợ… khiến con đường sau thi đấu của vận động viên nữ gặp nhiều rào cản.
Bà Trần Thùy Chi đề xuất mô hình phát triển sau giải nghệ gồm 3 nhóm: tham gia truyền thông giải trí thể thao, trở thành doanh nhân hoặc nhà quản lý trong ngành, và tư vấn chính sách. Thí dụ như Nguyễn Thị Oanh, cô hoàn toàn có thể trở thành chủ nhiệm một câu lạc bộ chạy bộ, giám đốc kỹ thuật sản phẩm thể thao hoặc người truyền cảm hứng qua mạng xã hội. Tuy nhiên, để hiện thực hóa điều đó, cần có chính sách hỗ trợ học tập, chuyển đổi nghề, kết nối với trường đại học để cấp bằng chính quy, và tạo môi trường tuyển dụng không phân biệt giới.
Tọa đàm “Thể thao và phụ nữ trong , hướng đến phát triển bền vững” đã khép lại với những kỳ vọng về một thế hệ phụ nữ kiến tạo và dẫn dắt trong thể thao, được đầu tư tương xứng và có cơ hội phát triển trọn vẹn cả trong và sau sự nghiệp thi đấu. Những sáng kiến, mô hình và ý kiến được chia sẻ tại buổi làm việc là một phần đóng góp thiết thực vào tiến trình xây dựng chính sách ưu đãi và công bằng cho nữ giới trong thể thao.