Vẹn nguyên giá trị 'Những việc cần làm ngay'

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh ghi dấu ấn tiên phong thực hiện công cuộc đổi mới bắt đầu từ Đại hội VI của Đảng với chuyên mục 'Những việc cần làm ngay' trên Báo Nhân Dân. Công cuộc đổi mới với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử đã tạo tiền đề vững chắc cho đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. (Ảnh tư liệu)

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. (Ảnh tư liệu)

Chống tiêu cực là nhiệm vụ quan trọng của đổi mới

Ngày 25/5/1987, Báo Nhân Dân đăng trên trang nhất bài viết với hàng tít đậm: “”. Tác giả ký tên N.V.L. Bài viết không dài, chưa tới 400 chữ, song đã đi thẳng vào vấn đề nóng bỏng khi đó là việc giá cả tăng vọt, ngay lập tức thu hút được sự quan tâm của quần chúng. Liên tiếp những ngày sau đó, “Những việc cần làm ngay” trở thành một chuyên mục trên Báo Nhân Dân được bạn đọc ưa thích. Bút danh N.V.L trở nên quen thuộc với bạn đọc.

Bằng lối viết ngắn gọn, súc tích, đầy tính chiến đấu, những bài báo ký tên N.V.L là một luồng gió mới, khơi dậy phong trào báo chí cả nước tham gia đấu tranh chống tiêu cực; những thói hư tật xấu dai dẳng đã theo chúng ta trong một thời gian bảo thủ, trì trệ kéo dài. Phong trào đấu tranh chống tiêu cực được phát động và kiên quyết thực hiện trong những năm đầu sự nghiệp Đổi mới đã thật sự tạo nên một không khí tươi mới trong đời sống xã hội Việt Nam lúc đó. Đấu tranh chống tiêu cực đã trở thành nhiệm vụ quan trọng “dọn đường cho việc thực hiện Nghị quyết Đại hội VI và các Nghị quyết khác của Đảng, nhằm đưa nước nhà khỏi cảnh khó khăn, đi đến ổn định tình hình mọi mặt, làm cho dân bớt khổ, ngày càng bước lên hạnh phúc như Di chúc Bác Hồ đã dặn”(1); “cho xã hội ta đã tốt đẹp, phải tốt đẹp hơn, dân ta mới tin Đảng, Đảng mới càng hiểu dân, tin dân”(2).

Sự nghiệp Đổi mới được Đảng ta khởi xướng từ Đại hội VI đã đáp ứng yêu cầu bức xúc của đất nước. Trên cương vị người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh ngày đêm trăn trở tìm cách đấu tranh, xóa bỏ các hiện tượng tiêu cực đang gây nhức nhối trong dư luận xã hội. Trong “Những việc cần làm ngay”, đồng chí nêu thực chất của đổi mới tư duy và phong cách là “nói và làm phải đi đôi với nhau”, “lý luận phải gắn liền với thực tiễn”. Cuộc đấu tranh chống tiêu cực cũng đòi hỏi những kết quả cụ thể chứ không phải chỉ dừng lại ở những lời nói suông.

Đồng chí đòi hỏi phải tạo được một phong cách mới tiến bộ khi tiếp thu ý kiến phê bình của nhân dân, của báo chí, dư luận - không chỉ trên mặt trận mà trên tất cả mọi lĩnh vực khác của các hoạt động kinh tế-xã hội. Đây chính là đòi hỏi của công luận với các cấp, các ngành, phải làm rõ và trả lời khi có những vụ việc, có những cán bộ sai phạm mà báo chí đã phanh phui. Sau này khi được hỏi về bút danh N.V.L, đồng chí giải thích đó là “Nói và làm”. Trong câu trả lời đó đã hàm chứa nội dung muốn nhắn gửi: Lời nói phải đi đôi với việc làm, không được nói mà không làm, không nói nhiều làm ít, không “đánh trống bỏ dùi” hoặc nói một đằng làm một nẻo.

Cuộc đấu tranh chống tiêu cực do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh phát động bằng chuyên mục “Những việc cần làm ngay” cũng là cuộc đấu tranh để “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn. “Những việc cần làm ngay” đã thể hiện tinh thần đấu tranh mạnh mẽ, không khoan nhượng để làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên trong Đảng và hệ thống chính trị, làm lành mạnh xã hội, để sửa chữa và ngăn chặn những sai lầm, khuyết điểm mà một Đảng cầm quyền dễ phạm phải khi rơi vào , quan liêu, xa rời quần chúng.

“Cú huých” mạnh mẽ, tạo đà cho báo chí

Nhân kỷ niệm lần thứ 62 Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, 21/6/1925-21/6/1987, trong “Những việc cần làm ngay”, đăng Báo Nhân Dân số ra ngày 24/6/1987, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh viết về những vấn đề đang đặt ra với báo chí trong công cuộc Đổi mới.

Đồng chí khẳng định vai trò quan trọng không thể thiếu của nhà báo và báo chí trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực. Đồng chí yêu cầu: “Báo chí tham gia đắc lực vào cuộc đấu tranh chống tiêu cực cũng như cần chú ý nêu những gương sáng, những mô hình hay xuất hiện ở nhiều nơi và trên các lĩnh vực”[3], bởi trong cuộc sống hiện nay không chỉ có toàn những việc tiêu cực. Hơn nữa, về mặt phương pháp công tác, “chống” để “xây” và “xây” để “chống”, “vì chưng hay ghét cũng là hay thương”.

Đồng chí Nguyễn Văn Linh khẳng định vai trò quan trọng không thể thiếu của báo chí với sự nghiệp cách mạng hôm qua và hôm nay. Trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, “Tờ báo không phải chỉ là diễn đàn của Đảng và Chính phủ và của một số cán bộ viết báo”[4]. Báo chí phải hoàn thành chức năng, nhiệm vụ vừa là con đường hữu hiệu đưa những chủ trương, chính sách của Đảng, của Nhà nước tới đông đảo quần chúng nhân dân, vừa phải là diễn đàn của mọi tầng lớp nhân dân, là nơi nhân dân bày tỏ ý kiến của mình với Đảng, với Nhà nước.

Văn phong báo nên sinh động, tránh khô khan và nên nhớ lời Bác Hồ dặn dò những người cầm bút - viết cho người ta dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo. Để làm được như vậy, trước hết và trên hết, theo tác giả N.V.L, nhà báo phải có “tấm lòng”. “Nhà báo phải có tấm lòng cương trực: Yêu người làm đúng, làm tốt để ca ngợi; ghét bọn làm xấu, làm sai, làm ác để lên án”[5]. Những dòng chân tình đó của tác giả N.V.L đã có tác dụng động viên báo giới tích cực hơn trong cuộc đấu tranh giữ gìn kỷ cương phép nước, lành mạnh hóa những quan hệ xã hội đang bị những biểu hiện tiêu cực làm vẩn đục. Đây là nhân tố môi trường xã hội quan trọng để công khai hóa, dân chủ hóa đời sống xã hội, để chống tiêu cực thắng lợi, để Đổi mới thành công.

Hưởng ứng “Những việc cần làm ngay”

Những bài báo chống tiêu cực của tác giả N.V.L đã nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng của đông đảo quần chúng. Mỗi ngày tòa soạn Báo Nhân Dân nhận được hàng trăm lá thư của bạn đọc hưởng ứng “Những việc cần làm ngay”. Nhiều bộ, tỉnh, thành phố đã có chỉ thị “Hưởng ứng Những việc cần làm ngay” của tác giả N.V.L. Cuộc đấu tranh chống tiêu cực được tác giả N.V.L khởi xướng đã trở thành một phong trào lớn trong cả nước.

Nhiều báo ở Trung ương và địa phương như Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Lao động, Tiền phong, Đại đoàn kết, Tuần tin tức, Sài Gòn giải phóng, Hà Nội mới, Thanh niên, Tuổi trẻ…; các đài phát thanh, truyền hình... đã tích cực hưởng ứng “Những việc cần làm ngay” trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, đồng thời biểu dương, bồi dưỡng những cái mới, cái tốt, những nhân tố mới đang nảy nở. Trên các tờ báo thời kỳ này thường xuyên xuất hiện mục “Hưởng ứng Những việc cần làm ngay”.

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã sớm nhận thấy những “căn bệnh” tham nhũng, lãng phí, quan liêu cản trở công cuộc Đổi mới và chứa đựng nhiều nguy cơ, có thể trở thành “quốc nạn” cho nên kịp thời đề xuất “Những việc cần làm ngay”. Những bài báo với bút danh N.V.L trong mục này trên Báo Nhân Dân là luồng gió tươi mới của không khí dân chủ trong xã hội, thể hiện quyết tâm của Đảng chấn chỉnh lề lối công tác, đẩy lùi tiêu cực.

Giờ đây, cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí của chúng ta vẫn diễn ra quyết liệt với tinh thần “Không ngừng, không nghỉ, không có ngoại lệ, không có vùng cấm” trên nhiều lĩnh vực xã hội trong bối cảnh mới trước thềm kỷ nguyên mới. Tác giả N.V.L - Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và những tâm huyết của đồng chí để lại trên từng trang báo trong “Những việc cần làm ngay” vẫn vẹn nguyên giá trị và sức lay động cho đến ngày nay.
_____________

(1) N.V.L: Những việc cần làm ngay - Báo Nhân Dân ngày 10/7/1987.

(2) N.V.L: Những việc cần làm ngay - Báo Nhân Dân ngày 10/7/1987.

(3) Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh nhân Ngày Báo chí Việt Nam - Báo Quân đội nhân dân, số 10436, ngày 14/6/1990.

(4) N.V.L: Những việc cần làm ngay - Báo Nhân Dân ngày 24/6/1987.

(5) N.V.L: Những việc cần làm ngay - Báo Nhân Dân ngày 24/6/1987.

Ngô Vương Anh

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ven-nguyen-gia-tri-nhung-viec-can-lam-ngay-post890839.html
Zalo