Thể thao thành tích cao: Làm sao rời 'ao làng' để ra 'biển lớn'?

Olympic Paris 2024 là thêm một kỳ Thế vận hội (TVH) đáng quên với thể thao nước nhà, khi các vận động viên của Đoàn Thể thao Việt Nam (TTVN), sau hàng chục năm, vẫn chưa thể đứng trên bục nhận huy chương tại TVH. Bất chấp những khoản đầu tư không hề nhỏ, bất chấp những mong đợi lớn từ người hâm mộ, thể thao thành tích cao Việt Nam ngày càng tụt hậu, không chỉ so với thế giới mà ngay ở trong khu vực. Thực tế đáng buồn này đã khiến báo chí, dư luận tiếp tục bức xúc đặt lại câu hỏi không hề mới: TTVN cần phải làm gì, cần được đầu tư vào đâu, như thế nào mới có thể rời 'ao làng'?

Đỏ mắt tìm huy chương Olympic

Thế vận hội mùa hè Moscow 1980 là lần đầu tiên Việt Nam tham gia tranh tài tại ngày hội thể thao lớn nhất thế giới. Và phải mất 20 năm, tới Olympic Sydney 2000, TTVN mới giành được tấm huy chương bạc có ý nghĩa lịch sử của nữ võ sĩ taekwondo Trần Hiếu Ngân. Olympic Brazil 2016 là Đại hội thành công nhất của TTVN khi khi xạ thủ Hoàng Xuân Vinh môn bắn súng xuất sắc giành 1 HCV nội dung 10m súng ngắn hơi và 1 HCB nội dung 50m súng ngắn.

Tổng cộng cho đến nay, hơn 4 thập kỷ trôi qua, TTVN đã tham dự 9 kỳ Olympic, tuy nhiên, chúng ta mới giành vỏn vẹn 5 tấm huy chương, bao gồm 1 HCV, 3 HCB và 1 HCĐ. Sau cú đột phá đoạt 1 huy chương vàng, 1 huy chương bạc của Hoàng Xuân Vinh tại Olympic Brazil 2016, TTVN cho tới nay liên tiếp trắng tay khi không có tấm huy chương nào ở Olympic Tokyo 2021 và Olympic Paris 2024.

Điều đáng buồn hơn nữa là không chỉ kém về mặt thành tích, TTVN còn sa sút dần về số lượng và khả năng cạnh tranh. Mùa hè 2016 trên đất Brazil, có đến 23 VĐV Việt Nam tham gia tranh tài. Nhưng con số này giảm xuống 18 ở Tokyo 2020, và chỉ còn 16 vào năm nay - số lượng thấp nhất kể từ Olympic Bắc Kinh 2008 (với 13 vận động viên).

Nỗi buồn của TTVN lúc này không chỉ đến từ kết quả tay trắng, mà xét tổng thể cả nền thể thao, hầu như không có VĐV người Việt nào hiện đủ sức cạnh tranh một tấm huy chương Olympic. Chuỗi thành tích của TTVN tại TVH mờ nhạt tới mức nhiều người cho rằng dường như TTVN đang tham gia đấu trường Olympic chỉ thuần túy mang tính học hỏi và tích lũy kinh nghiệm.

Vì sao “ngợp” nơi biển lớn?

Trái ngược với vị thế thống trị bảng xếp hạng huy chương ở 2 kỳ SEA Games gần nhất (2022 và 2023), TTVN rõ ràng giờ đây đã quá “ngợp” khi vươn ra biển lớn Olympic so với những người hàng xóm trong khu vực Đông Nam Á. Vì sao TTVN lại ra cơ sự đáng buồn đó?

Trong mọi nguyên nhân, câu chuyện “tiền đâu” dường như luôn được đưa ra hàng đầu. Theo Cục Thể dục thể thao (TDTT), kinh phí dành cho thể thao thành tích cao trong năm 2022 là hơn 686,5 tỷ đồng, năm 2023 là hơn 710,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia thể thao, dù khá lớn nhưng mức kinh phí nói trên không phải là nhiều, nói đúng hơn là chưa đủ.

Đơn cử mỗi năm bắn súng nước ta chỉ được cấp ngân sách khoảng 3,3 tỷ đồng trong khi nhu cầu thực tế cần từ 10 tỷ đến 12 tỷ đồng. Rõ ràng, mức đầu tư dành cho thể thao thành tích cao của Việt Nam so với một số nước trong khu vực như Thái Lan hay Singapore không bằng, chứ chưa nói đến các quốc gia khác trong châu lục. Muốn vươn tầm châu lục và thế giới, nhưng việc đầu tư cho TTVN lại ở tầm… khu vực. Nguồn kinh phí thấp dẫn đến rất khó thu hút tài năng trẻ, thiếu nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất, chuyên gia giỏi để phát triển thể thao đỉnh cao.

 Trịnh Thu Vinh là điểm sáng hiếm hoi của thể thao Việt Nam ở Olympic Paris.

Trịnh Thu Vinh là điểm sáng hiếm hoi của thể thao Việt Nam ở Olympic Paris.

Không phải đến thời điểm này, giới quản lý mới nhìn ra vấn đề của TTVN nhưng thấy là một chuyện còn cách làm, hướng đi và mục tiêu ra sao lại là điều đáng bàn. TTVN hướng đến các sân chơi tầm cỡ như ASIAD hay Olympic nhưng tìm kiếm nguồn đầu tư ra sao, tuyển chọn, tìm kiếm tài năng cho đến huấn luyện, tập huấn, thi đấu cọ xát tích lũy kinh nghiệm và bản lĩnh… Tất cả cần có một lộ trình phát triển với kế hoạch lâu dài, bài bản và đồng bộ.

Thực tế, việc đầu tư dàn trải và thiếu những môn thể thao mũi nhọn tầm châu lục cũng được nhìn nhận là một nguyên nhân căn bản kéo lùi TTVN. Như nhìn nhận của nhà báo Việt Tâm, tính từ thời điểm có HCV Asiad đầu tiên ở Hiroshima (Nhật Bản) năm 1994 đến nay, thể thao Việt Nam gần như cứ qua mỗi kỳ Asiad lại có một môn khác nhau nhận lãnh trách nhiệm săn HCV. Cũng vì thế mà cách đầu tư dàn trải, quá tập trung vào huy chương ở SEA Games khiến cho thể thao Việt Nam trở nên hụt hơi, khi bước ra đấu trường ở đẳng cấp cao hơn.

Hãy nhìn những ví dụ: Singapore đã tốn tới hàng chục triệu USD để đầu tư cho kình ngư Joseph Schooling tập huấn và thi đấu trước khi hưởng được “trái ngọt” HCV tại Olympic Rio de Janeiro 2016. Ở Philippines, chủ nhân của 2 tấm HCV thể dục dụng cụ tại Olympic Paris 2024 Carlos Yulo được đào tạo bài bản trong môi trường thể thao học đường, kết hợp với tập huấn quốc tế cũng như nhận học bổng đào tạo lên tới hàng chục ngàn USD/năm từ khi mới 12 tuổi - là những minh chứng.

Việc thiếu một chiến lược bài bản, dài hơi và chậm thay đổi theo từng thời kỳ; sự yếu kém về khoa học thể thao.. cũng được xem là những nguyên nhân khiến TTVN cứ mãi lặn lội trong “ao làng”. Theo nhiều chuyên gia, thể thao ngày nay, muốn đạt thành tích cao, không chỉ có nội lực, mà còn phải có sự hỗ trợ rất nhiều của khoa học, từ dinh dưỡng, phương pháp huấn luyện, các vấn đề hỗ trợ tập luyện và thi đấu (thuốc, thực phẩm chức năng, trang thiết bị...), y học thể thao... cùng chiến lược bài bản dài hơn. Những điều này, TTVN hoặc chưa có, hoặc vừa thiếu vừa yếu.

Làm sao rời “ao làng” để ra “biển lớn”?

Đúng như lời một cựu quan chức ngành TDTT, chúng ta không bỏ SEA Games. Đây là hoạt động thể thao của khối ASEAN có ý nghĩa cả chính trị, văn hóa, xã hội đồng thời để VĐV các quốc gia khu vực gắn kết với nhau hơn, nhưng nhìn vào sự tụt hậu quá lớn của thể thao đỉnh cao Việt Nam so với chính bạn bè trong khu vực, thấy rõ là TTVN không thể mãi trong “ao làng” mà phải buộc phải ra “biển lớn”. Tuy nhiên, vượt sóng cả như thế nào để ra “biển lớn” lại là điều đã được bàn tới từ lâu nhưng cho đến nay, việc hiện thực hóa là chưa được bao nhiêu hoặc vẫn chưa hiệu quả.

Ngược lại với Việt Nam, đấu trường Olympic chứng kiến sự bứt phá của khu vực Đông Nam Á, khi Philippines dẫn đầu khu vực và đứng thứ 37 bảng tổng sắp huy chương với 2 HCV và 2 HCĐ. Indonesia đứng thứ 39 (2 HCV, 1 HCĐ), Thái Lan thứ 44 (1 HCV, 3 HCB, 2 HCĐ), Malaysia thứ 80 (2 HCĐ) và Singapore thứ 84 (1 HCĐ). Nhìn bảng thành tích này có thể thấy rõ Việt Nam đứng dưới nhiều quốc gia, dù chúng ta thường xuyên vào tốp 3 Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games), thậm chí dẫn đầu một số đại hội gần đây.

Việc cần phải làm, đầu tiên vẫn cứ phải là câu chuyện kinh phí, nguồn lực. Con số 900 tỉ đồng mà VN đầu tư cho thể thao thấp hơn nhiều so với những nền thể thao mạnh ở Đông Nam Á, khi Thái Lan, Malaysia, Philippines hay Indonesia đều đầu tư tương đương hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm cho các VĐV.

“Đầu tư cho thể thao thành tích cao còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu để có thể đạt được thành tích, trình độ của châu lục và thế giới”, Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt đánh giá. Nguồn lực đầu tư của thể thao Việt Nam đa phần vẫn đang dựa vào ngân sách (mỗi năm 800-900 tỷ đồng), tỷ lệ xã hội hóa hoặc chuyên nghiệp hóa chưa nhiều. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, thể thao thành tích cao không nên chờ vào nguồn kinh phí của nhà nước.

“Cần nghiêm túc đặt câu hỏi rằng phải làm thế nào để thể thao Việt Nam có thể kiếm tiền và tự nuôi sống mình? Bên cạnh chờ đợi gỡ nút thắt cơ chế, được rót thêm vốn đầu tư từ ngân sách, lời giải cho thể thao chỉ có thể nằm ở nguồn lực xã hội hóa, thu hút thêm doanh nghiệp bỏ tiền vào cho VĐV”- Chuyên gia Đoàn Minh Xương khẳng định.

Bà Lê Thị Hoàng Yến, Cục phó Cục TDTT, khẳng định: “Một số liên đoàn trong nước đang làm tốt công tác xã hội hóa, nhờ quy tụ được những người giỏi, có tầm nhìn, nên làm việc bài bản và hiệu quả hơn. Dù vậy, cần nhìn nhận nguyên nhân khác đến từ lợi thế của chính bộ môn thể thao mà họ phụ trách. Trái ngược với một vài bộ môn được công chúng yêu thích, nhiều bộ môn chưa thu hút được sự quan tâm. Điều này đòi hỏi các liên đoàn cần hoạch định chiến lược, kiến tạo nền tảng hợp tác với doanh nghiệp, thay vì phụ thuộc cơ chế xin - cho như hiện nay. Đội ngũ nhân sự của họ cũng cần được đào tạo bài bản về marketing, tìm kiếm hợp đồng quảng cáo”.

Nhưng, tìm nguồn lực xã hội hóa ở đâu? Theo nhiều chuyên gia, TTVN cần có sự tham gia của các doanh nghiệp, chung tay với ngành thể thao trong việc định hướng, tuyển chọn VĐV cũng như tìm chuyên gia, đưa công nghệ vào huấn luyện, từ đó giúp nâng tầm VĐV. Thực tế là ở Việt Nam hiện nay, bên cạnh bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền có sự chung tay của doanh nghiệp, phần lớn các môn thể thao khác, chuyện xã hội hóa nguồn kinh phí vẫn là chuyện trong mơ. Nhưng khó không có nghĩa là không thể.

Chuyện kiếm tiền từ xã hội hóa ở Liên đoàn Taekwondo Việt Nam hoàn toàn có thể là một gợi ý. Không phải môn đại chúng như bóng đá, nhưng Taekwondo lại thành công với mô hình xã hội hóa thể thao. Ngay trước thềm SEA Games 32, Tập đoàn giải trí của Hàn Quốc CJ tiếp tục ký hợp đồng tài trợ Liên đoàn Taekwondo Việt Nam. Họ không chỉ cam kết hỗ trợ tập huấn, thi đấu, mà còn công khai tiền thưởng cho VĐV đạt thành tích tốt ở đấu trường quốc tế.

Đầu tư tập trung, có trọng tâm, trọng điểm và thiết thực cho VĐV ở những môn có khả năng tranh chấp huy chương Olympic cũng là việc cần làm ngay. Thể thao thành tích cao Việt Nam đang xây dựng lực lượng HLV, VĐV đạt chuyên môn để hướng tới góp mặt 3 đấu trường quan trọng nhất (theo từng giai đoạn diễn ra) là SEA Games (cấp độ Đông Nam Á), ASIAD (cấp độ châu Á) và Olympic (cấp độ thế giới). Mỗi một đấu trường, thể thao Việt Nam có nhiệm vụ riêng về thành tích. Việc triển khai thực hiện như thế nào sẽ phụ thuộc vào chính những cá nhân, tập thể có trách nhiệm. Và trước khi tìm ra giải pháp, chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật rằng chúng ta đang tụt hậu trong thực hiện “Chiến lược phát triển thể dục thể thao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do chính ngành văn hóa, thể thao và du lịch xây dựng.

Kinh phí và câu chuyện đầu tư - chỉ khi nào giải được thỏa đáng hai bài toán quan trọng này thì mới có thể đưa thể thao Việt Nam thực sự thoát khỏi “ao làng” và tính chuyện bơi ra “biển lớn”.

Bà Lê Thị Hoàng Yến, Cục phó Cục TDTT, khẳng định: “Một số liên đoàn trong nước đang làm tốt công tác xã hội hóa, nhờ quy tụ được những người giỏi, có tầm nhìn, nên làm việc bài bản và hiệu quả hơn. Dù vậy, cần nhìn nhận nguyên nhân khác đến từ lợi thế của chính bộ môn thể thao mà họ phụ trách. Trái ngược với một vài bộ môn được công chúng yêu thích, nhiều bộ môn chưa thu hút được sự quan tâm. Điều này đòi hỏi các liên đoàn cần hoạch định chiến lược, kiến tạo nền tảng hợp tác với doanh nghiệp, thay vì phụ thuộc cơ chế xin - cho như hiện nay. Đội ngũ nhân sự của họ cũng cần được đào tạo bài bản về marketing, tìm kiếm hợp đồng quảng cáo”.

Không phải đến thời điểm này, giới quản lý mới nhìn ra vấn đề của TTVN nhưng thấy là một chuyện còn cách làm, hướng đi và mục tiêu ra sao lại là điều đáng bàn. TTVN hướng đến các sân chơi tầm cỡ như ASIAD hay Olympic nhưng tìm kiếm nguồn đầu tư ra sao, tuyển chọn, tìm kiếm tài năng cho đến huấn luyện, tập huấn, thi đấu cọ xát tích lũy kinh nghiệm và bản lĩnh… Tất cả cần có một lộ trình phát triển với kế hoạch lâu dài, bài bản và đồng bộ.

Anh Thư

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/the-thao-thanh-tich-cao-lam-sao-roi-ao-lang-de-ra-bien-lon-post307773.html
Zalo