Thể thao thành tích cao cần những giải pháp triệt để
Lúc này, người làm chuyên môn, nhà quản lý cùng các chuyên gia đang rất chờ đợi Hội thảo tọa đàm định hướng phát triển thể thao thành tích cao tới năm 2030 do Bộ VH-TT-DL chủ trì và Cục TDTT là đơn vị thực hiện sớm diễn ra. Thời gian còn lại của năm 2023 không còn nhiều cũng như các chương trình chuẩn bị kế hoạch cho thể thao Việt Nam trong nhiều năm tiếp theo sẽ phải thực hiện triệt để...
Kỹ lưỡng cho công tác hội thảo
Lãnh đạo Cục TDTT đã làm việc với các đơn vị chuyên môn cùng đại diện Ủy ban Olympic Việt Nam ngày 29-11 vừa qua từ đó kiểm tra tiến độ thực hiện các chương trình sẽ đưa vào làm việc tại Hội thảo tọa đàm định hướng phát triển thể thao thành tích cao tới năm 2023 được tổ chức sắp tới. Dự kiến ban đầu, thời điểm tổ chức giai đoạn cuối tháng 11, sau đó thời điểm được tính toán lại có thể là ngày 1-12. Tuy nhiên vào lúc này, qua tìm hiểu, dự kiến thời gian thực hiện Hội thảo nhiều khả năng là ngày 7-12.
Theo sự chuẩn bị của các đơn vị chuyên môn, Hội thảo mang đúng mục đích thảo luận và ghi nhận những ý kiến đóng góp về chuyên sâu thể thao thành tích cao. Do đó, ban tổ chức dự kiến sẽ tập trung vào 2 nội dung quan trọng làm chủ điểm đó là định hướng mục tiêu và giải pháp phát triển thể thao thành tích cao trong thời gian tới, đặc biệt là các kỳ Olympic, ASIAD và SEA Games từ nay cho tới năm 2030; Thảo luận các giải pháp cụ thể để giành được Olympic (năm 2024 và 2028); HCV ASIAD năm 2026 và 2030, HCV SEA Games các năm 2025, 2027, 2029.
Thực tế, chúng ta còn 1 năm chuẩn bị cho đấu trường Olympic năm 2024 và còn gần 3 năm chuẩn bị cho ASIAD 20 năm 2026 nên những thảo luận được kỳ vọng là gợi mở tư vấn cho nhà quản lý thể thao có nhiều góc nhìn trực diện vào từng lát cắt của thể thao Việt Nam. Chúng ta có điểm mạnh, điểm yếu và yếu tố nào cần thiết giúp đẩy mạnh sự phát triển thực chất sẽ được đưa ra ở Hội thảo.
Ngoài ra, theo Cục TDTT, hội thảo dự kiến cũng sẽ có những tham luận với nhiều vấn đề đổi mới, sáng tạo thể thao thành tích cao tại Việt Nam cũng như các giải pháp ứng dụng khoa học trong công tác huấn luyện, đào tạo VĐV thể thao thành tích cao...
Chỉ một hội thảo khó giải quyết vấn đề
Về lý thuyết, hội thảo được tổ chức sẽ là nơi mà nhiều người trong lĩnh vực thể thao cùng tham gia đóng góp, phân tích các vấn đề cho thể thao thành tích cao của nước nhà. Nhưng tất cả cùng hiểu, thời gian tổ chức Hội thảo sẽ gói gọn trong một buổi làm việc nên rất khó giải quyết nhiều vấn đề nếu không muốn nói khó không đủ thời gian để nhiều ý kiến cùng chia sẻ. Đương nhiên, nhà tổ chức sẽ phải chọn lọc các nội dung để cô đọng nhất.
Thay đổi để phát triển hơn thể thao thành tích cao của chúng ta cần một quá trình đủ dài về thời gian để tạo được tính bền vững. Quan trọng nhất, sự đồng bộ phải được đặt lên hàng đầu. Sự đồng bộ đó là có cơ sở vật chất dành cho đào tạo, huấn luyện VĐV đảm bảo tiêu chuẩn; các cơ chế chính sách về chế độ dinh dưỡng, thuốc men; các chiến lược cụ thể về mục tiêu thi đấu. “Đổi mới công tác quản lý HLV, VĐV đội tuyển tại các Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia; công tác xã hội hóa thể thao thành tích cao” là vấn đề được Cục TDTT sẽ đề cập tới tại Hội thảo lần này.
Điều cần thiết trên hết là thể thao phải được một nguồn lực đầu tư mạnh mẽ. Chúng ta hiện có 4 Trung tâm HLTTQG dành riêng cho công tác tập trung đào tạo chuyên biệt các đội tuyển thể thao quốc gia tại Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ.
Chưa kể, thể thao Việt Nam còn có Khu liên hợp thể thao Quốc gia Mỹ Đình. Tính hiệu quả trong sự dụng công năng của Khu liên hợp thể thao Quốc gia Mỹ Đình còn là bài toán chưa thể giải quyết tức thời. Cũng như, cơ sở vật chất tại các Trung tâm HLTTQG đã và đang cần làm mới, trang bị trang thiết bị hiện đại để nâng cao hơn sự hỗ trợ trong tập luyện phải được giải quyết triệt để chứ mãi không chỉ đưa ra các ý kiến trong Hội thảo rồi bàn bạc trên bàn giấy.