Thể thao nơi đảo xa

Bên cạnh huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, các hoạt động thể dục thể thao (TDTT) luôn được cán bộ, chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam đặc biệt quan tâm. TDTT không chỉ giúp nâng cao thể lực, vơi bớt nỗi nhớ đất liền mà đó còn là 'chất keo' tạo sự gắn kết giữa đồng đội, giữa quân và dân.

Người dân đảo Đá Tây A thi đẩy gậy trong không khí vui nhộn

Người dân đảo Đá Tây A thi đẩy gậy trong không khí vui nhộn

“Nhà hát của những giấc mơ”

“Chuyền qua cánh trái”, “Qua người hay quá”, “Sút đi, sút nhanh đi”, “Vaooòo”… Những âm thanh sôi động từ sân bóng đá cỏ nhân tạo trên đảo Trường Sa lớn liên tục vang lên như át đi tiếng gió, tiếng sóng mùa biển động một chiều cuối năm 2024.

Cũng quần đùi, áo số, giày đinh; cũng khung thành, lưới quây quanh sân; cũng huấn luyện viên, trọng tài ngược xuôi toát mồ hôi theo từng nhịp di chuyển của cầu thủ… Những trận bóng đá của các cán bộ, chiến sĩ trên đảo Trường Sa lớn thật sự khiến ánh nhìn của nhóm phóng viên trở nên chăm chú hơn. Chăm chú một phần để chọn những góc chụp, để cố gắng bắt được những khoảnh khắc đẹp, nhưng phần còn lại, có lẽ, chính là ngạc nhiên. Ngạc nhiên và so sánh.

Và rằng, từ không khí, trang bị cho đến trình độ cầu thủ, chất lượng trận đấu… nơi đây chẳng khác biệt mấy so với đất liền. Thậm chí, do đã quen với điều kiện thời tiết thất thường nên dù gió lớn, những đường chuyền bổng, những cú sút về phía khung thành vẫn được các chiến sĩ thực hiện đầy sức mạnh với độ chính xác cao.

Không chỉ mỗi bóng đá, cán bộ, chiến sĩ nơi đây cũng cho thấy mình là những tay đập cự phách trong môn bóng chuyền khi thực hiện những cú đánh chéo biên, chồng biên, đập, đệm thấp tay, cao tay… khá điêu luyện. Và dường như, tiếng cười ở sân chơi này vang lên thường xuyên hơn. Lý do, nơi đây thường xuyên có gió lớn nên không ít lần đang phối hợp tấn công nhịp nhàng thì bất ngờ bóng đi một nơi, người một nơi…

Cán bộ, chiến sĩ trên đảo Trường Sa lớn đá bóng sau giờ huấn luyện

Cán bộ, chiến sĩ trên đảo Trường Sa lớn đá bóng sau giờ huấn luyện

Nhờ diện tích rộng, đảo Trường Sa lớn hiện có 2 sân bóng đá cỏ nhân tạo, 7 sân bóng chuyền, 10 sân cầu lông và 18 bàn bóng bàn cùng 1 công viên mini được lắp đặt một số thiết bị, dụng cụ để giúp quân và dân trên đảo rèn luyện thể lực và thư giãn. Và ở những đảo, điểm đảo tiếp theo thuộc Quần đảo Trường Sa của Việt Nam trong chuyến hải trình trên tàu HQ - 561 cùng đoàn công tác Vùng 4 Hải quân cuối năm 2024, mỗi khi nhắc những chuyện liên quan đến tập luyện TDTT, các phóng viên đến từ mọi miền Tổ quốc thường xuyên nghe anh em chiến sĩ nói vui rằng, đó là “Nhà hát của những giấc mơ”…

Tất nhiên, ở đây không hề có chuyện “Nhất bên trọng, nhất bên khinh”. Do diện tích, không gian của các đảo, điểm đảo còn lại nhỏ hơn nên việc đầu tư, trang cấp dụng cụ, trang thiết bị tập luyện TDTT sẽ tùy theo tình hình thực tế. Và để đáp ứng nhu cầu rèn luyện, thụ hưởng lợi ích mà TDTT đem lại, các đảo thuộc Quần đảo Trường Sa của Việt Nam như An Bang, Đá Đông, Đá Tây… đều được đầu tư xà đơn, xà kép, bàn bóng bàn, sân bóng chuyền, phòng tập thể lực… với dụng cụ tập luyện hiện đại, đa dạng, giúp cán bộ, chiến sĩ ở đây rèn luyện, thư giãn theo sở thích, năng khiếu của mình.

“Có người chơi tạ, có người thích tập xà đơn, còn có người thì bóng bàn là lựa chọn hàng đầu. Nhưng hàng đầu, chứ không phải duy nhất. Do có môn chú trọng sức mạnh như tạ, có môn đòi hỏi phản xạ linh hoạt như bóng bàn nên hầu hết các chiến sĩ vẫn tham gia thêm các môn khác ngoài môn yêu thích nhất, bởi điều này sẽ bổ trợ tốt cho nhau”, Thiếu tá Dương Ngọc Tấn - Chính trị viên đảo An Bang cho hay.

 Nhảy bao bố

Nhảy bao bố

Gắn kết tình quân dân

Ngoài tập luyện thể thao, tại một số đảo như Trường Sa lớn, Đá Tây A…, vào những dịp lễ tết, cuối tuần thường tổ chức các trò chơi, các môn thể thao dân tộc, như ném vòng vào cổ chai, đẩy gậy, kéo co… Khi ấy, tất thảy nam, nữ, người lớn, trẻ nhỏ cùng tham gia, khiến cho không khí trên các đảo luôn sôi động, tràn ngập tiếng cười và tình quân - dân càng thêm khăng khít.

“Bên cạnh tivi, sách báo, phim ảnh để giải trí, thỉnh thoảng cán bộ, chiến sĩ tổ chức các hoạt động như thế này để chúng tôi tham gia. Phần thưởng cho người chiến thắng tuy chỉ là gói bánh, chai nước ngọt hay đôi lúc là những nụ cười, những tràng vỗ tay cổ vũ, nhưng điều này vẫn khiến chúng tôi, và nhất là con trẻ vui cả ngày”, anh Vi Văn Nam - người dân sinh sống tại đảo Trường Sa lớn vui vẻ cho hay sau 3 lượt thi ném vòng vào cổ chai đều… trật lất.

Tại đảo Đá Tây A, không gian diễn ra các trò chơi, thi đấu thể thao, như đẩy gậy, kéo co… chủ yếu ở khoảng sân thoáng đãng phía trước Nhà Đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam được xây khá bề thế, khang trang. Và không chỉ diễn ra vào dịp lễ tết, cuối tuần, hoạt động này còn được tổ chức mỗi khi có khách từ đất liền. Và khi ấy, âm thanh sôi động, rộn rã của tiếng nói, tiếng cười như át đi tiếng sóng giữa trùng khơi.

“Cùng tham gia, cùng chia sẻ niềm vui qua những trò chơi, những hoạt động thể thao đã giúp những người dân nơi đảo xa cảm thấy không còn quá nhiều khoảng cách với đất liền, và quan trọng hơn là càng khiến tình đoàn kết, keo sơn giữa chúng tôi với các cán bộ, chiến sĩ trên đảo ngày càng khăng khít, tất cả như là người thân trong gia đình”, chị Vi Thu Trang - người dân trên đảo Đá Tây A chia sẻ khi đang đứng cổ vũ ở phần thi đẩy gậy.

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/the-thao/the-thao-noi-dao-xa-151998.html
Zalo