Thể thao Đông Nam Á trên đường tìm kiếm huy chương Thế vận hội

Cả 11 quốc gia Đông Nam Á đều có đoàn tham dự Thế vận hội mùa hè Olympic Paris 2024, nhưng trong khi có quốc gia nhiều khả năng giành được huy chương (HC) thì cũng có những nước đến nay rất khó tìm được một tấm huy chương thế giới dù bất kỳ màu nào.

Thái Lan hiện có đương kim vô địch cầu lông đơn nam thế giới Kunlavut Vitidsarn, trong đội hình của mình, ứng viên giành HC Vàng Olympic năm nay

Thái Lan hiện có đương kim vô địch cầu lông đơn nam thế giới Kunlavut Vitidsarn, trong đội hình của mình, ứng viên giành HC Vàng Olympic năm nay

Cộng đồng Đông Nam Á hiện có 11 quốc gia thành viên với tổng dân số trên 655 triệu người, chỉ ít hơn toàn bộ châu Âu chừng 100 triệu người (châu Âu hiện có trên 741 triệu người). Dân số đông, kinh tế - xã hội có những bước phát triển những năm gần đây, đời sống người dân nói chung trong khu vực được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, thể thao hầu hết các quốc gia Đông Nam Á trên sân chơi Olympic thế giới có khoảng cách rất lớn, nếu không nói đây vẫn là một “vùng trũng” về thể thao của châu Á, rất khó bắt kịp nhiều quốc gia có nền thể thao mạnh trên thế giới hiện nay.

Trong cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á, giành được nhiều huy chương nhất tại Thế vận hội tính cho đến trước thời điểm Olympic Paris 2024 diễn ra chính là Indonesia - đất nước đông dân nhất trong khu vực với trên 270 triệu dân. Indonesia đã đặt chân đến Olympic mùa hè từ năm 1952 tại Helsinki, Phần Lan với 3 vận động viên (VĐV) nhưng lần đầu tham dự đó họ chẳng giành được tấm huy chương nào.

4 năm sau, tại Olympic Melbourne 1956 ở Úc, Indonesia đã có một lực lượng hùng hậu gồm 30 VĐV tham gia tranh tài nhưng họ cũng ra về tay trắng. Phải đến Olympic 1988 tại Seoul, Hàn Quốc, sau bao nhiêu năm tham dự, nước này mới giành được tấm HC đầu tiên, đó là 1 HC Bạc duy nhất tại kỳ Thế vận hội này. Và rồi tại Olympic Barcelona, Tây Ban Nha năm 1992, trong sự ngạc nhiên, họ đã giành được đến 5 tấm HC trong đó có cả 2 tấm HC Vàng.

Cho đến trước Olympic Paris 2024, Indonesia đã giành được 37 HC từ các kỳ Thế vận hội, nhiều nhất trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có 8 HC Vàng, 14 HC Bạc và 15 HC Đồng. Tuy nhiên số HC giành được này không dàn đều cho một số môn thể thao mà ở bộ môn họ mạnh nhất là cầu lông với 21 HC trong đó có 8 HC Vàng; rồi đến môn cử tạ với 15 HC giành được trong môn này với 7 HC Bạc và 8 HC Đồng; tấm HC Bạc còn lại là của môn bắn cung.

Tuy nhiên, quốc gia mạnh nhất về thể thao và dẫn đầu khu vực Đông Nam Á trên sàn đấu Olympic cho đến nay chính là Thái Lan, dù dân số nước này chỉ có trên 67 triệu người. Cùng Indonesia, Thái Lan bắt đầu tranh tài tại Thế vận hội mùa hè từ năm 1952 tại Helsinki, Phần Lan nhưng HC chưa đến với họ ngay. Phải đến Thế vận hội 1976 tại Montreal - Canada nước này lần đầu tiên mới giành được 1 tấm HC và đó là tấm HC Đồng. Đến Thế vận hội 1996 tại Atlanta, Mỹ, người Thái lần đầu tiên giành được HC Vàng, cùng với 1 HC Đồng tại đây.

Từ năm đó cho đến trước Paris 2024, trải qua 6 kỳ Olympic mùa hè, chỉ trừ lần tham dự tại Olympic 2012 tại London không có HC Vàng, các kỳ còn lại VĐV Thái khi tham dự đều giành được HC Vàng. Tổng cộng nước Thái qua các kỳ Olympic mùa hè tính đến trước Olympic Paris 2024 đã giành được 35 HC, trong đó có 10 HC Vàng, 8 HC Bạc và 17 HC Đồng. Nếu so về số lượng thì Thái Lan giành được HC có ít hơn Indonesia 2 tấm (Indonesia có đến 37 tấm HC), tuy nhiên về chất lượng thì Thái Lan trội hơn vì giành được đến 10 HC Vàng so với Indonesia chỉ có 8 HC Vàng.

Và điều đáng nói là trong khi HC Vàng của Indonesia tập trung vào bộ môn duy nhất là cầu lông thì Thái Lan có đến 3 môn giành được HC Vàng thế giới, trong đó có 5 HC Vàng của môn cử tạ, 4 HC Vàng quyền Anh và 1 HC Vàng môn taekwondo.

Sau Thái Lan và Indonesia thì Philippines cũng là một quốc gia giành được nhiều HC tại các kỳ Thế vận hội mùa hè. Thực chất, đây là nước có mặt rất sớm tại các kỳ Thế vận hội mùa hè, sớm nhất trong khu vực Đông Nam Á. Họ đã từng có mặt tại Thế vận hội tại Paris - Pháp năm 1924 dù lúc đó chỉ có 1 VĐV thi đấu. Đến năm 1928, quốc gia này đã giành được tấm HC đầu tiên từ Thế vận hội mùa hè tại Amsterdam - Hà Lan, năm đó là chiếc HC Đồng.

Cho đến trước Olympic Paris 2024, Philippines đã giành được tổng cộng 14 HC trong đó có 1 tấm HC Vàng về cử tạ (tại Tokyo 2020), 5 HC Bạc (trong đó có 4 HC Bạc môn quyền Anh, 1 HC Bạc môn cử tạ) và 8 HC Đồng (4 HC Đồng trong môn quyền Anh, 2 HC Đồng trong môn điền kinh và 2 HC Đồng trong môn bơi).

Malaysia cũng là quốc gia có đoàn VĐV tranh tài Thế vận hội mùa hè từ năm 1956 tại Melbourne - Úc, và cho đến trước Olympic Paris 2024, nước này đã giành được tổng cộng 13 HC Thế vận hội, trong đó có 8 HC Bạc (6 HC Bạc của môn cầu lông, 2 HC Bạc còn lại của môn lặn và xe đạp), 5 HC Đồng (trong đó có 3 HC Đồng của môn cầu lông và 1 HC Đồng của môn xe đạp và 1 HC Đồng môn lặn).

Các quốc gia giành được HC Thế vận hội mùa hè còn lại trong khu vực Đông Nam Á tính đến trước Olympic Paris 2024 là Singapore với 5 HC; Việt Nam với 5 HC. Trong 5 HC của Singapore có 1 tấm HC Vàng môn bơi (VĐV mang về HC Vàng duy nhất cho Singapore là Joseph Schooling ở nội dung 100 m bơi bướm tại Thế vận hội Rio de Janeiro - Brazil năm 2016); 2 HC Bạc (1 HC Bạc trong môn bóng bàn và 1 HC Bạc trong môn cử tạ) và 2 HC Đồng (đều trong môn bóng bàn).

Còn 5 HC của Thể thao Việt Nam có 1 HC Vàng của VĐV Hoàng Xuân Vinh môn bắn súng tại Rio de Janeiro- Brazil 2016; 3 tấm HC Bạc gồm 1 tấm của VĐV Trần Hiếu Ngân giành được tại Sydney - Úc 2000 trong môn taekwondo nữ hạng cân 57 kg; tấm thứ 2 của VĐV Hoàng Anh Tuấn trong môn cử tạ hạng 56 kg nam tại Bắc Kinh năm 2008 và tấm thứ ba của Hoàng Xuân Vinh trong môn bắn súng tại Rio de Janeiro - Brazil 2016. Còn 1 HC Đồng của VĐV Trần Lê Quốc Toàn trong môn cử tạ hạng cân nam 56 kg tại Thế vận hội London - Anh năm 2012.

Tính đến trước Thế vận hội Paris 2024, có 5 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á chưa từng giành được tấm HC nào tại Thế vận hội, đó là các nước Brunei, Lào, Campuchia, Myanmar và Đông Timor.

Có thể thấy, thế mạnh của các quốc gia Đông Nam Á trong suốt chiều dài tham dự các kỳ Thế vận hội mùa hè có thể tranh chấp HC chính là từ các môn như cầu lông, quyền Anh, cử tạ, bóng bàn và các môn võ. Trong đó Indonesia rất mạnh về cầu lông; Thái Lan và Philippines mạnh về quyền Anh; còn cử tạ các hạng cân nhẹ cũng là thế mạnh của nhiều nước trong khu vực có khả năng có thể tranh chấp HC thế giới.

Chính vì vậy, tham dự Olympic Paris 2024 năm nay, các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đang nỗ lực tập trung cho thế mạnh lâu nay của mình có khả tranh chấp HC tại Thế vận hội. Chẳng hạn như Thái Lan - nước có có đoàn VĐV tham dự nhiều nhất Đông Nam Á, trong 51 VĐV tranh tài các nội dung của 16 môn thi đấu, có đến 9 VĐV của môn cầu lông và 8 VĐV trong môn quyền Anh. Cần biết rằng, những VĐV của tất cả các đoàn để đến được với Olympic Paris 2024 đều cần phải đạt chuẩn trong bộ môn của mình mới giành được tấm vé này.

Tương tự, trong đoàn 29 VĐV của Malaysia cũng có 8 VĐV thi đấu cầu lông, 4 VĐV thi đấu xe đạp và 3 VĐV thi đấu bắn cung; đoàn Indonesia với 26 VĐV có đến 9 VĐV cầu lông và 4 VĐV bắn cung; đoàn Singapore 23 VĐV có 5 VĐV thi đấu môn bơi, 4 VĐV thi đấu cầu lông. Còn Philippines trong 22VĐV có 5 VĐV thi đấu quyền Anh. Các nước còn lại như Việt Nam (có 16 VĐV), Đông Timor (có 4 VĐV), Brunei (có 3VĐV), Campuchia (có 3 VĐV), Lào (có 3 VĐV) và Myanmar (có 2 VĐV) các môn thi đấu có dàn đều hơn.

Trừ một số môn có thể gây bất ngờ, như bắn súng chẳng hạn, còn hầu hết các môn Olympic đều cần có một thời gian tích lũy tập luyện rất lâu, đầu tư bài bản. Chính vì vậy, sẽ rất khó cho các quốc gia Đông Nam Á nào muốn giành HC nhưng lại không có được thế mạnh của mình khi bước ra sân chơi thế giới.

VIẾT TRỌNG

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/the-thao/202408/the-thao-dong-nam-a-tren-duong-tim-kiem-huy-chuong-the-van-hoi-72c2bdf/
Zalo