Thể thao Đông Nam Á chuẩn bị cho Sea Games 2025
Thể thao các quốc gia Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam, đang tích cực chuẩn bị các nội dung thi đấu tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2025 diễn ra vào tháng 12/2025 tại Thái Lan.

• LỄ KHAI MẠC TRONG KHÔNG GIAN MỞ
Đây đã là lần thứ 7, Thái Lan đứng ra đăng cai tổ chức Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games) và đây là lần thứ 33 sự kiện thể thao lớn của cộng đồng 11 quốc gia trong vùng Đông Nam Á được tổ chức tính từ lần đầu tiên diễn ra trong năm 1959 đến nay.
Điểm thú vị, SEA Games 2025 lần này lại quay về ngay tại Bangkok, Thái Lan - thành phố và cũng là quốc gia đầu tiên đăng cai tổ chức Đại hội Thể thao Đông Nam Á. Ban đầu, Đại hội Thể thao Đông Nam Á này chưa có cái tên như hiện nay mà được gọi là “SEAP Game” vốn viết tắt từ cụm từ tiếng Anh “The South East Asian Peninsular Games”, sau đó được chuyển sang thành “Southeast Asian Games” và hiện nay là SEA Games.
Trong năm nay, SEA Games 2025 sẽ chứng kiến sự chuyển đổi mạnh mẽ hơn nữa theo mục tiêu mà các nhà tổ chức ngay từ ban đầu đặt ra. Đó là việc đưa giải đấu này đến gần hơn với các chuẩn mực và nội dung thi đấu của các kỳ Đại hội Thể thao châu Á (Á vận hội) lẫn Thế vận hội Olympic. SEA Games cho đến nay vẫn được tổ chức 2 năm 1 lần, diễn ra vào năm lẻ, xen giữa chu kỳ Á vận hội và Thế vận hội. Như đánh giá, SEA Games cho đến nay đã làm rất tốt việc tăng cường hữu nghị, đoàn kết, sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nước trong khu vực ASEAN và đang không ngừng nỗ lực nâng cao thành tích vận động viên (VĐV), hướng đến các môn thể thao Olympic để tạo cơ sở cho VĐV các nước có thể đạt chuẩn tham gia Á vận hội và Thế vận hội.
SEA Games lần thứ 33 tại Thái Lan năm nay theo kế hoạch vẫn có mặt đầy đủ 11 thành viên trong cộng đồng Đông Nam Á, kéo dài từ ngày 9 đến 20/12, thi đấu 50 môn và phân môn thể thao với 574 bộ huy chương được trao.
Tuy nhiên, việc tổ chức thi đấu của SEA Games 2025 năm nay không chỉ bó hẹp tại TP Bangkok mà còn 2mở rộng ra nhiều địa điểm ở các tỉnh chung quanh thành phố này cũng như tại 2 tỉnh Chonburi và Songkhla. Các địa điểm thi đấu này là những cơ sở thể thao đã từng được sử dụng khi nước này đăng cai SEA Games 1985; Asian Games 1998 và Đại hội Thể thao sinh viên thế giới 2007 (Summer Universiade 2007) nay được đầu tư, nâng cấp.
Với Bangkok, thành phố này cùng với các vùng đô thị lân cận xung quanh tại các tỉnh Nakhon Pathom, Nonthaburi, Pathum Thani, Samut Prakan và Samut Sakhon sẽ tổ chức thi đấu 31 môn thể thao. Trong khi đó, tỉnh Chonburi tổ chức 15 môn và tỉnh Songkhla tổ chức 10 môn. Riêng môn bóng đá nam, các trận vòng loại được tổ chức tại Chiang Mai, còn môn bắn đĩa bay (skeet shooting) tổ chức tại tỉnh Ratchaburi.
Một điểm nhấn cần được nói đến của SEA Games 2025 chính là chủ nhà sẽ tổ chức một buổi lễ khai mạc mở. Diễn ra trong ngày 9/12, địa điểm tổ chức lễ khai mạc thay vì trong sân vận động khép kín như vẫn thường thấy tại các kỳ đại hội thể thao lớn trên thế giới, chủ nhà Thái Lan sẽ tổ chức trong một không gian mở tại công viên công cộng Sanam Luang.
Rộng 119.200 m2, Sanam Luang nằm tại khu vực trung tâm mang tính lịch sử của Bangkok, công viên này thường được sử dụng cho các hoạt động lớn mang tính lễ nghi trang trọng của Hoàng gia Thái Lan cũng như của nước Thái. Ban tổ chức cho biết, lấy cảm hứng từ lễ khai mạc mở đầy ấn tượng dọc theo con sông Seine tại Paris của Thế vận hội Paris 2024 tại Pháp, Thái Lan lần này sẽ tổ chức tại Sanam Luang một lễ khai mạc tương đối độc đáo với Cung điện Hoàng gia Thái (Grand Palace) làm nền phía sau với sự tham dự đông đảo của quan khách và người dân.
Vẫn chưa có thông tin cụ thể về lễ khai mạc này, nhưng đây là lần thứ hai, một SEA Games tổ chức lễ khai mạc trong không gian mở nằm ngoài sân vận động như thế. Lần trước, đó là tại SEA Games 2005 do Philippines đăng cai, lễ khai mạc của sự kiện thể thao này được tổ chức tại công viên Rizal (Rizal Park) TP Manila.
• NỖ LỰC VƯƠN TẦM
Đặc biệt, trong năm nay chủ nhà Thái Lan khi đăng cai đã đặt ra mục tiêu hướng SEA Games vào các chuẩn thi đấu với các môn thể thao nằm trong khuôn khổ Á vận hội và Thế vận hội.
Đây là một nỗ lực rất lớn để nâng tầm cho SEA Games sau nhiều năm ngày hội thể thao lớn nhất khu vực Đông Nam Á này được ví như một mỏ vàng về huy chương như một phần thưởng dành cho nước chủ nhà khi bỏ tiền đăng cai. Điều này có nghĩa rằng khi đăng cai, các chủ nhà để “thuận lợi” cho mình trong việc tranh giành huy chương đã “nhẹ nhàng” loại ra các môn thi đấu mà mình chuẩn bị chưa tốt, kể cả đó có là các môn trong chương trình thi đấu của Á vận hội hay của Thế vận hội. Thậm chí, các chủ nhà còn điềm nhiên đưa vào các môn thi đấu kiểu “trời ơi đất hỡi” ít phổ biến, khiến các đội thể thao các quốc gia khác lúng túng, không kịp trở tay chuẩn bị để đội nhà dễ thâu tóm huy chương.
Thật ra, những cách làm trên đã bị phê phán rất nhiều, như là một cách làm “phi thể thao”, làm cho SEA Games dần biến thành một cái “ao làng”, ngày càng tụt hậu so với thế giới. Rất nhiều tấm huy chương vàng được trao nhưng có thể hỏi đã có bao nhiêu VĐV giành được huy chương vàng SEA Games có thể vươn tay đến các tấm huy chương của Á vận hội lẫn Thế vận hội?
Rất nhiều quốc gia thành viên trong cộng đồng Đông Nam Á đã đề xuất những cách làm mới nhằm thay đổi SEA Games theo hướng tích cực hơn, điển hình là Thái Lan, Malaysia và Singapore, trong đó có việc thay đổi điều lệ tổ chức đại hội.
Như một điều lệ đưa ra bắt đầu có hiệu lực từ năm 2025 này, quy định rằng sẽ có ít nhất là 41 môn thể thao trong chương trình thi đấu của SEA Games, trong đó có 12 môn thể thao bắt buộc theo khuôn khổ của Thế vận hội và Á vận hội thuộc nhóm I; có ít nhất là 25 môn Thế vận hội và Á vận hội ở nhóm II và có ít nhất 4 môn thể thao thêm vào ở nhóm 3. Trong nhóm I và nhóm II, các huy chương phải tương đồng với chương trình thi đấu Thế vận hội và Á vận hội, còn các môn thể thao ở nhóm III không được quá 8 môn và phải được đưa vào danh sách trước một năm để các quốc gia khác có thời gian chuẩn bị.
Theo công bố của chủ nhà Thái Lan, tại SEA Games 2025, các môn thể thao được chia nhóm cụ thể, trong đó nhóm I có 18 môn thể thao gồm các môn có mặt tại Thế vận hội mùa đông Milan 2026 và Thế vận hội mùa hè Los Angeles 2028, chẳng hạn như điền kinh, bơi, bắn cung, cầu lông, bóng rổ, chèo thuyền…, nhóm II bao gồm các môn trong khuôn khổ Á vận hội ASIAD và Đại hội thể thao trong nhà châu Á gồm 18 môn. Còn nhóm III có 4 môn là cờ vua, teqball, kickboxing, woodball và nhóm các môn biểu diễn như flying disc, kéo co, airsport.
• PHẤN ĐẤU TRONG TOP 2
Để chuẩn bị cho SEA Games 33, thể thao Việt Nam trong đầu năm nay đã chọn chọn 17 môn thể thao đầu tư trọng điểm tính từ năm 2025 trở đi bao gồm các môn như: bơi, bắn súng, bắn cung, boxing, cầu lông, cử tạ, điền kinh, đua thuyền, đấu kiếm, thể dục dụng cụ, taekwondo, xe đạp, Judo, vật (nhóm môn Olympic); wushu, cầu mây, karate (nhóm môn ASIAD). Mục tiêu đặt ra cho SEA Games 33 lần này là giành được từ 75 - 85 huy chương vàng, đứng trong nhóm dẫn đầu của đại hội, ít nhất là vị trí thứ 3, nếu được phấn đấu lên vị trí thứ nhì.
Và như một quan chức của ngành Thể thao, việc đầu tư các môn thể thao vào hàng trọng điểm này không chỉ chuẩn bị cho cho SEA Games 33 mà còn tính đường tạo nguồn lâu dài hơn, chuẩn bị cho Á vận hội ASIAD 2026 và hướng đến Thế vận hội Olympic 2028.