Thế lực vượt mặt HAGL, cạnh tranh với CLB Hà Nội ở U22 Việt Nam

Ở SEA Games 32, CLB Hà Nội không còn là lò đào tạo đóng góp nhiều cầu thủ nhất cho U22 Việt Nam.

 Văn Đô, người đã được đá chính nhiều ở SEA Games 31 và vòng chung kết U23 châu Á 2022, tiếp tục là trụ cột tại SEA Games 32. Ảnh: Hữu Tấn.

Văn Đô, người đã được đá chính nhiều ở SEA Games 31 và vòng chung kết U23 châu Á 2022, tiếp tục là trụ cột tại SEA Games 32. Ảnh: Hữu Tấn.

Một năm trước, U22 Việt Nam bảo vệ tấm huy chương vàng SEA Games với lực lượng gồm nhiều cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo của CLB Hà Nội như Quan Văn Chuẩn, Vũ Tiến Long, Bùi Hoàng Việt Anh, Đỗ Hùng Dũng, Nguyễn Văn Tùng. Ngoài Văn Chuẩn (không được thi đấu) và Văn Tùng (thường vào sân từ băng ghế dự bị), 3 cái tên còn lại đều là trụ cột.

Nhiều năm qua, CLB Hà Nội luôn là đơn vị đóng góp nhiều cầu thủ nhất cho U22/U23 Việt Nam cũng như đội tuyển quốc gia. Phần lớn trong số họ cũng sắm vai trụ cột hoặc dự bị chiến lược. Những CLB xếp sau về mức độ đóng góp thường là HAGL, Viettel. Nhưng giờ đây, PVF lại là đơn vị nổi bật hơn.

Dàn trụ cột U22 Việt Nam

Trong danh sách 20 cầu thủ dự SEA Games 32, 4 cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo PVF là Huỳnh Công Đến, Nguyễn Đức Phú, Nguyễn Thanh Nhàn và Lê Văn Đô. Bộ tứ này là trụ cột của CLB Phố Hiến (đã đổi tên thành PVF-CAND) ở hạng Nhất 2022. Sang mùa 2023, Văn Đô chuyển sang khoác áo CLB Công An Hà Nội.

Trong số này, chỉ có Đức Phú chưa chắc suất đá chính. Anh là nhân tố mới được gọi lên U22 Việt Nam trước đợt tập huấn ở Bà Rịa - Vũng Tàu và còn phải cạnh tranh với Lê Quốc Nhật Nam, Đinh Xuân Tiến, Khuất Văn Khang, Nguyễn Thái Sơn...

Ba cầu thủ còn lại gần như chắc chắn thi đấu từ đầu. Trong vai trò tiền vệ mỏ neo, Công Đến đang là sự lựa chọn số một của HLV Philippe Troussier. Anh được thi đấu nhiều ở Doha Cup 2023 và thể hiện tốt. Điểm mạnh của cầu thủ quê Bình Định chính là khả năng giữ bóng, xoay xở trong phạm vi hẹp.

Trong khi đó, Thanh Nhàn và Văn Đô sẽ là hai tiền đạo cánh trong sơ đồ 3-4-3. Với hai phong cách chơi khác nhau, họ được kỳ vọng mang lại sự đa dạng trong cách triển khai tấn công của U22 Việt Nam. Cụ thể, Thanh Nhàn mạnh mẽ, giỏi càn lướt, tranh chấp còn Văn Đô mềm mại và có sự kết nối tốt hơn giữa các tuyến. Ngoài ra, khi cần, Văn Đô vẫn có thể đá hậu vệ biên phải.

Những giá trị mà Thanh Nhàn và Văn Đô tạo ra cũng là một phần nguyên nhân khiến Bùi Vĩ Hào, cầu thủ có nhiều bàn thắng tại V.League nhất ở U22 Việt Nam, bị gạch tên.

Ở SEA Games 32, CLB Hà Nội cũng đóng góp 4 cầu thủ là Quan Văn Chuẩn, Vũ Tiến Long, Nguyễn Văn Tùng và Nguyễn Văn Trường. Trong số này, chỉ có thủ môn Văn Chuẩn chắc suất bắt chính. Tiến Long vẫn phải cạnh tranh với Trần Quang Thịnh, Lương Duy Cương còn Văn Tùng và Văn Trường chiến đấu cho vị trí tiền đạo cắm duy nhất.

 Đội hình chính của CLB Phố Hiến mùa 2022 với 4 tuyển thủ U22 Việt Nam: Công Đến, Văn Đô, Thanh Nhàn và Đức Phú. Ảnh: CLB PVF-CAND.

Đội hình chính của CLB Phố Hiến mùa 2022 với 4 tuyển thủ U22 Việt Nam: Công Đến, Văn Đô, Thanh Nhàn và Đức Phú. Ảnh: CLB PVF-CAND.

Vì sao?

Việc nhiều cầu thủ lò PVF trở thành trụ cột U22 Việt Nam là điều khá dễ lý giải. Bắt đầu từ mùa 2022, CLB Phố Hiến sử dụng hàng loạt nhân tố trẻ, cho họ sắm vai trụ cột ở giải hạng Nhất. Thậm chí, có 4 cầu thủ sinh năm 2003 được đá chính thường xuyên là Nguyễn Thanh Nhàn, Nguyễn Đức Phú, Nguyễn Xuân Bắc và Trần Ngọc Sơn.

"Chúng tôi là nhà vô địch của giải U19 Quốc gia vào năm 2019, đó cũng là chức vô địch thứ hai của đội. Họ thể hiện sự trưởng thành mà họ có ở lứa tuổi đó. Điều đó đã tạo nên sự tin tưởng. Nhiều người cho rằng đó là sự mạo hiểm bởi đội có quá nhiều cầu thủ trẻ, họ chỉ mới sinh năm 2004, 2003, 2002. Nhưng tôi nghĩ sau cùng, tuổi tác cũng chỉ là một con số", HLV Mauro Jeronimo của PVF-CAND chia sẻ với Zing.

Mùa 2022, CLB Phố Hiến chỉ xếp thứ 5 với 38 điểm (kém nhà vô địch CAND 5 điểm) nhưng cũng gây được ấn tượng. Họ có một số trận đấu chơi thiếu người nhưng vẫn lội ngược dòng và giành được chiến thắng. Mùa này, CLB PVF-CAND tiếp tục duy trì phong độ khi dẫn đầu bảng xếp hạng vói 7 điểm sau 3 trận.

"Chúng tôi chuẩn bị các kịch bản khác nhau. Vậy nên, khi tình huống như vậy xuất hiện, những cầu thủ đều đã sẵn sàng phải đối mặt. Thi đấu 85 phút chỉ với 10 cầu thủ ư? Chúng tôi đều đã tập luyện trước. Các cầu thủ của tôi có tâm lý rất tốt, họ không bao giờ bỏ cuộc cho đến những giây phút cuối cùng", HLV Jeronimo phân tích.

Chiến lược gia người Bồ Đào Nha lý giải thêm về phong cách chơi của đội: "Chúng tôi thi đấu cùng một triết lý dù gặp đối thủ yếu hay mạnh, dù thi đấu trên sân khách hay sân nhà. Chúng tôi luôn nhất quán. Chính điều này đã giúp cho các cầu thủ không lo sợ trước bất kỳ đối thủ nào. Các cầu thủ còn trẻ, họ có sự tự tin rất lớn, họ có đủ khả năng để chơi bóng ở giải đấu này".

HLV Jeronimo đã nói về việc "thi đấu cùng một triết lý". Ở PVF-CAND, các cầu thủ chơi kiểm soát bóng, triển khai tấn công ngay từ phần sân nhà. Đây cũng chính là những gì mà HLV Philippe Troussier đang áp dụng ở U22 Việt Nam. Vì thế, Công Đến, Văn Đô, Thanh Nhàn hay cả Đức Phú sẽ có lợi thế để cạnh tranh suất đá chính tại SEA Games 32.

Thuyền trưởng của CLB PVF-CAND cũng khẳng định các học trò góp mặt ở đội U22 đều rất tài năng, đủ sức trở thành tương lai của bóng đá Việt Nam trong 2, 3 năm nữa. Đặc biệt, ông nhấn mạnh vào Thanh Nhàn: "Cậu ấy có thể lực, sự bùng nổ và có thể chơi đủ 90 phút mỗi trận. Cậu ấy chơi tốt cả chân trái lẫn chân phải và có khả năng xuất ngoại".

Với tình hình hiện tại ở U22 Việt Nam, nếu một cầu thủ từ lò PVF tỏa sáng trong trận gặp Lào chiều 30/4, đó không phải là điều bất ngờ.

Săn vé xem U22 Việt Nam ở SEA Games khó ra sao Cháy vé trận U22 Việt Nam gặp Lào, người hâm mộ ở Campuchia vất vả tìm cách vào sân xem thầy trò HLV Philippe Troussier ở vòng bảng SEA Games 32.

Nguyên Khang

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/the-luc-vuot-mat-hagl-canh-tranh-voi-clb-ha-noi-o-u22-viet-nam-post1426948.html
Zalo