Thế hệ 'mất mát' đe dọa nền kinh tế Nhật Bản

Thế hệ 'mất mát' (những người ở độ tuổi 40, đầu 50) ở Nhật Bản đang tụt hậu so với những người trẻ tuổi và những người lớn tuổi hơn về mức lương và thăng tiến nghề nghiệp.

Du khách tham quan và mua sắm trên một con phố ở Yokohama, tỉnh Kanagawa, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN

Du khách tham quan và mua sắm trên một con phố ở Yokohama, tỉnh Kanagawa, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN

Thế hệ “mất mát” (những người ở độ tuổi 40, đầu 50) ở Nhật Bản đang phải vật lộn với một thực tế nghiệt ngã là họ đang tụt hậu so với cả những người trẻ tuổi và những người lớn tuổi hơn về mức lương và thăng tiến nghề nghiệp.

Đây là thế hệ tốt nghiệp cấp ba hoặc đại học trong giai đoạn khủng hoảng việc làm kéo dài từ cuối những năm 1990 đến những năm 2000. Nhiều người trong thế hệ này gặp khó khăn khi tìm kiếm việc làm ổn định sau khi bong bóng kinh tế bị vỡ vào những năm 1980 bởi giá bất động sản và chứng khoán tăng phi mã.

Mặc dù mức lương trung bình của Nhật Bản bắt đầu tăng lên, nhưng dữ liệu cho thấy vẫn có sự chênh lệch đáng kể giữa các nhóm tuổi. Lạm phát ở Nhật Bản duy trì trên mức 2% trong hơn hai năm giữa áp lực tăng giá trên toàn cầu. Theo khảo sát của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi, tổng thu nhập tiền mặt hàng tháng, hay lương danh nghĩa, đã tiếp tục tăng hàng năm kể từ tháng 1/2022.

Đối mặt với tình trạng thiếu lao động, các doanh nghiệp Nhật Bản đã vội vàng cải thiện điều kiện làm việc để thu hút nhân tài mới và giữ chân nhân viên hiện tại. Tuy nhiên, nỗ lực này dường như đã “không bao gồm” nhiều người lao động thuộc thế hệ “đóng băng”.

Nhà kinh tế trưởng Toshihiro Nagahama của Viện Nghiên cứu Dai-ichi Life giải thích nhiều nhà tuyển dụng dường như ngần ngại tăng lương cho những nhân viên thế hệ “đóng băng” với giả định rằng những người lao động này ít có khả năng chuyển việc hơn.

Việc tích góp tài sản có thể khó khăn đối với nhiều người trong những điều kiện như vậy. Dữ liệu của Hội đồng Trung ương Thông tin Dịch vụ Tài chính cho thấy tỷ lệ lao động ở độ tuổi 40 có tài sản tài chính dưới 1 triệu yen tăng hơn gấp đôi từ năm 2003 đến năm 2023, đạt 14%.

Nhà kinh tế trưởng Yusuke Shimoda tại Viện Nghiên cứu Nhật Bản cho biết họ có thể phải đối mặt với "một cuộc nghỉ hưu đầy thách thức" trừ khi có biện pháp khắc phục.

Trong các công ty Nhật Bản, những lợi ích truyền thống như việc làm trọn đời không còn được đảm bảo. Nếu không có những kỹ năng cần thiết cho số hóa và các công việc văn phòng tiên tiến khác, những người thuộc thế hệ “đóng băng” có nguy cơ bị mắc kẹt trong một vòng luẩn quẩn mà họ không nhận được tăng lương hoặc thăng tiến.

Trong khi đó, số người thu nhập thấp gia tăng có thể ảnh hưởng đáng kể đến hệ thống phúc lợi xã hội của quốc gia. Do thu nhập thấp hơn, những người này đóng góp ít hơn cho phúc lợi công thông qua việc giảm phí bảo hiểm chăm sóc y tế và điều dưỡng. Sự mất cân bằng này nhấn mạnh mối quan tâm về sự chênh lệch giữa lợi ích nhận được và đóng góp.

Minh Hằng (Theo Nikkei Asia)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/the-he-mat-mat-de-doa-nen-kinh-te-nhat-ban/343097.html
Zalo