Thẻ hành nghề sẽ gây dựng thương hiệu cho 'xe ôm'

Hà Nội đang lấy ý kiến Dự thảo Quy định sử dụng xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ để kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa trên địa bàn. Dự kiến, người hành nghề xe ôm phải đăng ký với UBND phường, xã, thị trấn để được cấp Thẻ hoạt động vận chuyển.

Nhiều ý kiến đã bày tỏ sự quan tâm, ủng hộ dự thảo với mong muốn việc siết chặt quản lý sẽ giúp nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm tình trạng xe ôm hoạt động bát nháo như hiện nay.

Giảm rủi ro

Theo dự thảo, các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ để kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa trên địa bàn TP Hà Nội bên cạnh việc phải tuân thủ quy tắc giao thông đường bộ; có kỹ năng điều khiển phương tiện; đủ điều kiện về độ tuổi, sức khỏe theo quy định của Luật Trật tự ATGT đường bộ; có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển; trang bị mũ bảo hiểm đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng cho bản thân và hành khách thì phải đăng ký với UBND phường, xã, thị trấn để được cấp Thẻ hoạt động vận chuyển.

Khi điều khiển phương tiện phải mang theo các giấy tờ gồm: Giấy chứng nhận đăng ký xe; Giấy phép lái xe; Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực; Giấy chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân còn hiệu lực; Thẻ hoạt động vận chuyển đúng theo quy định.

Về trình tự thủ tục, cá nhân kinh doanh vận chuyển gửi Đăng ký hoạt động và Thẻ hoạt động vận chuyển (theo mẫu) đến UBND phường, xã, thị trấn nơi mình cư trú để đóng dấu xác nhận.

Trao đổi về vấn đề này, anh Trần Đức Hùng (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) một người hành nghề lái xe ôm nhiều năm cho biết, rất ủng hộ quy định vì đây là căn cứ để giúp những người hành nghề vận chuyển hành khách, hàng hóa như anh xác minh dịch vụ. Qua đó tạo thêm cơ hội để nhận được các công việc vận chuyển lâu dài, yêu cầu phải có tính đảm bảo với đãi ngộ tốt của các công ty hoặc cá nhân kinh doanh cần người vận chuyển.

Tuy nhiên, anh Trần Đức Hùng cũng băn khoăn, việc xin giấy tờ hoạt động hành nghề có thuận lợi hay không, giá trị của giấy tờ có thời hạn như thế nào để tránh việc đi lại nhiều lần khi thực hiện thủ tục.

Trong khi đó, anh Phạm Mai Sơn (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, hiện đang là lái xe công nghệ. Việc hoạt động dịch vụ đã được xác minh trên app, nếu quy định phải có giấy phép thì anh sẽ thực hiện nhưng do chưa có hộ khẩu ở Hà Nội, công việc nay đây mai đó, anh cũng chưa đăng ký tạm trú. Anh băn khoăn không biết đi xin Thẻ hoạt động vận chuyển do chính quyền địa phương tại Hà Nội xác nhận liệu có khó khăn hay không.

Về phía người dân, bà Lê Thị Phương (quận Cầu Giấy Hà Nội) cho biết, do đã già nên đi xe ra đường không an tâm, mỗi khi có việc bà thường sử dịch vụ xe ôm. Qua báo đài cũng thấy có những trường hợp rủi ro khi sử dụng dịch vụ xe ôm như gửi đồ bị mất, bị chặt chém giá, hoặc cá biệt có những trường hợp bị sát hại để cướp tài sản.

Nếu xe ôm xuất trình được giấy phép hành nghề do chính quyền quản lý cũng giúp những người dân như bà sử dụng dịch vụ an tâm hơn. Thậm chí nếu phát sinh các rủi ro cũng có thể phản ánh đến chính quyền để có biện pháp can thiệp phù hợp.

Cần tạo điều kiện thuận lợi

Từ một số ý kiến trên cho thấy, người dân rất quan tâm, ủng hộ dự thảo, tuy nhiên, còn một số vướng mắc chưa rõ cần có những hướng dẫn cụ thể để đưa hoạt động của những người làm nghề tự do như xe ôm vào quy củ.

Nhìn nhận xe ôm đã hoạt động phổ biến vài chục năm qua ở khắp nơi trên cả nước, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân do có ưu điểm nhanh, rẻ, nhất là trong tình hình đường sá chật chội, nhiều ngõ ngách, ùn tắc thường xuyên. Tuy nhiên, do là hoạt động tự do, khó quản lý nên vẫn còn khá lộn xộn, nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp về mặt xã hội và trật tự an toàn giao thông.

Theo chuyên gia giao thông, thạc sĩ Đỗ Cao Phan, năm 2019, Hà Nội từng đề xuất cấp thẻ hành nghề cho xe ôm nhưng sau đó không thực hiện được. “Với dự thảo lần này, tôi hi vọng việc thực hiện được cân nhắc kỹ lưỡng để áp dụng vào thực tiễn đạt hiệu quả. Bởi đây là việc cần thiết để nâng cao hiệu quả trong quản lý xe ôm, dần dần hạn chế tình trạng bát nháo hiện nay. Đồng thời qua đó cũng giúp nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo thói quen đi lại văn minh cho người dân” - chuyên gia Đỗ Cao Phan nói.

Tuy nhiên, do đặc thù của nghề xe ôm là hoạt động tự do, không theo giờ giấc, nhiều người là dân tỉnh khác đến làm việc tại Hà Nội, hôm nay họ chạy chỗ này, mai đến nơi khác, ngay cả việc đăng ký tạm trú cũng có người chưa thực hiện đủ. Do đó, khi siết chặt các quy định về hoạt động nghề xe ôm, cần tính đến trình tự thủ tục thuận tiện nhất nhằm hỗ trợ họ xin Giấy phép hoạt động mà không làm ảnh hưởng đến việc mưu sinh hàng ngày để họ tự nguyện chấp hành.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng, trong dự thảo đã đề cập đến việc giao trách nhiệm cho UBND các quận, huyện, thị xã, các đơn vị quản lý, kinh doanh khai thác bến xe, chợ, trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí… quy định vị trí đón trả khách và xếp dỡ hàng hóa cho xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ tại nơi thuộc phạm vi đất được giao quản lý. Việc này sẽ giúp giảm tình trạng xe ôm hoạt động bát nháo, tranh giành khách, dừng đỗ tùy tiện gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông như hiện nay.

Tuy nhiên, cũng cần coi trọng đến yếu tố giáo dục nâng cao và thực hiện nếp sống văn minh nơi công cộng của người hành nghề xe ôm. Bởi mục đích của việc quản lý là đưa đội ngũ này đi vào nền nếp, có tổ chức và mang tính quy củ, tạo cho những người hành nghề xe ôm cơ hội làm nghề một cách chuyên nghiệp.

Huyền Sâm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/the-hanh-nghe-se-gay-dung-thuong-hieu-cho-xe-om.html
Zalo