Thế giới vội vã chuẩn bị cho Trump 2.0

Trong những tháng trước khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng và trong những ngày đầu sau khi ông đắc cử, lãnh đạo các nước một lần nữa vội vã tìm cách lấy lòng tổng thống đắc cử.

Trong thời gian qua, một số nhà lãnh đạo, như Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đang vạch ra chiến lược để đánh vào tính cách “đổi chác” của ông Trump. Những người khác như Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã cử các đoàn quan chức tới Mỹ để gặp gỡ hàng loạt lãnh đạo đảng Cộng hòa nhằm thuyết phục ông Trump hạn chế có hành động áp đặt thuế quan.

Lịch sử cho thấy những cố gắng này có thể sẽ thất bại. Cuối nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã đổi thái độ với nhiều lãnh đạo mà ban đầu ông có thiện cảm. Tính cách thất thường của ông, cùng chính sách bảo hộ thương mại và thái độ xem nhẹ liên minh đã dẫn đến nhiều mâu thuẫn.

“Có hai sai lầm lớn khi nghĩ về ông Trump. Thứ nhất là cho rằng ông sẽ thay đổi khi vào Nhà Trắng, khác với khi vận động tranh cử. Thứ hai là cho rằng cách đối phó tốt nhất là tâng bốc ông ấy”, Malcolm Turnbull, cựu Thủ tướng Australia, nhận xét.

Tháng 1/2017, ông Turnbull từng có cuộc gọi căng thẳng với ông Trump về việc liệu Mỹ có thực hiện thỏa thuận tiếp nhận 1.250 người tị nạn từ thời Tổng thống Barack Obama hay không. Ông Trump ban đầu phản đối nhưng cuối cùng Mỹ vẫn tiếp nhận số người này. Ông Turnbull kể sau đó còn có những lần khác tìm được tiếng nói chung với Tổng thống Mỹ, thậm chí có thể thuyết phục không áp đặt thuế quan với một số mặt hàng xuất khẩu của Australia.

Theo ông Turnbull, điểm khác biệt trong nhiệm kỳ này của ông Trump là “ai cũng biết điều họ sẽ nhận được từ ông ấy. Ông ấy rất thực dụng. Bạn phải chứng minh rằng làm như thế này sẽ có lợi cho ông ấy”.

Trước cả khi diễn ra bầu cử, các nhà lãnh đạo đã chuẩn bị cho khả năng ông Trump chiến thắng. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã gặp ông Trump ở New York cùng tuần với ông Starmer. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Thủ tướng Hungary Viktor Orban đều đã đến thăm tư dinh của ông Trump ở Mar-a-Lago, Florida vào tháng 7.

 Bức ảnh chụp các nhà lãnh đạo thế giới trao đổi với ông Trump trong cuộc gặp G7 hồi năm 2018. Nhiều nhà quan sát nói rằng bức ảnh này nhấn mạnh sự căng thẳng ngày càng tăng giữa ông Trump và các nhà lãnh đạo khác. Ảnh: Chính phủ Đức.

Bức ảnh chụp các nhà lãnh đạo thế giới trao đổi với ông Trump trong cuộc gặp G7 hồi năm 2018. Nhiều nhà quan sát nói rằng bức ảnh này nhấn mạnh sự căng thẳng ngày càng tăng giữa ông Trump và các nhà lãnh đạo khác. Ảnh: Chính phủ Đức.

Cách thuyết phục ông Trump

Hiện nay, trọng tâm chiến lược vận động của Tổng thống Zelensky là thuyết phục ông Trump rằng các ưu tiên của Ukraine cũng nhất quán với lợi ích tổng thống đắc cử Mỹ.

Ông Trump đã bày tỏ hoài nghi về vấn đề viện trợ quân sự cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Ông từng tuyên bố có thể dừng xung đột trong một ngày, dù chưa tiết lộ chi tiết. Giới phân tích lo ngại ông sẽ buộc ông Zelensky chấp nhận thỏa thuận hòa bình với Nga.

Tại cuộc gặp ở New York, ông Zelensky đã lập luận rằng việc bảo vệ Ukraine cũng là vì lợi ích kinh tế, vì phần lớn viện trợ quân sự sẽ mang lại lợi nhuận cho các nhà thầu quốc phòng Mỹ.

Quan chức Ukraine cũng phối hợp với các đồng minh đảng Cộng hòa ở Washington để suy nghĩ, xây dựng các hình thức viện trợ quân sự kiểu mới, bao gồm chương trình cho vay 500 tỷ USD để hỗ trợ Ukraine tự vệ. Ý tưởng này đến từ ông Mike Pompeo, cựu Ngoại trưởng và Giám đốc CIA dưới thời ông Trump, người có thể tiếp tục đảm nhiệm vai trò quan trọng trong nhiệm kỳ tới.

 Khi gặp ông Trump tại New York vào tháng 9, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nêu quan điểm rằng việc bảo vệ Ukraine đem lại lợi ích kinh tế cho các nhà thầu quốc phòng Mỹ. Ảnh: New York Times.

Khi gặp ông Trump tại New York vào tháng 9, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nêu quan điểm rằng việc bảo vệ Ukraine đem lại lợi ích kinh tế cho các nhà thầu quốc phòng Mỹ. Ảnh: New York Times.

Tung lưới rộng khắp

Canada cũng triển khai mạng lưới rộng khắp để tác động tới chính quyền tương lai của ông Trump. Từ đầu năm nay, ông Trudeau đã cử một số phái đoàn bộ trưởng sang Mỹ gặp gỡ các quan chức nhằm thúc đẩy giá trị của mối quan hệ thương mại giữa Mỹ và Canada.

Đáng nói là quan hệ giữa Thủ tướng Canada Justin Trudeau và ông Trump không hề “cơm lành canh ngọt”. Dù từng khá thân thiết, hai người đã bất đồng về vấn đề thuế quan, dẫn đến việc ông Trump bỏ họp G7 tại Canada năm 2018 và buông lời gọi ông Trudeau là "kẻ yếu đuối, không trung thực".

Tuy nhiên, Phó thủ tướng Canada, Chrystia Freeland, vẫn duy trì mối quan hệ tốt với Robert Lighthizer, cố vấn thương mại hàng đầu của ông Trump, từ khi họ cùng nhau đàm phán thỏa thuận thương mại kế nhiệm cho NAFTA.

Bà Freeland cho biết gần đây bà đã có cuộc thảo luận với ông Lighthizer về ảnh hưởng của làn sóng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đối với nền sản xuất Mỹ và tầng lớp trung lưu.

Người trong cuộc và kẻ ngoài cuộc

Đối với một số quốc gia, chính quyền mới của ông Trump lại là đối tượng dễ giao thiệp hơn. Chẳng hạn, giới chức Israel vẫn thường xuyên báo cáo cho Jared Kushner, con rể ông Trump, về cuộc chiến ở Gaza. Trong khi đó, ông Yossi Dagan, lãnh đạo nhóm người Israel định cư ở các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, đã được mời dự lễ nhậm chức của ông Trump ở thủ đô Washington.

Giống với ông Trudeau, ông Netanyahu cũng trải qua nhiều thăng trầm trong mối quan hệ với ông Trump. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã công nhận Jerusalem là thủ đô Israel và chuyển Đại sứ quán Mỹ đến đó, mang lại thành tựu lớn cho ông Netanyahu. Nhưng vào năm 2020, ông Netanyahu chọc giận ông Trump khi chúc mừng ông Biden đắc cử.

 Một tấm biển quảng cáo chúc mừng ông Trump tại Tel Aviv của Israel. Ảnh: Reuters.

Một tấm biển quảng cáo chúc mừng ông Trump tại Tel Aviv của Israel. Ảnh: Reuters.

Sau chuyến thăm Mar-a-Lago nhằm hàn gắn quan hệ, ông Netanyahu là một trong những nhà lãnh đạo đầu tiên gọi điện cho ông Trump vào ngày 6/11 để có cuộc trò chuyện mà phía Israel mô tả là "ấm áp và thân thiện".

Tại Liên minh châu Âu, nỗi lo ông Trump quay trở lại đã trở thành động lực làm phát sinh nhiều cuộc họp trù bị từ trước ngày bầu cử. Trong những tuần gần đây, ông Björn Seibert, trợ lý cấp cao của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, đã tổ chức các phiên họp nhóm quy mô nhỏ với đại sứ các nước để thảo luận kịch bản ứng phó chính quyền Mỹ tiếp theo. Một số quan chức châu Âu cho biết các phiên họp này tập trung vào ông Trump và vấn đề thương mại.

Các nhà ngoại giao châu Âu có cái nhìn thực tế về nhiệm vụ trước mắt của họ. Nhưng họ vẫn tin rằng có thể khiến ông Trump dao động với cách tiếp cận phù hợp.

“Với ông Trump, đó là nghệ thuật của sự khả thi. Nếu có thể giải thích rõ cách hai bên có thể hợp tác để cải thiện tình hình, bạn có thể đạt được tiến triển”, Karen Pierce, Đại sứ Anh tại Mỹ, chia sẻ.

Lạc Chi

Nguồn Znews: https://znews.vn/the-gioi-voi-va-chuan-bi-cho-trump-20-post1510088.html
Zalo