Thế giới tưng bừng chào đón năm mới 2024
Hoạt động chuẩn bị và đón chào năm mới ở mỗi quốc gia lại có sự khác biệt, tuy nhiên, tất cả đều là dịp để mọi người nhìn lại một năm đã qua, tạm gác lại âu lo, muộn phiền của năm cũ và hướng tới năm 2024 với những kỳ vọng tốt đẹp hơn.
Sydney (Australia) là một trong những thành phố lớn đầu tiên đổ chuông đón năm mới 2024. Đây từng được coi là "thủ đô đón giao thừa của thế giới".
Trong khi đó, tại Mỹ, nhiều người dân thành phố New York đổ về Quảng trường Thời đại để xem các bước chuẩn bị cuối cùng cho sự kiện đếm ngược chào năm 2024. Bữa tiệc đón chào năm mới thịnh soạn nhất thế giới đang được sửa soạn những khâu cuối cùng, hơn 1.350 kg hoa giấy được thả xuống khoảng 1 triệu người tham dự lễ thả quả cầu pha lê đêm giao thừa nổi tiếng ở Quảng trường Thời đại. Trước đó, người dân từ khắp nơi trên thế giới đã viết lời chúc năm mới và các điều ước của mình lên hoa giấy.
Tại Trung Quốc, một buổi biểu diễn kinh kịch đã được tổ chức tại Trung tâm Biểu diễn Văn hóa - Nghệ thuật quốc gia. Chương trình biểu diễn bao gồm các trích đoạn của vở kinh kịch hiện đại và các vở kinh kịch truyền thống. Tham dự sự kiện năm nay có Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các lãnh đạo cấp cao khác.
Do sự chênh lệch múi giờ trên Trái đất, sự kiện đón năm mới 2024 sẽ không diễn ra cùng lúc ở mọi nơi trên toàn thế giới.
Cực Đông của châu Đại Dương là khu vực đón năm mới đầu tiên trên thế giới. Thời điểm chuyển giao giữa năm 2023 và 2024 đầu tiên diễn ra tại 3 quốc đảo nhỏ bé gồm Tonga, Kiribati và Samoa.
Trong đó, đảo Kiritimati thuộc Cộng hòa Kiribati, còn được gọi là đảo Giáng sinh, là nơi đầu tiên chào đón năm mới 2024 khi nằm ở múi giờ xa nhất thế giới, nhanh hơn 19 giờ so với thành phố New York của Mỹ.
Vào lúc 17h ngày 31/12 (giờ Việt Nam), tiếng chuông chào đón năm mới đã vang lên ở đảo Tonga, đảo Christmas của CH Kiribati và Tây Samoa.
Sau đó một giờ, New Zealand cũng chính thức bước sang năm mới 2024 với màn bắn pháo hoa rực rỡ tại Tháp Sky.
Tại Australia, các thành phố phía đông gồm Melbourne, Sydney và Canberra là những nơi đón năm 2024 đầu tiên ở nước này.
Tại Sydney, vốn được mệnh danh là "thủ đô giao thừa của thế giới" với bữa "tiệc pháo hoa" mãn nhãn, ước tính hơn 1 triệu người có mặt tại bến cảng Circular Quay để chiêm ngưỡng pháo hoa đêm giao thừa, bất chấp thời tiết cực đoan.
Ước tính 8 tấn pháo hoa thắp sáng bầu trời thành phố lúc giao thừa (theo giờ địa phương).
Thủ đô Berlin của Đức triển khai 4.500 cảnh sát trên đường phố để đảm bảo an ninh. Cảnh sát Berlin cũng ra lệnh cấm sử dụng pháo truyền thống trên một số đường phố thủ đô.
Tại London, Anh, bất chấp thời tiết, rất đông người đã tập trung để xem pháo hoa đêm giao thừa.
Không khí năm mới ở Laupen, Thụy Sĩ, gây ấn tượng bằng đám diễu hành với sự xuất hiện của "chuông, chổi, bong bóng lợn và những chiếc mặt nạ kỳ lạ được sử dụng để xua đuổi tà ác".
Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gérald Darmanin cùng hơn 800.000 người đã đến Đại lộ Champs Elysees để chào đón năm mới, trong bữa tiệc lớn ở Paris với chủ đề Thế vận hội. Màn biểu diễn nhào lộn ngoài trời dưới ánh sáng rực rỡ của các loại đèn cũng thu hút sự chú ý.
Pháp và phần lớn châu Âu, trong đó có Tân Ban Nha, Đức, Ba Lan, Italy, Thụy Điển, đón năm mới cùng thời điểm. Khải Hoàn Môn cũng được thắp sáng để chào đón năm Olympic được tổ chức ở Paris.
Tại Athens, Hy Lạp, pháo hoa rực rỡ phía trên đền cổ Parthenon ở đỉnh đồi Acropolis, để chào đón năm mới.
An Bình