Thế giới quay cuồng đối phó biến thể Omicron
Dù các nhà dịch tễ học cho rằng, việc áp lệnh hạn chế đi lại ở thời điểm hiện tại có thể đã quá muộn để ngăn biến thể Omicron lây lan toàn cầu, nhưng nhiều quốc gia vẫn tuyên bố sẽ dừng tiếp nhận hành khách đến từ miền Nam châu Phi.
Nhiều nước đang lo ngại biến thể Omicron xâm nhập, lây lan mạnh trong thời gian tới. Ảnh: Unsplash
Là một trong những quốc gia đầu tiên phát hiện bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron, Anh đã nhanh chóng ban hành các quy định kiểm dịch nghiêm ngặt hơn để ngăn chặn làn sóng dịch mới tràn vào từ biên giới. Tất cả những người đến Anh sẽ phải làm xét nghiệm PCR vào cuối ngày thứ hai sau khi nhập cảnh, và phải tự cách ly cho đến khi nhận kết quả âm tính. Những người tiếp xúc với F0 nghi nhiễm Omicron sẽ phải tự cách ly 10 ngày.
Tại Israel, chính phủ của Thủ tướng Naftali Bennett đã ban hành quyết định đóng cửa hoàn toàn biên giới với công dân nước ngoài trong ít nhất 14 ngày từ tối 28/11. Chỉ những người được phê duyệt bởi một cơ quan chuyên trách mới được phép vào Israel.
Tất cả công dân Israel trở về từ nước ngoài - kể cả những người đã tiêm đủ hai liều vắc xin và một mũi tăng cường - đều sẽ phải cách ly ít nhất ba ngày. Người trở về từ quốc gia nguy cơ cao sẽ phải cách ly trong cơ sở của quân đội cho đến khi nhận kết quả xét nghiệm âm tính lần hai. Cơ quan an ninh nội bộ Shin Bet được giao nhiệm vụ giám sát quá trình cách ly bằng khả năng truy vết điện thoại di động.
Tại Hà Lan, cơ quan y tế cho biết đã phát hiện 61 người mắc COVID-19 trên tổng số khoảng 600 hành khách đến Amsterdam trên hai chuyến bay từ Nam Phi hôm 26/11. Các mẫu xét nghiệm đang được nghiên cứu kĩ lưỡng để kiểm tra xem những F0 này có nhiễm biến thể mới hay không.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) và Bộ Ngoại giao Mỹ khuyến cáo công dân nước này không nên đến tám quốc gia khu vực Nam Phi. Trước đó, Mỹ đã áp đặt lệnh hạn chế đối với những chuyến bay đến từ Nam Phi và 7 quốc gia láng giềng.
Quy định có hiệu lực từ ngày 29/11, và sẽ không áp dụng đối với công dân Mỹ hoặc thường trú nhân hợp pháp trở về từ châu Phi. Chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ - Anthony Fauci - cho biết ông “sẽ không ngạc nhiên nếu biến thể Omicron cũng đã có mặt ở nước này”. “Với loại virus lây lan nhanh như thế này, thì gần như chắc chắn nó sẽ có mặt ở khắp mọi nơi”, ông Fauci nói.
Úc cho biết nước này sẽ áp quy định cấm nhập cảnh đối với những người không phải là công dân từng đến chín quốc gia phía Nam châu Phi. Công dân Úc trở về từ khu vực này sẽ phải cách ly 14 ngày.
Nhật Bản tuyên bố có thể sẽ thêm nhiều quốc gia châu Phi khác vào danh sách hạn chế nhập cảnh. Trong khi đó, Hàn Quốc, Sri Lanka, Thái Lan, Oman, Kuwait và Hungary đều đã công bố các hạn chế đi lại mới.
Biến thể Omicron được phát hiện lần đầu ở miền Nam châu Phi. Tổ chức Y tế Thế giới xếp Omicron vào danh sách biến thể đáng lo ngại, cùng nhóm với biến thể Delta.
WHO cảnh báo rủi ro toàn cầu do Omicron
“Omicron có số lượng đột biến cao chưa từng thấy. Trong đó có một số đột biến đáng lo ngại vì chúng có khả năng tác động đến quỹ đạo của đại dịch. Rủi ro toàn cầu liên quan đến biến thể mới được đánh giá là rất cao”, WHO cảnh báo ngày 29/11. WHO nhận định: “Việc gia tăng số ca mắc, bất kể mức độ nghiêm trọng của bệnh, có thể khiến hệ thống y tế quá tải, dẫn đến gia tăng tỷ lệ mắc bệnh và tử vong. Tác động đối với nhóm dân số dễ bị tổn thương là rất lớn, đặc biệt là ở các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp”. WHO kêu gọi 194 quốc gia thành viên đẩy nhanh việc tiêm chủng cho các nhóm ưu tiên.
Đến nay, chưa có ca tử vong nào liên quan Omicron được ghi nhận. Tuy nhiên, giới chuyên gia cần nghiên cứu thêm để đánh giá khả năng thoát miễn dịch của biến thể mới. Trước đó, trong báo cáo ngày 28/11, WHO nhận định Omicron có thể tăng nguy cơ tái nhiễm, tức là những người từng mắc COVID-19 có thể nhiễm lại dễ dàng hơn với Omicron.
Cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc cho biết hiện chưa rõ Omicron có dễ lây truyền hơn, hoặc gây ra bệnh nặng hơn so với các biến thể khác (bao gồm cả Delta) hay không. Số ca mắc COVID-19 đã tăng lên ở những khu vực chịu ảnh hưởng bởi biến thể mới, nhưng các chuyên gia dịch tễ học đang tìm hiểu xem nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng này là do Omicron hay do các yếu tố khác.
Ngoài ra, những ca nhiễm Omicron đầu tiên chủ yếu là người trẻ - vốn thường có biểu hiện nhẹ khi mắc COVID-19, nên sẽ phải mất thêm từ vài ngày đến vài tuần để các chuyên gia hiểu được mức độ nghiêm trọng của bệnh gây ra bởi Omicron. WHO đang phối hợp các chuyên gia để tìm hiểu tác động tiềm tàng của biến thể mới đối với các biện pháp đối phó hiện có, bao gồm vắc xin. “Dù vậy, vắc xin vẫn rất quan trọng trong việc giảm nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong”, WHO khẳng định.
WHO khuyến nghị các quốc gia tăng cường giám sát, giải trình tự gien các ca bệnh; chia sẻ trình tự bộ gien trên cơ sở dữ liệu có sẵn công khai, báo cáo các ca bệnh hoặc ổ bệnh ban đầu cho WHO; điều tra thực tế và đánh giá trong phòng thí nghiệm để hiểu rõ hơn về Omicron. WHO khuyến cáo người dân nên giữ khoảng cách 1m với người khác; đeo khẩu trang; mở cửa sổ để thông gió, tránh không gian kém thông gió hoặc đông đúc; giữ tay sạch sẽ; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; tiêm phòng khi đến lượt.