Thế giới nói chuyện 'công ty tỷ đô 1 người', doanh nghiệp Việt đừng để lỡ cơ hội

Bên cạnh 'cơn lốc' hàng Trung Quốc chất lượng cao giá rẻ, thách thức lớn khác với doanh nghiệp Việt trong năm 2025 là đổi mới, cập nhật công nghệ.

3 thách thức lớn trong năm 2025 với doanh nghiệp Việt

“Năm 2024, doanh nghiệp Việt Nam đối mặt với rất nhiều thách thức và những thách thức sẽ còn tiếp tục trong năm 2025”, PGS.TS Nguyễn Văn Minh, Viện trưởng Viện Đào tạo và Tư vấn doanh nghiệp - Trường Đại học Ngoại thương, phát biểu tại Hội thảo trực tuyến về xu hướng kinh tế - đầu tư 2025.

Ông Minh chỉ ra 3 thách thức lớn trong năm tới đối với các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp sản xuất.

“Chúng ta đang phải đối mặt trực diện với một trận 'đại hồng thủy' sản phẩm Trung Quốc chất lượng cao giá rẻ đang tìm đường ra thế giới. Trung Quốc có giấc mơ siêu cường, muốn cạnh tranh toàn cầu, hiện vẫn dư thừa năng lực sản xuất. Chúng ta không phải đối thủ cạnh tranh của họ. Sản xuất trong nước sẽ không có lợi.

Không chỉ riêng Việt Nam, mà trên hành trình đi chinh phục thế giới của Trung Quốc, nhiều quốc gia khác, nhất là các nước Đông Nam Á, đều gặp phải bài toán doanh nghiệp sản xuất vô cùng khó khăn, phá sản rất nhiều”, ông Minh nêu thách thức lớn đầu tiên.

PGS.TS Nguyễn Văn Minh, Viện trưởng Viện Đào tạo và Tư vấn doanh nghiệp, Trường Đại học Ngoại thương. Ảnh: FBSP - FTU

PGS.TS Nguyễn Văn Minh, Viện trưởng Viện Đào tạo và Tư vấn doanh nghiệp, Trường Đại học Ngoại thương. Ảnh: FBSP - FTU

Thách thức thứ hai là công nghệ. Cuộc cách mạng công nghệ, đặc biệt là công nghệ số và trí tuệ nhân tạo, bùng nổ quá mạnh mẽ, tạo thay đổi vô cùng lớn từ sản phẩm, dịch vụ, đến cách triển khai thị trường, đến mô hình kinh doanh.

Trên thế giới không chỉ nhắc tới câu chuyện trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh mà dự đoán năm 2025 có thể xuất hiện AI tổng hợp - học được cách tư duy giống như con người.

Thế giới cũng đã nói đến những câu chuyện “doanh nghiệp tỷ đô 1 người”, tức là chỉ cần 1 người làm, phần còn lại đều tự động hóa, robot hóa, do AI điều hành.

AI hỗ trợ công ty tài chính/fintech (công nghệ tài chính) ra quyết định cho vay, hoặc AI hỗ trợ ngân hàng/công ty chứng khoán phân tích đầu tư, đưa ra khuyến nghị... đã trở thành chuyện phổ biến, thường xuyên.

Trong khi đó, không ít doanh nghiệp Việt với xuất phát điểm còn thấp, vẫn đang loay hoay chuyển đổi số là gì, mô hình số ra sao, ứng dụng AI thế nào.

Đây là một thách thức vô cùng lớn.

Theo Viện trưởng Viện Đào tạo và Tư vấn doanh nghiệp, hai thách thức trên cộng hưởng với thách thức thứ ba - sức mua nội địa suy giảm, sẽ tạo áp lực vô cùng lớn cho doanh nghiệp. Chậm thay đổi, bám quá chắc vào hoạt động kiểu truyền thống sẽ khó tránh khỏi nguy cơ bị đào thải.

Ông Minh khuyến nghị, doanh nghiệp Việt hãy tìm cách đồng hành với các doanh nghiệp Trung Quốc và nhiều “ông lớn” khác để đi ra thế giới. Vượt qua được “đại hồng thủy” thì trên hành trình ra “biển lớn” sẽ không còn quá sợ những "trận lụt" nhỏ.

Cần tri thức để tìm “khe cửa hẹp”, tận dụng cơ hội lớn

Dự báo tình hình thế giới trong năm 2025, PGS.TS Nguyễn Văn Minh cho rằng sẽ vẫn có nguy cơ bất ổn, mong manh, dễ vỡ, khó đoán định. Tuy nhiên, thách thức càng lớn, cơ hội càng nhiều.

Xu hướng công nghệ 4.0, 5.0 đang diễn ra mạnh mẽ, có thể xảy ra hiện tượng “sao đổi ngôi”. Nói cách khác, những “ông lớn” có lợi thế trong tầng công nghệ cũ, thời đại cũ chưa chắc tiếp tục có lợi thế.

Thị trường khủng hoảng cũng là lúc xuất hiện cơ hội đầu tư vào những phương thức kinh doanh mới.

“Chậm chân trong cuộc đua xe điện và cuộc đua năng lượng, nhiên liệu mới, 3 tập đoàn ô tô lớn tại Nhật Bản, vốn là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của nhau, mới đây đã bắt tay đàm phán để tạo ra liên minh mới, tránh nguy cơ 'sao đổi ngôi'. Họ đã đoàn kết lại để tìm kiếm cơ hội mới.

VinFast cũng là một ví dụ điển hình của việc biết nắm bắt cơ hội”, ông Minh phân tích.

Chúng ta có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá mơ ước, khoảng 6-7%/năm. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm vừa rồi chủ yếu phụ thuộc vào các yếu tố “ngoại” như FDI, xuất khẩu... Còn phần nội lực gặp rất nhiều khó khăn. PGS.TS Nguyễn Văn Minh

Cũng theo ông Minh, cơ hội lớn sẽ đến với những người dũng cảm, dám làm. Tuy nhiên, không chỉ cần quyết tâm, nghị lực mà còn cần có tri thức, sự am hiểu thấu đáo các lĩnh vực thì mới có thể tìm được "khe cửa hẹp" để tận dụng các cơ hội.

Doanh nghiệp Việt đang có nhiều lợi thế lớn về địa chính trị khi Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với nhiều quốc gia, tạo được sự cân bằng, ổn định đáng quý trong thế giới nhiều xung đột, khó đoán định.

Bên cạnh đó, Việt Nam có quyết tâm chính trị rất cao trong việc lựa chọn con đường chuyển đổi kép, đột phá bằng khoa học công nghệ, làm chìa khóa để “vươn mình”, thực hiện được Khát vọng 2045 - Việt Nam trở thành quốc gia phát triển.

Rất nhiều nghị quyết, văn bản, chỉ thị, hướng dẫn đã ra đời, tạo tiền đề hình thành phương thức sản xuất mới: Số và Xanh. Điển hình như ngày 22/12, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

“Nếu dám chơi, nắm bắt tốt cơ hội, thậm chí nghĩ ra được các cơ hội lớn, doanh nghiệp Việt Nam có thể 'vươn mình' trở thành doanh nghiệp 'khổng lồ', có tầm thương hiệu quốc tế, có khả năng dẫn dắt lĩnh vực chuyên ngành trong thời kỳ “sao đổi ngôi”, ông Minh kỳ vọng.

Bình Minh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/the-gioi-noi-chuyen-cong-ty-ty-do-1-nguoi-doanh-nghiep-viet-dung-de-lo-co-hoi-2358305.html
Zalo