Thế giới Gốm trong hành trình của Họa sĩ Ngô Xuân Bính

Ngô Xuân Bính đã làm mới kiến trúc, để nó trở nên khác biệt, độc đáo và không trùng lặp, những hình khối mang nhiều ý tưởng táo bạo, dám đặt mình với thử thách, linh thông mọi giới hạn từ đời sống bình dị cho tới triết lý tôn giáo...

Họa sĩ: Lê Thu Huyền
Tạp chí Nghiên cứu Phật học - Số tháng 9/2024

Trong huyết mạch mỗi chúng ta đều có đường linh của ánh sáng trí tuệ, với Họa sĩ Ngô Xuân Bính, ông có con đường riêng trong sáng tạo nghệ thuật.

Trải qua nhiều loại hình nghệ thuật như vẽ tranh sơn mài, điêu khắc gỗ, đá, đồng và hơn thế nữa là cảm thụ nhạc, sáng tác nhiều tác phẩm thơ ca truyền tải bằng nghệ thuật dân gian trong khối ánh sáng tổng hòa. Tiếng vang chói lọi còn đọng lại dư âm mà họa sĩ Ngô Xuân Bính đã làm sống dậy tế bào gốm như ngỡ phải, lạc vào Kỷ nguyên Gốm mang huyền sử bi tráng.

Gốm qua bàn tay Xuân Bính sống động như từng tế bào đang chuyển động, người xem quan sát như lạc vào kỷ nguyên Gốm huyền bí của tận cùng không gian và thời gian.

Gốm được họa sĩ hình hóa từ nguyên liệu đất thô sơ thành kiệt tác mang hơi thở đương đại, hợp xu thế gắn kết mọi không gian như ta được thưởng lãm nền văn hóa có từ xa xưa, nhưng hiện hữu ngay trước mắt là nền văn minh khai sáng mang đến nhân loại một di sản về giá trị văn hóa tinh thần cho mọi loại hình, từ kiến trúc công viên, trường học, đô thị, các viện nghiên cứu, bảo tàng và đình chùa.

Ngô Xuân Bính đã làm mới kiến trúc, để nó trở nên khác biệt, độc đáo và không trùng lặp, những hình khối mang nhiều ý tưởng táo bạo, dám đặt mình với thử thách, linh thông mọi giới hạn từ đời sống bình dị cho tới triết lý tôn giáo và cả những thông điệp bí ẩn của tận cùng vô biên xứ.

Nào, những họa tiết, hoa văn mộc mạc, gần gũi với sinh hoạt văn hóa cộng đồng từ cổ nhân xưa truyền lại và khối màu nâu trầm của Gốm là chất men tan trong đất, thành hợp thể cấu trúc mang hơi thở của tâm và ý, được ghi lại từ bao đời để truyền nối đến nay.

Phảng phất trong Gốm Xuân Bính xuất hiện của những họa tiết nghệ thuật văn hóa Phật giáo như nghê, rồng phượng, hoa sen, lá đề, tượng Phật.... là biểu tượng cho một lối đi với tâm hướng đạo gắn đời sống tâm linh, cốt lõi của sự trở lại hướng tâm trong sáng thanh khiết khi đã chạm.

Trước một thực thể được hình tượng hóa bằng chất liệu từ đất mẹ đã nuôi ta lớn lên và trưởng thành, đã tận thấu nhân quả, có chứng ngộ về kiếp nhân sinh, về linh ứng của đất trời, mồ hôi và nước mắt hòa trộn cùng đất để nên hình, sự tôn nghiêm khi đứng trước các tác phẩm với lòng thành kính trang trọng, trân quý giá trị tinh thần mà người nghệ sĩ đã tâm huyết nghiên cứu sáng tạo nên.

Trải qua nhiều thời đại đã minh chứng cho một thời hào hùng của nghệ thuật điêu khắc Gốm Việt, tinh nghệ với bản lĩnh tài hoa của người nghệ sĩ. Họa sĩ Xuân Bính như bị cuốn theo dòng lịch sử của thời đại đang bị mai một, truyền thống là những cái cũ vẫn giữ gìn bảo tồn nhưng phát huy, tiếp cận cái mới có tính truyền thừa cho mọi thế hệ trẻ đang trong kỷ nguyên của công nghiệp hóa hiện đại hóa vẫn biết trân trọng giá trị cốt lõi của điêu khắc gốm là nền tảng, những kiệt tác điêu khắc gốm Việt mãi trường tồn cùng thời gian.

Di sản nghệ thuật truyền thống Gốm điêu khắc gắn với lịch sử phát triển trải qua nhiều thế hệ đã hình thành biểu tượng về những hình ảnh khí chất với giai thoại mang nhiều huyền cơ bí ẩn, như là những vị thần hiển Thánh, hiện Phật ngay trong nhân gian cứu độ chúng sinh thoát khỏi lầm than, biển khổ...

Hình tượng là những bài học vô giá, khi tĩnh tâm trở lại miền an lạc của chính ta là tâm vô ngã và thể hiện tính cách từng con người, qua từng vùng miền, từng thời kỳ, có cốt và cách tầm vóc riêng. Họa sĩ Ngô Xuân Bính thể hiện sự trân trọng và khẳng định điêu khắc gốm là phần không thể thiếu đã góp phần hình thành phong cách kiến trúc từ cổ đại - phục hưng và tiếp cận xu thế cho gốm đương đại.

Bản chất của nghệ thuật là sáng tạo là phát minh kiến tạo những tác phẩm phù hợp với quy luật phát triển chung của nhân loại.

Gốm sắp đặt trong đình chùa giữ vai trò quan trọng trong cảm quan về một không gian tâm linh, giúp tha nhân tìm gặp sự miền thanh thản. Họa sĩ Ngô Xuân Bính cảm được điều đó cũng bằng tâm cảm của mình mà mong muốn các tác phẩm điêu khắc được rơi vào dòng lưu giữ giá trị văn hóa tinh thần, gửi gắm những khát vọng chân thiện mỹ.

Gốm tâm linh hòa quyện với kiến trúc đình chùa thành một hợp thể nghệ thuật tạo hình đặc trưng sẽ mang lại những cảm xúc thẩm mỹ tinh tế từ nhãn quan, tâm hòa hợp cảnh sinh lòng từ ái bao dung tới muôn loài, nhất là để cho Tâm Trí được súc, rửa, thanh lọc ra suối nguồn an lạc.

Trong nhịp sống đô thị hiện đại hóa các tác phẩm điêu khắc đương đại đóng vai trò quan trọng trong mọi không gian, sự hiện diện của các tác phẩm điêu khắc Gốm mang tính nhân bản mà họa sĩ Ngô Xuân Bính gửi tới đời sống cộng đồng nhằm tôn vinh những sự kiện văn hóa truyền thống, những tác điển là bài học lịch sử bằng ngôn ngữ điêu khắc được ông tạo tác trong sự kiện ra mắt công chúng gần 200 tác phẩm gốm điêu khắc đồ sộ tại bảo tàng Hà Nội vào tháng 10 năm 2024.

Họa sĩ: Lê Thu Huyền
Tạp chí Nghiên cứu Phật học - Số tháng 9/2024

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/the-gioi-gom-trong-hanh-trinh-cua-hoa-si-ngo-xuan-binh.html
Zalo