Thế giới đối mặt với nguy cơ mất an ninh lương thực

Mất an ninh lương thực đang ngày càng trở nên trầm trọng trên thế giới do căng thẳng địa chính trị, biến đổi khí hậu, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng…Nó đặt thế giới trước thách thức phải có biện pháp cấp bách nếu không muốn đối mặt với khủng hoảng.

Nguy cơ bùng nổ “chiến tranh lương thực”

Theo ông Sunny Verghese, Giám đốc điều hành của Olam Agri - một trong những công ty kinh doanh hàng hóa nông nghiệp lớn nhất thế giới, thế giới đang phải đối mặt với “cuộc chiến tranh lương thực” do căng thẳng địa chính trị dẫn đến gia tăng chủ nghĩa bảo hộ trong bối cảnh lo ngại về nguồn cung suy yếu. Phát biểu tại hội nghị người tiêu dùng Redburn Atlantic và Rothschild, ông Sunny Verghese cảnh báo: “Chúng ta đã trải qua các cuộc chiến vì dầu mỏ. Nhưng chúng ta sẽ phải đối mặt với cuộc chiến lớn hơn, lần này là lương thực và nước uống”.

Sudan đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng mất an ninh lương thực được cho là tồi tệ nhất trên thế giới

Sudan đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng mất an ninh lương thực được cho là tồi tệ nhất trên thế giới

Hệ thống lương thực toàn cầu đang đối mặt nhiều thách thức khi chỉ số giá lương thực tăng trong nhiều tháng liên tiếp. Thống kê của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) cho thấy chỉ số giá lương thực thế giới tháng 5-2024 đạt mức trung bình 120,4 điểm, tăng 1,1 điểm (tương đương 0,9%) so với mức đã điều chỉnh trong tháng 4-2024. Giá ngũ cốc trong tháng 5-2024 đã tăng 6,3% so với tháng trước đó trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng về điều kiện cây trồng không thuận lợi có thể làm giảm năng suất thu hoạch năm 2024 ở các khu vực sản xuất chính như Bắc Mỹ, châu Âu và khu vực Biển Đen.

Giá lương thực bắt đầu tăng sau đại dịch Covid-19 và tăng vọt sau khi xung đột ở Ukraine leo thang và phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt chống lại Nga. Những hạn chế này đã khiến một số hoạt động xuất khẩu ngũ cốc và phân bón bị đình trệ, làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực ở các nước nghèo hơn cũng như cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Đặc biệt là ở châu Phi, nơi có những nước như Somalia và Sudan nhập khẩu 100% và 75% lúa mỳ từ Nga và Ukraine, cuộc xung đột ở Ukraine đã đe dọa trực tiếp an ninh lương thực.

Các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu cũng đang tác động tiêu cực đến cây trồng, đàn gia súc và hệ sinh thái, làm tăng thêm mối lo ngại về nguồn cung lương thực toàn cầu. Cao ủy LHQ về nhân quyền Volker Turk đã cảnh báo rằng, thế giới đang tiến tới một tương lai thảm khốc với hàng chục triệu người sẽ có nguy cơ phải hứng chịu nạn đói trừ khi tình trạng biến đổi khí hậu được giải quyết thỏa đáng.

Bên cạnh yếu tố thời tiết cực đoan làm sụt giảm sản lượng nông sản, những rào cản thương mại do các chính phủ áp đặt nhằm hỗ trợ dự trữ lương thực trong nước đã làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát lương thực trên thế giới. Tháng 7 năm ngoái, chỉ trong hơn một tuần, 3 nước là Ấn Độ, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Nga lần lượt thông báo ngừng xuất gạo ra nước ngoài. Hệ quả là giá gạo xuất khẩu trên toàn cầu lập tức tăng lên. Trong khi đó, gạo là lương thực rất quan trọng đối với chế độ ăn của hàng tỷ người ở châu Á và châu Phi. Gạo đóng góp tới 60% tổng lượng calo cho người dân ở các vùng của Đông Nam Á và châu Phi và tỷ lệ này tăng lên 70% ở các quốc gia như Bangladesh.

Tất cả các vấn đề trên đã dẫn đến những hậu quả tiêu cực. Theo con số thống kê, hơn 780 triệu người trên khắp thế giới đang trong tình trạng thiếu lương thực và khoảng 462 triệu người bị suy dinh dưỡng. Còn theo báo cáo của Mạng thông tin an ninh lương thực (FSIN) về các cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, số người bị đói năm ngoái tăng hơn 24 triệu người so với năm 2022. Báo cáo cũng lưu ý 2023 là năm thứ 5 liên tiếp tình hình mất an ninh lương thực trở nên trầm trọng hơn.

Trong các khu vực, châu Phi là nơi tình hình mất an ninh lương thực căng thẳng nhất. Báo cáo chung của FAO và Cơ quan Liên chính phủ về phát triển (IGAD) khu vực Đông Phi cho thấy, trong số 58 triệu người bị mất an ninh lương thực, có 30,5 triệu người đến từ sáu trong số tám quốc gia thành viên IGAD, gồm Djibouti, Kenya, Somalia, Nam Sudan, Sudan và Uganda; số người còn lại đến từ Burundi, CH Trung Phi, CHDC Congo và Tanzania. Hai tổ chức này nhấn mạnh, mức độ mất an ninh lương thực sau những trận mưa lớn và lũ lụt do hiện tượng khí hậu El Nino gây ra ở vùng Sừng châu Phi ngày càng trầm trọng.

Nỗ lực giảm lãng phí thực phẩm

Trước các thách thức to lớn của khủng hoảng lương thực với thế giới, các quan chức, chuyên gia đang kêu gọi cần thay đổi cách tiếp cận, tăng cường đầu tư cho nông nghiệp, cho các hoạt động đảm bảo an ninh lương thực theo hướng hiệu quả, bền vững hơn. Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres khẳng định: “Nếu không hành động, tình hình sẽ xấu đi. Xung đột đang tăng lên. Cuộc khủng hoảng khí hậu có nguy cơ leo thang. Và tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng đang gia tăng hàng năm. Để tránh gia tăng các mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế, chúng ta phải can thiệp. Chúng ta phải hành động ngay bây giờ để phá vỡ mối liên hệ chết người giữa xung đột, khí hậu và mất an ninh lương thực”.

Tại Hội nghị cấp cao của LHQ về hệ thống lương thực toàn cầu diễn ra tại Rome (Italy) cuối tháng 7 năm ngoái, LHQ đã kêu gọi ít nhất 500 tỷ USD để giúp các nước đang phát triển đầu tư dài hạn vào các hệ thống lương thực hoạt động tốt hơn. Trong 3 lĩnh vực chính cần hành động khẩn cấp, LHQ cho rằng nên bắt đầu bằng các khoản đầu tư “khủng” vào hệ thống lương thực bền vững. Tiếp đó là “đặt con người lên trên lợi nhuận” trong việc xây dựng hệ thống thực phẩm. Cuối cùng là tập trung vào các hệ thống thực phẩm giúp giảm lượng khí thải carbon trong quá trình chế biến, đóng gói và vận chuyển.

Còn một vấn đề khác là trong khi nhiều người đang thiếu ăn hoặc phải sử dụng những thực phẩm không lành mạnh, thì tại nhiều nơi trên thế giới, thực phẩm vẫn còn dùng được lại bị vứt bỏ. Theo LHQ, lãng phí thực phẩm đang ở trong tình trạng đáng báo động. Chỉ trong năm 2022, gần 1/5 lượng thực phẩm được sản xuất, tương đương với hơn 1 tỷ tấn, đã bị lãng phí trên toàn cầu. Trong số rác thải thực phẩm bị lãng phí có khoảng 60% đến từ các hộ gia đình, trong khi tỷ lệ này ở lĩnh vực dịch vụ thực phẩm và bán lẻ lần lượt khoảng 28% và 12%.

Trước thực trạng này, nhiều quốc gia đã nỗ lực giảm lãng phí thực phẩm. Năm 2016, Pháp là quốc gia đầu tiên trên thế giới cấm các siêu thị lãng phí và buộc các nhà bán lẻ lớn tặng đồ ăn không bán được, hoặc phải đối mặt với mức phạt là hơn 3.700 euro. Pháp còn đặt mục tiêu giảm 50% chất thải thực phẩm vào năm 2025. Ngay sau Pháp, Hạ viện Italy đã thông qua luật chống lãng phí thực phẩm. Điều luật mới khuyến khích nông dân, công ty chế biến thực phẩm và thương nhân tặng thực phẩm dư thừa thay vì vứt bỏ. Với luật này, Italy mong muốn nâng số lượng thực phẩm dư thừa quyên góp từ 550.000 tấn lên 1 triệu tấn để cứu trợ 6 triệu người gặp khó khăn.

Trung Quốc thì tuyên bố siết chặt kiểm soát các bữa tiệc tại khách sạn, nhất là những bữa tiệc có giá 1.500 nhân dân tệ/người (220 USD) trở lên. Các khách sạn, nhà hàng sẽ phải quy định số lượng thức ăn giới hạn phục vụ cho mỗi buổi tiệc, đồng thời có các điều khoản chặt chẽ, chi tiết về dịch vụ ẩm thực nhằm chống lãng phí. Còn tại Nhật Bản, Chính phủ đã xây dựng một chính sách cơ bản nhằm cắt giảm thực phẩm lãng phí. Từ đó, các chính quyền địa phương sẽ xây dựng các kế hoạch hành động cụ thể riêng. Luật này kêu gọi một “phong trào toàn quốc” để thực hiện việc giảm số lượng thực phẩm bị bỏ phí bằng cách phối hợp giữa các chính quyền địa phương, cũng như doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/the-gioi-doi-mat-voi-nguy-co-mat-an-ninh-luong-thuc-post581228.antd
Zalo