Thế giới đó đây: Sữa chua 'lên ngôi' trong bữa sáng của người Nhật Bản
Trong bối cảnh giá gạo tiếp tục ở mức cao, các món ăn truyền thống như cơm trắng và cơm nắm – vốn là thực phẩm chủ lực trong bữa ăn của người dân Nhật Bản – ngày càng ít xuất hiện trên bàn ăn. Mặc dù nhiều người có thể nghĩ tới các món thay thế như bánh mì hoặc mì nhưng khảo sát mới đây cho thấy sữa chua mới là món ăn được lựa chọn nhiều hơn.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, công ty nghiên cứu Lifescape Marketing Co. có trụ sở tại Tokyo đã công bố dữ liệu khảo sát về thay đổi thực đơn của các hộ gia đình ở vùng thủ đô Tokyo (bao gồm khu vực trung tâm thủ đô và các vùng lân cận) trong 3 tháng đầu năm nay. Kết quả cho thấy, trong số 214 hộ gia đình trả lời, có 30% cho biết giảm hơn 10% lượng gạo tiêu thụ so với cùng kỳ năm ngoái, 29% số hộ giảm từ 10% lượng gạo tiêu thụ trở xuống và tổng cộng gần 60% hộ gia đình cho biết giảm số lần ăn cơm.
Cũng theo kết quả khảo sát, sữa chua được ưa chuộng hơn cho thực đơn buổi sáng. Với nhóm hộ gia đình giảm hơn 10% lượng gạo tiêu thụ, sữa chua xuất hiện trên bàn ăn nhiều hơn 2,7% so với năm trước. Con số này là 1,5% ở nhóm hộ gia đình giảm dưới 10% lượng gạo tiêu thụ.
Khi chỉ giới hạn trong bữa sáng, sự xuất hiện của sữa chua tăng 4,9%, vượt xa các món ăn khác như súp potage (tăng 1,7%), trứng tráng Nhật Bản tamagoyaki (1,5%), bánh gạo mochi (1%) và bánh sandwich (0,8%). Trong khi đó, cơm giảm 5,1%, cơm nắm (giảm 4%), cơm có phủ như trứng sống (giảm 3,9%), các món ăn truyền thống của Nhật Bản như súp miso (giảm 3,3%), đậu nành lên men natto (giảm 1,3%) và các món hầm (giảm 1,2%). Điều này cho thấy xu hướng chuyển sang bữa ăn theo phong cách phương Tây khi lượng tiêu thụ gạo giảm.
Lý giải nguyên nhân khiến sữa chua được ưa chuộng, Akiko Furutani - Phó Giáo sư chuyên về dinh dưỡng theo thời gian tại Cao đẳng Cộng đồng Aikoku Gakuen ở Tokyo - cho rằng: "Xu hướng gần đây là hạn chế thực phẩm giàu carbohydrate và tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu protein hơn. Sữa chua được chọn vì là nguồn protein dễ tiếp cận".
Ngày càng có nhiều người lựa chọn sữa chua hoặc ngũ cốc thay vì cơm và súp miso cho bữa sáng trong ngày thường. Chuyên gia Furutani cho biết: "Ngoài giá gạo cao, nhiều người ngày càng chú trọng vào hiệu quả về thời gian nên họ thích lựa chọn các bữa sáng nhanh và dễ dàng hơn".
Trên thực tế, Meiji Co. - công ty dẫn đầu ngành về doanh số sữa chua - cũng có báo cáo rằng doanh số dòng sản phẩm "sữa chua Meiji Bulgaria" nguyên chất hàng đầu của công ty tăng khoảng 10% mỗi tháng so với cùng kỳ năm trước kể từ tháng 4/2024.
Morinaga Milk Industry Co. cũng báo cáo rằng doanh số các gói nhỏ 4 đơn vị "sữa chua Bifidus" của công ty tăng trung bình khoảng 20% từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay so với cùng kỳ năm trước. Một đại diện bày tỏ ngạc nhiên trước sự gia tăng đáng kể này, cho rằng đây "có thể là kết quả của việc mọi người ăn sữa chua sau bữa sáng vì họ giảm ăn gạo và thay thế bữa sáng bằng các món kiểu phương Tây như chuyển từ cơm sang bánh mì".
Bất chấp xu hướng nói trên, chuyên gia cho biết ăn cơm buổi sáng vẫn là tốt nhất.
Khảo sát của Lifescape Marketing cho thấy lượng cơm giảm ít nhất trong bữa tối với mức giảm chỉ là 13%, so với 29% của bữa trưa và 33% của bữa sáng. Tuy nhiên, theo quan điểm về dinh dưỡng, lựa chọn đúng phải là ngược lại: ăn cơm vào buổi sáng thay vì buổi tối. "Ăn thực phẩm giàu carbohydrate vào buổi sáng sẽ thiết lập lại đồng hồ sinh học trong cơ thể, cho phép hoạt động ngay từ đầu ngày. Ngược lại, ăn nhiều vào ban đêm có thể làm tăng lượng đường huyết và gây rối loạn giấc ngủ", một chuyên gia cho biết.
Do chỉ ăn sữa chua vào bữa sáng là không đủ để cung cấp carbohydrate nên Phó Giáo sư chuyên về dinh dưỡng Furutani khuyên mọi người nên lựa chọn các món thay thế khác như lúa mạch hoặc các loại ngũ cốc, thậm chí là mì ống. Tất nhiên, một chế độ ăn uống cân bằng vẫn là tốt nhất.