Thế giới 24h: Phát biểu bất ngờ của ông Trump sau hội đàm Nga - Mỹ

Vài giờ sau khi hội đàm Nga - Mỹ ở Ả Rập Saudi kết thúc, ông Trump đưa ra quan điểm giống Nga về điều kiện để Kiev có thể đạt thỏa thuận với Moscow.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: Alex Kent / Getty Images.

Ukraine phải bầu cử trước khi đạt thỏa thuận với Nga?

Tuyên bố được ông Trump đưa ra vài giờ sau cuộc họp Nga – Mỹ ở Ả Rập Saudi. Tổng thống Nga Vladimir Putin từng nhiều lần nói Moscow không coi ông Zelensky là nhà lãnh đạo hợp pháp ở Ukraine vì nhiệm kỳ tổng thống đã kết thúc vào tháng 5/2024.

Phát biểu hôm 18/2, ông Trump nói: “Nhà lãnh đạo Ukraine, tôi không muốn phải nói, nhưng ông ấy chỉ đạt tỷ lệ ủng hộ 4%".

“Khi họ nói muốn có chỗ trên bàn đàm phán, tôi nghĩ người dân Ukraine phải có tiếng nói. Đã từ rất lâu rồi Ukraine không tổ chức bầu cử. Đó không phải là ý tưởng xuất phát từ Nga. Đó là điều đến từ tôi, và đến từ nhiều quốc gia khác nữa", ông Trump nói, dường như ám chỉ Ukraine cần tổ chức bầu cử trước khi đạt thỏa thuận hòa bình với Nga.

Các nguồn tin ngoại giao nước ngoài am hiểu vấn đề cho biết, trong cuộc họp ở Ả Rập Saudi, Mỹ và Nga đã thảo luận kế hoạch hòa bình gồm 3 giai đoạn: Ngừng bắn, tổ chức bầu cử ở Ukraine và sau đó là đàm phán các điều khoản để ký kết thỏa thuận hòa bình.

Theo nguồn tin, Mỹ và Nga coi việc tổ chức cuộc bầu cử mới ở Ukraine là điều kiện then chốt cho sự thành công của tiến trình giải quyết xung đột.

Ông Zelensky kêu gọi đàm phán công bằng

Tổng thống Volodymyr Zelensky nói bất cứ cuộc đàm phán nào nhằm chấm dứt xung đột Nga - Ukraine đều phải công bằng và có sự tham gia của các nước châu Âu.

"Ukraine và châu Âu theo nghĩa rộng, bao gồm Liên minh châu Âu (EU), Anh và Thổ Nhĩ Kỳ, cần tham gia các cuộc đối thoại và phát triển đảm bảo an ninh cần thiết với Mỹ liên quan đến số phận của chúng tôi", Ông Zelensky nói trong cuộc họp báo ngày 18/2 với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại Ankara.

Ông Zelensky chỉ trích cuộc hội đàm giữa các quan chức Mỹ và Nga tại Ả Rập Saudi cùng ngày là "cuộc đàm phán về Ukraine nhưng không có đại diện của Ukraine". Tổng thống Zelensky cũng thông báo hoãn chuyến thăm Ả Rập Saudi, vốn dự kiến diễn ra ngày 19/2. Chuyến thăm bị dời lại sang ngày 10/3.

Ông Erdogan nói Thổ Nhĩ Kỳ là nơi lý tưởng để tổ chức đàm phán về chấm dứt chiến sự với sự tham gia của Mỹ, Nga và Ukraine. Ông Erdogan cho biết các cuộc đàm phán hồi năm 2022 giữa Nga và Ukraine tại Istanbul là "dấu mốc quan trọng mà các bên đã tiến gần đến một thỏa thuận nhất".

Ông Putin đề nghị phương Tây sửa chữa cơ sở dầu khí bị Ukraine tấn công

Tổng thống Vladimir Putin đã gợi ý việc sửa chữa một trạm bơm dầu ở miền nam nước Nga nên do phương Tây thực hiện. Cách đây vài ngày, trạm bơm bị Ukraine tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) gây hư hại. Cơ sở do liên doanh Caspian Pipeline Consortium (CPC) điều hành, trong đó các công ty Mỹ và châu Âu cũng có cổ phần.

Phó thủ tướng Nga Aleksandr Novak hôm 18/2 báo cáo với ông Putin rằng trạm bơm đã bị ít nhất 7 UAV Ukraine tấn công. Cuộc tấn công đã làm hỏng một số bộ phận quan trọng, khiến các đơn vị vận hành phải sử dụng phương án bơm dự phòng và cắt giảm công suất 30-40%.

Theo ông Novak, việc khôi phục toàn bộ công suất của trạm bơm sẽ mất rất nhiều thời gian vì trạm này sử dụng thiết bị của phương Tây, bao gồm thiết bị của công ty Siemens ở Đức.

Ông Putin nói phương Tây nên tạo điều kiện cho các công ty của họ để hỗ trợ sửa chữa cơ sở hạ tầng trạm bơm, cung cấp các thiết bị thay thế cần thiết.

"Vì họ (các công ty phương Tây) ... quan tâm đến việc khôi phục hoạt động của cơ sở, vậy hãy để họ sắp xếp việc giao thiết bị cần thiết", ông Putin nói. Ông chỉ ra rằng các cổ đông CPC sẽ làm điều đó "vì lợi ích của chính họ" dù sao đi nữa. Ông nói thêm rằng Moscow cũng sẽ đóng vai trò trong việc khắc phục thiệt hại.

Philippines tố trực thăng Trung Quốc áp sát chỉ cách 3 mét ở Biển Đông

Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines lên án hành động nguy hiểm của trực thăng Hải quân Trung Quốc khi bay quá gần máy bay của nước này ở Biển Đông.

Theo AFP, Philippines tố trực thăng Hải quân Trung Quốc đã gây nguy hiểm khi áp sát một máy bay của Cục Thủy sản và Tài nguyên thủy sản Philippines (BFAR). Máy bay Philippines khi đó đang tuần tra ở khu vực bãi cạn Scarborough thuộc Biển Đông.

“Sáng ngày 18/2, máy bay Trung Quốc đã thực hiện các thao tác bay nguy hiểm hướng về phía máy bay của BFAR. Hành động liều lĩnh này đã gây ra mối nguy hiểm nghiêm trọng đến an toàn của các phi công và hành khách trên chuyến bay", thông cáo của Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines cho biết.

Trực thăng Trung Quốc được cho là có thời điểm chỉ cách máy bay Philippines khoảng 3 mét.Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines khẳng định hành động này "vi phạm rõ ràng và coi thường quy định an toàn hàng không".

Bãi đá ngầm Scarborough là một trong những điểm nóng tranh chấp lớn nhất ở giữa Philippines và Trung Quốc ở Biển Đông.

Đăng Nguyễn - Tổng hợp

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/the-gioi-24h-ong-trump-bat-ngo-noi-giong-nga-ve-dieu-kien-de-kiev-dat-thoa-thuan-voi-moscow-20425190207010223.htm
Zalo