THẾ GIỚI 24H: Mỹ đưa thêm hàng nghìn quân đến Trung Đông
Lầu Năm Góc thông báo quân đội Mỹ đang tăng cường quân số ở Trung Đông thêm vài nghìn người, bằng cách bổ sung các đơn vị mới tới khu vực trong khi vẫn mở rộng những đơn vị hiện có.
Động thái tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Trung Đông diễn ra trong bối cảnh xung đột giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hezbollah ở Li-băng đang leo thang, đặc biệt là sau khi thủ lĩnh tối cao Hezbollah Hassan Nasrallah thiệt mạng trong vụ không kích của quân đội Israel (IDF) hồi tuần trước. Điều này làm dấy lên lo ngại về nguy cơ bùng phát cuộc chiến toàn khu vực. Phát biểu trước báo giới ngày 30/9, Phó Thư ký Báo chí Lầu Năm Góc Sabrina Singh xác nhận: “Số đơn vị đã được triển khai đến khu vực Trung Đông... sẽ được mở rộng và các lực lượng sắp vào chiến trường để thay thế luân phiên giờ đây sẽ được tăng cường”.
Thủ tướng Netanyahu cảnh báo cứng rắn sau khi gần 200 tên lửa Iran tấn công Israel.Phát biểu tại cuộc họp của Nội các an ninh ở Jerusalem ngay sau khi Iran tấn công Israel bằng tên lửa, Thủ tướng Benjamin Netanyahu tuyên bố Iran đã phạm “sai lầm lớn” và “sẽ phải trả giá cho điều đó". Ông Netanyahu cho biết cuộc tấn công vào Israel trước đó trong buổi tối đã "thất bại" vì đã bị đẩy lùi nhờ hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến của Israel, đồng thời bày tỏ cảm ơn Mỹ vì sự hỗ trợ.
Iran và Israel đe dọa lẫn nhau sau không kích. Sau cuộc không kích diện rộng bằng tên lửa của Iran vào Israel tối 1/10, hai nước liên tiếp đưa ra các thông điệp chỉ trích và đe dọa lẫn nhau, khiến cho tình hình căng thẳng tại khu vực Trung Đông vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Quân đội Israel (IDF) thông báo Iran đã bắn tổng cộng khoảng 180 tên lửa các loại và IDF đã đánh chặn được “số lượng lớn” nhưng “đã có một vài loạt không kích đánh trúng” vào một số khu vực khác miền Trung và phía Nam của Israel. Theo thống kê ban đầu, đã có 2 người Israel bị thương và một người Palestine tại khu Bờ Tây bị thiệt mạng.
Liên Hợp Quốc họp khẩn sau vụ Iran dội mưa tên lửa vào Israel. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã lên lịch họp khẩn cấp về tình hình leo thang ở Trung Đông vào sáng 2/10, theo yêu cầu của Pháp và Israel. Đại sứ Israel tại Liên Hợp Quốc Danny Danon nhấn mạnh trong một lá thư gửi Hội đồng Bảo an vào cuối ngày 1/10 cáo buộc Iran cố gắng phá hủy Israel "bằng một vòng lửa từ 7 mặt trận" và kêu gọi Hội đồng Bảo an lên án quốc gia này và chỉ định Lực lượng Vệ binh Cách mạng của nước này là một tổ chức khủng bố.
Biến động nhân sự cấp cao tại Bộ Quốc phòng Ukraine. Ngày 1/10, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov cho biết, ông đã đệ trình lên chính phủ nước này yêu cầu sa thải một loạt quan chức cấp cao dưới quyền của mình.
Hàn Quốc kỷ niệm 76 năm ngày thành lập lực lượng vũ trang. Ngày 1/10, Hàn Quốc đã bắt đầu buổi lễ duyệt binh Kỷ niệm 76 năm ngày thành lập lực lượng vũ trang tại căn cứ Không quân ở Seongnam, phía Nam thủ đô Seoul, với sự tham gia của khoảng 5.000 binh sĩ cùng 340 trang thiết bị quân sự. Điểm nhấn của lễ diễu hành là việc ra mắt tên lửa đạn đạo Hyunmoo-5. Hyunmoo-5, với biệt danh “quái vật” nhờ kích thước khổng lồ và sức mạnh hủy diệt, có khả năng mang theo đầu đạn nặng tới 8 tấn, có thể phá hủy các boongke ngầm.
Nước Nga chuẩn bị cho một cuộc đối đầu lâu dài với Mỹ. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov ngày 1/10 tuyên bố nước này đang chuẩn bị cho một cuộc đối đầu lâu dài với Mỹ. Phát biểu với các phóng viên, ông Ryabkov nêu rõ: "Chúng tôi đã trao đổi quan điểm về triển vọng cải thiện quan hệ giữa hai nước, bao gồm cả trong bối cảnh cuộc bầu cử sắp tới ở Mỹ vào tháng 11. Không nên có ảo tưởng đặc biệt nào, xét đến sự đồng thuận chống Nga của lưỡng đảng đã phát triển ở Mỹ. Chúng ta phải chuẩn bị cho một cuộc đối đầu lâu dài với quốc gia này. Chúng ta đã sẵn sàng cho viễn cảnh này theo mọi nghĩa."
Quốc hội Romania phê duyệt thành lập Trung tâm huấn luyện cho Ukraine. Ngày 1/10, Quốc hội Romania đã phê duyệt việc thành lập một Trung tâm huấn luyện cho lính thủy đánh bộ Ukraine tại nước này theo đề xuất của Tổng thống Iohannis. Theo quyết định, Trung tâm sẽ hoạt động trong hai năm và Romania có quyền chấm dứt cam kết bất kỳ lúc nào trong quá trình đào tạo hoặc sau khi thời hạn thỏa thuận kết thúc. Những đóng góp từ cộng đồng quốc tế sẽ giúp duy trì hoạt động của trung tâm, trong khi Anh sẽ cung cấp toàn bộ kinh phí và hỗ trợ lập kế hoạch cho quá trình phát triển ban đầu của trung tâm này.