Thế giằng co tại Eximbank
Sự cân bằng của hai nhóm cổ đông nhìn từ phiên họp bất thường vừa tổ chức của Eximbank cho thấy thế giằng co tại nhà băng này. Diễn biến này, cùng với lịch sử gần thập kỷ khó tìm được tiếng nói chung, khiến tương lai của Eximbank thêm khó đoán định.
Thế giằng co tại Eximbank
Cuối tháng 11, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, EIB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường. Đây là lần thứ hai Eximbank tổ chức họp cổ đông tại Hà Nội, nhưng để thông qua một quyết định mang tính lịch sử - chuyển trụ sở ra ngoài Bắc, cùng với việc miễn nhiệm một số thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát.
Là một ngân hàng niêm yết với hơn 21.200 cổ đông, đại diện hơn 1,8 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, chi tiết đáng chú ý đầu tiên là số lượng cổ đông, lượng cổ phần đại diện tham dự họp và biểu quyết.
Phiên họp bắt đầu với 209 cổ đông, đại diện 52,9% cổ phần ngân hàng, theo biên bản phiên họp. Nhưng đến thời điểm biểu quyết các vấn đề, gồm các nội dung quy chế, chương trình đại hội và các tờ trình, Eximbank phát ra chưa tới 100 phiếu biểu quyết, nhưng đại diện hơn 1,7 tỷ cổ phiếu, tức hơn 90% cổ phần đang lưu hành.
So với lượng cổ đông tham dự ban đầu hay tổng quy mô hơn 21.200 cổ đông hiện có, số phiếu biểu quyết được phát ra, cũng đồng thời thể hiện số cổ đông tham dự trực tiếp và được ủy quyền bỏ phiếu, cho thấy mức độ "cô đặc" về quản trị nhà băng này, hoặc ít nhất là quyết tâm của những nhóm cổ đông lớn.
Chi tiết đáng chú ý thứ hai là tỷ lệ thông qua và phủ quyết các tờ trình. Ba tờ trình về thay đổi trụ sở, sửa đổi điều lệ và dừng dự án trụ sở chính tại T. Hồ Chí Minh cùng nhận được 58,73% đồng ý và 41,23% phản đối. Với ba tờ trình về nhân sự, tỷ lệ có phần sít sao hơn, với 53,85% đồng ý và 41,23% phản đối (riêng tờ trình miễn nhiệm ông Ngo Tony nhận 40,74% phản đối).
Sự chênh lệch giữa hai nhóm vấn đề có thể đến từ nhóm cổ đông đại diện khoảng 5% cổ phần. Nhóm này đồng thuận với các tờ trình về thay đổi hoạt động, điều lệ nhưng không có ý kiến với ba tờ trình về nhân sự. "Đứng ngoài" những vấn đề về nhân sự cũng thường là quan điểm của một số cổ đông tổ chức lâu năm.
Việc xác định cụ thể quy mô sở hữu của các nhóm ra quyết định trái chiều không dễ. Bởi theo nguồn tin của TBTCVN, ngay trước khi phiên họp bất thường tại Eximbank diễn ra, một số cổ đông nhỏ của nhà băng này đã nhận được đề nghị mua lại quyền biểu quyết. Tức là, ngoài tỷ lệ sở hữu của hai nhóm khác nhau về quan điểm và các bên liên quan, tỷ lệ này còn thêm cả phần biểu quyết dựa trên tiềm lực tài chính của mỗi bên.
Eximbank thông báo tổ chức đại hội cổ đông bất thường lần 2 vào ngày 26/2/2025. Ngày đăng ký cuối cùng để cổ đông thực hiện quyền dự họp và biểu quyết là 26/12/2024. Nội dung dự kiến của cuộc họp lần tới là bầu bổ sung 3 thành viên Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2020 - 2025 và thông qua sửa đổi điều lệ ngân hàng.
Dù con số cụ thể khó xác định, ít nhất cả hai nhóm đều cố gắng kiềm tỏa bên còn lại. Chính điều này cũng khiến Eximbank rơi vào tình huống khó xử, khi tờ trình chuyển trụ sở được thông qua (yêu cầu trên 51% cổ phần tham dự họp), nhưng việc thay đổi Điều lệ ngân hàng cho phù hợp nội dung mới và dừng đầu tư dự án cũ (cần trên 65% cổ phần tham dự họp) lại bị phủ quyết.
Eximbank có được chuyển trụ sở ra Hà Nội hay không, hoặc chuyển trụ sở rồi nhưng có được dừng đầu tư dự án cũ sẽ tiếp tục phải chờ việc tổ chức họp ĐHĐCĐ.
Nhận diện các nhóm cổ đông
Trước khi định vị về hai nhóm cổ đông khác quan điểm tại Eximbank, đầu tiên cần xem xét tới những cổ đông nào đã "xuất hiện" tại nhà băng này.
Từ 1/7/2024, các ngân hàng phải công bố danh sách cổ đông sở hữu trên 1% cổ phần. Eximbank đã bốn lần công bố danh sách này, với lần gần nhất cập nhật tới ngày 10/10/2024.
Trong đó, nhà băng này chỉ có một cổ đông lớn là Tập đoàn Gelex sở hữu 10% cổ phần. Bốn cổ đông khác là Vietcombank (sở hữu 4,51%), Chứng khoán VIX (sở hữu 3,58%) và hai cổ đông cá nhân là Lê Thị Mai Loan và Lương Thị Cẩm Tú mỗi người nắm hơn 1% cổ phần.
Trong hai cổ đông cá nhân còn lại, bà Lê Thị Mai Loan từng chung nhóm cổ đông đề cử Phó Chủ tịch Bamboo Capital vào Hội đồng quản trị Eximbank đầu năm 2022. Nhóm này gồm: Công ty Thắng Phương, bà Mai Loan, Công ty Đầu tư và dịch vụ Helios và ông Nguyễn Hồ Nam - cựu Chủ tịch HĐQT Bamboo Capital. Công ty Thắng Phương cũng từng xuất hiện trong danh sách cổ đông nắm trên 1% tại Eximbank trong lần công bố ngày 1/7/2024 (sở hữu 3,07%).
Trở lại với phiên họp bất thường cuối tháng 11, nội dung có sự tranh chấp sít sao nhất cũng chính là vấn đề nhân sự.
Trong đó, tờ trình miễn nhiệm hai Phó chủ tịch HĐQT Eximbank là ông Nguyễn Hồ Nam và bà Lương Thị Cẩm Tú cùng nhận được 53,85% cổ phần tham gia biểu quyết đồng ý, 41,23% phản đối và 4,87% không có ý kiến.
Nhóm cổ đông đại diện cho ông Hồ Nam và bà Lương Thị Cẩm Tú sẽ không tự miễn nhiệm nhân sự đại diện, theo đánh giá của Giám đốc phân tích một công ty chứng khoán tại TP. Hồ Chí Minh. Trước khi biểu quyết, chính ông Hồ Nam cũng cho biết "cá nhân ông đại diện cho nhóm cổ đông lớn trên 10% cổ phần là quyền bất khả xâm phạm được đề cử tham gia HĐQT và được ĐHĐCĐ biểu quyết với phương thức dồn phiếu", theo biên bản họp được công bố.
Việc miễn nhiệm người của nhóm cổ đông khác ra khỏi HĐQT, theo đó, được xem là bước đi có thể đẩy căng thẳng lên cao hơn. Dù nhóm cổ đông không đồng ý việc miễn nhiệm ở thế yếu hơn, nhưng ít nhất nhóm này vẫn còn ảnh hưởng tới các quyết định cần tỷ lệ biểu quyết trên 65%./.
Tập đoàn Gelex và Chứng khoán VIX là hai cái tên quen thuộc. Vietcombank cũng không phải cái tên mới tại Eximbank. Ngân hàng quốc doanh này cầm khoản đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng tại hai ngân hàng khác nhiều năm nay. Ngoài 4,5% cổ phần Eximbank, Vietcombank cũng sở hữu 4,35% cổ phần Ngân hàng Quân Đội (MB).