Thể dục thể thao - điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới

Trong hành trình xây dựng nông thôn mới (NTM), thể dục thể thao (TDTT) đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống, sức khỏe thể chất và tinh thần cho người dân nông thôn. Tại tỉnh Tiền Giang, TDTT đã và đang trở thành điểm sáng đáng chú ý trong phong trào xây dựng NTM.

Biểu diễn võ thuật tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao thị trấn Mỹ Phước, huyện Tân Phước.

Biểu diễn võ thuật tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao thị trấn Mỹ Phước, huyện Tân Phước.

TDTT được xác định là một trong những nội dung trọng yếu trong Tiêu chí số 6 và Tiêu chí số 16 của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, cụ thể là “cơ sở vật chất văn hóa” và “văn hóa”. Trong đó, việc xây dựng và duy trì hoạt động các trung tâm văn hóa - thể thao xã, ấp là yếu tố then chốt để đảm bảo người dân có điều kiện tham gia các hoạt động TDTT, nâng cao đời sống tinh thần.

Tiền Giang đã có những chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ các xã trong việc xây dựng và nâng cấp các thiết chế văn hóa - thể thao. Giai đoạn 2021 - 2024, tỉnh đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho xây dựng mới và sửa 135 trung tâm văn hóa - thể thao cấp xã, mỗi trung tâm có sức chứa từ 200 - 250 chỗ, đạt chuẩn Bộ tiêu chí NTM.

Trên toàn tỉnh có 6 sân vận động cấp huyện ở: Chợ Gạo, Gò Công Đông, TP. Gò Công, TX. Cai Lậy, Tân Phước, Tân Phú Đông; 64 sân bóng đá 11 người do UBND cấp xã cấp xã quản lý. Nhiều địa phương như: Chợ Gạo, Cai Lậy, Gò Công Đông đã phát huy tốt cơ sở vật chất hiện có để tổ chức các hoạt động TDTT quy mô lớn, thu hút cả người lớn và thanh thiếu niên tham gia.

Các hoạt động thể thao quần chúng được tổ chức thường xuyên, từ cấp ấp đến cấp xã, huyện, thu hút sự tham gia sôi nổi của đông đảo người dân. Các môn thể thao truyền thống như: Bóng đá, Bóng chuyền, Cầu lông, Cờ tướng...

Theo thống kê, mỗi xã tổ chức trung bình 6 cuộc hội thi TDTT mỗi năm. Mỗi xã duy trì tối thiểu 5 câu lạc bộ TDTT hoạt động định kỳ hằng tháng. Trung tâm cấp huyện tổ chức khoảng 1.000 buổi hoạt động văn hóa - thể thao mỗi năm, thu hút 132.000 lượt người xem.

Đặc biệt, các phong trào thể thao gắn với xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư như: “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” hay “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tinh thần rèn luyện thể chất trong cộng đồng.

Những chương trình như: Hội thao nông dân, Hội khỏe phụ nữ, giải thể thao thiếu nhi... đã thực sự tạo nên một không khí sôi động, đầy hứng khởi trong đời sống nông thôn. Qua đó, tỷ lệ người dân tham gia tập luyện TDTT đạt tỷ lệ trên 25% người dân thường xuyên tham gia luyện tập TDTT ở mỗi xã.

Thành công của phong trào TDTT ở nông thôn Tiền Giang không thể không nhắc đến vai trò chủ thể của người dân. Nhờ vào công tác tuyên truyền sâu rộng, nhận thức của người dân về vai trò của thể thao trong nâng cao sức khỏe và gắn kết cộng đồng đã được nâng cao rõ rệt.

Người dân không còn chỉ tham gia TDTT vào dịp lễ, hội, mà đã chủ động hình thành các câu lạc bộ thể thao như: Bóng chuyền, đi bộ, dưỡng sinh, võ thuật truyền thống, xe đạp… hoạt động thường xuyên và tự nguyện.

Mặt khác, việc xã hội hóa TDTT cũng được tỉnh và các địa phương đẩy mạnh. Nhiều mạnh thường quân, doanh nghiệp địa phương đã tích cực tài trợ trang thiết bị, dụng cụ thể thao, tổ chức giải đấu cấp xã, ấp, tạo điều kiện để phong trào TDTT phát triển bền vững. Tư nhân cũng mạnh dạng đầu tư kinh doanh các hoạt động TDTT với khoảng 233 sân bóng đá cỏ nhân tạo theo hình thức xã hội hóa trên toàn tỉnh.

Trong bối cảnh tỉnh Tiền Giang đang đẩy mạnh nâng chất các xã NTM đạt chuẩn và xây dựng xã NTM kiểu mẫu, TDTT tiếp tục là một trong những điểm nhấn trong chiến lược phát triển văn hóa nông thôn. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% xã có trung tâm văn hóa - thể thao đạt chuẩn, ít nhất 70% số ấp có sân chơi, bãi tập phục vụ cộng đồng.

Để đạt được mục tiêu đó, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư từ ngân sách cũng như huy động nguồn lực xã hội hóa cho xây dựng và nâng cấp cơ sở vật chất TDTT. Đồng thời, sẽ có chính sách khuyến khích hình thành và duy trì các câu lạc bộ TDTT tự nguyện, tổ chức thường xuyên các giải thể thao phong trào gắn với đặc trưng vùng, miền nhằm lan tỏa tinh thần rèn luyện sức khỏe đến mọi tầng lớp nhân dân.

Tỉnh cũng sẽ chú trọng hơn nữa đến việc đưa TDTT vào trường học, giúp học sinh được rèn luyện ngay từ khi còn nhỏ; đồng thời, phát hiện, bồi dưỡng những tài năng thể thao trẻ tại địa phương - làm nền tảng cho sự phát triển thể thao thành tích cao trong tương lai.

Trong giai đoạn tiếp theo, để tiếp tục phát huy vai trò của TDTT trong xây dựng nông thôn mới, tỉnh Tiền Giang xác định một số định hướng trọng tâm như sau: Tăng cường đầu tư hạ tầng thể thao nông thôn: Ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách kết hợp xã hội hóa để xây dựng và nâng cấp các thiết chế thể thao cơ sở như: Sân vận động mini, nhà tập đa năng, sân chơi cộng đồng tại các xã, ấp.

Tỉnh Tiền Giang tiếp tục phát triển phong trào TDTT quần chúng theo chiều sâu khuyến khích hình thành các câu lạc bộ thể thao tự quản để tạo điều kiện cho người dân duy trì luyện tập thường xuyên.

CAO THẮNG

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/the-thao/202504/the-duc-the-thao-diem-sang-trong-xay-dung-nong-thon-moi-1040099/
Zalo