Thế cờ lật ngược và những bông hoa dưới tán rừng Trường Sơn

'Hơn cả huyền thoại', đó là những gì mà phóng viên VOV cảm nhận khi lắng nghe câu chuyện về đường Trường Sơn từ những người lính năm xưa.

“Hơn cả huyền thoại”, đó là những gì mà phóng viên VOV Giao thông cảm nhận khi lắng nghe câu chuyện về đường Trường Sơn từ những người lính năm xưa. Họ - góp phần tạo nên huyền thoại, nhưng sau 50 năm thống nhất đất nước, đọng lại là những câu chuyện lịch sử dung dị, sâu lắng; được kể với tâm thế của một người lính đang sống hạnh phúc trong thời bình.

Hơn cả huyền thoại, đó là những gì chúng ta, những hậu thế hôm nay và mai sau có động lực mạnh mẽ để viết tiếp trang sử hào hùng của dân tộc.

Đại tá Nguyễn Ngọc Bào, Nguyên Chính ủy Trung đoàn 32 ô tô vận tải quân sự Trường Sơn nay đã 93 tuổi, vẫn hào sảng kể chuyện chiến trường.

Vào thời điểm chót cùng của cuộc chiến, lực lượng vận tải cơ giới Trường Sơn thực hiện được chiến dịch thần tốc, kỳ diệu, góp phần cùng quân, dân cả nước tiến hành Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 – đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Thế cờ lật ngược trên đường Trường Sơn nói chung và đối với lực lượng vận tải cơ giới nói riêng đều ghi đậm dấu ấn của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - Tư lệnh Đoàn 559, Bộ đội Trường Sơn.

Trước sự đánh phá, ngăn chặn tuyến chi viện Trường Sơn bằng mọi khí tài hiện đại, tối tân nhất của quân đội Mỹ, Đại tá Nguyễn Thuận Quảng – nguyên tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn ô tô vận tải 102 không thể quên được những ngày tháng ác liệt đó, khi chỉ cần một chiếc máy bay C-130 là đã có thể khống chế toàn bộ tuyến đường Trường Sơn.

Đối mặt với nỗi sợ lớn nhất của lính lái xe Trường Sơn, công tác tư tưởng được quan tâm kịp thời, quán triệt tinh thần đã là cán bộ thì phải nêu gương, nhất là đảng viên, thủ trưởng tiểu đoàn phải ngồi xe đi đầu, để anh em chiến sỹ yên tâm ôm lái, đẩy cao tinh thần sẵn sàng xông pha, xung kích.

Đến năm 1971, lực lượng phòng không bắn rơi chiếc C-130 đầu tiên, từ lúc đó, xe chạy an toàn trên đường Trường Sơn. Đại tá Nguyễn Ngọc Bào chia sẻ niềm vui mỗi khi lực lượng phòng không bắn rơi máy bay C-130:

“Đêm mình đang trực, anh em pháo bắn thằng C-130 rơi xuống là mừng lắm. Ở chiến trường, sự đoàn kết và lập công tập thể rất rõ, 3 lực lượng pháo binh, công binh và lái xe thực sự gắn bó. Mỗi lần bắn được 1 chiếc C-130 thì công binh, pháo binh với lái xe chào đón trên dọc đường, hoan hỷ, liên hoan các thứ”.

Sự thay đổi chiến thuật vận tải đối với lái xe Trường Sơn từ chạy đường hở sang đường kín cũng tạo nên hiệu quả không ngờ. Niềm hân hoan của những chiến sỹ lái xe khi “vượt cung, tăng chuyến” như được sống lại trong lời kể của cựu chiến binh Ngô Tiến Vững – bộ đội lái xe Trường Sơn năm nào:

“Đường K, trong chiến trường gọi là ‘đường kín’, ‘đường kín’ mở qua cánh rừng mới nguyên, có những đoạn đi qua bản hay cánh đồng thì ‘hở’, công binh lại phải làm giàn mướp, lá ngụy trang che lên trên, rất vất vả”.

Công binh mở rộng đường, là đường cho phẳng để tăng tốc độ chạy xe, tăng chiều dài ‘đường kín’ liên tục, chuyển từ chạy đêm sang chạy ngày… Đó đều là những bước ngoặt làm thay đổi hoàn toàn thế cờ vận tải chi viện của bộ đội Trường Sơn và mang lại những kết quả không thể ngờ tới.

Đại tá Nguyễn Thuận Quảng nhớ rất rõ: “Tôi có vinh dự là người đầu tiên sử dụng đường kín, từ đầu năm 1971, hầu hết là chạy ban ngày. Ban đêm chỉ đội nhỏ chạy nghi binh thôi. Chính thế ta đã che được mắt địch, đến kết thúc chiến tranh cũng không biết ta chạy ban ngày, vẫn nghĩ ta chạy ban đêm đường hở.

Đặc biệt là thay đổi chiến thuật chạy xe nên khối lượng vận chuyển của chúng tôi tăng vọt, tôi nhớ là binh trạm của tôi có tháng lên tới ‘một trăm ba mấy phần trăm’ - vượt kế hoạch vận tải, trước kia mà lo được 80 - 90% là khó lắm. Nhưng đến khi thực hiện cái này cứ 120 – 130% là thường, lái xe phấn khởi lắm”.

Phấn khởi, sung sướng, vỡ òa… đó là lời kể của những người lính lái xe Trường Sơn khi được ôm lái trong một “không gian ngập tràn ánh sáng” từ 1973, sau khi Hiệp định Genève được ký kết.

Đại tá Nguyễn Thuận Quảng cũng không thể quên cảm giác sung sướng được cùng đồng đội ôm lái chạy ban ngày: “Ôi giời, phấn khởi lắm, từ cán bộ đến chiến sỹ thích lắm, vì có 2 lý do, một là sức khỏe, anh em, xe cộ được bảo vệ. Lái xe được ăn uống nghỉ ngơi, các trạm sửa chữa thì thợ sửa chữa đến bảo dưỡng, kiểm tra cho, ông lái xe chỉ cần lái thôi. Trước kia anh lái xe ban đêm khổ lắm, nếu xe hỏng thì tự nằm lại dọc đường, tự sửa được thì sửa, không thì nằm đấy đợi anh em đến kéo cho…

Cái quan trọng thứ 2 là không chỉ ở khối lượng vận chuyển mà công lao bốc vác ở kho cũng giảm. Trước kia chạy cung ngắn mà khoảng 100 cây số thì hạ xuống, xong quay ra, lại một anh khác từ đó bốc lên rồi đi tiếp, bây giờ chúng tôi không phải làm thế nữa…”

"Đi ta đi những đoàn xe nối tiếp ta đi

Đưa hàng vào miền Nam ruột thịt

Trong đêm tối mịt mù không ánh trăng sao

Vượt qua bom đạn pháo sáng trên đầu

Vẫn vững vàng tay lái xe nối tiếp nhau

Trên Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại

Để miền Nam mãi mãi thuộc về ta

Tin vui thắng trận nở như hoa

Ngày mai thống nhất nước nhà

Việt Nam độc lập sẽ là mùa xuân..."

Bài thơ “ĐÁNG TỰ HÀO” – Trích trong Hồi ký “MỘT THỜI ĐỂ NHỚ” do Đại tá Nguyễn Ngọc Bào sáng tác sau mùa khô đầu tiên ở Trường Sơn cùng các đồng đội, chiến sỹ lái xe Trường Sơn…

Những dòng chữ trào ra từ trong tim người cựu chiến binh đã ngoài 90 tuổi vẫn đọc rành rọt từng chữ, không cần tới kính lão.

Đúng như Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên – Tư lệnh Đoàn 559 đã từng viết những lời ngợi ca, tự hào về cung đường Trường Sơn trong cuốn hồi ký Với cả Cuộc đời: "Dẫu đã nói khá nhiều, viết khá nhiều về con đường huyền thoại này nhưng những gì đã nói, đã viết vẫn chỉ là nhỏ nhoi so với tầm thế vĩ đại vốn có của nó”.

Những con người đã làm nên huyền thoại năm xưa vẫn tiếp tục là nguồn cảm hứng, tiếp lửa cho những huyền thoại mới của đất nước mai sau…

Đường Trường Sơn với mạng lưới đường ô tô kéo dài hơn 17.600km, cùng mạng lưới giao thông đa dạng, liên hoàn, tuyến chi viện chiến lược này đã có những thay đổi chiến thuật trong những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt nhất, tạo nên thế cờ lật ngược và bước tiến huyền thoại đi tới thắng lợi cuối cùng vào mùa xuân năm 1975.

Thuộc từng gốc cây, từng hố bom, tắt đèn mà đi, ăn tết giữa rừng, hút xăng bằng miệng… không ở nơi đâu như trên con đường Trường Sơn, huyền thoại được viết lên bởi nhiều câu chuyện đặc biệt đến thế.

Trên con đường ấy, những chiến sĩ lái xe Trường Sơn đã hoàn thành sứ mệnh kết nối mọi huyền thoại tới chiến thắng vang dội mùa xuân năm 1975. Sau 50 năm, họ vẫn giữ trong mình ngọn lửa nhiệt huyết của những phi công mặt đất gan vàng dạ ngọc năm xưa…

Tất cả đều nhờ vận chuyển mà có - Cựu chiến binh Đoàn Văn Lập, Nguyên tiểu đoàn trưởng 102- tiểu đoàn xe anh hùng, thuộc Đoàn vận tải Quang Trung, đường 559 (đường Trường Sơn) khẳng định điều này một lần nữa khi nhìn lại cuộc chiến vĩ đại của dân tộc sau 50 năm giành thắng lợi.

Câu chuyện về tuyến đường vận tải hậu cần chiến lược được kể lại sinh động nhất, hấp dẫn nhất, cao trào nhất, có lẽ là câu chuyện được kể từ những người lính lái xe Trường Sơn năm xưa, bởi họ là những người di chuyển nhiều nhất, thân thuộc nhất trên cung đường Trường Sơn huyền thoại.

“Có bao nhiêu hầm, chỗ nào là hầm nhỏ, chỗ nào là hầm cho lái xe trú còn chỗ nào là hầm trực chiến của công binh thì mình biết hết. Có lần bị C-130 đuổi từ ngầm Bản Khốc chạy lên đến đèo cũ, gặp hầm trực chiến của công binh là hô lái xe, y tá với phụ xe nhảy xuống, vừa nhảy xuống là nó bắn tan xe luôn. Nên mình phải nhớ hầm”, Trung úy Ngô Tiến Vững - Cựu chiến sỹ lái xe chuyên nghiệp Trường Sơn.

“Nhiều khi rúc xuống hố bom rồi lại hò hét kéo nhau lên, lại đi tiếp, máy bay F4 lao xuống vồ chúng tôi không vồ được, nó bay ở trên ngay sát trên đầu mà chúng tôi vẫn đi, cứ tới suối là chúng tôi quen rồi tắt đèn, ngóc lên cái là chúng tôi lại đi”, Thiếu tá chuyên nghiệp Phạm Đức Toàn - Lái xe Bộ Tư lệnh đường ống xăng dầu.

Mỗi người lính lái xe Trường Sơn chỉ được đào tạo 40 - 45 ngày, thay vì 6 tháng như thông thường. Họ đã vào chiến trường với lòng quả cảm và sự nhạy bén cao độ, xứng đáng với lời khen tặng của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đặc biệt dành cho lực lượng này là “gan vàng, dạ ngọc”.

Đại tá Nguyễn Thuận Quảng - Nguyên tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn ô tô vận tải 102., một trong những giáo viên dạy lái và đưa những chuyến xe đầu tiên vào vận chuyển trên đường Trường Sơn kể lại: “Tự trưởng thành ngay, anh nào cũng thế. Anh không nhanh, nó đánh là anh chết, cho nên phải tự trưởng thành, có khi chuyến trước chuyến sau bản thân đã thay đổi rồi. Anh em lái xe thích ứng nhanh lắm, vì thực tế nó buộc phải thế”.

Yêu xe như con, quý xăng như máu, những chiến sỹ lái xe Trường Sơn ôm xe vững vàng, dũng cảm trên từng cung đường, mặc cho mưa bom, bão đạn trút trên đầu cũng không thể làm những bánh xe dừng lăn trên con đường huyền thoại:

“Bộ đội lái xe thì anh nào cũng thế thôi, vào trong đó thì chỉ có một tâm nguyện là được chạy trên đường, không ai muốn ở nhà cả, giữa cái sống cái chết, không ai nghĩ đến ở nhà nữa”, Trung úy Ngô Tiến Vững - Cựu chiến sỹ lái xe chuyên nghiệp Trường Sơn.

“Chúng tôi vào trong chiến trường toàn đi xe đại tu, nó nặng lắm. Xe nào tụi tôi cũng làm, đổ thì kéo, méo thì gò, ngoài giờ đi công tác về chị em chúng tôi lại tập trung vào sửa xe, bản thân chúng tôi còn phải hút xăng bằng miệng”, bà Vũ Thị Kim Dung - Cựu nữ lái xe Trường Sơn.

“Khi nhận xe về thì còn mới lắm, xe màu xanh cánh chả, chỉ được vài chuyến đầu thôi, sang chuyến thứ 4 - 5 trở đi thì thùng bể hết. Sau nát bét cả. Nhưng mà có điều quan trọng nhất là hỏng thì hỏng thùng thôi, hàng không mất là được rồi”, Đại tá Nguyễn Thuận Quảng - Nguyên tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn ô tô vận tải 102.

Trong chiến trường, điều khổ nhất của chiến sỹ lái xe Trường Sơn được cựu chiến binh Ngô Tiến Vững, chiến sỹ lái xe tiểu đoàn 102 điểm danh: “Máy bay C-130 bắn hỏng xe nằm tại chỗ thì còn khổ hơn cả cháy hẳn xe, vì nằm trên đường không có công binh, bơ vơ giữa cánh rừng, lại không nấu nướng được vì nấu có khói, cứ bơ vơ ở đó, phải chờ đến tối mới có đơn vị hành quân, có xe hộ tống thì mới về được, nó khổ là khổ ở chỗ đó, người lái xe phải chịu đựng như thế”.

Và không thể không nói tới điều mà lính lái xe Trường Sơn sợ nhất, như cựu chiến binh Nguyễn Thuận Quảng nhớ lại: “Ban đầu tinh thần lái xe và chính bản thân cán bộ, những chỉ huy trực tiếp cũng hoang mang, bước đầu cũng có dao động. Vì máy bay C-130 rất nhiều khí tài, nó đánh trúng buồng lái thì lái xe hy sinh, trúng thùng xăng thì cháy xe, trúng lốp thì xe hỏng, chứ còn nó đã đánh thì khó trượt lắm”.

Thú vị không kém, chính là cách những người lính lái xe Trường Sơn thông minh, gan dạ, sáng tạo trong mọi hoàn cảnh mỗi khi ôm lái. Đó là những câu chuyện chỉ có ở lính lái xe Trường Sơn.

“Cái tết đầu tiên năm 1965 cũng là lịch sử đấy, xe cũng đi chuyến đầu tiên, đêm không có nước nấu ăn ở Trường Sơn, lấy nước ở téc xăng ra nấu ăn, nấu xong mùi xăng dầu nhiều mới lấy mắm tôm khua vào cho bay mùi xăng dầu”, Đại tá Nguyễn Ngọc Bào - Nguyên Chính ủy Trung đoàn 32 ô tô vận tải quân sự Trường Sơn.

“Xe mình có hệ thống cầu xúc, nếu trời mưa lên dốc nó cứ giãy đành đạch, nên chúng ta khắc phục bằng cách hàn bánh xích như xe tăng, thế là nó bò lên dốc được. Ở trong chiến trường két nước mà hỏng thì cắt ra, dùng mỡ tẩm với bông rồi nhét vào, nó kín là nó không phun được nữa. Hay những xe trên đường bị cái tăng điện, nếu hỏng cái đó thì các ông ấy lại bắt cái con ngóe, cái loại đó nó lại truyền điện được thì các ông ấy nối vào được”, Trung úy Ngô Tiến Vững - Cựu chiến binh lái xe chuyên nghiệp Trường Sơn.

Nhưng nếu nói lính lái xe Trường Sơn là sướng nhất, vui nhất, lạc quan nhất thì cũng không thể không tin.

“Bộ đội trong Trường Sơn thì anh em lái xe không khổ, tôi khẳng định là không khổ, vì bộ đội lái xe được ưu tiên lắm. Ví dụ, Tết đến chúng tôi chạy trên đường là tất cả các đơn vị công binh dọc đường đều đưa bánh chưng ra tiếp đón chúng tôi.

Khi chúng tôi lái xe trong Trường Sơn là lái xe có giá lắm. Lái xe là phi công mặt đất, Lái xe trên đường là được công binh, bảo vệ, pháo binh, giao liên, bộ binh, cơ quan tham mưu, hậu cần… tôi tính ra tất cả 10 người phục vụ một lái xe.

Khi về đến bãi, đỗ rồi, đi ăn cơm rồi đi ngủ, tất cả hàng hóa, ngụy trang xe có bộ phận phụ trách làm đầy đủ, đến khi ngủ dậy chỉ việc vác cái túi lên xe xuất phát đi đến ngày hôm sau, thế thôi”, Trung úy Ngô Tiến Vững - Cựu chiến binh lái xe chuyên nghiệp Trường Sơn.

“Đối với lái xe Trường Sơn, gan vàng dạ ngọc là cũng chưa đủ. khi anh em lên xe là xác định mặc áo giáp vào, sáng về đến bãi xe, mặt mũi bị bụi phủ không còn nhìn thấy gì cả, chỉ thấy đôi mắt và thế là cười khà khà với nhau là sống rồi, xác định qua một đêm mới biết là còn sống hay không”, Đại tá Đoàn Văn Lập - Nguyên tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 102 ô tô vận tải Trường Sơn.

Những người lính lái xe Trường Sơn năm xưa, nay đều đã ở cái tuổi xưa nay hiếm. Mỗi lần hội ngộ là một lần nhớ nhắc nhau, ai còn, ai mất, như đại tá Đoàn Văn Lập nghẹn ngào: “Bây giờ ai còn ai mất, đặc biệt là những năm tháng chúng tôi gặp nhau, anh em xúc động lắm, nghĩ lại những lúc ngồi trên xe chạy, nhất là pháo sáng bắn từ tối tới sáng, vượt qua trọng điểm để đưa hàng vào Nam, cái sống và cái chết chỉ trong gang tấc thôi”.

50 năm sau ngày thống nhất, sự gian khổ và ác liệt của chiến tranh đã lùi xa. Nhưng những người lính lái xe Trường Sơn năm nào vẫn muốn kể lại cho nhau và kể lại cho hậu thế những trang sử tươi sáng nhất trên cung đường Trường Sơn huyền thoại.

Dưới tán rừng Trường Sơn đại ngàn, bao nữ thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, lái xe… mang trong mình sức mạnh phi thường. Họ là những bông hoa, làm nên bức tranh mùa xuân huyền thoại của đất nước.

“Đường ống Trường Sơn nếu bị đánh đứt ống thì xăng ở trên núi sẽ dồn xuống, và tất cả hố bom trở thành những ao xăng. Khi bị ném vào sẽ là biển lửa. Thương nhất là các cô gái…”, Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu, Nguyên Cục trưởng Cục Kinh tế (Bộ Quốc phòng)

“Có một sức mạnh không tưởng tượng nổi. Con gái, người thì nhỏ, ống xăng dầu thì nặng như vậy, 2 Tiểu đoàn đều là nữ vác ống…”, Bà Phạm Thị Hưng - Chiến sĩ thông tin vô tuyến ở Tổng đài Trung đoàn 592

“Khi nước lũ tràn về, những con suối nhỏ ngập hết, chúng tôi phải làm “cầu người”. Đóng những tấm ván thành một cái cầu, để cáng thương đi qua và xe các anh đi qua…”, Bà Lê Thị Luận (Tiểu đoàn 263, Binh trạm 14)

“Đường thì khó khăn gập ghềnh, bom thì đánh, đèn thì tối nữa... Có những lúc cả một đoàn xe cháy. Chiến tranh như thế nhưng khí thế hào hùng của cả một dân tộc. Đi trên đường hát, giao liên hát dọc tuyến luôn...”, Đại tá Bùi Nam Từ (Lái xe trên đường Trường Sơn, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh quận 3, TP.HCM)

“Những gian khổ của chúng tôi trên đường Trường Sơn, không thể nào mà kể hết được...”, Bà Nguyễn Thị Bình, Ủy viên BCH Trung ương Hội Trường Sơn Việt Nam

“Có bạn vẫn còn nằm ở rừng xanh, khe suối...” Bà Lê Thị Luận (Tiểu đoàn 263, Binh trạm 14)

Nói sao cho hết được những nữ thanh niên xung phong, với cuốc xẻng, đã xẻ núi, bạt rừng, san lấp hố bom, dẫn đường ở những ngầm, phà trọng điểm, mở đường để những tuyến đường thông ra tiền tuyến theo chiều dài đất nước. Mặc cho máy bay không quân Mỹ, ngụy ném bom ngăn chặn, đánh phá ác liệt.

Mỗi mét đường được mở ra, như gần hơn đến ngày thống nhất. Mỗi chiếc hố bom được san lấp, là một niềm tin được thắp sáng.

Bà Lê Thị Luận (quê ở Nông Cống, Thanh Hóa, Tiểu đoàn 263, Binh trạm 14) tham gia lực lượng thanh niên xung phong Đội đầu tiên do Trung ương Đoàn phát động từ lúc mới 17 tuổi. Từ đây, thanh xuân của bà đã bước vào những năm tháng khó quên nhất của cuộc đời.

Đường 20 là trục ngang có mật độ bom đạn trên 1km đường thuộc loại cao nhất Trường Sơn. Trọng điểm ATP, nơi có cua chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Phu La Nhích trở thành “tử địa” trong 15 ngày đêm cuối tháng 11/1969. B-52 kết hợp với máy bay cường kích Mỹ “cày xới”, biến toàn bộ khu vực này thành “sa mạc”. Cua chữ A biến mất, để lại hàng trăm hố bom và cồn đất đỏ.

Bà Luận kể, những ngày lũ tràn về, nước suối dâng cao, cuồn cuộn chảy xiết. Bên bờ suối, những thương binh nằm chờ để được đưa sang bờ bên kia. Các cô gái thanh niên xung phong nhanh chóng kéo những tấm ván cũ, cọc gỗ, nối lại với nhau, dùng thân mình làm trụ cầu.

Chiều ngày 14/11/1972, bầu trời Trường Sơn rực lửa. Máy bay Mỹ trút bom xuống Đại đội Thanh niên xung phong 217, nơi đường 20 có những người con gái đang làm nhiệm vụ giải tỏa giao thông, mở đường cho đoàn xe quân sự vượt qua tuyến đường chở vũ khí, hàng hóa tiến vào miền Nam.

Trong khoảnh khắc ấy, nhiều đồng đội của bà Luận đã ngã xuống, vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất này. Nhắc đến đồng đội, bà Luận không kìm nén được xúc động: “Lúc đó không có phương tiện để đưa các đồng đội ra khỏi nơi nguy hiểm. Chỉ có xẻng và xà beng, không thể nào di chuyển được những tảng đá vài trăm tấn. Chúng tôi đành bất lực nhìn họ ra đi, sau hơn một tuần cố gắng cầm cự bằng cháo loãng bơm qua ống bương”.

Trong những ngày tháng 4 lịch sử, bà Phạm Thị Hưng (nay ở TP.HCM) - chiến sĩ thông tin vô tuyến ở Tổng đài Trung đoàn 592, thuộc Đường ống xăng dầu, Đoàn 559 luôn nhớ về những năm đóng quân tại tỉnh Savannakhet nước bạn Lào và Đường 9, Khe Sanh, Quảng Trị.

Gần 6 năm công tác trong quân đội, trong đó có 4 năm đầy gian khổ, ác liệt trên tuyến đường Trường Sơn, bà Hưng nghẹn ngào chia sẻ, phần lớn thời gian các cô gái thanh niên xung phong ở dưới hầm, không có ngày nào được trở về nhà.

Tháng 2 năm 1972, đường ống dẫn xăng dầu của ta nằm sâu trong Bản Cọ (tỉnh Savannakhet, Lào) bị máy bay địch bắn phá. Không cho phép dòng chảy xăng dầu bị gián đoạn, những cô gái Trung đoàn 592 mạo hiểm thực hiện phương án nghi binh.

Trong những ngày “nước rút” cam go, khi dòng xăng dầu là mạch máu của chiến trường, những người phụ nữ trên công trường xây dựng đã thể hiện lòng dũng cảm phi thường.

Họ vác trên vai những ống kim loại dài 6 mét, gánh những phụ kiện nặng hơn cả trọng lượng cơ thể mình, băng qua trọng điểm đánh phá của máy bay địch, để kịp thời phục vụ thi công tuyến ống.

Bà Phạm Thị Hưng nói, thời điểm đó, có một sức mạnh từ trái tim.

“Ống dài và nặng lắm, mà cứ băng băng trên núi hoặc xuống vực sâu. Không thể tưởng tượng nổi. Hai Tiểu đoàn phần lớn là nữ. Tôi làm lính thông tin, nhiều khi địch bỏ bom đứt đường dây, thân làm con gái, nhưng cũng bỏ luôn cả tổng đài đi nối đường dây. Trèo lên cả những cái cây to, dốc cao, xuyên mỏm đá...”, bà Phạm Thị Hưng nhớ lại.

“Bên nắng đốt, mây vờn, bom địch dội

Tóc con gái khê nồng, mơ lá bưởi

Tuổi đôi mươi xanh tái cả trăng tròn...”

Năm 1968, khi tuổi đời còn rất trẻ, cô gái Vũ Thị Kim Dung viết đơn tình nguyện xin nhập ngũ, trở thành thanh niên xung phong, quyết tâm lên đường "đi B", hành quân vào chiến trường phía tây tỉnh Quảng Bình và trở thành Tiểu đội trưởng Tiểu đội 2, Trung đội nữ lái xe.

“Lúc đó chị em chúng tôi vất vả lắm. Bom đạn ác liệt. Hố bom chằng chịt. Chúng tôi thường chạy xe đêm, 3 ngày một chuyến. Đầu tiên mới vào đi đèn gầm, sau chỉ đi đèn quả táo. Có khi đến trạm rồi mà không được ăn cơm. Gẫy nhíp, hỏng lốp cũng không ai giúp được” - Bà Dung kể lại.

Gian khổ nhất, có lẽ là những lần hút xăng. Những người lính lái xe Trường Sơn ngày ấy, không thể nào quên được những kỷ niệm đau xót.

Hậu quả của những lần hút xăng ấy, là những căn bệnh đeo bám suốt cuộc đời. Nhiều người phụ nữ, như bà Dung, đã vĩnh viễn mất đi khả năng làm mẹ.

Những đôi tay nhỏ bé ấy, không chỉ cầm lái những chiếc xe tải chở đầy đạn dược, mà còn vác trên vai những ống xăng dầu nặng trĩu, băng qua bom đạn của kẻ thù.

Những đôi vai ấy, không chỉ mang vác đến 25kg quân tư trang, mà còn cõng thương binh.

Họ đã viết nên những lá đơn tình nguyện nhập ngũ bằng chính máu của mình, nguyện hiến dâng cả tuổi thanh xuân cho Tổ quốc.

Đó là lời thề thiêng liêng khi trở thành Đảng viên trên đường hành quân, trong mưa bom bão đạn, giữa núi rừng Trường Sơn bất tử....

VOV Giao Thông

Nguồn VOV: https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/the-co-lat-nguoc-va-nhung-bong-hoa-duoi-tan-rung-truong-son-post1191611.vov
Zalo