Thể chế mở đường, nâng bước tăng trưởng

Nền kinh tế đã đặt những bước chân đầu tiên trên chặng đường chinh phục mục tiêu (phấn đấu) tăng trưởng 7-7,5% của kế hoạch năm 2025. Những bước chân tự tin, mạnh mẽ nhờ có thể chế đi trước mở đưởng.

Quốc hội khóa XV đã thông qua 18 luật tại Kỳ họp thứ tám

Quốc hội khóa XV đã thông qua 18 luật tại Kỳ họp thứ tám

Thể chế đi trước mở đường

Ngày 1/1/2025, Luật Đầu tư công mới có hiệu lực thi hành, sớm nhất trong 18 luật được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ tám. Nửa tháng sau đó, ngày 15/1/2025, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 luật về đầu tư (Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu) cũng có hiệu lực (trừ một số quy định chuyển tiếp).

Sớm đi vào cuộc sống như vậy, bởi đây là hai trong các đạo luật đã hiện thực hóa chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, triệt để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp, kịp thời giải phóng sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực cho sự phát triển bứt phá của đất nước.

“Thể chế phải đi trước, mở đường cho những đột phá phát triển, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, cương quyết xóa bỏ cơ chế ‘xin cho’, không tạo ra hệ sinh thái ‘xin-cho’, loại bỏ những quy định cản trở sự phát triển, làm chậm lại tiến trình đổi mới, cương quyết cắt bỏ các thủ tục rườm rà, làm tăng chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh như vậy khi phát biểu tại Hội nghị quán triệt, triển khai thi hành các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV.

Cũng ở hội nghị trên, nhắc đến Luật Đầu tư công, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá, đây là luật khó, có nội dung phức tạp, nhưng đã được Quốc hội xem xét, thông qua ngay trong một kỳ họp (thông thường phải theo quy trình hai kỳ họp).

Khó bởi quan điểm xây dựng luật là chuyển đổi phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, từ quản lý sang kiến tạo phát triển, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Tinh thần đổi mới này được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhiều lần nhấn mạnh khi trình Quốc hội, khi giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về Luật Đầu tư công mới và được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhiều vị đại biểu Quốc hội. Nhưng thể chế hóa vào luật là điều không dễ dàng, nên từng có những lo ngại, băn khoăn ở nghị trường.

Tương tự, nội dung sửa đổi Luật Đầu tư cũng có những chính sách rất đột phá, điển hình là thủ tục đầu tư đặc biệt. Nhà đầu tư đăng ký cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong thời gian 15 ngày, cam kết thực hiện dự án theo tiêu chuẩn, quy chuẩn về xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường và không phải thực hiện một số thủ tục để được cấp phép trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, công nghệ cao…. (dự kiến rút ngắn thời gian thực hiện dự án khoảng 260 ngày),

“Đây là nội dung đột phá nhằm rút ngắn thời gian triển khai dự án, thể hiện cách tiếp cận mới trong xây dựng thể chế theo hướng vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm cho biết.

Tuy nhiên, sửa đổi các luật về đầu tư chỉ là phần việc rất nhỏ trong nỗ lực hoàn thiện thể chể của cả cơ quan lập pháp và hành pháp trong năm qua. Với 18 luật, 21 nghị quyết được thông qua, Kỳ họp thứ tám là kỳ họp Quốc hội có số lượng luật được thông qua lớn nhất, chiếm gần 1/3 (18/61 luật) tổng số luật được Quốc hội ban hành từ đầu nhiệm kỳ tới nay.

“Kỳ họp thứ tám không có Tổng thư ký Quốc hội, công việc đột xuất, quan trọng phát sinh rất nhiều. Nhiều việc bình thường do Tổng thư ký làm, thì nay Chủ tịch, Phó chủ tịch Quốc hội trực tiếp làm luôn. Các ủy ban làm việc không quản ngày đêm, hầu hết đến 22h mới về”, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhìn lại.

Riêng năm 2024, Quốc hội đã thông qua 31 luật, nhiều hơn tổng số luật (30 luật) được ban hành trong 3 năm đầu của nhiệm kỳ. Như thế, “cao tốc” chính sách đã hình thành, để con đường tăng trưởng bớt gập ghềnh, để nền kinh tế không chỉ giữ nhịp, mà còn tăng tốc, bứt phá, như thông điệp của người đứng đầu Chính phủ trước Quốc hội.

Những quyết định lịch sử

Nhìn lại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nói đến 3 quyết định lịch sử: chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam, tái khởi động Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận, điều chỉnh chủ trương đầu tư sân bay Long Thành.

Với Dự án đường sắt tốc độ cao, Quốc hội không chỉ quyết định một số vốn lớn chưa từng thấy (khoảng 1.713.548 tỷ đồng), mà còn quyết định 19 cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt cho dự án.

Đã hoàn thành 140/156 nhiệm vụ lập pháp

- Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 và Kế hoạch số 734/KH-UBTVQH15, đến hết ngày 20/12/2024, đã có 140/156 nhiệm vụ lập pháp hoàn thành theo Kết luận 19-KL/TW của Bộ Chính trị về Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (đạt 89,74%). Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thường xuyên theo dõi, chủ động phối hợp, đôn đốc, giám sát việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết; phối hợp với các bộ kịp thời kiến nghị, đề xuất giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc phát sinh, coi đây là công tác trọng tâm của các tháng đầu năm 2025.

Chủ trì Phiên họp thứ ba của Ban Chỉ đạo Xây dựng, thực hiện đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam mới đây, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ, mục tiêu của Dự án không chỉ xây dựng được một tuyến đường sắt tốc độ cao, mà còn phát triển ngành công nghiệp đường sắt tốc độ cao, đủ năng lực thi công, quản lý, vận hành, khai thác… Những mục tiêu đó đều đã có điểm tựa vững chắc, từ quyết sách của Quốc hội.

Quyết định lịch sử thứ hai, Quốc hội tán thành cao việc tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư điện hạt nhân Ninh Thuận sau 8 năm tạm dừng, nhằm đảm bảo đủ điện phục vụ phát triển kinh tế, xã hội nhanh, bền vững.

Sau Kỳ họp thứ tám của Quốc hội, thăm và làm việc với Tỉnh ủy Ninh Thuận, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ, trên thế giới hiện nay, điện hạt nhân ngày càng được nhiều quốc gia quan tâm lựa chọn và tiếp tục phát triển.

Không chỉ giúp đa dạng nguồn cung, bảo đảm an ninh năng lượng và chuyển dịch năng lượng xanh, giúp Việt Nam đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 theo cam kết tại COP26, mà theo Tổng Bí thư, dự án điện hạt nhân còn là cơ hội để Việt Nam phát triển nhân lực chất lượng cao, nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ quốc gia, tham gia chuỗi cung ứng công nghiệp điện hạt nhân toàn cầu, có thể học hỏi và làm chủ công nghệ hạt nhân của thế giới sau này.

Với Dự án sân bay Long Thành, Quốc hội đã đồng ý điều chỉnh chủ trương đầu tư, cụ thể là điều chỉnh phân kỳ đầu tư xây dựng đường cất hạ cánh số 3 của Dự án từ giai đoạn II sang giai đoạn I. Theo đó, giai đoạn I đầu tư xây dựng 2 đường cất hạ cánh ở phía Bắc và 1 nhà ga hành khách, cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu lượt hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm, chậm nhất đến ngày 31/12/2026 hoàn thành và đưa vào khai thác.

Năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, về đích, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Đó là thông điệp đầu tiên trong mục tiêu tổng quát của Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 đã được Quốc hội bấm nút thông qua.

Quốc hội cũng yêu cầu, tập trung cao độ hơn nữa cho bổ sung, hoàn thiện, tháo gỡ vướng mắc trong hệ thống pháp luật, hoàn thành về cơ bản việc xử lý những bất cập, tồn đọng, vướng mắc liên quan đến thể chế và tổ chức thực hiện kéo dài, đáp ứng tốt nhất cho yêu cầu đổi mới sáng tạo, tạo đột phá phát triển đất nước trong tình hình mới.

Như thế, nhiệm vụ của năm mới rất nặng nề, cho dù đã có điểm tựa vững chắc từ sự đổi mới mạnh mẽ trong công tác lập pháp. Song, các chính sách xoay chuyển tình thế có thực sự xoay chuyển được tình thế hay không vẫn phụ thuộc rất nhiều vào việc đưa chính sách vào cuộc sống.

“Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi, thì chỉ bàn làm, không bàn lùi. Chúng ta hãy cùng nhau sớm đưa các luật, nghị quyết vào cuộc sống, đáp ứng được kỳ vọng của cử tri và nhân dân, góp phần xây dựng một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa vững mạnh, đưa đất nước vững bước tiến vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên phát triển giàu mạnh, văn minh và thịnh vượng của dân tộc ta”, Thủ tướng đã nhấn mạnh trong Hội nghị quán triệt, triển khai thi hành các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV.

Nguyễn Lê

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/the-che-mo-duong-nang-buoc-tang-truong-d237291.html
Zalo