Thể chế hóa Nghị quyết 68: 'Chưa bao giờ thần tốc đến thế'
Từ chủ trương đúng đắn, quyết liệt của Trung ương về kinh tế tư nhân, đến sự quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cả hệ thống chính trị, sự đồng hành cả Quốc hội thì chắc chắn kinh tế tư nhân sẽ lột xác, sẽ đóng góp hiệu quả hơn vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Quốc hội ngày 15-5 điều chỉnh chương trình, trong đó đưa nội dung thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, định hướng của Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân tại Nghị quyết 68 để thông qua vào ngày 17-5. Nghị quyết 68 được Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành ngày 4-5. Nếu dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân được Quốc hội thông qua ngày 17-5, thì quá trình thể chế hóa Nghị quyết 68 chỉ diễn ra trong hơn 10 ngày.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm, người được phân công chủ trì chỉ đạo soạn thảo Nghị quyết của Quốc hội về các cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân nói: “Có lẽ, chưa bao giờ một Nghị quyết hết sức quan trọng của Quốc hội lại tạo được sự đồng thuận và quyết nghị thần tốc đến vậy”.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm
Giải pháp mang tính thần tốc, táo bạo hơn
.Phóng viên: Thưa thứ trưởng, điều gì đã khiến cho dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân được thể chế hóa thần tốc như vậy?
+ Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm: Trước hết phải nói đó là sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị, Ban Bí thư mà đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm. Trung ương đã thống nhất rất cao khi xác định “kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia”. Sau đó là sự chỉ đạo sát thực tiễn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự chung sức, đồng hành của Quốc hội nhằm triển khai hiệu quả định hướng này.
Nghị quyết 68 ra đời trong bối cảnh Trung ương xác định phải đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, kỷ nguyên phồn thịnh của quốc gia, dân tộc.
Yêu cầu tăng trưởng kinh tế đạt từ 8% trở lên năm 2025 và tiến tới tăng trưởng hai con số trong giai đoạn tiếp theo được Chính phủ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp bất thường lần thứ 9 cũng đặt ra nhiều thách thức, cần phải hành động quyết liệt hơn, triển khai các giải pháp, nhiệm vụ, phải mang tính táo bạo, thần tốc và thực tiễn hơn.
Chúng ta còn nhớ, ngay tại kỳ họp Quốc hội bất thường lần thứ 9, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khi thảo luận về báo cáo bổ sung kinh tế - xã hội của Chính phủ đã nói: Muốn đạt tăng trưởng 8% năm 2025 và hai con số giai đoạn sau đó thì phải phát triển kinh tế tư nhân.
Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành Nghị quyết 68 ngày 4-5, thì liên tục trong các ngày 7 và 8-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hai cuộc họp của Thường trực Chính phủ và Hội đồng tư vấn chính sách để bàn triển khai Nghị quyết này.
Tiếp sau đó, Bộ Tài chính đã khẩn trương, tập trung cao độ, chủ trì, phối hợp với Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội. Chỉ sau đó hai ngày, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thẩm tra, nhất trí trình Dự thảo Nghị quyết ra Quốc hội để đề nghị quyết nghị thông qua vào ngày 17-5.
Chúng tôi tin rằng, từ chủ trương đúng đắn, quyết liệt của Trung ương về kinh tế tư nhân, đến sự quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cả hệ thống chính trị, sự đồng hành cả Quốc hội như vậy thì chắc chắn kinh tế tư nhân sẽ lột xác, sẽ đóng góp hiệu quả hơn vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Hoạt động sản xuất của một doanh nghiệp ở TP. HCM. Ảnh: HOÀNG QUÂN
Kinh tế tư nhân sẽ lột xác
. Sự thần tốc, quyết liệt như vậy, nói lên điều gì, thưa thứ trưởng?
+ Điều dễ nhận thấy nhất là cả hệ thống chính trị đã vào cuộc để triển khai Nghị quyết 68 của Trung ương. Như tôi nói ban đầu, chưa bao giờ công tác thể chế hóa một chủ trương của Trung ương lại diễn ra nhanh như vậy. Cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm định, cơ quan thẩm tra đã liên tục làm việc, bất kể ngày đêm, tập trung sức lực, trí lực để hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết để Quốc hội cho ý kiến, thảo luận và xem xét quyết định.
Ngay sau phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 14-5, cả cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra có thể nói là đã “trắng đêm” để tiếp thu ý kiến của Thường vụ Quốc hội để sáng 15-5 có hồ sơ chất lượng, đúng quy định trình Quốc hội.
Còn trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định, Chính phủ đã lắng nghe mọi ý kiến đóng góp về Nghị quyết của các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực kinh tế tư nhân. Theo đó, chúng tôi đã giải trình thuyết phục, tiếp thu tối đa, đầy đủ các kiến nghị.
Đặc biệt, các ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp được báo chí đăng tải cũng được xem xét, tổng hợp. Những ý kiến hợp lý luôn được trân trọng tiếp thu và hoàn thiện tại dự thảo.
Chúng tôi tin rằng, từ chủ trương đúng đắn, quyết liệt của Trung ương về kinh tế tư nhân, đến sự quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cả hệ thống chính trị, sự đồng hành cả Quốc hội như vậy thì chắc chắn kinh tế tư nhân sẽ lột xác, sẽ đóng góp hiệu quả hơn vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Quan sát công luận và phản ứng của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân từ khi Nghị quyết 68 được ban hành, chúng tôi nhận thấy một động lực mới, một luồng sinh khí mới đã bắt đầu. Và vì vậy, việc thể chế hóa Nghị quyết 68 sẽ là cách để nuôi dưỡng động lực ấy, hiện thực hóa luồng sinh khí ấy thành công ăn việc làm cho người dân, thành của cải cho xã hội và góp phần kiến tạo thịnh vượng cho quốc gia.
Đáp ứng mong mỏi của cộng đồng doanh nghiệp
. Theo Thứ trưởng, vì sao Nghị quyết 68 lại có thể tạo ra một luồng cảm hứng cao như vậy, từ hệ thống chính trị đến cộng đồng doanh nghiệp đều quyết liệt vào cuộc, phấn khởi và hy vọng?
+ Nghị quyết 68 đã "đánh trúng" vào những yêu cầu phát triển của đất nước, các định hướng của Nghị quyết đã đáp ứng đầy đủ mong mỏi của cộng đồng doanh nghiệp và các giải pháp cũng rất cụ thể, sát sườn, có khả năng thể chế hóa và thực hiện được ngay.
Một điểm rất thuận lợi nữa là, như Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần khẳng định, cùng với các Nghị quyết 57, 59, 66, Nghị quyết 68 là “bộ tứ chiến lược” phát triển đất nước. Đặc biệt, Nghị quyết 66, cùng với sự đổi mới tư duy xây dựng pháp luật được triển khai mạnh mẽ đã giúp cho quá trình thể chế hóa Nghị quyết 68 diễn ra hợp hiến, hợp pháp, sát thực tiễn, có tác động khơi dậy tinh thần kinh doanh chưa bao giờ tắt trong cộng đồng doanh nghiệp.
Chỉ nói riêng về định hướng “không hình sự hóa các quan hệ kinh tế - dân sự”, Nghị quyết 68, nói như nhiều chuyên gia và doanh nghiệp, đã giải tỏa bức xúc, ẩn ức của cộng đồng doanh nghiệp trong nhiều năm.
Thực tế của luật pháp cho thấy, nguyên tắc “không hình sự hóa các quan hệ kinh tế - dân sự” đã được pháp điển hóa trong hệ thống luật pháp của chúng ta. Thế nhưng, đúng như nhận định của cơ quan thẩm tra là Ủy ban Kinh tế và Tài chính, quá trình triển khai, thực hiện các quy định luật pháp về vấn đề này cũng còn nhiều điểm cần cải thiện.
Vướng mắc phát sinh sẽ được tháo gỡ kịp thời
. Tuy nhiên, thưa thứ trưởng, trong quá trình xây dựng, thẩm định, thẩm tra Dự thảo Nghị quyết này, cũng có nhiều ý kiến băn khoăn, yêu cầu rà soát kỹ thực tiễn để các quy định khả thi đi vào cuộc sống hơn?
+ Đó cũng là điều bình thường. Vì nguyên lý chúng ta biết rằng: Thực tiễn thì luôn biến đổi, luật pháp được ban hành để điều chỉnh các quan hệ xã hội nên luôn đi sau thực tiễn. Những băn khoăn đối với nhiều quy định như về hỗ trợ lãi suất 2% hay cơ chế thanh tra, kiểm tra và yêu cầu phải rà soát lại thực tiễn là xác đáng, chính đáng.
Nhưng, như nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các chuyên gia nhận định: Nghị quyết 68 là “cuộc cách mạng về tư duy và thể chế”. Vì vậy, có thể nói Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân nếu được Quốc hội thông qua cũng sẽ mang tính cách mạng, những giải pháp trong Nghị quyết cũng mang tính cách mạng. Khi đó, những cơ chế, chính sách đặc biệt, vượt trội cũng sẽ được thực hiện với cung cách mới, tinh thần mới.
Điều chúng tôi trông đợi là: cả xã hội, nhất là cộng đồng doanh nghiệp, sẽ cùng chung tay để Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân thực sự là cuộc cách mạng, tháo gỡ hết mọi khó khăn, mọi rào cản. Quá trình thể chế hóa Nghị quyết 68, như Chính phủ đã trình Quốc hội, sẽ có nhiều nhóm giải pháp. Cấp bách có, chiến lược có, trước mắt có, lâu dài có.
Không chỉ Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân, mà với quá trình sửa đổi, bổ sung các luật tại kỳ họp thứ 9 lần này, cũng như chương trình lập pháp từ nay đến hết nhiệm kỳ XV, nhiệm kỳ XVI, tôi tin rằng bất kỳ khó khăn, vướng mắc gì phát sinh cũng sẽ được tháo gỡ kịp thời.
. Xin cảm ơn thứ trưởng!
Không làm khó người làm ăn chân chính
Thảo luận tại tổ chiều 15-5, đồng tình với dự thảo Nghị quyết, nhiều ĐBQH góp ý thêm để Nghị quyết thuận tiện triển khai trong thực tế.
ĐB Nguyễn Thị Kim Anh (Bắc Ninh) cho rằng dù thời gian gấp gáp nhưng Ban soạn thảo Nghị quyết có thể mời các doanh nghiệp tiêu biểu, có tính đại diện cùng với các cơ quan, bộ, ngành, chuyên gia, nhà khoa học để tham vấn thêm nhằm tránh việc Nghị quyết ra đời mà chưa thể chế hóa hết Nghị quyết 68, gây khó khăn cho triển khai.
ĐB Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) đề nghị phải cụ thể hóa chủ trương hỗ trợ DNTN, rõ đối tượng, rõ mức hỗ trợ, rõ nguồn tài chính... vì từ trước tới nay cũng có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng việc áp dụng vào thực tiễn vẫn còn chưa được như mong muốn hoặc thực hiện chưa thực sự đồng bộ nên hiệu quả chưa cao. ĐB Lan cũng đề nghị phải có chính sách ưu đãi đủ mạnh, đặc biệt để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực vùng sâu vùng xa, miền núi, vùng còn nhiều khó khăn để thúc đẩy phát triển kinh tế.
ĐB Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) nói Nghị quyết 68 và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội nhấn mạnh cơ chế "không làm khó người làm ăn chân chính". Tuy vậy, ông đề nghị cơ chế thanh tra, kiểm tra với doanh nghiệp cần rõ ràng, không tạo khoảng trống pháp lý và bảo đảm hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng. Luật pháp tuyệt đối không vì hỗ trợ cho doanh nghiệp tư nhân mà bỏ sót quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước và người tiêu dùng, cộng đồng xã hội.
Dẫn vụ việc như “lòng se điếu”, sữa giả, thuốc giả vừa qua, ông Tuấn đặt vấn đề: “Quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng có được pháp luật bảo vệ hay sẽ bị lãng quên, đi vào dĩ vãng”?
ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đề cập đến nguyên tắc không hình sự hóa quan hệ kinh tế và cho rằng: “Thực tế rất nhiều vụ án nếu cho doanh nhân tại ngoại thì họ có cơ hội để khắc phục thiệt hại hoặc tiếp tục điều hành công việc kinh doanh. Việc tạm giữ, tạm giam kéo dài đối với doanh nhân nhiều khi chỉ giải quyết được một vụ án nhỏ nhưng lại khiến cả một doanh nghiệp lớn lâm vào khó khăn, mất sức cạnh tranh với quốc tế.
Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng nhắc lại quan điểm tách bạch trách nhiệm pháp nhân và cá nhân, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Việc đưa các nội dung này vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội có thể chưa cụ thể hóa hơn những điều đã nêu tại Nghị quyết 68 nhưng đây là “chủ trương lớn, cộng đồng doanh nghiệp mong chờ" và thể hiện thông điệp của Quốc hội về định hướng lập pháp trong giai đoạn tới.
NHÓM PV