Thể chế hóa Nghị quyết 57-NQ/TW trong luật, phát huy vai trò của trí thức khoa học công nghệ
Nghị quyết số 57-NQ/TW là cơ hội với đội ngũ trí thức khoa học công nghệ trong hệ thống Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam phát huy sức mạnh sáng tạo, cống hiến. Để huy động, phát huy vai trò của trí thực khoa học công nghệ, các chuyên gia cho rằng cần tạo hành lang pháp lý thông thoáng để trí thức cống hiến, sáng tạo.

Phá huy vai trò của trí thức Khoa học và Công nghệ Liên hiệp Hội Việt Nam trong việc thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW.
Phát biểu tại hội thảo "vai trò của trí thức Khoa học và Công nghệ Liên hiệp Hội Việt Nam trong việc thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị”, diễn ra ngày 29/4/2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam, cho biết để chỉ đạo quán triệt triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia trong toàn hệ thống, ngày 24/2/2025, Đảng ủy Liên Hiệp hội Việt Nam đã ban hành kế hoạch số 16-KH/ĐULHHVN.
Theo TSKH Phan Xuân Dũng, kế hoạch nhấn mạnh quan điểm phát huy tinh thần trách nhiệm, trí tuệ, nhiệt huyết của trí thức khoa học và công nghệ, các nhà khoa học thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nhằm đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ vào thực tiễn đời sống sản xuất, gia tăng hàm lượng khoa học, đưa khoa học công nghệ, chuyển đổi số thành lực lượng sản xuất quan trọng để phát triển kinh tế xã hội đất nước.
7 NHIỆM VỤ, 4 ĐỀ ÁN LỚN TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT
Cùng với đó, Liên hiệp Hội Việt Nam cũng đang xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết 57 để huy động các hội ngành toàn quốc, Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật các địa phương, các tổ chức khoa học công nghệ cùng tham gia góp phần phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Thông tin về Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, ông Lê Công Lương, Phó Tổng thư ký Liên hiệp hội Việt Nam, cho biết dự thảo kế hoạch đã xác định rõ 3 muc tiêu, 7 nhiệm vụ.
Theo đó, dự thảo kế hoạch nhằm quán triệt, tổ chức thực hiện đầy đủ quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 57-NQ/TW phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và điều kiện của Liên hiệp Hội Việt Nam, Nghị quyết số 03/NQ-CP và Kế hoạch số 16-KH/ĐULHHVN.

TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo.
Cùng với đó, đẩy mạnh hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, coi đây là động lực chính để huy động đội ngũ trí thức góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế xã hội đất nước.
Kế hoạch cũng xác định, phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng để Cơ quan Trung ương Liên hiệp Hội Việt Nam, Hội thành viên và các đơn vị trực thuộc có căn cứ đầy đủ xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện.
Dự thảo kế hoạch đề ra 7 nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện Nghị quyết. Theo đó sẽ nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Dự thảo cũng xác định việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tại Cơ quan Trung ương Liên hiệp Hội Việt Nam. Thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam;
Cùng với đó thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; thúc đẩy hoạt động tư vấn, phản biện; thúc đẩy hoạt động phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ của Liên hiệp Hội Việt Nam…
Từ 7 nhiệm vụ trên, ông Lương cho biết dự thảo kế hoạch gắn với 4 đề án lớn từ nay đến năm 2030 để triển khai thực hiện các nhiệm vụ gồm: đề án chuyển đổi số của Liên hiệp hội, đề án phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; đề án thúc đẩy hoạt động tư vấn, phản biện và đề án thúc đẩy hoạt động phổ biến kiến thức khoa học công nghệ của Liên hiệp hội Việt Nam.
THỂ CHẾ HÓA NGHỊ QUYẾT 57 TRONG LUẬT KHOA HỌC CÔNG NGHỆ VÀ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO
Đóng góp ý kiến, TSKH Nghiêm Vũ Khải, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam khằng định, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị với những biện pháp, giải pháp đột phá, tạo hy vọng lớn trong giới trí thức khoa học và công nghệ.
Hiện nay dự thảo Luật Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo cũng đang được khẩn trương xây dựng hoàn thiện trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tới. TS Khải nhấn mạnh cần phải thể chế hóa Nghị quyết 57 trong Luật Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Cùng quan điểm, TS Phạm Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Tổng hội Địa chất Việt Nam cho rằng Nghị quyết 57 đã nêu chi tiết, có nhiều giải pháp đúng và trúng. Vấn đề quan trọng là việc thể chế hóa được đầy đủ để thực hiện.
Để Liên hiệp hội, các hội thành viên và các nhà khoa học tham gia tích cực, hiệu quả vào việc thực hiện Nghị quyết 57, ông Sơn đề nghị cần kịp thời sửa đổi, bổ sung hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp đề ra.

“Cần ban hành cơ chế bảo đảm sự tham gia chủ động và có hiệu quả của Liên hiệp hội, các hội thành viên và các nhà khoa học trong việc chủ trì/tham gia thực hiện các dự án, đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học do các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan nhà nước khác có liên quan chủ trì thực hiện".
Cùng với đó "tạo cơ chế để Liên hiệp hội, các hội thành viên và các nhà khoa học tham gia góp ý, tư vấn, phản biện ngay từ khâu xây dựng kế hoạch, lập đề cương, tổ chức thẩm định, thực hiện và nghiệm thu kết quả thực hiện các nhiệm vụ”, ông Sơn kiến nghị.
SỐ LƯỢNG SẢN PHẨM KHOA HỌC CÔNG NGHỆ ĐƯỢC ỨNG DỤNG, THAM GIA THỊ TRƯỜNG LÀ THƯỚC ĐO
Nghị quyết số 57-NQ/TW ra đời được cộng đồng trí thức khoa học và công nghệ, dư luận xã hội đánh giá cao. Nhấn mạnh điều này, TS. Phạm Văn Tân, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam cho rằng đây cũng là cơ hội với đội ngũ trí thức khoa học công nghệ trong hệ thống Liên hiệp Hội phát huy sức mạnh sáng tạo, có cơ hội cống hiến.
Trong bối cảnh mới, ngoài việc cụ thể hóa các nội dung Liên hiệp hội thực hiện các nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, ông Tân cho rằng cần nghiên cứu đổi mới mô hình tổ chức hoạt động của Liên hiệp hội.
Ông Tân đề xuất phương án nghiên cứu thành lập các tổ chức tư vấn độc lập ngoài công lập, giao cho Cơ quan Trung ương Liên hiệp Hội trực tiếp quản lý.
Theo ông, những bài học kinh nghiệm mà Liên hiệp Hội, các hội thành viên đã thực hiện có thể chúng ta hoàn hoàn tin tưởng là các tổ chức này nếu được thành lập sẽ mang lại hiệu quả kinh tế xã hội cao. Ví dụ như việc tư vấn của Hội giống cây trồng Việt Nam đã tiết kiệm cho Nhà nước hàng ngàn tỷ đồng liên quan đến giống lúa lai. Hoặc Hội Khoa học kỹ thuật Nhiệt Việt Nam đã tiết kiệm cho Nhà nước hàng trăm triệu USD từ việc thẩm định việc lựa chọn thiết bị nhà máy nhiệt điện...).
Việc tư vấn của Hội giống cây trồng Việt Nam đã tiết kiệm cho Nhà nước hàng ngàn tỷ đồng liên quan đến giống lúa lai. Hoặc Hội Khoa học kỹ thuật Nhiệt Việt Nam đã tiết kiệm cho Nhà nước hàng trăm triệu USD từ việc thẩm định việc lựa chọn thiết bị nhà máy nhiệt điện...).
Góp ý, đề xuất một số nhiệm vụ mà đội ngũ trí thức khoa học công nghệ Liên hiệp Hội Việt Nam có thể tham gia trong thực hiện Nghị quyết 57, ông Lê Xuân Rao, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội cho rằng trước hết cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm vai trò của trí thức, nhằm tạo sự thống nhất trong nhận thức.
Cùng với đó hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển và sử dụng trí thức, tạo hành lang pháp lý thông thoáng để trí thức cống hiến, sáng tạo; chủ trì hoặc phối hợp góp ý xây dựng các văn bản pháp luật liên quan đến trí thức như Luật Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; chính sách thu hút chuyên gia…;
Xây dựng môi trường làm việc thuận lợi cho trí thức sáng tạo, phát triển các công lạc bộ trí thức theo từng chuyên ngành; thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong doanh nghiệp; kết nối doanh nghiệp với các nhà khoa học thông qua xúc tiến thương mại công nghệ, sàn giao dịch công nghệ… “Điều này nhằm tạo hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong cộng đồng hội viên; thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ”, ông Rao nói
Ông cũng đề cập việc tham gia xây dựng bộ tiêu chuẩn nghề nghiệp, kỹ năng thực hành trong các lĩnh vực khoa học kỹ thuật mới nổi.
Để phát huy vai trò của trí thức trong phát triển đất nước, Chủ tịch Liên hiệp Hội Hà Nội cho rằng cần triển khai mạnh mẽ công tác tư vấn, phản biện, giám định xã hội cho các chương trình, dự án quốc gia và địa phương; gắn nghiên cứu khoa học với nhu cầu thực tiễn….
Còn ông Đặng Huy Đông, Viện trưởng Viện quy hoạch và Phát triển nhấn mạnh: “Phần thưởng cao nhất cho đội ngũ tri thức là sản phẩm của nghiên cứu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo phải được sử dụng. Muốn vậy phải tạo lập thị trường cho nó".
"Số lượng sản phẩm khoa học công nghệ được ứng dụng vào cuộc sống, tham gia thị trường chính là thước đo đóng góp cho sự thành công triển khai thực hiện Nghị quyết”, ông nói.