'Thế chân vạc' trên thị trường chip AI toàn cầu
Cuộc đua phát triển chip trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng quyết liệt với sự tham gia của ba 'ông lớn' Intel, Nvidia và AMD.
Mẫu chip H100 và H200 của Nvidia được săn lùng trong cơn sốt AI tạo sinh, đưa Nvidia có giá trị vốn hóa cao thứ hai thế giới chỉ sau đối thủ Apple. Còn chip AI của AMD cũng trở thành sản phẩm tăng trưởng nhanh nhất trong lịch sử của doanh nghiệp, mang lại lợi nhuận khổng lồ.
Trong khi đó,
Intel dự kiến thu về 1-2 tỷ USD trong năm 2024 nhờ AI. Tuy nhiên, Intel hiện thừa nhận có thể không đạt mục tiêu doanh thu cho chip Gaudi, được gọi là bộ tăng tốc AI.
Ngày 1/11, Giám đốc điều hành (CEO) của Intel Pat Gelsinger cho biết Gaudi 3 chưa được thị trường đón nhận rộng rãi. Intel trình làng chip này vào quý II/2024 song quá trình chuyển đổi từ phiên bản cũ Gaudi 2 sang phiên bản mới không như dự kiến, còn phần mềm cũng gây ra một số trở ngại cho khách hàng.
Dù vậy, CEO Gelsinger vẫn tin tưởng vào triển vọng phát triển của chip Gaudi. "Thuyền trưởng" của Intel cho rằng ngành công nghiệp đang đầu tư rất lớn vào chip AI nhưng chủ yếu tập trung cho huấn luyện mô hình AI trên đám mây. Theo nhà lãnh đạo này, việc đưa AI vào các chip mới là yếu tố then chốt để có thể phát triển dài hạn.
Doanh thu của Intel đạt 13,3 tỷ USD trong quý III/2024, giảm 6% so với mức 14,3 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái, nhưng tăng so với mức 12,8 tỷ USD của quý trước đó.
Trước đó, tại sự kiện Advancing AI ở San Francisco (Mỹ), AMD đã ra mắt bộ xử lý đồ họa Instinct MI325X, nhắm tới các trung tâm dữ liệu đào tạo AI, cạnh tranh với đối thủ Nvidia H200. Instinct MI325X là bản kế nhiệm của MI300 ra mắt cuối năm 2023 song được tăng VRAM lên 256 GB HBM3e thay vì 192 GB HBM3 như phiên bản đời trước. Cách thức này tương tự chip AI H200 của Nvidia từ năm 2023 khi giữ nguyên khả năng tính toán nhưng tăng dung lượng bộ nhớ và băng thông.
AMD kỳ vọng MI325X sẽ có thể cạnh tranh với Nvidia. Hiện tại, Nvidia đang thống trị thị trường GPU AI. Tuy vậy, nếu các nhà phát triển và doanh nghiệp điện toán đám mây chọn chip của AMD thay thế thì vị thế của Nvidia sẽ không còn vững vàng như trước. GPU, còn được gọi là đơn vị xử lý đồ họa chính, là một phần trung tâm của phần cứng hệ thống trên điện thoại thông minh. GPU giúp xử lý các yếu tố xuất hình ảnh trên màn hình điện thoại, từ đó giúp hình ảnh xuất ra rõ ràng và mượt mà hơn.
AMD đặt mục tiêu giành thị phần từ các doanh nghiệp đối thủ hay ít nhất chiếm thị phần không nhỏ ở thị trường dự kiến đạt 500 tỷ USD vào năm 2028. Theo Chủ tịch kiêm CEO của AMD, bà Lisa Su, nhu cầu về AI tiếp tục tăng và vượt xa dự kiến.
Trong khi đó, Nvidia, công ty sản xuất chip có giá trị lớn nhất thế giới, đã chứng kiến doanh số tăng vọt khi các nhà điều hành trung tâm dữ liệu trên toàn cầu tăng cường mua thêm chip của doanh nghiệp này. Thị trường Trung Quốc tiếp tục đóng góp một phần của sự tăng trưởng trên mặc dù chịu một số tác động tiêu cực từ các hạn chế thương mại.
Giám đốc Tài chính Nvidia, Colette Kress, cho biết doanh thu từ mảng sản xuất chip cung cấp cho trung tâm dữ liệu tại thị trường Trung Quốc đã tăng đều đặn và là một yếu tố đóng góp đáng kể vào tổng doanh thu của doanh nghiệp này.
Chip của Nvidia là tiêu chuẩn vàng cho các công ty muốn phát triển dịch vụ AI. Những doanh nghiệp như Meta Platforms Inc., OpenAI và Alphabet Inc. đã đổ xô mua các chip tiên tiến nhất của Nvidia để có thể thiết kế và vận hành các mô hình AI hàng đầu.