Thế chân vạc Nga-Mỹ-Trung: Định hình cấu trúc quan hệ quốc tế
Cạnh tranh chiến lược giữa Nga, Mỹ và Trung Quốc là một trong những yếu tố định hình quan trọng của hệ thống quốc tế hiện đại. Với sự trở lại Nhà Trắng của Tổng thống Donald Trump, dự báo xu hướng quan hệ giữa ba nước lớn này sẽ có những thay đổi lớn.
Chính sách đối đầu của Washington những năm gần đây đã thúc đẩy Nga-Trung Quốc xích lại gần nhau, hình thành những phản ứng của hai nước trước sức ép của Mỹ và đồng minh. Mỹ coi Nga là mối đe dọa chính, còn Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh hàng đầu. Nhà Trắng xây dựng chính sách đối ngoại dựa trên những quan điểm này. Tuy nhiên, sự quay trở lại Nhà Trắng của Tổng thống Donald Trump nhiều khả năng sẽ tác động đáng kể đến xu hướng quan hệ giữa Nga-Mỹ-Trung.
Ngay từ những ngày đầu tiên trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Trump đã chứng kiến những mô hình tương tác mới trong tam giác Nga-Mỹ-Trung. Ngày 17 tháng 1, Tổng thống Donald Trump đã có cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm thảo luận về các biện pháp cải thiện quan hệ song phương. Ngày 21 tháng 1, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc hội đàm trực tuyến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Các nhà lãnh đạo nhất trí “đưa quan hệ Nga-Trung lên một tầm cao mới”. Rõ ràng, một chương trình nghị sự trong quan hệ giữa ba nước lớn này đã bắt đầu hình thành từ đầu năm 2025, trong đó Tổng thống Donald Trump có vẻ như đóng vai trò trung tâm. Những động thái đầu tiên của tân Tổng thống Mỹ cho thấy rõ ý định “mặc cả”, tìm kiếm “thỏa hiệp” để đi đến những thỏa thuận lớn.
Giới phân tích cho rằng, với chủ trương thực dụng, Chính quyền của Tổng thống Trump sẽ theo đuổi cách tiếp cận cân bằng giữa Nga và Trung Quốc. Nhà lãnh đạo Mỹ nhiều lần lên tiếng ủng hộ việc giải quyết nhanh chóng cuộc xung đột
ở Ukraine. Với Trung Quốc, ông có kế hoạch sử dụng nhiều “con bài” khác nhau nhằm thúc đẩy lợi ích của Mỹ. Tân Tổng thống Mỹ cũng đặt mục tiêu sẽ có các cuộc đối thoại trực tiếp với cả nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc trong tương lai gần. Như vậy, trong năm 2025 và có thể là những năm tiếp theo của chính quyền Trump, yếu tố Mỹ sẽ đóng vai trò quan trọng trong tương tác Nga-Trung Quốc: từ cuộc khủng hoảng Ukraine, các vấn đề ổn định chiến lược cho đến các vấn đề hợp tác thương mại, tài chính.
Dưới thời người tiền nhiệm Joe Biden, những tàn tích cuối cùng của hệ thống ổn định chiến lược đã bị suy yếu đáng kể. Vào tháng 2 năm 2023, Nga đã đình chỉ việc tham gia Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (START-3) với Mỹ do cáo buộc Washington thực hiện được nghĩa vụ cung cấp cho phía Nga quyền tiếp cận để tiến hành các cuộc thanh tra toàn diện. Thỏa thuận sẽ hết hạn vào tháng 2 năm 2026, và giới quan sát cho rằng, chính quyền Trump 2.0 dự kiến sẽ quan tâm hơn đến việc đạt được một thỏa thuận mới với Nga. Tuy nhiên, việc tiếp tục đối thoại về vấn đề này chỉ có thể thực hiện nếu xung đột ở Ukraine được giải quyết. Điều đáng chú ý là vào ngày đầu tiên trong nhiệm kỳ, Tổng thống Donald Trump đã ký lệnh hành pháp đình chỉ mọi chương trình viện trợ của Mỹ cho các quốc gia khác (bao gồm cả Ukraine) trong 90 ngày. Mục đích của nhà lãnh đạo Mỹ là để đánh giá xem sự hỗ trợ đó có đạt được hiệu quả và mang lại lợi ích gì cho nước Mỹ. Điều này mở ra những cơ hội mới cho các cuộc đối thoại với Nga.
Trước tuyên bố của nhà lãnh đạo Mỹ về khả năng sáp nhập Greenland, đề tài về chính sách Bắc Cực trong tương lai của Mỹ tốn khá nhiều giấy mực trong giới chuyên gia, truyền thông. Không thể phủ nhận những lợi ích chiến lược quan trọng mà Greenland có thể mang lại cho nước Mỹ, tuy nhiên, giới phân tích cho rằng Tổng thống Trump đang muốn sử dụng Bắc Cực như một “con bài” mặc cả với Nga về vấn đề Ukraine, xét đến những thành tựu của Nga trong việc phát triển Tuyến đường biển phía Bắc như việc hạ thủy thành công tàu phá băng hạt nhân Chukotka vào tháng 11 năm 2024.
Trong cuộc vận động tranh cử, Tổng thống Donald Trump đã cảnh báo nhiều nước về ý định áp thuế thương mại, nhưng vào ngày đầu tiên sau khi nhậm chức, có vẻ như ông đã kiềm chế không đưa ra quyết định vội vàng với Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, số phận của các lệnh trừng phạt chống Nga và Trung Quốc vẫn còn đang bỏ ngỏ, và nên nhớ rằng, thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm của Trung Quốc, được áp dụng trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông, vẫn còn hiệu lực cho đến ngày nay.
Hợp tác Nga-Trung: Vững vàng trước thách thức
Trong nhiệm kỳ thứ hai, Tổng thống Donald Trump không dễ để có thể tác động đến mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa Nga và Trung Quốc. Việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu gây ra nhiều trở ngại đối với các cam kết xanh toàn cầu. Hiện Mỹ và EU đã có kế hoạch đạt mục tiêu phát thải carbon dioxide bằng 0 vào năm 2050, còn Nga và Trung Quốc đặt mục tiêu đến năm 2060. Đối với các nhà sản xuất Nga, việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris có thể sẽ làm chậm quá trình chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch nhưng tốn kém hơn đối với nhiều nước đang phát triển và mở rộng thị trường tiềm năng cho Nga về nguyên liệu năng lượng.
Hợp tác Nga-Trung trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân hòa bình đang phát triển dưới những hình thức mới. Vào tháng 12 năm 2024, các bên đã ký lộ trình thực hiện chương trình hợp tác toàn diện về lò phản ứng neutron nhanh và khép kín. Tương tác giữa Nga và Trung Quốc tại các cơ chế hợp tác đa phương cũng đang rất vững chắc bất chấp sức ép từ Mỹ. Năm 2025, quyền Chủ tịch Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) được chuyển giao cho Trung Quốc và các hoạt động của tổ chức sẽ tiếp tục hướng tới mục tiêu tăng cường hợp tác nội khối, thúc đẩy “hòa bình, an ninh và phát triển”. Bất chấp lời cảnh báo của Tổng thống Donald Trump áp thuế hải quan mới đối với các nước thành viên Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu (BRICS), song xu hướng mở rộng của tổ chức này vẫn tiếp tục
gia tăng. Kể từ tháng 1 năm 2025, Indonesia đã trở thành thành viên chính thức của hiệp hội, và danh sách các ứng viên như vậy vẫn đang rất dài.
Ngoài ra, Nga và Trung Quốc còn đặt mục tiêu hợp tác chặt chẽ hơn trong lĩnh vực an ninh. Trong cuộc điện đàm vào tháng 1/2025, Tổng thống Vladimir Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhấn mạnh đến nhu cầu phối hợp các sáng kiến của hai nước trong lĩnh vực này. Trước đó, tháng 2/2024, nhà lãnh đạo Nga đã phác thảo một sáng kiến trong việc hình thành cấu trúc an ninh Á-Âu, còn Trung Quốc thúc đẩy sáng kiến về an ninh toàn cầu kể từ tháng 4 năm 2022.
Năm 2025 đánh dấu kỷ niệm 80 năm chiến thắng chủ nghĩa phát xít trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, đồng thời 80 năm chiến thắng của nhân dân Trung Quốc trước đế quốc Nhật Bản. Các nhà lãnh đạo của Nga và Trung Quốc sẽ là khách danh dự: Chủ tịch Tập Cận Bình được mời đến Nga vào tháng 5 và Tổng thống Vladimir Putin sẽ thăm Trung Quốc vào tháng 9. Đây được cho là những sự kiện trọng đại của hai nước, đồng thời là dịp để các bên thể hiện quan hệ hợp tác song phương đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ, đồng thời là thông điệp cho chính quyền Mỹ và các nước phương Tây.
Rõ ràng, quan hệ giữa Nga và Trung Quốc trong thực tế địa chính trị mới đã đạt đến một điểm khởi đầu mới, có thể nói là “chưa từng có như hiện nay”. Song với những động thái đầu tiên của Tổng thống Donald Trump trong nhiệm kỳ thứ hai cho thấy cấu trúc địa chính trị, xu hướng quan hệ giữa 3 nước lớn Mỹ-Nga-Trung sẽ có những thay đổi trong thời gian tới.