Thẻ bài xuất thành

Thời phong kiến, việc bảo vệ an ninh cho nhà vua và hoàng gia được thực hiện nghiêm ngặt, các cổng thành, cổng cung đều luôn có lính túc vệ canh giữ, ai ra vào phải có lệnh bài.

Quy định long bài

Theo ghi chép trong "Đại Việt sử ký toàn thư", vào thời Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 8 (1467), triều đình mới bắt đầu ban hành sắc chỉ rằng: "Quan triều tham đeo thẻ bài đi theo hầu nên ghi chữ “hỗ tòng” vào thẻ bài".

Cửa Hiển Nhơn ra vào kinh thành Huế.

Cửa Hiển Nhơn ra vào kinh thành Huế.

Hiện, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội còn lưu giữ được một chiếc thẻ bài bằng đồng độc đáo thời Lê. Thẻ hình thang, cao 12,7 cm, mặt trước khắc chìm dòng chữ "Cung nữ xuất mãi bài'', cho biết đây là loại tín bài cấp cho cung nữ ra ngoài để mua đồ dùng phục vụ sinh hoạt trong cung. Mặt sau có 2 hàng dọc, lần lượt là 4 chữ "Cung tự ngũ hiệu" (số 5 của khu nội cung) và 7 chữ ''Quang Thuận thất niên tứ nguyệt tạo'' (tháng 4, năm Quang Thuận thứ bảy, đời Vua Lê Thánh Tông), cho biết thẻ được cấp vào năm 1466, trước khi nhà vua có lệnh yêu cầu các quan đeo thẻ bài một năm.

Sang triều Nguyễn, các quy định về việc ban hành, kiểm tra thẻ bài được xuất hiện nhiều nhất dưới thời Vua Minh Mạng, bởi khi đó, triều đình bắt đầu đi vào ổn định, kinh thành Phú Xuân được xây cất đã tương đối hoàn chỉnh.

Đầu tiên, vào tháng 3, năm Minh Mạng thứ 4, bộ sử triều Nguyễn "Đại Nam thực lục" ghi về việc nhà vua sai định lại lệ cấm cửa cung thành. Nguyên nhân là do có một thị vệ trực ban đêm chợt bị bệnh gấp, Vệ úy là Nguyễn Văn Quyền và Hoàng Đức Tòng không kịp chờ tâu mà hạ lệnh cho người canh cửa Tả Túc và cửa Tả Đoan mở cửa cho đưa ra chạy chữa. Việc bị phát giác, Vua Minh Mạng nói rằng: "Đấy tuy là đêm khuya, việc xảy ra không làm sao được, vội vàng theo quyền nghi thì cũng có thể xét tình giảm nhẹ tội được. Song, lệ cấm cửa thành, cửa cung nghiêm nhặt cũng khó tha thứ được. Vậy, bọn quyền và cai đội canh cửa đều phải cất lương".

Sau đó, nhà vua sai phát long bài hiệu (bài có khắc hình rồng) cho hai cửa Tả Túc, Tả Đoan, giao cho đại thần thị vệ đương trực cầm giữ. Nếu ban đêm gặp việc gì gấp, cần mở cửa cho ra vào thì phải sai người đem bài hiệu cửa ấy đến cửa mà đối chiếu truyền bảo rồi sau mới mở cho đi. Nếu đại thần đương trực mà tự tiện truyền bảo và quan lại canh cửa không xét nghiệm thật sự có long bài mà tự tiện mở cửa, thì theo điều luật "bất ứng vi" (tức việc không nên làm mà làm, có quy định trong bộ hình luật triều Nguyễn là "Hoàng Việt luật lệ") ở mức nặng mà xử. Nếu có tình tiết khác nữa thì xử nặng. Mở cửa cho ra thì chiếu theo bản luật mở cửa cho vào thì xử nặng hơn một bậc.

Đến năm Minh Mạng thứ 8 (1827), triều Nguyễn có lệnh cho các nha môn nếu thấy quan viên, thị vệ, nội giám đem bài vương mệnh truyền bảo việc gì, thì đều phải chiếu lệ tuân thủ thực hiện làm; rồi cứ theo việc truyền chỉ ấy mà làm tờ phiến, phong kín trình lên.

Các quan giữ cửa cung, hoàng thành, kinh thành, ban đêm khi gặp quan viên, thị vệ, nội giám mang long bài hiệu cửa, truyền chỉ mở cửa thành cho người ra vào, thì kiểm tra rõ mà cho đi; ngày hôm sau đem lý do làm tờ phiến phong kín trình lên; nếu gặp khi vua đi tuần du cũng làm tờ phiến phong kín do quan lưu Kinh đính theo tập tâu mà đệ trình.

Quy định về thẻ bài ra vào cổng thành các tỉnh, thành được ban hành năm Minh Mạng thứ 14 (1833), tên gọi thẻ là "khám hợp phù", mỗi cái dài 1 tấc 3 phân, ngang 9 phân, dày 2 phân, làm bằng sừng, chế thành 2 mảnh hình vuông dài, hợp lại làm một, quấn chỉ đỏ, một mặt khắc 2 chữ tên tỉnh, một mặt khắc các chữ "mỗ môn, khám hợp phù". Ví dụ tỉnh Quảng Bình, một mặt khắc 2 chữ "Quảng Bình", một mặt khắc "Tiền môn, khám hợp phù", hoặc "Hậu môn, khám hợp phù"... Tỉnh khác cũng thế. Khắc xong, chia làm 2 mảnh, một mảnh do quan to hàng tỉnh thủ giữ, một mặt giao cho Thành thủ úy lĩnh giữ, đề phòng khi đối chiếu thì ghép lại.

Canh giữ và then khóa cửa thành

Mùa xuân năm Minh Mạng thứ 14 (1833), triều Nguyễn mới ban hành thể lệ về cắt cử binh lính canh cửa điện và giữ then khóa. Ở Đại Cung môn (cửa lớn phía sau điện Thái Hòa, là cửa chính vào Tử Cấm Thành), phía trong cửa thì được phân bổ 2 cai đội, 2 hiệu úy thuộc vệ Cẩm y, 4 thị vệ, 6 hộ vệ, 4 đội trưởng thuộc vệ Cẩm y, 10 lính coi giữ và đóng cửa, mở cửa ngày đêm; phía ngoài cửa Đại Môn đến hai cửa Nhật Tinh, Nguyệt Hoa ở hai bên tả hữu dưới thềm sau điện Thái Hòa thì 1 suất đội trấn thủ, 2 đội trưởng và 20 lính coi giữ. Điện Thái Hòa thì 2 ty Hộ vệ và Cảnh tất coi giữ. Ở bệ đỏ sân rồng cầu trung đạo, hồ Thái Dịch thì 4 dinh Thần cơ, Tiền phong, Long võ và Hổ oai phân phái coi giữ.

Thẻ bài "Cung nữ xuất mãi bài'' bằng đồng niên đại thời Lê Thánh Tông

Thẻ bài "Cung nữ xuất mãi bài'' bằng đồng niên đại thời Lê Thánh Tông

Tầng trên Ngọ Môn thì 1 đội trưởng ty Hộ vệ và 10 lính Hộ vệ coi giữ bảo tọa trên lầu và coi giữ súng ống, khí giới. Ngoài ra, còn điều thêm 1 suất đội dinh Vũ lâm và 40 binh lính đầy đủ khí giới, thay ban coi giữ. 5 cửa tầng dưới Ngọ Môn thì 2 suất đội dinh Vũ lâm, 30 binh lính coi giữ, ngày đêm mở cửa, đóng cửa, mỗi ngày đổi phiên một lần. Lại phái thêm 1 quản vệ dinh Vũ lâm coi quản cả tầng trên và tầng dưới Ngọ Môn. Chìa khóa Đại Cung môn giao cho quan văn - võ đại thần nhằm phiên túc trực cầm giữ. Chìa khóa Ngọ Môn giao cho viên thủ hộ quản vệ coi giữ.

Tối đến, ra vào phải có bài hồng hiệu cửa để đối soát chính xác mới cho đi, sáng sớm làm tờ phiến trình vua. Còn tờ phiến có niêm phong tâu trình về cửa Đại Cung thì do các viên đương phiên túc trực và canh giữ cùng ký tên. Tờ phiến về cửa Ngọ Môn thì do viên quản vệ và bọn suất đội cùng ký tên; rồi đều đóng dấu kiềm thủ hộ. Những khi ngự giá đi chơi thì chìa khóa cửa Đại Cung, cửa Ngọ Môn và các cửa hoàng thành đều giao viên quan to lưu thủ kinh thành nhận giữ. Phàm các việc xét nghiệm ra vào và làm tờ phiến tâu trình đều theo như lệ trước.

Năm 1833, theo quy định lệ cấm cửa thành ở các địa phương và các tỉnh ngoài, thì chìa khóa cửa thành, sẽ do viên Thành thủ úy cầm giữ. Chức quan này được ghi trong sách "Hội điển toát yếu" hoàn thành tháng 12 năm Minh Mạng thứ 14 (1833), quy định nhiệm vụ là "chuyên giữ then khóa, đóng, mở cửa thành ở các nơi". Tỉnh nào chưa đặt chức ấy thì phải cẩn thận giao cho người thân tín tạm giữ, binh lính canh cửa không được tham dự vào việc đó. Còn ở các phủ huyện, chìa khóa do các viên quan phủ huyện trực tiếp nắm giữ.

Về việc đóng mở cửa thành, hằng ngày đến giờ thu không (giờ đánh trống báo đóng cửa thành), viên biền thủ hộ đốc quân lính canh phòng, đến cuối trống canh 1, phải đóng chặt cửa thành, viên Thủ úy phải đích thân đi xem xét khóa cửa cho cẩn mật; đến 8 khắc trống canh 5, thủ hộ các cửa đến viên Thành thủ úy, lĩnh chìa khóa ra mở, xong lại nộp trả ngay. Ban đêm, khi có việc khẩn cấp của tỉnh, cần phái người ra cửa thì các quan to như Tổng đốc, Tuần phủ, hoặc Bố chính, án sát, xét xem phải đi ra cửa nào, thì phát ra nửa mảnh khám hợp phù ở cửa ấy, giao cho người cẩn tín mang theo với người được phái đi, viên Thành thủ úy mới đem nửa mảnh khám hợp phù cửa ấy mà mình đã giữ, hợp lại thấy đúng, mới được mở cửa cho đi.

Với các trường hợp nhân viên đi việc công từ ngoài thành đến, nếu là việc thường thì chỉ ở ngoài cửa, thông báo vào; nếu là việc quan trọng khẩn cấp, cần vào thành để trình báo thì viên canh cửa phải hỏi han xét nghiệm, thấy có bằng cứ đích xác, thì đến trình với quan to hàng tỉnh xét thực, đưa khám hợp phù, để Thành thủ úy hợp khám, mới mở cửa cho vào. Các cửa thành này, hễ có người ra vào rồi liền phải khóa cửa lại như cũ. Còn ban đêm nếu có việc quan khẩn cấp, phải mở cửa thành, thì phải điều thêm quân lính đã huấn luyện để canh phòng cho nghiêm, rồi mới mở cửa, để phòng việc bất ngờ; xong việc lại cho lính về trại ngũ. Việc mở cửa, đóng cửa ở các phủ huyện và các đài, các ải, các tấn sở, cũng thi hành theo như lệ này.

Tuy nhiên, năm 1835, có sự kiện Vua Minh Mạng đi tuần cửa biển Thuận An, thăm thành Trấn Hải, khi hồi loan đến cửa Thể Nhân, người canh cửa chưa tiếp được thẻ bài truyền mở cửa, đã vội mở trước. Theo lệ trước đó, khi ngự giá về, đến cửa kinh thành, người canh cửa chuyển báo cho thủ thành đại viên, lĩnh thẻ bài, xét nghiệm, rồi sau mới mở cửa. Vua Minh Mạng cho rằng cửa cấm là chỗ rất nghiêm mà mở cửa không đúng lệ, bèn sai đánh bằng roi để răn dạy người canh cửa đó.

Sau đó nhà vua ban lệnh: Phàm xa giá đi tuần du ở ngoài, nếu chưa nói rõ ngày giờ hồi loan, thì thủ thành đại viên nên phái người đi thăm dò trước. Người canh cửa một khi được tin hồi loan, thì lập tức phi báo, rồi phái viên quản vệ đem tấm thẻ bài mở cửa, đứng chực sẵn ở phía trong cửa thành. Khi có nói rõ ngày giờ nào hồi loan, thì ngay chiều hôm ấy, phái viên quản vệ đem tấm thẻ bài mở cửa, đứng chực sẵn ở phía trong cửa thành. Khi ngự giá đến cửa nào, thì xét nghiệm thẻ bài cửa ấy là đúng rồi, lập tức mở cửa. Lệnh này ban hành xong được thi hành ngay.

Lê Tiên Long

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/khoa-hoc-van-minh/the-bai-xuat-thanh-i766309/
Zalo