Thẻ ATM bị khóa lâu ngày có mất tiền trong tài khoản không?
Nhiều người băn khoăn thẻ ATM không hoạt động lâu ngày có bị ngân hàng khóa không và số tiền còn lại trong tài khoản đó liệu có bị mất?
Thời hạn khóa thẻ ATM
Thẻ ATM sẽ bị khóa hai chiều (không thể giao dịch và không nhận tiền) nếu không có bất kỳ giao dịch nào (nạp tiền, rút tiền, thanh toán, chuyển khoản...) trong một khoảng thời gian dài, thường là từ 6-18 tháng.
Thẻ ATM quá hạn cũng bị khóa. Các loại thẻ ATM nội địa có thời hạn 5-7 năm và được ghi ngày hết hạn (expired date) ngay ở mặt trước của thẻ. Nếu quá thời hạn này, thẻ của khách hàng sẽ bị khóa và không thể sử dụng được nữa. Khách hàng cần mang thẻ ra ngân hàng để đổi thẻ mới trước thời hạn ghi trên thẻ.
Trong trường hợp số dư trong tài khoản hết hoặc dưới mức tối thiểu quy định của ngân hàng, thẻ cũng có thể bị khóa sau một thời gian nhất định.
Tuy nhiên, quy định cụ thể về việc khóa thẻ có thể khác nhau giữa các ngân hàng. Để biết chính xác, khách hàng nên kiểm tra trực tiếp với ngân hàng mình sử dụng.

Ảnh minh họa: Nam Khánh
Khách hàng có nhiều cách để xác minh thẻ ngân hàng của mình còn hoạt động hay không như kiểm tra tại cây ATM, mang thẻ đến quầy giao dịch để nhờ nhân viên kiểm tra, gọi điện lên hotline ngân hàng, đăng nhập vào các dịch vụ ngân hàng online.
Thẻ ATM bị khóa, có mất tiền trong tài khoản không?
Nhiều người cũng thắc mắc thẻ ATM bị khóa thì tiền trong tài khoản ngân hàng có bị trừ tiền không?
Thẻ ATM bị khóa một chiều không liên quan đến tài khoản của khách hàng tại ngân hàng. Số dư trong tài khoản ngân hàng sẽ không bị mất đi, khách hàng vẫn có thể thực hiện chuyển khoản, giao dịch trên Internet Banking, ứng dụng ngân hàng điện tử,... bình thường.
Thẻ ngân hàng bị khóa vẫn chuyển tiền vào được
Thẻ ATM bị khóa một chiều vẫn có thể nhận được tiền chuyển vào tài khoản ngân hàng và có thể chuyển khoản cho tài khoản khác qua Internet Banking, Mobile Banking.
Trừ trường hợp bị khóa thẻ ATM do lâu không hoạt động, dẫn tới tài khoản ngân hàng cũng bị “đóng băng” thì khách hàng sẽ không thể nhận và gửi tiền trong hệ thống.
Cách xử lý khi thẻ ATM ngân hàng bị khóa
Thẻ ATM bị khóa sẽ không thể tự mở lại. Khách hàng cần liên lạc ngay với ngân hàng khi thấy thẻ ATM bị khóa.
Cách nhanh nhất là tới các chi nhánh của ngân hàng. Khách hàng không thể ủy quyền cho người khác, mà cần đích thân tới chi nhánh ngân hàng để thực hiện thủ tục mở thẻ.
Thủ tục mở khóa thẻ ATM rất đơn giản, đặc biệt với thẻ ATM nội địa. Khách hàng chỉ cần mang giấy tờ tùy thân, khai báo số dư và thực hiện lại chữ ký mẫu đã ký lúc mở thẻ để nhân viên xét duyệt. Việc kích hoạt thẻ ATM bị khóa thường là miễn phí. Trường hợp cần làm lại thẻ mới, khách hàng chỉ cần nộp phí làm thẻ ATM (thường từ 50.000-100.000 đồng mỗi thẻ).
Nếu phát hiện thẻ ATM bị khóa ngoài giờ làm việc của ngân hàng, quý khách có thể gọi tới hotline của ngân hàng nơi mình làm thẻ để yêu cầu trợ giúp cách mở khóa thẻ ATM tại nhà.
Với một số ngân hàng, khách hàng có thể sử dụng ứng dụng ngân hàng điện tử để mở thẻ ATM bị khóa online.
(Tổng hợp)