Thay vì nâng mức phạt gấp đôi, Hà Nội nên phát triển giao thông công cộng

Chuyên gia cho rằng, TP Hà Nội thay vì chỉ tập trung vào việc xử phạt thì nên triển khai các giải pháp khác để giải quyết gốc rễ tình trạng mất trật tự an toàn giao thông.

UBND TP Hà Nội đang lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết quy định mức phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Trong đó, Hà Nội đề xuất 107 hành vi vi phạm cần nâng mức phạt từ 1,5 - 2 lần. Đơn cử như các hành vi lùi xe ở đường một chiều, đường có biển “cấm đi ngược chiều”… được đề xuất tăng mức phạt lên 4 - 6 triệu đồng (Nghị định 168 quy định phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng).

Về hành vi điều khiển xe không đi bên phải theo chiều đi của mình, đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định (làn cùng chiều hoặc làn ngược chiều), Nghị định 168 quy định mức phạt tiền từ 4 - 6 triệu đồng với ô tô và 600 - 800 nghìn đồng đối với xe máy, còn Hà Nội đề xuất nâng mức phạt lên 8 - 12 triệu đồng với ô tô và 1,2 - 1,6 triệu đồng đối với xe máy.

Diễn giải lý do đề xuất tăng mức phạt, UBND TP Hà Nội cho rằng, tình trạng người dân vi phạm vẫn tiếp diễn, thường lặp lại đối với một số hành vi vi phạm nhất định: Không chấp hành vạch kẻ đường, biển báo hiệu, không đội mũ bảo hiểm, đi ngược chiều, đi vào đường cấm, sai làn đường...

Ngoài ra, Luật Thủ đô có hiệu lực từ ngày 1/1 cũng cho phép HĐND TP quy định mức tiền phạt cao hơn không quá 2 lần mức phạt do Chính phủ quy định đối với một số vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Hà Nội đề xuất nâng mức phạt vi phạm giao thông từ 1,5 - 2 lần đối với 107 hành vi vi phạm so với Nghị định 168. Ảnh: Đình Hiếu

Hà Nội đề xuất nâng mức phạt vi phạm giao thông từ 1,5 - 2 lần đối với 107 hành vi vi phạm so với Nghị định 168. Ảnh: Đình Hiếu

Trao đổi với VietNamNet về nội dung trên, ông Nguyễn Văn Thạch, nguyên Vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT) cho biết, sau hơn 1 tháng thực hiện Nghị định 168, tình hình trật tự an toàn giao thông đã có nhiều chuyển biến tích cực.

“Điều này cho thấy ý thức của người dân đã được nâng lên. Người dân cũng đã hiểu hành vi nào vi phạm. Do đó, tôi cho rằng việc nâng mức phạt trong Nghị định 168 đã giúp ý thức chấp hành của người dân tăng lên rõ rệt khi tham gia giao thông”, ông Thạch nói.

Vì thế, dù ủng hộ chủ trương nâng mức xử phạt nhưng ông Thạch cho rằng Hà Nội chỉ nên chọn một số hành vi chứ không nên dàn trải tới 107 lỗi.

“Hà Nội chỉ nên chọn một số hành vi rất nguy hiểm, gây tai nạn giao thông nhiều thì nâng mức phạt lên như: Uống rượu khi tham gia giao thông, đi lùi quay đầu, dừng đỗ trên cao tốc…”, ông Thạch nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam cũng cho rằng Hà Nội nên cân nhắc, không nên xử phạt tràn lan.

Theo đó, Thủ đô nên chọn những hành vi vi phạm đặc biệt như cố tình cơi nới thành thùng, chở quá tải, chạy quá tốc độ, vi phạm nồng độ cồn… để nâng mức phạt.

Cần cải thiện hạ tầng giao thông

Đối với các hành vi vi phạm khác, cả hai chuyên gia đều cho rằng cần phải đợi Nghị định 168 đi vào cuộc sống, sau một thời gian đánh giá, tổng kết rồi lúc đó “nâng mức xử phạt cũng chưa muộn”.

Theo ông Thạch, thay vì đề xuất nâng mức phạt, Hà Nội cần nghiên cứu tổ chức giao thông, phân làn, phân luồng, tạo tính hợp lý cho người tham gia giao thông.

PGS. TS Nguyễn Hồng Thái (Trưởng khoa Vận tải Kinh tế, Đại học GTVT) cũng cho rằng, hạ tầng giao thông đô thị của Hà Nội phát triển chưa đồng bộ, thậm chí gây khó khăn cho việc chấp hành quy định của người dân.

Do vậy, thay vì chỉ tập trung vào việc xử phạt, Hà Nội nên triển khai các giải pháp khác để giải quyết gốc rễ tình trạng mất trật tự an toàn giao thông trên địa bàn, cũng như đảm bảo cho người dân tham gia giao thông an toàn thuận lợi.

“Về giải quyết cốt lõi vấn đề giao thông của Hà Nội, thứ nhất là phải phát triển phương tiện giao thông công cộng, đặc biệt là đường sắt đô thị để giảm thiểu phương tiện cá nhân, hạn chế ùn tắc, tình trạng vi phạm luật giao thông và ô nhiễm môi trường.

Thứ hai là bài toán về quy hoạch phát triển đô thị, hạn chế xây dựng nhà cao tầng trong vùng lõi thì mới giải quyết được vấn đề vận tải trong các đô thị.

Xây dựng mức xử phạt mang tính răn đe là đúng nhưng còn phải phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội và môi trường. Vậy nên TP Hà Nội cần cân nhắc về việc nâng mức xử phạt”, ông Thái nêu ý kiến.

N. Huyền

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/thay-vi-nang-muc-phat-gap-doi-ha-noi-nen-phat-trien-giao-thong-cong-cong-2371937.html
Zalo