Thầy giáo trường làng

Từ cửa sổ lớp học nhìn ra xa có thể thấy một trảng cát dài bất tận. Vĩnh luôn nghĩ trảng cát ấy mênh mông như thể nỗi hoang mang vô định của mình, dài và hình như không biết đâu là kết thúc.

Minh họa: LÊ DUY

Minh họa: LÊ DUY

Sau giờ dạy, Vĩnh bỗng muốn chạy xe lang thang đâu đó, khác với tuyến đường hai mươi ba cây số từ nhà đến trường. Nhưng nghĩ làm vậy lại tốn tiền xăng vô ích trong khi quãng đường đi dạy đủ dài để có thể nghĩ và sắp xếp nhiều chuyện trong đầu. Tự nhiên nhớ hồi đi học, cũng một quãng đường xa, tầm mười cây số. Hồi đó, mỗi sáng, Vĩnh hay để cuốn vở trước giỏ xe, tranh thủ vừa đạp xe vừa lẩm nhẩm học thuộc lòng bài lịch sử hay địa lý. Giờ cũng một quãng đường xa qua bảy năm gắn bó, quen từng ổ gà ổ voi, quen từng bụi cây, từng nóc nhà ven đường vậy mà đầu óc Vĩnh vẫn chưa thôi trầy trật thu xếp suy nghĩ ngổn ngang của mình.

Đôi lúc Vĩnh tự hỏi, nếu không làm một thầy giáo trường làng thì bây giờ anh đang ở đâu, đang làm gì nhỉ. Hôm rồi đi họp lớp, thấy đám bạn cũ giàu có thành đạt còn mình chỉ là một anh nhà giáo làng nhàng, quyền lực không, tiền bạc không. Anh ngồi thu mình, tự nhiên thấy tự ti.

Ngày trước, nếu không vì hoàn cảnh gia đình, hoặc nếu quyết tâm hơn, Vĩnh đã theo đuổi ngành khác, theo đuổi niềm đam mê của mình, trở thành luật sư. Nghề đó ở lại thành phố chứ về quê thì làm được gì, hơn nữa, tiền đâu ra để nộp học phí. Bởi suy nghĩ đó nên anh chọn học sư phạm cho an toàn.

Ngoài giờ học ở lớp, Vĩnh đi dạy kèm rồi phụ việc ở các quán xá để kiếm chi phí trang trải cho đời sống sinh viên. Có những thời điểm kiệt cùng muốn buông xuôi, nghe tiếng mạ yếu ớt trong điện thoại, con có tiền không, mạ vừa được cho hai trăm. Hai trăm ngàn lúc đó với gia đình anh là cả gia tài, với bạn bè chỉ một bữa nhậu. Vĩnh nghẹn ngào, nói mạ để dành lo ăn uống, con ổn.

Vĩnh có một người chị gái nhưng chị ấy bạc mệnh, đã mất từ năm mười lăm tuổi. Sự ra đi của chị làm ba mạ suy sụp cho đến bây giờ. Không có Vĩnh, mạ nói mạ chẳng biết bám víu vào đâu để sống tiếp. Ra trường, Vĩnh chọn trở về quê để gần cha mẹ, có thể phụ chăm sóc cha mẹ những khi trái gió trở trời. Đồng lương giáo viên chẳng biết bao giờ đủ để sửa sang nhà cửa, sắm sửa này sắm nọ. Vĩnh chẳng tiêu pha cho bản thân mình, bao nhiêu tiền bạc anh đưa mạ đi chợ rồi lo thuốc thang.

Nhiều khi trong Vĩnh có sự đấu tranh tâm lý, muốn giúp người nhà thì cần có nhiều tiền, nhưng đi xa thì ai lo cho cha cho mẹ, ai làm chỗ dựa. Ba anh nằm một chỗ đã mấy năm nay, anh không dám để học trò hay phụ huynh về nhà chơi vì ái ngại. Vài lúc mệt mỏi, Vĩnh lại để tâm trạng mình lửng lơ giữa những so sánh, suy nghĩ như vậy.

Học trò ở vùng quê này khá ngoan. Ngoài giờ học, các em đều phụ giúp gia đình việc nhà. Cho nên, khi Tú chuyển trường về đây, em học sinh ấy làm cả trường náo loạn bởi những trò nghịch phá. Tú là dân thành phố, nghe nói em huyển về quê ở với ông bà. Em ấy xài điện thoại xịn, đi xe máy điện, áo quần lúc nào cũng xộc xệch, bước đi hiên ngang giữa sân trường như dân anh chị. Tú rủ tụi học trò trong lớp trốn học rồi bày tụi nó đi đánh bida, tập tành hút thuốc. Lúc nào mặt Tú cũng câng câng như muốn thách thức cả thế giới.

Tú được xếp vào lớp Vĩnh chủ nhiệm. Thời gian đầu, Vĩnh chỉ quan sát cậu học trò bướng bỉnh này, chưa nhắc nhở, chưa la mắng gì. Ai cũng ngạc nhiên, ngay cả Tú. Hẳn cu cậu đang thắc mắc ông thầy này có vấn đề gì hay sao mà mình bày đủ trò ông vẫn chưa tỏ thái độ nào. Cho đến hôm đó, Tú đánh một bạn trong lớp chảy máu mũi.

Ban giám hiệu nhà trường phải can thiệp vì phụ huynh của học sinh kia kêu gào la lối, có quay phim chụp ảnh đòi đưa lên mạng xã hội. Thầy hiệu trưởng lắc đầu, bảo thế này phải kỷ luật nặng, hạ hạnh kiểm, xem xét đuổi học vì em Tú có hành vi bạo lực lại còn thách thức người lớn. Vĩnh cũng bị nhắc nhở khi không bảo ban được học trò. Anh bình tĩnh, xin Ban giám hiệu cho Tú một thời gian để sửa đổi. Ban Giám hiệu nhắc lại, đã có quy định rồi, chỉ cần kỷ luật, hạ hạnh kiểm rồi đuổi học.

“Nếu đuổi học thì ai chấp nhận em ấy, trường học đã từ chối giáo dục thì còn ai cứu vớt cuộc đời em ấy đây. Em xin bảo lãnh em Tú, nếu em ấy có làm gì sai quấy nữa, em xin chịu toàn bộ trách nhiệm.” Vĩnh tha thiết đến gặp phụ huynh của em học sinh kia để nói đỡ vài lời. Cuối cùng, Ban giám hiệu đồng ý cho Tú một cơ hội, phụ huynh học sinh kia cũng đồng ý bỏ qua.

Ba mẹ ly hôn, Tú có em cùng cha khác mẹ, em cùng mẹ khác cha và em cùng cha cùng mẹ.

“Thầy xem cuộc đời em có phức tạp không. Họ bận với các con của họ nên em như một đứa thừa thãi, họ đẩy em về đây cho yên chuyện vì không ai muốn nuôi em”. Vĩnh đã tìm hiểu về hoàn cảnh của Tú trước đó nên hiểu được phần nào, nghe Tú tâm sự càng thấy thương nhiều hơn.

Anh chẳng nói gì. Một đứa học trò mười bốn tuổi, đang ở độ tuổi ẩm ương nổi loạn, muốn gây sự chú ý để được quan tâm. Tú nói thầy có muốn gặp phụ huynh thì họ cũng không có thời gian để thầy gặp đâu, người này đẩy người kia cho xem. Vĩnh hỏi Tú chủ nhật rảnh thì em đi cùng thầy một ngày. Đi đâu ạ. Đi phụ thầy chút việc. Tú thấy lạ, ông thầy trẻ măng này chẳng trách mắng rao giảng, cũng chẳng gọi điện thoại mời phụ huynh, lại chẳng tỏ vẻ bực tức gì. Cu cậu có vẻ mềm lòng, dạ, em sẽ đi.

Sáng chủ nhật, Vĩnh mặc bộ đồ giản dị đến đón Tú. Cu cậu thì đúng chất dân thành phố, mặc đồ sành điệu, áo thun hàng hiệu, quần jean rách, giày, mũ, kính đen nhìn như người mẫu. Vĩnh cười, đẹp trai quá ông tướng. Vĩnh chở học trò đi lên thị xã, ghé một ngôi nhà trong hẻm. Ở đó, có thêm vài người, trẻ có già có, thấy hai thầy trò ai cũng vui cười đon đả. Khi Tú chưa kịp hiểu chuyện gì thì đã được đám đông kéo vào việc. Mỗi người một tay, người nhặt rau, người cắt hành, người băm thịt, Tú được giao nhiệm vụ nhẹ nhàng là... cắt ớt. Lần đầu tiên trong đời cu cậu làm việc này nên khá hồi hộp nhưng khi đứng trong căn bếp lớn với nhiều người, ai cũng tất bật, tay làm miệng trò chuyện vui vẻ khiến Tú thấy vui lây. Bếp nấu cháo từ thiện đỏ lửa hàng tuần, cứ ai rảnh thì có thể vào đây phụ việc. Nghe nói những nồi cháo này sẽ được phát miễn phí cho bệnh nhân ở bệnh viện huyện gần đó. Nồi cháo đã được duy trì đều đặn nhiều năm nay.

Tú được giao nhiệm vụ phụ giúp những người bệnh nặng bưng cháo về từng phòng rồi phụ đỡ những ông bà già yếu đi lấy cháo. Hẳn trong lòng cu cậu có những xáo trộn bất ngờ, làm gì cũng chạy tới bên Vĩnh hỏi, thầy ơi, em làm vậy được chưa. Vĩnh gật đầu cười hiền, bảo buổi chiều không bận thì đi với thầy thêm một buổi. Tú theo thầy đi thăm một hoàn cảnh khó khăn, ngạc nhiên hơn khi đó là nhà của một bạn cùng lớp.

Cô bạn ấy học giỏi, gia cảnh nghèo khó, ba mất, mẹ bệnh nặng. Bạn rớm nước mắt bảo chỉ cần mẹ còn bên, dù nằm một chỗ, bạn cũng gắng học giỏi để mẹ vui lòng. Vĩnh trao món quà, là học bổng định kỳ thầy xin được cho học trò của mình. Còn bảo Tú học có chỗ nào không hiểu cứ hỏi bạn chỉ cho. Trên đường về, Tú im lặng chẳng nói năng chi. Vĩnh bắt đầu mở lời, rằng trên đời này, chuyện gì đến cũng có lý do của nó. Khó khăn sẽ giúp người ta có nghị lực. Và chuyện gì cũng nằm ở cách nhìn, cách nghĩ của ta. Tú thử nghĩ theo khía cạnh rằng mình may mắn hơn nhiều người khác đi, ít ra là hơn bạn học lúc nãy vì Tú có tới hai người cha và hai người mẹ. Họ sẽ là những người yêu thương và quan tâm Tú nhất trên đời, dù có chuyện gì xảy ra đi nữa.

Vĩnh im lặng khi nghe cậu học trò nhỏ sụt sùi ở phía sau. Nói với học trò nhưng cũng là nói với chính mình, Vĩnh nghĩ lại hơn mười năm đi dạy, những khúc buồn vui trong nghề đã cho anh sự chín chắn, từng trải, những kỷ niệm không thể nào quên. Nghề nào cũng có giá trị và ý nghĩa của nó, nghề của Vĩnh hay ho và ý nghĩa ở chỗ, đôi khi anh giúp vài cuộc đời đi đúng hướng.

Khi gặp những học trò như Tú, Vĩnh có cơ hội nhìn lại mình, nhìn lại cách giáo dục của mình xem điều gì là phù hợp, là tốt với các em. Thay vì trước kia, Vĩnh từng la mắng vài em học trò hư, không nghe lời, bắt phạt và quở trách mà không lắng nghe. Các em đó, có em sửa đổi nhưng có em lại thách thức và ngỗ ngược hơn. Vĩnh thử thay đổi cách giáo dục, dỗ dành yêu thương nhiều hơn là dạy bảo những lời sáo rỗng mà chẳng đứa trẻ nào muốn nghe, anh mừng vì thấy hiệu quả bất ngờ.

Tú đã thay đổi. Em bắt đầu chăm chỉ học hành và không còn quậy phá nhiều như trước. Mỗi cuối tuần, Tú gặp Vĩnh, thầy cho em đi phụ nấu cháo với ạ. Vĩnh cười, bảo Tú mang sách vở đi theo, đến nhà bạn học, có gì học cùng bạn luôn. Cuộc đời làm nghề giáo của Vĩnh rồi sẽ có những học trò khác, sẽ có những dấu ấn khác nhưng Vĩnh sẽ không quên cậu học trò đặc biệt này.

Bởi thời điểm gặp Tú cũng là lúc Vĩnh đang phân vân trăn trở trong công việc, anh có cơ hội xem lại niềm đam mê và nhiệt huyết với nghề. Vĩnh tin rằng, mai mốt Tú sẽ trở thành người có ích cho xã hội, hoặc ít ra, em chắc chắn sẽ là người tốt, biết cảm thông và yêu thương mọi người. Là con người, chỉ cần vậy cũng đã thành công rồi, Vĩnh tin vậy. Nhờ Tú, Vĩnh cũng nhận ra, mình yêu nghề tha thiết.

DIỆU ÁI

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/thay-giao-truong-lang-190834.htm
Zalo