Thầy giáo quân hàm xanh gieo chữ nơi biên cương

Bản Tà Cóm (xã Trung Lý, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa) là nơi sinh sống của 111 hộ dân đồng bào dân tộc Mông di cư từ các tỉnh phía Bắc vào từ những năm 90 của thế kỷ trước. Vượt qua khó khăn, người dân ở Tà Cóm đang nỗ lực từng ngày viết nên câu chuyện của chính mình trên hành trình thoát khỏi đói nghèo và đi tìm con chữ trên những ngọn đồi. Và tiếp bước cho họ, không ai khác chính là cán bộ, chiến sĩ BĐBP- những 'thầy giáo mang quân hàm xanh'.

Đại úy Hơ Văn Di trong giờ lên lớp tại bản Tà Cóm. Ảnh: Linh Nga

Đại úy Hơ Văn Di trong giờ lên lớp tại bản Tà Cóm. Ảnh: Linh Nga

Nỗ lực thoát nghèo...

Lật giở cuốn sổ ghi chép, Trưởng bản Tà Cóm Thào A Sự cho biết: "Bản Tà Cóm có 111 hộ dân thì tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới hơn 90%. Thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 8 triệu đồng/năm. Đời sống của người dân trong bản chủ yếu nhờ chăn nuôi trâu, bò và trồng cây vầu (làm nan thanh bán cho các thương lái)". Theo lời anh Sự: “Những năm 90 của thế kỷ trước, người Mông ở Sơn La di cư về bản Tà Cóm lập nên chòm bản. Khi đó, người dân chỉ biết khai hoang trên những ngọn núi cao với việc trồng cây ngô, cây sắn. Họ sống biệt lập với các chòm bản khác và không có sự giao thương, trao đổi hàng hóa như bây giờ”.

Đông con, đói nghèo, những tập quán lạc hậu là bức tranh bao trùm cuộc sống của người dân ở Tà Cóm suốt thế hệ này sang thế hệ khác. Nhắc đến Tà Cóm là nhắc đến bản làng có nhiều cái "không": không điện chiếu sáng, không đường bê tông, không sóng điện thoại.

Năm 2023, điện lưới quốc gia đã về với bản Tà Cóm. Những nếp nhà gỗ nằm lưng chừng núi đã được chiếu sáng bởi đèn điện như thắp sáng lên hy vọng về cuộc sống đang dần đổi thay ở Tà Cóm. Huyện Mường Lát đề ra mục tiêu đến năm 2025, con đường dài 43km nối từ bản Nà Ón vào bản Tà Cóm sẽ hoàn thành, giúp người dân trong bản giao thương buôn bán với các bản bên ngoài dễ dàng và thuận lợi hơn. Nhờ việc thay đổi giống cây trồng, vật nuôi, những năm qua, đời sống của người dân ở Tà Cóm đã đổi thay hơn nhờ vào diện tích trồng cây sắn và cây vầu (khai thác làm nan thanh) và chăn nuôi trâu, bò dưới tán rừng. Trong bản đã có nhiều tấm gương nông dân làm kinh tế giỏi.

Theo chân Trưởng bản Thào A Sự, tôi đến ngôi nhà mới còn thơm mùi gỗ của Thào A Thái để nghe câu chuyện về hành trình xin xóa tên ra khỏi danh sách hộ nghèo. Anh Thái là một trong những đảng viên đầu tiên ở Tà Cóm. Thào A Thái kể, trước đây, gia đình anh cũng nghèo như các nhà khác trong bản, căn nhà xiêu vẹo, ọp ẹp nằm chênh vênh trên sườn núi chẳng đủ chỗ ở cho 10 con người. Ngô, lúa trong nhà không đủ ăn, lũ trẻ khóc ngặt nghẽo cả ngày vì đói. Năm 2010, anh Thái mạnh dạn đăng ký vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mường Lát mua trâu, bò về nuôi. Nhận thấy chăn nuôi gia súc trên vùng đất đồi kết hợp trồng cây lâu năm mang lại hiệu quả kinh tế lâu dài, anh mạnh dạn đầu tư mua thêm trâu, bò, gà và trồng thêm cây sắn, cây vầu, cây lát... Vì vậy, cái nghèo, cái đói không còn đeo bám gia đình anh Thái nữa. Năm 2017, anh Thái chủ động lên UBND xã Trung Lý xin rút tên ra khỏi danh sách hộ nghèo. Với tài sản 20 con trâu, 50 con bò, 10ha sắn, 3ha trồng cây vầu để làm nan thanh đã mang lại cho gia đình anh Thái thu nhập 100 triệu đồng mỗi năm.

Những cái tên như Thào A Thái, Thào A Gia, Sùng A Tủa được Trưởng bản Sự nhắc đến như gương điển hình của bản Tà Cóm về nỗ lực thoát nghèo với niềm vui và cả sự tin tưởng về một tưong lai tươi sáng cho người dân ở Tà Cóm.

Con chữ lăn tròn trong đêm Tà Cóm

Tiếng bước chân, tiếng gọi nhau của các bà, các chị đến lớp học xóa mù chữ như xua tan đi cái không khí âm u, tĩnh mịch của đêm ở vùng biên Tà Cóm. Lẫn trong sắc màu thổ cẩm là màu xanh áo lính của Đại úy Hơ Văn Di (cán bộ Đồn Biên phòng Trung Lý, BĐBP Thanh Hóa). “Thầy giáo Di” là tên gọi thân thương của người dân bản Tà Cóm dành cho Đại úy Hơ Văn Di.

Đông đủ người dân bản Tà Cóm tham gia lớp học xóa mù chữ do Đồn Biên phòng Trung Lý tổ chức. Ảnh: Linh Nga

Đông đủ người dân bản Tà Cóm tham gia lớp học xóa mù chữ do Đồn Biên phòng Trung Lý tổ chức. Ảnh: Linh Nga

Khi mặt trời lặn sau những ngọn đồi là lúc lớp học xóa mù chữ ở bản Tà Cóm sáng đèn. Học viên của lớp học đặc biệt ấy không phải những đứa trẻ với khuôn mặt lem luốc mà là những người nông dân “ngày cầm cuốc, đêm cầm bút” miệt mài đi tìm con chữ giữa mênh mông núi đồi Tà Cóm. Khi chúng tôi đến, lớp học xóa mù chữ của “thầy giáo Di” đã đông đủ 38 học viên độ tuổi từ 20 đến 40. Có nhiều chị địu cả con nhỏ trên lưng đến lớp vì “để ở nhà không ai trông, hai vợ chồng mình đều đi học xóa mù chữ với thầy giáo Di”.

Theo như lời chị Lù Thị Khua (38 tuổi): “Mình đi học để biết cái chữ, biết phép tính cộng trừ để khi bán con gà, củ sắn trong nhà thì biết tính toán với người ta. Từ trước đến nay, cứ phải đợi con mình học trên phố huyện về tính giúp”. Còn Sùng Thị Sai (18 tuổi) đến với lớp xóa mù chữ với lý do đơn giản hơn: “Mấy lần lên UBND xã, thấy mọi người viết tên mà em không biết viết tên mình nên xấu hổ lắm! Thầy giáo Di và cán bộ phụ nữ đến vận động đi học, em đồng ý ngay”.

Mỗi người đến với lớp học xóa mù chữ của thầy giáo Hơ Văn Di với mục đích khác nhau. Tiếng đánh vần làm quen với con chữ xen lẫn những câu chuyện về cuộc sống hàng ngày được các bà, các chị kể cho nhau nghe sau giờ giải lao như xua tan đi những vất vả, khó khăn thường ngày của người dân Tà Cóm. Ánh sáng hắt ra từ lớp học đặc biệt nằm bên sườn núi như đang thắp lên hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn ở bản vùng biên giới.

Đại úy Hơ Văn Di cũng là người dân tộc Mông ở huyện Mường Lát, nên anh hiểu rõ những tập quán sinh hoạt và ngôn ngữ của người dân Tà Cóm. Vì vậy, công tác tuyên truyền, vận động học viên đến lớp học xóa mù chữ và tuyên truyền, vận động phát triển kinh tế cho bà con trong bản cũng thuận lợi hơn. Đại úy Hơ Văn Di chia sẻ: “Mục tiêu của lớp học là giúp học viên biết đọc, biết viết và làm những phép tính cơ bản. Ban đầu, bà con trong bản tham gia lớp học rất nhiệt tình và thường xuyên. Tuy nhiên, trong quá trình học, nhiều học viên lớn tuổi không quen với việc cầm phấn, bút và gặp khó khăn trong tiếp thu các phép tính, học chữ nên dẫn đến tình trạng học trước quên sau và tâm lý e ngại vì “cầm bút khó hơn cầm cuốc”. Chúng tôi và Ban quản lý bản Tà Cóm, cán bộ phụ nữ xã Trung Lý phải đến từng nhà học viên để tuyên truyền, vận động học viên đến lớp, không nghỉ học giữa chừng”.

Ngoài việc đứng lớp dạy chữ cho các học viên, Đại úy Hơ Văn Di còn cùng Ban quản lý bản Tà Cóm đi đến từng ngôi nhà gỗ vận động người dân nỗ lực phát triển kinh tế, tuyên truyền các kiến thức pháp luật của Đảng, Nhà nước, vận động người dân tránh xa các tệ nạn ma túy.

Những bàn tay ngày cầm cuốc, cầm dao lên nương rẫy của người dân Tà Cóm vẫn chưa quen với việc cầm cây bút, viên phấn. Và vượt qua bao khó khăn, thầy giáo Hơ Văn Di cùng những “học trò” của mình vẫn miệt mài đi tìm con chữ giữa bao la núi rừng. Ánh sáng hắt ra từ lớp học xóa mù chữ, từ chiếc đèn pin trên tay người dân Tà Cóm trên con đường dẫn đến lớp học như thắp sáng lên hy vọng về một Tà Cóm đổi thay trên chặng đường không còn xa nữa.

Linh Nga

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/thay-giao-quan-ham-xanh-gieo-chu-noi-bien-cuong-post478817.html
Zalo