Thầy giáo Hiếu giong buồm 'kinh tế biển'

Là người Việt hiếm hoi dành 10 năm tạo nên những trải nghiệm trên tàu du lịch 5 sao đi dọc dòng sông Cửu Long, và 10 năm khác nữa xây dựng bến du thuyền quốc tế tại Nha Trang, ông Đặng Bảo Hiếu (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Focus Travel và Công ty Ana Marina Nha Trang) lại giữ vẹn nguyên phong thái của một thầy giáo tiên phong trong chương trình giáo dục thực nghiệm thuở nào…

Một công tử Hà thành lãng mạn

Tôi gặp ông Đặng Bảo Hiếu lần đầu tiên trên chiếc du thuyền mang tên La Marguerite của ông đang lững lờ buông neo đâu đó ở đoạn sông Tiền khi vừa qua khỏi Cái Bè, Tiền Giang. Tôi nghĩ, ông chủ lớn của một công ty du thuyền chở khách cao cấp đi chinh phục nhiều dòng sông lớn của thế giới như Volga của Nga, Danube vượt nhiều quốc gia châu Âu, lẫn mô hình du thuyền đi qua nhiều nước thì phải… khác với sự hiền từ nhã nhặn ở người đàn ông này!

Ông Hiếu giải thích về nguồn gốc tên con thuyền: đi dọc sông Cửu Long, thì khách cần được nghe kể câu chuyện tình đẹp đến mức say đắm trong phim L'Amant và điểm đến là ngôi nhà cổ ở Sa Đéc, Đồng Tháp. Tuy nhiên, các con thuyền đều là… nhân vật nữ, trong khi Người tình - trong tiếng Pháp lại là một danh từ giống nam. Nên cuối cùng, ông đặt con thuyền theo tên của nữ nhà văn đã viết nên tác phẩm bất hủ này: Marguerite, cũng đồng thời là tên của loài hoa cúc trắng mộc mạc.

Sau 15 năm rong ruổi trên sông Mê Kông, du thuyền La Marguerite của Focus Travel đang trở thành điểm nhấn du lịch trên dòng sông Tiền, với thiết kế gợi nhắc đến chuyện tình nổi tiếng đã dựng thành phim L’Amant (Người tình). Ảnh: Nguyễn Huế

Sau 15 năm rong ruổi trên sông Mê Kông, du thuyền La Marguerite của Focus Travel đang trở thành điểm nhấn du lịch trên dòng sông Tiền, với thiết kế gợi nhắc đến chuyện tình nổi tiếng đã dựng thành phim L’Amant (Người tình). Ảnh: Nguyễn Huế

Ông Hiếu có đôi mắt biết cười, và câu đầu tiên khi biết tôi làm việc trong lĩnh vực đào tạo là “ngày trước anh cũng là thầy giáo, dạy tiếng Nga được 4 năm…”. Và trong một buổi chiều nói đủ chuyện về kết nối kinh tế đường sông, kinh doanh mặt tiền sông nước hay tìm đến những trải nghiệm mới cho du khách khi khám phá vẻ đẹp hoang sơ bất tận của đồng bằng sông Cửu Long, thì cơ duyên gặp lại đồng nghiệp sau bốn thập kỷ của ông Hiếu và nhà báo Võ Đăng Thiên đúng là một nốt trầm xao xuyến tạo nhiều suy ngẫm.

Ông Thiên viết trên Facebook của mình: “Chuyến đi trải nghiệm dọc sông Tiền trên con tàu La Marguerite của Công ty Focus Travel đã giúp mình có dịp gặp gỡ, trò chuyện, kết nối với những chuyên gia và doanh nhân tài năng và tâm huyết với vùng đồng bằng sông nước, đặc biệt là việc phát triển du lịch đường sông. Cũng là kỳ ngộ khi trong chuyến đi này, mình gặp lại người bạn đồng nghiệp thuở mới ra trường đi làm, cũng chính là doanh nhân kín tiếng tuổi Dần, ông chủ của Công ty Focus Travel Đặng Bảo Hiếu.

Đầu năm 1986, mình vừa tốt nghiệp khoa Văn Tổng hợp Hà Nội được GS. Nguyễn Minh Thuyết, lúc đó đang phụ trách bộ môn Văn, Tiếng Việt của Trung tâm Thực nghiệm giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại đưa về Trung tâm. Trung tâm Thực nghiệm giáo dục được GS. Hồ Ngọc Đại thành lập để nghiên cứu và thực nghiệm triết lý và phương pháp giáo dục mới của ông. Nhiệm vụ của mình là tham gia nghiên cứu, biên soạn chương trình tiếng Việt mới và triển khai dạy luôn cho học sinh trường Thực nghiệm liên cấp 1, 2, 3 thuộc Trung tâm.

Hiếu là giáo viên tiếng Nga tốt nghiệp Đại học Sư phạm ngoại ngữ vào Trung tâm trước mình. Trong khi mình chỉ là một anh sinh viên nhà quê vừa tốt nghiệp bắt đầu đi làm những ngày đầu tiên thì Hiếu lúc ấy đã chững chạc chuẩn trai Hà Nội, dáng thư sinh, đẹp trai và đặc biệt là chơi ghi ta giỏi. Dễ hiểu Hiếu trở thành tâm điểm của các cuộc liên hoan đàn hát, nhảy nhót, các cuộc dẫn học sinh đi dã ngoại. Hiếu thực sự là ngôi sao trong dàn giáo viên trẻ đầy trai xinh gái đẹp của Trung tâm Thực nghiệm…

Nay gần 40 năm gặp lại, Hiếu vẫn giữ được nét thư sinh ngày xưa nhưng dáng dấp, gương mặt đã nhuốm phong trần của một doanh nhân từng trải và thành công. Bạn hiện là chủ Công ty Focus Travel với một đội tàu du lịch 5 sao chạy trên sông Mê Kông sang tận Xiêm Riệp và bến du thuyền Ana Marina Nha Trang, vừa kinh doanh bến vừa có đội du thuyền trên vịnh Nha Trang…”.

Ông Đặng Bảo Hiếu.

Ông Đặng Bảo Hiếu.

Một lãng tử khát khao du lịch bền vững

Tôi có cơ may đi cùng chuyến tàu nhỏ, chuyến xe lam lẫn đi bộ cùng cha con ông Hiếu đến nhiều điểm du lịch nhà dân mới ở miền Tây. Gọi là cơ may, vì đây chính là lúc ông cầm tay chỉ việc thực tế nhất cho người con trai đang trực tiếp điều hành công việc của mình. Một số chia sẻ của ông sau những chuyến đi điền dã:

“Để có du lịch bền vững thì mình phải kết nối được cho đủ 5 thành tố: chính sách hợp lý của nhà quản lý nhà nước; yếu tố tính toán của nhà đầu tư du lịch; sự xác nhận của các nhà khoa học về tác động đến môi trường, cuộc sống; sức lan tỏa của nhà truyền thông; và điểm tác động quan trọng nhất là cuộc sống, sinh kế của nhà nông, của cộng đồng dân cư bản địa”…

“Với một cái chợ nổi, thì mình định vị như thế nào trong tâm trí khách du lịch: cái gì là chính, cái gì là phụ? Nhu cầu cuộc sống mới tạo ra cái chợ nổi, nếu giờ không còn ai chèo xuồng đi chợ nổi nữa mà nó thành một điểm check-in thì khó mà bền vững. Vậy sao mình không nghĩ đến những khu nhà bè nuôi cá trên sông, vì cứ hơn 20 hộ dân thì đủ thành một cái chợ nổi nhỏ rồi”…

“Thế nào là trao quyền cho cộng đồng? Không phải là biến họ thành một cửa hàng đồng phục theo ý mình, mà phải tựa vào cuộc sống đang có, lối sống truyền thống xưa nay, thì mới có thể đưa lễ hội gốm truyền thống thành một điểm kết nối xuyên suốt và du khách được trải nghiệm điều mộc mạc mà tự nhiên nhất”…

Ông Hiếu, da đen nhẻm do cứ xông pha thực địa, ánh mắt sáng bừng lên mỗi khi nói về trải nghiệm của khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Mười năm xây dựng bến du thuyền Ana Marina ngoài Nha Trang, là đủ 10 năm ông sống với biển, với người dân Vĩnh Hòa - Nha Trang, vui niềm vui khi thấy cụm san hô mọc trở lại trên phiến đá vừa đặt xuống, bởi nước sạch là tiêu chí quan trọng để những du thuyền cao cấp trên thế giới cập bến… Ông ngồi đó, say mê nói về kinh tế biển, về việc nước mình chỉ mới làm du lịch ở sát mép nước chứ chưa thực sự giong buồm ra khơi…

Ông Đặng Bảo Hiếu trò chuyện về tài nguyên biển với học sinh tại Ana Marina Nha Trang - bến du thuyền tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên ở Việt Nam.

Ông Đặng Bảo Hiếu trò chuyện về tài nguyên biển với học sinh tại Ana Marina Nha Trang - bến du thuyền tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên ở Việt Nam.

Tôi nghĩ, 10 năm là một khoản đầu tư quá lớn trong cuộc đời con người cho một bến du thuyền. Ông Hiếu cười: “Theo nhiều dự báo của ngành, nền kinh tế Nha Trang thậm chí có thể phát triển hơn Singapore vào năm 2029 nếu duy trì tốc độ tăng trưởng trên 6% như 5 năm vừa qua. Ngày nay, nếu đi dọc con đường bến du thuyền nước sâu đầu tiên của Việt Nam và cung đường thoáng đãng nối từ trung tâm thành phố đến sân bay Cam Ranh, khách du lịch dễ dàng quan sát hàng loạt khu nghỉ dưỡng sang trọng với quy mô và tầm vóc khác nhau. Những thay đổi chóng mặt này đã đưa Nha Trang trở thành điểm đến du lịch thịnh vượng trong những năm gần đây dành cho khách địa phương và ngoại quốc, đặc biệt là du khách Nga và Trung Quốc.

Cũng giống như Bà mẹ xứ sở A Na bảo vệ thuyền bè khỏi cơn thịnh nộ của biển cả, Ana Marina được tạo dựng với tầm nhìn vượt khỏi giới hạn lãnh thổ của Việt Nam, để trở thành nơi neo đậu tàu thuyền và tránh thiên tai cho các quốc gia trong khu vực, thậm chí là Nhật Bản và Hàn Quốc”.

Ông Hiếu bảo: “Mình góp phần mình vào như một cột mốc trên hải trình của con tàu kinh tế biển Việt Nam chinh phục những điểm dừng xa hơn. Vậy là thấy xứng đáng để tận hưởng niềm vui mỗi ngày ở biển”.

Bài: Bung Trần - Ảnh: TLNV

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/thay-giao-hieu-giong-buom-kinh-te-bien-45528.html
Zalo