Thấy gì từ việc giá IPO của Tôn Đông Á điều chỉnh giảm?

Thị trường sơ cấp hứa hẹn trở nên sôi động hơn khi những thương vụ IPO 'rục rịch' lên sàn. Tuy nhiên, việc giá IPO của CTCP Tôn Đông Á- doanh nghiệp có quy mô vốn trên ngàn tỷ đồng điều chỉnh giảm 31% khiến nhiều nhà đầu tư vui mừng vì được mua giá rẻ, song cũng không ít nhà đầu tư mua đợt đầu thất vọng vì những lời 'hứa hẹn' về IPO trước đó, khiến họ mất niềm tin vào doanh nghiệp.

Giữa tháng 2/2022, HĐQT Tôn Đông Á công bố nghị quyết về việc điều chỉnh giá cổ phiếu chào bán tối thiểu lần đầu ra công chúng (IPO) xuống 40.000 đồng/cp (giảm hơn 31%).

Nhà đầu tư cảm giác như “bị lừa”

Cụ thể, số lượng chào bán lần đầu ra công chúng gồm tổng cộng 15,35 triệu cổ phiếu, gồm gần 12,4 triệu cổ phiếu là phát hành tăng vốn và 2,98 triệu là cổ đông hiện hữu chào bán. Mỗi nhà đầu tư được mua tối thiểu 5.000 cổ phiếu và tối đa 5,1 triệu đơn vị. Thời gian đăng ký mua và nộp tiền cọc từ 11/2 đến 3/3.

Lý do Tôn Đông Á đưa ra về việc điều chỉnh giá IPO là do căn cứ tình hình thay đổi của thị trường. (Ảnh: Int)

Lý do Tôn Đông Á đưa ra về việc điều chỉnh giá IPO là do căn cứ tình hình thay đổi của thị trường. (Ảnh: Int)

Như vậy, với khối lượng chào bán 12,4 triệu cổ phiếu sau khi lùi giá khởi điểm, Tôn Đông Á dự thu tối thiểu 494,7 tỷ đồng.

Lý do Tôn Đông Á đưa ra là do căn cứ tình hình thay đổi của thị trường và số tiền gần 495 tỷ đồng sẽ được dùng để đầu tư nhà máy 3 thông qua hình thức góp vốn thành lập công ty (345,7 tỷ đồng) và bổ sung vốn lưu động.

Trước đó, Tôn Đông Á công bố IPO với giá 58.000 đồng/cp, số tiền huy động tối thiểu 717,38 tỷ đồng. Đồng thời, công ty cũng gia hạn thời gian đăng ký và nộp tiền đặt cọc từ 7/1-27/1 sang từ 7/1 đến 11/2.

Hiện tại, công ty vẫn chưa công bố thông tin về kết quả đợt IPO với mức giá khởi điểm 58.000 đồng/cp, nhưng việc thông báo chào bán lại và hạ giá IPO cho thấy công ty đã thất bại trong đợt chào bán đầu tiên.

Với mức giá mới giảm đến 31% so với giá đợt 1, nhiều nhà đầu tư muốn tham gia IPO của Tôn Đông Á thấy vui mừng vì họ sẽ phải trả ít tiền hơn để sở hữu cùng một lượng cổ phiếu.

Trong khi đó, một số nhà đầu tư thông qua một đơn vị tư vấn top 10 đã mua vào hàng triệu cổ phiếu với giá 58.000 đồng/cp phải “ngậm đắng nuốt cay” vì sau hơn 3 tháng nhận thông tin đợt chào bán lần 2 chỉ còn 40.000 đồng/cp.

“Tôi mua pre IPO Tôn Đông Á phải chịu giảm trên tài khoản đến 31% mà vài tháng nữa mới niêm yết, trong khi đó cổ phiếu thép trên sàn chỉ giảm khoảng 15%”, chị Thanh Vân (Hà Nam) bức xúc.

Theo Giám đốc môi giới công ty trực tiếp thực hiện việc phân phối pre IPO này, với sự kiện đặc biệt là IPO và niêm yết cổ phiếu, doanh nghiệp đều đưa mức giá chiết khấu để tạo động lực tăng giá cho cổ phiếu, tăng tính hấp dẫn và đảm bảo đợt IPO thành công. Đồng thời, mỗi giai đoạn thực hiện, nhà đầu tư đều được tiếp cận tài liệu thông tin tương đương nhau, từ bản cáo bạch, đến góc nhìn định giá.

“Dẫu biết rằng khi tham gia đầu tư thì các quyết định thuộc về nhà đầu tư, thắng hay thua là điều bình thường và không đáng quan tâm nếu như không đi kèm với những “bánh vẽ” tươi sáng từ IPO”, vị giám đốc này nói.

Được biết, kì vọng giá trúng đấu giá của Tôn Đông Á đưa ra là 64.000 đồng/cp - cao hơn so với giá khởi điểm đợt 1 là 10%, một mức giá khá là hấp dẫn cho các nhà đầu tư có ý định tham gia.

Tuy nhiên, khi giá IPO điều chỉnh giảm, các nhà đầu tư cảm giác như họ bị “dắt mũi” khi mà đợt pre IPO Tôn Đông Á vừa qua như là nơi cho các cổ đông nội bộ tranh thủ thoái vốn giá cao cho các nhà đầu tư cá nhân.

“Nếu không có target 64.000 đồng/cp thì cứ IPO mình tham gia, hay chăng chờ hẳn niêm yết rồi tham gia chứ sao phải mua rồi ôm vài tháng mới được giao dịch”, anh Tuấn Tú (Hà Nội) chia sẻ.

Có thể thấy, đây là một trong những rủi ro cho các nhà đầu tư tham gia pre IPO cũng như cả IPO gặp phải và Tôn Đông Á không phải là trường hợp duy nhất.

IPO không phải là “chìa khóa vạn năng”

Với mục đích nâng cao chất lượng hàng hóa của các thương vụ IPO, đảm bảo sự lành mạnh của thị trường chứng khoán (TTCK) và bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư, Luật Chứng khoán 2019 đã có nhiều quy định mới nhằm siết chặt điều kiện IPO và tăng cường quản lý đối với hoạt động này.

TTCK cần có những đợt IPO thành công để tạo nguồn cung cổ phiếu có chất lượng cho thị trường.

TTCK cần có những đợt IPO thành công để tạo nguồn cung cổ phiếu có chất lượng cho thị trường.

Việc siết chặt các điều kiện IPO sẽ tạo thêm lớp “màng lọc” để loại bớt các doanh nghiệp nhỏ lẻ, chưa đủ điều kiện tham gia TTCK, hạn chế tình trạng IPO ồ ạt như trước đây. Việc này sẽ giúp nâng cao chất lượng các cổ phiếu được đưa vào thị trường, tăng tính an toàn và bảo vệ tốt hơn quyền lợi của các nhà đầu tư. Qua đó góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng, tính minh bạch của TTCK Việt Nam để tiệm cận với tiêu chuẩn của các TTCK trên thế giới theo lộ trình đã đề ra.

Về phía các doanh nghiệp, việc siết chặt các điều kiện IPO sẽ khiến việc gia nhập TTCK của các doanh nghiệp trở nên khó khăn hơn, đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ càng và cẩn thận hơn. Chính sự kiểm soát khắt khe này sẽ càng tăng thêm độ hấp dẫn của TTCK và kích thích các doanh nghiệp làm ăn chân chính và có triển vọng phát triển dài hạn mong muốn IPO.

Có thể nói, IPO vẫn là mục tiêu và đích đến mà nhiều doanh nghiệp muốn chinh phục do những lợi ích to lớn mà nó mang lại. IPO chính là yếu tố thúc đẩy để các công ty có “thực lực” tăng trưởng và phát triển nhanh chóng.

Bên cạnh đó, TTCK cũng cần có những đợt IPO thành công để tạo nguồn cung cổ phiếu có chất lượng cho thị trường. Tuy nhiên, IPO không phải “chìa khóa vạn năng” cho mọi doanh nghiệp, mà chỉ những doanh nghiệp có đầu tư chiến lược cùng tầm nhìn dài hạn, có tiềm năng phát triển tốt và làm ăn nghiêm chỉnh, đúng pháp luật có uy tín trên thị trường thì mới hứa hẹn những thương vụ IPO thành công và được TTCK chào đón.

TTCK năm 2021 đã chứng kiến sự gia nhập đông đảo của các nhà đầu tư với số lượng tài khoản mở mới gấp rưỡi 4 năm về trước cộng lại. Sự sôi động của dòng tiền thể hiện qua giá trị giao dịch trong mỗi phiên vượt mức kỷ lục. Ngược lại, từ phía bên cung thị trường, sự gia nhập của các tân binh, đặc biệt là cổ phiếu của các doanh nghiệp chất lượng lại khá “mờ nhạt”.

Kỳ vọng thời gian tới, sức hấp dẫn của kênh huy động vốn dài hạn TTCK sẽ thu hút doanh nghiệp tìm vốn cho nhu cầu mở rộng đầu tư, bổ sung nguồn cung hàng hóa chất lượng, dựa trên nguyên tắc đảm bảo sự lành mạnh của TTCK và đặt quyền lợi của các nhà đầu tư lên hàng đầu.

Hải Giang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//giao-dich/thay-gi-tu-viec-gia-ipo-cua-ton-dong-a-dieu-chinh-giam-1084009.html
Zalo