Thấy gì từ lời chúc 'làm ít, kiếm tiền nhiều' của Kim Ji-won?

Lời chúc 'làm việc ít hơn mà vẫn kiếm nhiều tiền' của diễn viên Kim Ji-won thể hiện mong muốn giảm giờ làm nhưng vẫn duy trì, thậm chí gia tăng thu nhập, của nhân sự trẻ.

 Giảm thời gian làm việc nhưng vẫn đảm bảo thu nhập là ước mơ của nhiều nhân sự. Ảnh minh họa: JTBC.

Giảm thời gian làm việc nhưng vẫn đảm bảo thu nhập là ước mơ của nhiều nhân sự. Ảnh minh họa: JTBC.

Khi tham gia một chương trình gần đây, diễn viên Hàn Quốc Kim Ji-won gây chú ý với lời chúc độc đáo đến khán giả theo dõi. Cụ thể, cô nói trước ống kính: “Tôi chúc các bạn làm việc ít hơn mà vẫn kiếm được nhiều tiền”.

Câu nói của ngôi sao phim Nữ hoàng nước mắt nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội, khiến cộng đồng mạng thích thú. Lời chúc của Kim Ji-won chính là mơ ước của nhiều người lao động trẻ.

Nhân sự trẻ đang ngày càng thúc đẩy sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân, đặc biệt là Gen Z (sinh năm 1997-2012), thế hệ mới nhất gia nhập lực lượng lao động toàn cầu.

Theo Nghiên cứu thường niên về Gen Z của Trung tâm động lực học thế hệ CGK (Mỹ), phần lớn nhân sự thuộc thế hệ này từ chối làm việc nhiều giờ dù vẫn muốn gia tăng thu nhập.

 Câu chúc của Kim Ji-won nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội, thể hiện mong muốn của nhiều nhân sự trẻ. Ảnh: Facebook.

Câu chúc của Kim Ji-won nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội, thể hiện mong muốn của nhiều nhân sự trẻ. Ảnh: Facebook.

Nhân sự các quốc gia không còn ‘làm đến chết’

Dù từng tự nhận là “workaholic” (những người nghiện công việc), người Đức không còn làm việc nhiều giờ như trước kia. Theo số liệu thống kê, nhân sự tại quốc gia này chỉ làm việc trung bình 1.343 giờ/năm, thấp nhất trong số 38 quốc gia thuộc OECD. Họ cũng nghỉ ốm 19,4 ngày, một con số cao kỷ lục.

Những thay đổi này thể hiện rõ nét trong xã hội Đức. Lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, các công đoàn không chỉ yêu cầu tăng lương mà còn đòi hỏi giảm giờ làm.

“Thế hệ trẻ không còn làm việc theo tinh thần Kháng cách như cha mẹ. Những hệ lụy từ tư tưởng ‘công việc là trên hết’ khiến nhiều người sẵn sàng lên tiếng đòi hỏi sự thay đổi", Margareta Steinrücke, đồng tác giả cuốn sách Work less, live more (tạm dịch: Làm ít hơn, sống nhiều hơn), nhận định.

Xu thế trên cũng được ghi nhận tại Trung Quốc. Theo CNN, nhân sự thuộc thế hệ Millennials và Gen Z xứ tỷ dân ngày càng thể hiện rõ thái độ phản đối hoạt động OT, ưu tiên cân bằng bằng cuộc sống cá nhân và công việc.

Đây là hệ quả tất yếu của “văn hóa 996” khét tiếng tại xứ tỷ dân - nơi nhân viên làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối trong 6 ngày/tuần. Nhiều nhân sự trẻ chống đối văn hóa làm việc độc hại này, từ chối xử lý công việc ngoài giờ hành chính, quyết định từ chức, thậm chí tổ chức ăn mừng sau khi nghỉ việc.

 Người lao động trẻ ở các quốc gia phản đối văn hóa "làm việc quá sức", ưu tiên cân bằng cuộc sống và công việc Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Người lao động trẻ ở các quốc gia phản đối văn hóa "làm việc quá sức", ưu tiên cân bằng cuộc sống và công việc Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Tại Việt Nam, đề xuất giảm giờ làm cũng được đưa ra. Trong khuôn khổ Diễn đàn nâng cao năng suất lao động quốc gia ngày 26/5, ông Đặng Tuấn Tú, Chủ tịch Công đoàn Công ty Changshin Việt Nam, kiến nghị giảm thời gian làm việc trong tuần của lao động trong doanh nghiệp (khu vực tư nhân) từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần và 40 giờ/tuần.

Theo ông, việc điều chỉnh này để phù hợp và theo kịp các nước cùng khu vực, tạo điều kiện cho lao động nghỉ ngơi, tái tạo sức khỏe, chăm lo cho gia đình.

Làm ít, vẫn kiếm nhiều tiền

Belma McCaffrey, nhà sáng lập tổ chức hỗ trợ nghề nghệp WorkBigger, từng chia sẻ với Forbes về các phương pháp giảm giờ làm nhưng vẫn đảm bảo, thậm chí gia tăng thu nhập.

Thứ nhất, tập trung vào hiệu suất thay vì thời gian làm việc là lời khuyên của McCaffrey. Theo bà, nhiều nhân sự ngồi tại văn phòng từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều, song không dành thời gian chất lượng cho công việc.

McCaffrey khuyên người lao động tập trung trong thời gian ngắn, loại bỏ các yếu tố gây sao nhãng, từ đó cải thiện năng suất, rút ngắn thời gian làm việc mỗi ngày.

Thứ hai, nhân sự cần tự tin vào giá trị mình tạo ra, từ đó đòi hỏi quyền lợi xứng đáng. Ví dụ, để yêu cầu giảm giờ làm hoặc làm việc linh hoạt thời gian, bạn cần đảm bảo hoàn thành công việc được giao, thậm chí đem lại kết quả tốt hơn.

Đó là cách duy nhất giúp người lao động bảo toàn, gia tăng thu nhập dù cắt giảm thời gian có mặt tại văn phòng.

 Nhân sự cần gia tăng hiệu suất làm việc, chứng minh năng lực để yêu cầu giảm giờ làm, đồng thời đảm bảo thu nhập. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Nhân sự cần gia tăng hiệu suất làm việc, chứng minh năng lực để yêu cầu giảm giờ làm, đồng thời đảm bảo thu nhập. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Thứ ba, sự lựa chọn việc làm luôn rộng mở đối với nhân sự chất lượng cao. Vì vậy, nếu doanh nghiệp, tổ chức không tạo điều kiện giảm giờ làm hay xây dựng môi trường làm việc linh hoạt thời gian, người lao động có thể cân nhắc ứng tuyển vào công ty khác.

Đàm phán về thời gian làm việc và thu nhập cũng là điều mà các ứng viên cần lưu ý thực hiện trong các vòng phỏng vấn xin việc.

Linh Vũ

Nguồn Znews: https://znews.vn/thay-gi-tu-loi-chuc-lam-it-kiem-tien-nhieu-cua-kim-ji-won-post1496423.html
Zalo