Thấy gì trong định hướng chính sách 'carbon thấp' của Trung Quốc (giai đoạn 2024-2030)?

Nhằm sớm đạt được các mục tiêu carbon thấp như cam kết, Trung Quốc vừa công bố định hướng chỉ đạo chuyển đổi xanh mang tính đột phá để phấn đấu đến năm 2030 thị phần nhiên liệu phi hóa thạch (gió, mặt trời, thủy điện, điện hạt nhân ven biển) sẽ chiếm 25%.

Tạp chí Năng lượng Việt Nam tổng hợp, biên dịch một số thông tin liên quan đến định hướng này để bạn đọc tham khảo.

Ngày 11/8/2024, Trung Quốc đã công bố các chỉ đạo mang tính đột phá nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh toàn diện trong mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội. Định hướng chỉ đạo gồm 33 điểm, do Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản và Hội đồng Nhà nước Trung Quốc ban hành đã vạch ra các mục tiêu chính cho năm 2030 liên quan đến quá trình chuyển đổi xanh rộng khắp đất nước.

Định hướng 33 điểm này nhằm đưa Trung Quốc đạt các mục tiêu chính sau: Đến năm 2030, sẽ đạt được “kết quả đáng kể” trong quá trình chuyển đổi xanh trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội và đến năm 2035 về cơ bản sẽ thiết lập được hệ thống kinh tế phát triển xanh, ít carbon, tuần hoàn và mục tiêu xanh về cơ bản sẽ đạt được.

Tại sao kế hoạch chuyển đổi xanh là cần thiết?

Theo Tân Hoa Xã: Định hướng 33 điểm là một bộ hướng dẫn mang tính đột phá nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh trong mọi lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội - lần đầu tiên Trung Quốc triển khai có hệ thống các mục tiêu xanh và ít carbon.

Theo Bộ Sinh thái và Môi trường (MEE): Kể từ Đại hội ĐCS Trung Quốc lần thứ 18, quốc gia này đã đạt được những thành tựu trong việc bảo vệ môi trường sinh thái và tăng trưởng xanh. Lượng khí thải CO2 của Trung Quốc trên một đơn vị GDP đã giảm hơn 35% so với năm 2012. Công suất điện năng lượng tái tạo đã vượt qua công suất nhiệt điện lần đầu tiên vào tháng 12 năm ngoái, chiếm hơn một nửa công suất phát điện đã lắp đặt.

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi xanh của Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Ví dụ, cơ cấu năng lượng vẫn thiên về than đá, tỷ lệ năng lượng hóa thạch, cũng như các ngành công nghiệp truyền thống vẫn ở mức cao và cơ sở để cải thiện chất lượng sinh thái, môi trường vẫn chưa đủ vững chắc.

Trong bối cảnh như vậy, Viện Công vụ và Môi trường có trụ sở tại Bắc Kinh cho rằng: Các chỉ đạo của Trung ương Đảng mới nói trên là rất cần thiết. Đã đưa ra các mục tiêu công việc định lượng và một loạt các nhiệm vụ công việc cấp bách để đạt được các mục tiêu giảm phát thải carbon, thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh của mô hình phát triển và hiện thực hóa tăng trưởng chất lượng cao của đất nước.

“Các chỉ đạo không chỉ cập nhật và mở rộng hệ thống chính sách trước đây về phát triển xanh, ít carbon, mà còn triển khai toàn diện và có hệ thống các thách thức mới mà Trung Quốc đang phải đối mặt trong quá trình theo đuổi tăng trưởng xanh” - Yu Xiang - Giám đốc Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Biến đổi Khí hậu tại Viện Nghiên cứu Văn minh Sinh thái (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc) nói với báo giới.

So với các hướng dẫn trước đây của chính quyền trung ương, định hướng chỉ đạo mới được công bố có tính toàn diện và các phương pháp tiếp cận có hệ thống (bao gồm không gian lãnh thổ, cơ cấu công nghiệp, lĩnh vực năng lượng, giao thông, phát triển đô thị, nông thôn). Định hướng chỉ đạo nhằm mục đích thúc đẩy tiêu dùng xanh bằng cách mở rộng phạm vi, quy mô mua sắm sản phẩm xanh của Chính phủ, thúc đẩy các chương trình đổi hàng để thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm xanh và thực hiện các chiến dịch tiếp thị cho các loại xe năng lượng mới, cũng như đồ gia dụng xanh ở các vùng nông thôn.

Ngoài tính toàn diện, định hướng chỉ đạo rất coi trọng sự hợp tác. Sự phát triển của các khu vực và các ngành công nghiệp khác nhau đã được tính đến trong các chỉ đạo. Các biện pháp cụ thể (bao gồm thiết lập hệ thống thu gom, sử dụng, xử lý chất thải nông nghiệp) đã được ghi vào các văn bản để thúc đẩy tăng trưởng xanh ở các vùng nông thôn. Sự hợp tác giữa các ngành công nghiệp truyền thống và mới nổi là một điểm nổi bật khác của định hướng chiến lược. Bằng cách thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp và mô hình kinh doanh xanh, ít carbon, dự kiến quy mô của ngành công nghiệp tiết kiệm năng lượng, cũng như bảo vệ môi trường sẽ đạt khoảng 15 nghìn tỷ NDT (2 nghìn tỷ USD).

Trung Quốc đang đóng vai trò dẫn đầu trong hệ thống quản trị xanh toàn cầu. Một mặt, quốc gia này đang tích cực chia sẻ kinh nghiệm của mình trong việc chống ô nhiễm và tăng trưởng năng lượng tái tạo với các quốc gia khác. Mặt khác, với những đóng góp của mình cho phát triển xanh ngày càng được cộng đồng quốc tế công nhận, Trung Quốc đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc soạn thảo các quy tắc phát triển xanh toàn cầu.

Trung Quốc là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất về năng lượng tái tạo, nhờ những nỗ lực to lớn trong việc lắp đặt tua bin gió, thủy điện và tấm quang điện mặt trời, cũng như việc mở rộng các phương tiện năng lượng mới. Tuy nhiên, cơ cấu năng lượng của Trung Quốc vẫn phụ thuộc nhiều vào than và phải đối mặt với cả những thách thức bên trong, cũng như bên ngoài.

Ngoài ra, định hướng chỉ đạo cũng cho biết lượng chất thải rắn được tái sử dụng hàng năm dự kiến vào khoảng 4,5 tỷ tấn, đạt được thông qua các biện pháp như thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế tài nguyên và tái chế để cải thiện việc sử dụng tài nguyên. Nếu không cắt giảm phát thải từ chất thải, chi phí carbon cho ngành sản xuất của Trung Quốc sẽ làm tăng đáng kể chi phí xuất khẩu cho các doanh nghiệp trong nước do lượng khí thải carbon tăng cao.

Những nét chính trong kế hoạch carbon thấp:

Theo Trung tâm Bảo tồn Năng lượng Quốc gia (thuộc Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia - NDRC): Một đặc điểm nổi bật của bộ tài liệu này là “tính toàn diện”. Theo đó, chuyển đổi xanh toàn diện có nghĩa là tích hợp các yêu cầu của quá trình chuyển đổi xanh vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội nói chung, cũng như thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh trên mọi mặt, mọi lĩnh vực và khu vực. Điều này sẽ giúp định hình thêm các lợi thế phát triển mới của Trung Quốc và tạo ra một hệ thống kinh tế hiện đại có khả năng cạnh tranh toàn cầu hơn cho đất nước.

Định hướng chỉ đạo cũng đưa ra các mục tiêu công việc định lượng cho các lĩnh vực khác nhau. Đến năm 2030, quy mô của ngành tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường trong nước sẽ đạt khoảng 2,1 nghìn tỷ USD, tỷ lệ năng lượng phi hóa thạch sẽ tăng lên khoảng 25% mức tiêu thụ năng lượng và công suất lắp đặt của thủy điện tích năng sẽ vượt ngưỡng 120 triệu kW.

Xây dựng các cụm công nghiệp xanh đẳng cấp thế giới:

Để đạt được các mục tiêu này, định hướng chỉ đạo lần đầu tiên đề xuất xây dựng “các cụm công nghiệp xanh và ít carbon đẳng cấp thế giới” tại Vùng vịnh lớn Quảng Đông - Hồng Kông - Macao (GBA) và khu vực Đồng bằng sông Dương Tử.

“Đã có các cụm công nghiệp xanh, ít carbon hiện có tại GBA và khu vực Đồng bằng sông Dương Tử. Chẳng hạn như các ngành công nghiệp tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, ngành công nghiệp xe năng lượng mới và ngành công nghiệp năng lượng sạch” - NDRC cho hay.

Theo NDRC: GBA và khu vực Đồng bằng sông Dương Tử nên phát huy thế mạnh của mình và phát triển thêm các khu công nghiệp, vì họ có nền kinh tế hướng đến xuất khẩu riêng biệt, nền tảng công nghiệp vững chắc và chuỗi công nghiệp hoàn chỉnh. Về việc đẩy nhanh quá trình số hóa và chuyển đổi xanh, các hướng dẫn định hướng sẽ thúc đẩy các nỗ lực mở rộng ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, internet công nghiệp trong hệ thống điện, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng để hiện thực hóa quá trình chuyển đổi xanh nhờ công nghệ số.

Các doanh nghiệp cũng được khuyến khích sử dụng các công nghệ xanh, thông minh để chuyển đổi và nâng cấp các ngành công nghiệp truyền thống.

Tiêu dùng xanh:

Theo định hướng chỉ đạo, chính sách mua sắm của Chính phủ sẽ được tối ưu hóa để có nhiều sản phẩm xanh hơn. Các địa phương, doanh nghiệp được khuyến khích đưa ra nhiều ưu đãi hơn để thúc đẩy các chương trình đổi hàng và doanh số bán các sản phẩm xanh. Về phía cung, các hướng dẫn đề cập đến thiết kế xanh, vật liệu xanh, sản xuất xanh, bao bì xanh, hậu cần xanh và tái chế sẽ được các doanh nghiệp ủng hộ để giảm tiêu thụ năng lượng, vật liệu để giảm thiểu tác động sinh thái.

“Các hướng dẫn cũng kêu gọi nỗ lực cải thiện cơ chế khuyến khích tiêu dùng xanh và tăng cường quản lý chứng nhận cho các sản phẩm, dịch vụ xanh, đòi hỏi phải đào sâu cải cách thể chế để kích thích hơn nữa sức sống của tiêu dùng xanh” - NDRC nhấn mạnh thêm.

Việc “cần làm ngay”:

1. Bảo tồn toàn diện.

2. Khuyến khích tiêu dùng xanh.

3. Đổi mới công nghệ.

Các biện pháp này nhằm mục đích tạo ra một bố cục không gian hiệu quả về tài nguyên, thân thiện với môi trường, cũng như cấu trúc công nghiệp, phương pháp sản xuất và lối sống.

Theo đánh giá của các chuyên gia: Định hướng chiến lược này phản ánh những nỗ lực liên tục của Trung Quốc nhằm cân bằng phát triển kinh tế với tính bền vững sinh thái và thể hiện cam kết của nước này trong tổng thể các sáng kiến môi trường toàn cầu./.

BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Link tham khảo:

1. https://www.globaltimes.cn/page/202408/1317818.shtml

2. https://english.www.gov.cn/policies/latestreleases/202408/11/content_WS66b8a6f7c6d0868f4e8e9d80.html#:~:text=According%20to%20the%20recently%20issued,basically%20established%20and%20the%20goal

3. https://news.cgtn.com/news/2024-08-13/What-are-China-s-new-green-targets--1w1OjZn4fPW/p.html

4. https://news.cgtn.com/news/2024-08-12/Why-China-s-guidelines-on-green-transition-are-necessary-1w0xJafbWJq/p.html

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/thay-gi-trong-dinh-huong-chinh-sach-carbon-thap-cua-trung-quoc-giai-doan-2024-2030-92687.html
Zalo