Thấy gì ở kết quả lấy phiếu tín nhiệm?

Hoạt động lấy phiếu tín nhiệm của HĐND cấp huyện ở Hải Dương cho thấy nhiều điều đáng quan tâm.

Nhiều cử tri đánh giá kết quả lấy phiếu tín nhiệm với người giữ chức vụ do HĐND cấp huyện bầu ở Hải Dương khá thực chất. Trong ảnh: Hoạt động lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp HĐND thị xã Kinh Môn

Nhiều cử tri đánh giá kết quả lấy phiếu tín nhiệm với người giữ chức vụ do HĐND cấp huyện bầu ở Hải Dương khá thực chất. Trong ảnh: Hoạt động lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp HĐND thị xã Kinh Môn

Tại kỳ họp thường lệ cuối năm 2023, HĐND 12 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Hải Dương đã hoàn thành việc lấy phiếu tín nhiệm với người giữ chức vụ do HĐND cấp huyện bầu. Các thông tin về kết quả lấy phiếu tín nhiệm thời gian qua được đông đảo cử tri và nhân dân Hải Dương quan tâm.

Qua đánh giá của nhiều cử tri, lãnh đạo HĐND cấp huyện và trực tiếp chứng kiến hoạt động lấy phiếu tín nhiệm ở một số huyện, thị xã, thành phố, có thể nhận thấy hoạt động lấy phiếu tín nhiệm diễn ra minh bạch, đúng quy định. Qua phân tích kết quả lấy phiếu tín nhiệm với những người giữ các chức danh do HĐND cấp huyện bầu, các số liệu phản ánh khá thực chất.

Có địa phương tỷ lệ người đạt 100% tín nhiệm cao ở mức rất cao (Chí Linh, Thanh Hà, Kinh Môn), có nơi lại thuộc nhóm thấp (Tứ Kỳ, Bình Giang). Có huyện có nhiều phiếu "tín nhiệm", "tín nhiệm thấp" được ghi (Ninh Giang, Cẩm Giàng), có huyện không có phiếu "tín nhiệm thấp" nào (Thanh Hà). Tỷ lệ số phiếu tín nhiệm với mỗi người giữ chức vụ phản ánh khá sát kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ của những người được HĐND bầu ra. Trong đó, nhiều người được đánh giá có kết quả công việc tốt đã được nhiều phiếu "tín nhiệm cao". Những người có nhiều phiếu "tín nhiệm", "tín nhiệm thấp" được cho là xứng đáng, hụt hơn so với những người có "tín nhiệm cao" trong chỉ đạo, điều hành và thực hiện nhiệm vụ. Chứng kiến phần công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm ở một số đơn vị cấp huyện, tôi thấy nhiều người ồ lên "như thế là đúng rồi" khi có người có nhiều phiếu "tín nhiệm thấp" được nêu tên.

Vấn đề mà cử tri quan tâm là sau khi có kết quả lấy phiếu tín nhiệm, những kết quả đó sẽ phát huy hiệu quả thế nào, được sử dụng ra sao?

Với những người đạt tỷ lệ tín nhiệm cao, con số sẽ là sự ghi nhận, hoan nghênh những kết quả tích cực thời gian qua và là động lực để người đó tiếp tục phát huy.

Vậy còn với những người có nhiều phiếu "tín nhiệm", "tín nhiệm thấp" thì thế nào? Tỉnh Hải Dương không có ai có số phiếu "tín nhiệm thấp" từ quá nửa trở lên. Người có nhiều phiếu tín nhiệm thấp nhất trong 12 huyện, thị xã, thành phố là ông Phạm Phú Tùng, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ninh Giang (12/32 phiếu tín nhiệm thấp). Trong khối lãnh đạo UBND cấp huyện, người có ít phiếu tín nhiệm cao nhất là ông Nguyễn Văn Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng (15/34 phiếu tín nhiệm cao).

Như vậy, theo quy định thì không có ai phải xin từ chức, tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm hoặc bị miễn nhiệm.

Tuy nhiên, với tỷ lệ tín nhiệm không được cao, những người được lấy phiếu cần tự soi, khắc phục những hạn chế thời gian qua. Họ còn cơ hội để tiếp tục cố gắng. Kể cả những người có tỷ lệ phiếu tín nhiệm cao ở mức cao cũng không được tự thỏa mãn mà dừng phấn đấu. Và quan trọng hơn, mỗi cán bộ phải phấn đấu thực sự để có được sự tín nhiệm cao trong thực tế của đông đảo cử tri và nhân dân.

PHONG TUYẾT

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/thay-gi-o-ket-qua-lay-phieu-tin-nhiem-369927.html
Zalo