Hơn 100 công ty bị nói xấu trong file review ẩn danh

Hàng loạt doanh nghiệp lớn bị gọi tên với những đánh giá tiêu cực về môi trường làm việc, chế độ đãi ngộ đang thu hút sự quan tâm trên mạng xã hội.

Một bản excel có tên "REVIEW CÔNG TY" với hơn 500 doanh nghiệp được xướng tên đang lan truyền trên các hội nhóm mạng xã hội. Một bản khác chọn lọc ra 135 công ty trong đó bị đánh giá tiêu cực nhanh chóng thu hút hàng chục nghìn người quan tâm.

"Môi trường toxic, sếp yếu đuối, chế độ không có gì, công việc áp lực, thường xuyên tăng ca, nhưng OT (làm ngoài giờ - PV) không lương", "Công ty S phúc lợi rất chán, lương thấp bèo bọt, không có khả năng phát triển và thăng tiến", "Lãnh đạo độc hại, ảo tưởng sức mạnh, chuyên môn kém nhưng thích nói đạo lý"... là những bình luận nặng tính chê bai về những công ty, được nêu rõ tên và địa chỉ văn phòng, trong file này.

Người tạo file đánh giá ghi chú ngay đầu trang rằng: "Bảng đánh giá này được tạo ra nhằm mục đích chia sẻ trải nghiệm cá nhân một cách ẩn danh, không đại diện cho ý kiến chính thức của bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào. Người quản lý bảng này không chịu trách nhiệm pháp lý đối với bất kỳ thông tin nào được đăng tải và khuyến khích mọi người cân nhắc kỹ trước khi cung cấp hoặc lan truyền thông tin".

Đây không phải lần đầu tiên những đánh giá tiêu cực của nhân viên về các công ty, ở chế độ ẩn danh, gây bùng nổ mạng xã hội. Các nhóm kín hoặc trang web review (đánh giá) công ty đã trở thành nơi để trút bỏ cơn bất bình, tức giận của nhân sự với môi trường, chế độ đãi ngộ, cấp trên và đồng nghiệp.

Bùng nổ review công ty cũ

Theo The New York Times, các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok đã trở thành nơi những nhân sự cũ dễ dàng phơi bày những tiêu cực, điều sai trái mà họ đã chứng kiến tại doanh nghiệp.

Hiện tượng này bùng nổ mạnh mẽ vào thời kỳ đại dịch, khi mọi người giao tiếp chủ yếu thông qua nền tảng online.

Hiện tại, có nhiều nền tảng khác nhau cho phép nhân viên chia sẻ trải nghiệm của họ về công ty cũ hoặc nơi đang làm việc. Các trang web này chứa đựng đủ kiểu đánh giá của nhân viên, từ chế độ đãi ngộ đến văn hóa công ty.

 Nhiều nhân viên bày tỏ bức xúc của mình về môi trường doanh nghiệp lên mạng xã hội. Ảnh: Yan Krukau/Pexels.

Nhiều nhân viên bày tỏ bức xúc của mình về môi trường doanh nghiệp lên mạng xã hội. Ảnh: Yan Krukau/Pexels.

Một trong những trang web nổi tiếng có thể kể tên là Glassdoor, được coi là trang web đánh giá nhà tuyển dụng phổ biến nhất. Đánh giá của nhân viên trên Glassdoor cho phép một ứng viên tìm hiểu về văn hóa công ty, mức lương và việc làm.

"Có cung ắt có cầu" là câu mô tả chính xác về sự bùng nổ của các hội nhóm review công ty - khi những nhân sự trẻ tuổi ngày nay có xu hướng tìm kiếm thông tin về doanh nghiệp trước khi nộp hồ sơ. Những bài viết đánh giá tiêu cực về công ty đặc biệt thu hút sự quan tâm và bàn luận.

Theo một báo cáo của Glassdoor vào năm 2021, phần lớn người tìm việc (86%) thường lên các web đánh giá để nghiên cứu về công ty, 50% ứng viên cho biết sẽ không muốn làm việc cho một công ty có tiếng xấu dù lương được trả cao hơn.

Nghiên cứu từ Công ty nguồn nhân sự Randstad (Mỹ) cho thấy 57% ứng viên sẽ bỏ qua một công ty nếu nhận thấy nơi này nhận nhiều đánh giá tiêu cực trên Internet. Đối với họ, nơi làm việc cũng như phim ảnh hoặc hàng hóa, tức là việc lựa chọn sẽ chịu ảnh hưởng bởi điểm Rotten Tomato và đánh giá của người mua trước.

Một cuộc khảo sát từ Bayt.com - trang web việc làm cho các vị trí ở Trung Đông - phát hiện 76% các chuyên gia nghiên cứu một công ty trực tuyến trước khi cân nhắc một công việc ở đó. Một cuộc khảo sát của nền tảng đánh giá Indeed cũng cho thấy 83% người tìm việc có thể sẽ dựa vào các đánh giá của công ty để quyết định xem họ có nên nộp đơn xin việc hay không.

Quyền ẩn danh khi đánh giá tiêu cực về công ty cũng góp phần thúc đẩy những nhân sự cũ mạnh dạn bày tỏ sự bức xúc của mình.

Tuy nhiên, theo CNBC, những đánh giá tiêu cực của nhân sự trên mạng không hoàn toàn phản ánh đúng sự thật về một doanh nghiệp.

Nền tảng Fractl thực hiện khảo sát trên 1.096 nhân sự viết review về công ty mình. Kết quả cho thấy khoảng 10% thừa nhận cố tình nói dối, làm quá vấn đề trong bài đăng. Gần một nửa trong số đó cho biết làm vậy để bày tỏ sự bất mãn, gây tổn hại đến danh tiếng của công ty và quản lý cũ.

Doanh nghiệp nên làm gì?

Rõ ràng dù đúng hay sai thực tế, những đánh giá tiêu cực trên Internet có ảnh hưởng đến uy tín và quá trình tuyển dụng của một doanh nghiệp. Tuy nhiên, trước khi cân nhắc đến các hành động pháp lý đối với người tung thông tin xấu, công ty cần nhìn nhận xem đó có đúng là vấn đề đang tồn tại.

Theo Bamboo HR, một blog chuyên về việc làm, khi nhận đánh giá tiêu cực từ nhân viên, doanh nghiệp hoặc người quản lý có xu hướng thấy mình (hoặc tổ chức) là nạn nhân, nhưng cũng nên có cái nhìn cởi mở và cầu thị hơn.

Nhiều nhân viên để lại đánh giá không tốt khi cảm thấy bị công ty đối xử bất công, và đánh giá tiêu cực là một cách để bày tỏ sự bất bình của họ.

 Các doanh nghiệp nên lắng nghe, phản hồi đối với các đánh giá tiêu cực từ nhân sự. Edmond Dantès/Pexels.

Các doanh nghiệp nên lắng nghe, phản hồi đối với các đánh giá tiêu cực từ nhân sự. Edmond Dantès/Pexels.

Dù mục đích là gì, đánh giá tiêu cực thường là dấu hiệu của các sự cố giao tiếp trước thời điểm đó. Khi nhận được đánh giá xấu, doanh nghiệp nên cân nhắc về trải nghiệm của nhân viên với các câu hỏi: Công ty có đặt ra kỳ vọng rõ ràng không? Việc giao tiếp với nhân viên có thường xuyên và đầy đủ không? Nhân viên này có nơi nào an toàn để bày tỏ quan ngại của họ không?

Nhà tuyển dụng nên có phản ứng nhanh chóng với những đánh giá tiêu cực, nhưng không nên vội vã đưa ra bình luận khi đang nóng giận. Hãy lùi lại để xem xét, đặt mình vào vị trí của nhân viên.

Nếu những đánh giá là sai lệch, công ty không nên ngần ngại để đính chính. Nên phản hồi một cách tinh tế để không lộ thông tin nhạy cảm của nhân viên và doanh nghiệp.

Những đánh giá tiêu cực đôi khi là cơ hội để nhà quản lý nhìn lại tổ chức của mình.

Robin Richards, đồng sáng lập CareerArc - công ty công nghệ nhân sự có trụ sở tại Burbank (California, Mỹ), gợi ý: "Hãy lắng nghe những gì bài đánh giá phản ánh. Điều tệ nhất là phớt lờ một bài đánh giá tệ chỉ vì nó nói tiêu cực về công ty. Hãy giữ một tâm trí cởi mở và điều tra xem liệu những tuyên bố đó có giá trị hay không. Đó có thể là cơ hội để cải thiện văn hóa công ty".

Richards cũng khuyến cáo các nhà tuyển dụng nên: phân tích các bình luận trên các trang web đánh giá của nhà tuyển dụng để đưa ra chiến lược nhân sự; lắng nghe phản hồi từ những nhân viên hiện tại để biết điều gì khiến họ hạnh phúc và điều gì không; phân công một nhóm phân tích và phản hồi cả ý kiến tích cực lẫn tiêu cực trong khảo sát mức độ hài lòng của nhân viên.

Đinh Phạm

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/hon-100-cong-ty-bi-noi-xau-trong-file-review-an-danh-post1521434.html
Zalo