Thay đổi tư duy sản xuất để vươn lên thoát nghèo ở Pác Nặm
Đa dạng hóa sinh kế được xem là giải pháp hiệu quả trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Pác Nặm (Bắc Kạn). Thông qua các mô hình kinh tế tập thể, HTX góp phần thay đổi tư duy sản xuất, mở ra cơ hội thoát nghèo bền vững cho nhiều hộ dân.
Thời gian qua, để giúp bà con nông dân có cơ hội thoát nghèo huyện Pác Nặm đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tích cực nhằm hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo đa dạng hóa các mô hình sinh kế phù hợp với đặc thù từng vùng, từng địa phương để mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Qua đó, đã tạo việc làm cho nhiều lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đặc biệt hỗ trợ vốn cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người dân sinh sống tại những địa bàn khó khăn tự vươn lên phát triển kinh tế, ổn định đời sống.
Thành viên HTX không còn hộ nghèo
Nhiều mô hình đã triển khai hiệu quả những năm trước tiếp tục được huyện Pác Nặm nhân rộng tại nhiều địa phương, có thể kể đến HTX Giáo Hiệu (thôn Nà Hin, xã Giáo Hiệu, huyện Pác Nặm). Hiện HTX Giáo Hiệu có 5 sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh là: Trà bí đao Giáo Hiệu; Trà bí đao Giáo Hiệu - Trà túi lọc; Bột nghệ nếp Giáo Hiệu; Trà mướp đắng rừng Giáo Hiệu và Gạo Nhật J02 Giáo Hiệu.
Từ năm 2022, HTX được hỗ trợ gần 950 triệu đồng, trong đó HTX đối ứng hơn 540 triệu đồng để thực hiện dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm bí xanh, mướp đắng rừng và nghệ trên địa bàn các xã trong huyện. HTX đã mở rộng vùng sản xuất và liên kết với 180 hộ sản xuất, tạo thu nhập cho nhiều hộ dân. Các sản phẩm được công nhận đã dần có chỗ đứng trên thị trường, nâng cao thu nhập cho người dân.
Thời gian qua, HTX đã tích cực vận động các thành viên trong HTX, nhất là hộ nghèo và cận nghèo, hộ gia đình dân tộc thiểu số tại vùng khó khăn tham gia liên kết sản xuất với mô hình trồng nông sản. HTX đã hỗ trợ về vốn, giống, phân bón, kỹ thuật chăm sóc và thu mua 100% sản lượng nông sản cho 42 hộ nghèo và cận nghèo tham gia mô hình.

Các sản phẩm của HTX Giáo Hiệu ngày càng khẳng định được thương hiệu
Điển hình như gia đình anh Hừ A Dỉa (thôn Cốc Lào, xã Giáo Hiệu) trước đây thuộc hộ nghèo nhưng từ khi trở thành thành viên HTX, được sự hỗ trợ của HTX anh đã tìm hướng phát triển kinh tế từ chăn nuôi, nông nghiệp. Đến nay, nhờ ý chí mạnh mẽ cùng sự tiếp thu, học hỏi, gia đình anh đã có thu nhập ổn định, đảm bảo mức sống tối thiểu, các con có điều kiện học hành tốt hơn.
Không chỉ anh Dỉa mà hàng chục hộ dân ở xã Giáo Hiệu đã thấm nhuần chủ trường giảm nghèo của Nhà nước, chủ động viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo và tập trung vào làm kinh tế với sự hỗ trợ của HTX. Chính vì vậy mà Giáo Hiệu hiện là một trong những địa phương đi đầu trong huyện về giảm nghèo khi có tỷ lệ hộ nghèo dưới 50% theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022 – 2025.
Quyết tâm khởi nghiệp với HTX
Cuối năm 2020, HTX Tố Mười ở thôn Trung Hòa, xã Công Bằng được thành lập với 7 thành viên do chị Phan Thị Tố Mười làm Giám đốc HTX. Với số vốn ban đầu trên 1 tỷ đồng, HTX đã đầu tư xây dựng nhà xưởng, hệ thống máy xay công suất lớn, máy ép sợi, máy đóng gói... để sản xuất sản phẩm bún khô.
"Sản phẩm bún khô của HTX được làm từ gạo Bao thai do bà con dân tộc Tày ở xã Công Bằng trồng, nên bún làm ra có hương thơm đặc trưng, sợi dai và độ trong nhất định; 100kg gạo Bao thai làm được khoảng 80kg bún khô", chị Mười cho hay.
Dựa trên ý tưởng món ăn xôi ngũ sắc, đến nay HTX đã cho ra mắt nhiều sản phẩm bún với nhiều màu sắc hấp dẫn và thu hút được lượng khách hàng trong và ngoài tỉnh. Trung bình mỗi năm HTX tiêu thụ khoảng 25 – 30 tấn, giá dao động khoảng 50 nghìn đồng/kg. Doanh thu khoảng 1,5 tỷ đồng/năm. Sản phẩm chủ yếu làm bằng nguyên liệu gạo và các loại rau củ, quả gấc, lá cẩm, bí đỏ... có hàm lượng dinh dưỡng cao, không chất bảo quản, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng hiện nay.
Với sự cố gắng nỗ lực của tất cả các thành viên, hiện nay HTX Tố Mười đang có các sản phẩm được thị trường ưa chuộng như: Bún khô truyền thống, bún khô ngũ sắc, bún khô gạo lứt..., có nhãn mác, thời hạn, tem truy xuất nguồn gốc, cách sử dụng. Sản phẩm được tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố như: Thái Nguyên, Hà Nội, Quảng Ngãi, Bắc Ninh, TP. Hồ Chí Minh…, giá bán trung bình từ 35.000 - 50.000 đồng/kg. Sản phẩm bún khô ngũ sắc của HTX sản xuất ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Nhờ đó, thu nhập của các thành viên ngày càng nâng cao, không còn hộ gia đình nào ở trong diện hộ nghèo của xã.
Không chỉ giúp các thành viên nâng cao thu nhập, HTX Tố Mười còn hỗ trợ nhiều chị em trong xã sản xuất sản phẩm bún khô đạt tiêu chuẩn sạch và an toàn, đồng thời bao tiêu đầu ra cho người dân. Chị Nguyễn Thị An, xã Công Bằng cho biết trước đây công việc chính của chị là làm ruộng, đời sống vô cùng khó khăn do nguồn thu nhập thấp. Tuy nhiên, từ ngày được HTX Tố Mười hướng dẫn cách sản xuất sản phẩm bún khô và bao tiêu đầu ra, mang lại nguồn thu nhập ổn định hơn, cuộc sống gia đình không còn khó khăn như trước. Cuối năm 2024 gia đình chị đã thoát khỏi diện hộ nghèo.
Không chỉ dừng lại ở sản xuất sản phẩm bún trắng, hiện nay HTX Tố Mười còn nghiên cứu, tìm tòi và tiến hành sản xuất bún ngũ sắc. được thị trường ưa chuộng. Sản phẩm của HTX có mặt hầu khắp các tỉnh thành trên cả nước.

Hiện nay HTX Tố Mười đang có các sản phẩm được thị trường ưa chuộng như: Bún khô truyền thống, bún khô ngũ sắc, bún khô gạo lứt...
Năm 2024, sản phẩm “Chế biến bún ngũ sắc” của HTX đã đoạt giải thưởng tại cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức. HTX Tố Mười cho biết khi lọt vào cuộc chung kết cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp, chuyển đổi xanh 2024 HTX càng có nhiều động lực để tiếp thêm cho tôi sức mạnh tiếp tục theo đuổi phát triển dự án này, qua đó tạo thêm nhiều công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho các thành viên và nhiều người lao động tại địa phương.
Tạo chuyển biến mạnh mẽ khu vực KTTT
UBND huyện Pác Nặm luôn xác định giải quyết việc làm cho người lao động để góp phần thực hiện công tác giảm nghèo và giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu được đặt ra làm mục tiêu để thực hiện. Trong đó, phát triển mô hinh KTTT, HTX được xem là nòng cốt trong việc tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân tại địa phương.
Theo thống kê, hiện nay, toàn huyện Pác Nặm có 43 HTX đang hoạt động với hơn 480 thành viên; tổng số vốn điều lệ trên 100 tỷ đồng. Riêng trong năm 2024, huyện đã thành lập mới được 8 HTX, trong đó có 22 HTX nông nghiệp, 18 HTX Nông nghiệp – Dịch vụ – Xây dựng, 1 HTX xây dựng, 1 HTX Y học cổ truyền, 1 HTX dịch vụ xây dựng hỗn hợp. Doanh thu bình quân của các HTX năm 2024 ước đạt 250 triệu đồng/HTX/năm, tăng 15 triệu đồng/HTX so với năm 2023.
Hoạt động của các HTX đã góp phần giảm nghèo, tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các thành viên, tạo điều kiện cho các thành viên học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau để sản xuất; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất – chế biến – tiêu thụ sản phẩm, góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Năm 2025, huyện Pác Nặm đặt mục tiêu giảm 5,1% tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 39,87% (tương đương giảm 395 hộ nghèo). Để đạt được mục tiêu này huyện đẩy mạnh phát triển các mô hình HTX. Theo đó, thời gian qua với sự nỗ lực của Liên minh HTX tỉnh, nhiều chính sách hỗ trợ HTX được triển khai đồng bộ. Qua đó, kinh tế hợp tác, HTX của huyện tiếp tục có những chuyển biến tích cực, góp phần vào phát triển kinh tế của địa phương, tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân.
Các HTX đã tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng. Nhiều mô hình HTX mới thành lập và hoạt động có hiệu quả đáp ứng nhu cầu đa dạng về sản xuất và yêu cầu của các thành viên HTX; nhiều HTX điển hình, HTX sản xuất kinh doanh khá, giỏi, có vốn hoạt động hàng tỷ đồng, giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Các HTX đã huy động được các nguồn lực, mạnh dạn đầu tư đổi mới máy móc thiết bị, đổi mới công nghệ, đưa tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng sản xuất…
Liên minh HTX tỉnh cho biết, sẽ tăng cường hơn nữa công tác hỗ trợ cho các HTX tại huyện Pắc Nặm; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các chính sách hỗ trợ cho các HTX; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho HTX phát triển; tập trung hỗ trợ các HTX hoạt động có hiệu quả, xây dựng mô hình HTX gắn với chuỗi giá trị; tăng cường công tác tư vấn, xúc tiến thương mại…