Thay đổi thủy khí hậu làm trầm trọng thời tiết cực đoan
Cú tát thủy khí hậu (Hydroclimate whiplash) đang làm trầm trọng thêm hệ quả của các kiểu thời tiết cực đoan ở quy mô toàn cầu cũng như ở Việt Nam. Do vậy, các nghiên cứu bây giờ không chỉ tập trung vào lượng mưa mà còn xoáy vào sự gia tăng nhu cầu bốc hơi từ mặt đất, mặt nước và thảm thực vật, bao gồm cây trồng nông nghiệp…

Nông dân các nước đang phải đối phó với cú tát thủy khí hậu.
Khi mùa bão và những cơn bão trở nên bất thường, thời gian mưa và lượng mưa cũng như sự xuất hiện những đợt lạnh kéo dài và nắng nóng khủng khiếp không còn nằm trong quy luật, cả hiện tượng xâm nhập mặn cũng như các trận lở đất kinh hoàng có khuynh hướng diễn ra ở cả mùa mưa lẫn mùa nắng, đi với đó là những thay đổi hệ sinh thái… thì các nhà khoa học nhận ra đã có một động lực quan trọng mới trong quá trình biến đổi khí hậu. Họ gọi đó là cú tát thủy khí hậu (Hydroclimate whiplash) - hiện tượng thời tiết thay đổi đột ngột và mạnh mẽ giữa điều kiện thời tiết cực kỳ ẩm ướt và khô hạn nguy hiểm.
Thay đổi thủy khí hậu diễn ra do biến đổi khí hậu và được đặc trưng bởi khả năng hấp thụ và giải phóng nước ngày càng tăng của khí quyển khi nhiệt độ toàn cầu tăng. Hiện tượng này có liên quan đến nhiều tác động môi trường khác nhau, bao gồm nguy cơ cháy rừng gia tăng, lũ lụt, lở đất và những thách thức đối với việc quản lý nước và sự ổn định của hệ sinh thái. Sự gia tăng tác động thủy khí hậu có thể trở thành một trong những thay đổi toàn cầu phổ biến nhất. Và, ở nước ta, sự thay đổi đột ngột thủy khí hậu có thể nhận ra trong bộ ba thời tiết cực đoan: Gia tăng lũ lụt, xuất hiện giá lạnh kéo dài cùng nắng nóng khủng khiếp, và hình thành các cơn bão bất thường.
Các nhà khoa học đã đặt ra một thuật ngữ mới trong nghiên cứu gần đây của họ, thuật ngữ này giúp giải thích lực chính đằng sau những biến động thời tiết này: Bọt biển khí quyển giãn nở (Expanding atmospheric sponge) hay khả năng hấp thụ nước và giải phóng nước dưới dạng mưa của khí quyển ngày càng tăng. Với mỗi độ Celcius tăng lên, khả năng giữ ẩm của khí quyển tăng 7%, làm trầm trọng thêm cả hai tình trạng hạn hán và lũ lụt. Vấn đề là bọt biển phát triển theo cấp số nhân, giống như lãi kép của một ngân hàng mà theo Daniel Swain trong công trình nghiên cứu đăng trên Nature Reviews Earth and Environment, cho biết tốc độ giãn nở này tăng theo từng phần của một độ Celcius ấm lên.

Ảnh hưởng của thủy khí hậu lên sạt lở đất ở miền Trung Việt Nam.
Khả năng hấp thụ nước tăng thêm làm cho bầu khí quyển trở nên khát nước, và nó nhanh chóng lấy nước từ mặt đất cũng như trong các lớp cây cỏ bên dưới: Lượng mưa tuy lớn hơn, nhưng đất đai, cây cỏ hay hoa màu vườn cây cũng nhanh chóng trở nên khô ráo dẫn đến những vụ cháy rừng, hơn nữa các lớp đất đá cũng trở nên giòn hơn dẫn đến những trận lở đất long trời cả trước, trong và sau những đợt mưa kéo dài! Vụ cháy rừng khủng khiếp với nhiều tàn phá, chết chóc vừa qua ở California, Mỹ đã trở thành một ví dụ sinh động về cú tát thủy khí hậu, bởi nó liên quan đến những thay đổi đột ngột và mạnh mẽ giữa điều kiện ẩm ướt và khô hạn khắc nghiệt.
Mùa đông 2022-2023 và 2023-2024 mang đến cho California lượng mưa chưa từng có bởi hàng chục con sông khí quyển, làm các thị trấn bị chôn vùi và các thung lũng ngập nước cùng với hiện tượng sạt lở diễn ra ở nhiều nơi. Tiếp sau những trận lụt này, xuất hiện đột ngột mùa hè 2025 nắng nóng kỷ lục. Và, sự việc xảy ra là thảm dày thực vật hình thành trước đó bởi lượng mưa dư dả nay nhanh chóng trở nên khô cằn, cung cấp “nhiên liệu” cho một loạt vụ cháy rừng không thể cứu chữa!
Những cú tát thủy khí hậu dưới các hình thức khác nhau trên thực tế đã xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới, chủ yếu do dịch chuyển mùa mưa, thay đổi lượng mưa và do nhu cầu đẩy nhanh tốc độ bốc hơi để cung cấp nước trở lại cho bầu khí quyển. Một ví dụ khác gần đây là mưa như trút nước và lũ lụt ở Đông Phi sau nhiều năm hạn hán, phá hủy hàng ngàn héc ta mùa màng và khiến hơn 2 triệu người phải rời bỏ nhà cửa.
Những thay đổi bất thường mỗi năm một tăng của thời tiết cực đoan ở nước ta buộc các nhà nghiên cứu phải tìm ra động lực mới phía sau, thay vì chỉ giải thích theo chiều hướng cũ. Và, với những thay đổi đột ngột của thủy khí hậu tăng lên nhanh chóng trên quy mô toàn cầu, thể hiện một bầu khí quyển đang khát nước thì các nghiên cứu không chỉ tập trung vào lượng mưa mà còn nhấn mạnh đến sự gia tăng nhu cầu bốc hơi từ mặt đất, mặt nước và thảm thực vật, bao gồm cây trồng nông nghiệp: Hiệu ứng bọt biển khí quyển mở rộng có thể đưa ra lời giải thích thống nhất cho một số tác động rõ ràng và sâu sắc nhất của biến đổi khí hậu, Swain lưu ý.
Một số công trình nghiên cứu như thế ở nước ta đã được công bố, đặc biệt với sự hỗ trợ của công nghệ máy học (Machine learning-based assessment). Cuối cùng, chúng ta sẽ phải hình thành mô hình thích ứng và đối phó với một giai đoạn mới của biến đổi khí hậu mà việc quản lý nước trở thành yếu tố chiến lược.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
“Hydroclimate whiplash” is wreaking havoc across the U.S.
https://www.earth.com
Machine learning-based assessment of regional-scale variation of landslide susceptibility in central Vietnam
https://journals.plos.org