Thay đổi thói quen 'đốt đồng' để giảm ô nhiễm môi trường

Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục 'đốt đồng' (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu 'vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ'. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.

Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo Đánh giá cuối kỳ Dự án đánh giá hiện trạng và đề xuất các giải pháp giảm thiểu tác động của đốt lộ thiên và sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật trong nông nghiệp đến biến đổi khí hậu, sức khỏe con người và đa dạng sinh học ở Việt Nam (gọi tắt là Dự án), do Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 21.11, tại Hà Nội.

Dự án do Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, Bộ Môi trường, Thực phẩm và Nông thôn Vương quốc Anh và Liên minh Toàn cầu về sức khỏe và ô nhiễm hợp tác triển khai trong 3 năm (2022 – 2025).

Phát biểu tại hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm, Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Thiên Phương cho biết: Ô nhiễm môi trường đang là vấn đề cấp bách trên toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái và sức khỏe cộng đồng.

Với cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị COP26 khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tuyên bố mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam đã khẳng định quyết tâm bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. “Đây là quyết tâm rất lớn và trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế”, bà Nguyễn Thị Thiên Phương nhấn mạnh.

 Bà Nguyễn Thị Thiên Phương phát biểu.

Bà Nguyễn Thị Thiên Phương phát biểu.

Trong bối cảnh đó, “Chương trình Giảm thiểu ô nhiễm môi trường của Bộ Môi trường, Thực phẩm và Nông nghiệp Vương Quốc Anh, trong đó có Dự án về giảm đốt mở và sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật trong nông nghiệp ở Việt Nam, có ý nghĩa quan trọng và thiết thực, góp phần giảm thiểu ô nhiễm với những tác động xấu tới biến đổi khí hậu, sức khỏe con người, đa dạng sinh học ở Việt Nam và các quốc gia khác”, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm phát biểu.

Chia sẻ rõ hơn về các kết quả đạt được của Dự án, PGS.TS Phùng Chí Sỹ, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, Giám đốc Dự án, cho biết: Thực hiện từ tháng 7.2022, đến nay, Dự án đã huy động 25 tổ chức gồm các trường đại học và viện nghiên cứu cùng hơn 100 nhà khoa học, chuyên gia tham gia, trong đó 57% là nữ. Dự án cũng đã huy động 17/63 tỉnh, thành tham gia.

Dự án đã phát triển được 02 phương pháp phân tích dữ liệu viễn thám và thông tin địa lý (GIS) được xây dựng và hiệu chỉnh, để lập bản đồ phát hiện các khu vực đốt mở trong hoạt động nông nghiệp; đã xây dựng phương pháp để phát hiện và theo dõi được đốt mở trên các ruộng lúa, qua đó giám sát được đốt mở rơm rạ theo thời gian canh tác và thời vụ, ứng dụng hiệu quả trên phạm vi rộng như đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long.

Đáng chú ý, Dự án thực hiện 4 nghiên cứu và xây dựng các kịch bản về tác động của ô nhiễm không khí do đốt mở đối với sức khỏe cộng đồng.

Kết quả đánh giá tác động thiệt hại về sức khỏe và kinh tế do ô nhiễm không khí có nguồn từ đốt đốt mở, đốt sinh khối hay ô nhiễm không khí đã chỉ ra, tại tỉnh Long An, ước tính có 331 ca số ca nhập viện liên quan đến bệnh đường hô hấp và có thể lên đến 61 ca tử vong sớm, trên 100.000 dân, do đốt sinh khối.

Tại Hà Nội, ước tính phơi nhiễm với bụi PM2.5 (tất cả các nguồn) đã gây ra rủi ro tác động dài hạn là 43 - 95 ca tử vong sớm trên 100.000 dân. Nghiên cứu sâu hơn đối với đốt mở trong nông nghiệp, ước tính có khoảng 10 ca tử vong do PM2.5 và khoảng 7 ca tử vong do PM10 từ nguồn đốt mở rơm rạ, trên 100.000 dân…

Khảo sát và đánh giá nhận thức tại 17 tỉnh, thành đại diện cho 6 vùng kinh tế, cho thấy, mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục việc “đốt đồng”, với các lý do chủ yếu là “vì tin là có tác dụng tốt, nhanh, rẻ” và “thấy vui hay mùi thơm”. Vì vậy, cần có các giải pháp truyền thông phù hợp về mặt văn hóa, xã hội để thay đổi thói quen.

Ngoài ra, 78,6% người được khảo sát cho biết chưa được tiếp xúc thông tin một cách hiệu quả, đầy đủ về “đốt mở trong nông nghiệp”…

 GS.TSKH. Phạm Ngọc Đăng phát biểu.

GS.TSKH. Phạm Ngọc Đăng phát biểu.

Trên cơ sở các kết quả khảo sát về hiện trạng nhận thức, nhiều hoạt động truyền thông đã được thiết kế và triển khai. Trong đó, cuộc thi “Sáng tạo xanh - Sống trong lành” đã thu hút đông đảo học sinh, sinh viên tham gia, qua đó góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng, thay đổi hành vi đốt mở, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững ở Việt Nam…

Đánh giá về Dự án, GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng, Dự án đã xây dựng cơ sở kiến thức về việc đốt hở chất thải và sử dụng thuốc trừ sâu trong nông nghiệp, cùng những tác động tiêu cực đối với sức khỏe con người và môi trường; nghiên cứu các giải pháp thay thế, hướng đến những phương pháp bền vững và thân thiện với môi trường; tăng cường giáo dục và nâng cao nhận thức cho các nhóm đối tượng trọng điểm về hậu quả của việc đốt ngoài trời và sử dụng thuốc trừ sâu.

Đồng thời, Dự án cũng đã đề xuất và thúc đẩy chính sách, nhằm giảm thiểu tác động của các hoạt động này; phân tích khả năng nhân rộng, không chỉ trong phạm vi quốc gia mà còn áp dụng cho các quốc gia khác có điều kiện tương tự.

"Kết quả của Dự án có ý nghĩa quan trọng, góp phần thực hiện các chính sách và quy định cụ thể về quản lý chất lượng môi trường không khí, thực hiện các tiêu chí môi trường trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Chương trình quốc gia Phát triển bền vững một triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030", Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm Nguyễn Thị Thiên Phương nhìn nhận.

Minh Châu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thay-doi-thoi-quen-dot-dong-de-giam-o-nhiem-moi-truong-post397005.html
Zalo