Thay đổi quy định về điều chỉnh tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm từ 1/7/2025

Về điều chỉnh tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất quy định theo hướng giao Bảo hiểm xã hội Việt Nam căn cứ quy định và chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm do Tổng cục Thống kê công bố để thực hiện, đảm bảo chế độ cho người hưởng từ ngày 1/1 hằng năm...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tại dự thảo Nghị định Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã đề xuất thay đổi quy định về điều chỉnh tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Nghị định dự kiến sẽ được ban hành, và có hiệu lực cùng thời điểm với Luật Bảo hiểm xã hội 2024 (1/7/2025).

Theo đó, việc điều chỉnh tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được thực hiện theo theo Điều 73 của Luật Bảo hiểm xã hội và được quy định chi tiết như sau:

Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc để tính mức bình quân quy định tại Điều 72 của Luật Bảo hiểm xã hội của người lao động, thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định được điều chỉnh theo công thức sau:

Mức điều chỉnh tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội được tính trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm, và được xác định bằng biểu thức sau:

Trong đó, t là năm bất kỳ trong giai đoạn điều chỉnh; mức điều chỉnh tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của năm t được lấy tròn hai số lẻ và mức thấp nhất bằng 1.

Mức điều chỉnh tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của các năm trước năm 1995, được lấy bằng mức điều chỉnh tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của năm 1994.

Hằng năm, Bảo hiểm xã hội Việt Nam căn cứ quy định trên và chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm do Tổng cục Thống kê, thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố để thực hiện điều chỉnh tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, làm cơ sở giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động theo quy định.

Đồng thời, công khai mức điều chỉnh tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan Bảo hiểm xã hội để người lao động biết.

Quy định này nhằm khắc phục bất cập hiện hành, tạo thuận lợi và kịp thời trong tổ chức thực hiện. Theo quy định hiện hành, hằng năm Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư quy định mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội để làm cơ sở giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động hưởng chế độ trong năm.

Tuy nhiên, đến ngày 25/12 hằng năm thì Tổng cục Thống kê mới công bố chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm. Do vậy, khi ban hành Thông tư này vừa không thể đảm bảo đúng quy trình của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời cũng không kịp thời trong giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động hưởng chế độ từ ngày 1/1 hằng năm.

Bên cạnh đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đề xuất chế độ hưu trí đối với người vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Theo đó, thời gian tính hưởng chế độ hưu trí đối với trường hợp này là tổng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Mức lương hưu hằng tháng được tính bằng tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng, nhân với mức bình quân thu nhập và tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.

Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính theo quy định tại Điều 70 của Luật Bảo hiểm xã hội, trên cơ sở số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, mức bình quân thu nhập và tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội quy định.

Phúc Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/thay-doi-quy-dinh-ve-dieu-chinh-tien-luong-lam-can-cu-dong-bao-hiem-tu-1-7-2025.htm
Zalo