Thay đổi để đáp ứng nhu cầu của xã hội
Không còn theo hướng hàn lâm, những ngành nghề, chương trình đào tạo của Đại học Huế đang chuyển dịch để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội.
Khảo sát mới đây do Trường đại học Kinh tế, Đại học Huế thực hiện cho kết quả, 748/782 sinh viên phản hồi có việc làm ngay năm đầu tiên sau khi tốt nghiệp, chiếm tỷ lệ gần 96%. Trong buổi trao giấy chứng nhận kiểm định đạt chuẩn chất lượng chu kỳ 2, đơn vị kiểm định cho biết, thông qua những khảo sát độc lập, tỷ lệ sinh viên có việc làm phù hợp của trường rất cao.
PGS.TS. Trương Tấn Quân, Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế cho biết, nhà trường thường xuyên tổ chức, rà soát, cập nhật chương trình đào tạo. Không chỉ thế, còn trang bị kiến thức nền tảng và chuyên sâu về nghề nghiệp, cũng như hoàn thiện kỹ năng mềm, gia tăng năng lực thực hành để sinh viên đáp ứng nhu cầu của xã hội. Hiện nay, nhà trường đã có sự liên kết và hợp tác với khoảng 100 doanh nghiệp, tập đoàn trong nước và quốc tế trong liên kết đào tạo, chuyển giao khoa học công nghệ và cung ứng nguồn nhân lực, mang lại lợi ích song trùng cho các bên. Sự tác động qua lại giữa trường và doanh nghiệp giúp chương trình đào tạo ngày càng mang tính thực tiễn, có tính thực hành, chứ không còn “hàn lâm” nặng về lý thuyết.
Liên kết đào tạo giữa trường đại học và doanh nghiệp là nhu cầu khách quan, xuất phát từ lợi ích của hai phía. Doanh nghiệp sẽ đóng vai trò quan trọng là nhà cung cấp thông tin để cơ sở đào tạo nắm được nhu cầu của thị trường lao động, hướng đến nhu cầu xã hội, trong đó có nhu cầu của doanh nghiệp gắn với doanh nghiệp.
PGS.TS. Nguyễn Quang Lịch, Khoa trưởng Khoa Kỹ thuật và Công nghệ - Đại học Huế thông tin, trong các chương trình đào tạo của khoa có hẳn một chương “Đào tạo cùng với doanh nghiệp theo đặt hàng của doanh nghiệp”. Khoa xây dựng chương trình đào tạo có chuẩn đầu ra theo nhu cầu việc làm của các doanh nghiệp, như kỹ năng tiếng Anh; kỹ năng công nghệ thông tin, hay kỹ năng mềm… Sinh viên sẽ tham gia học tại doanh nghiệp và do chính nhân lực doanh nghiệp tham gia đào tạo. Bên cạnh, khoa còn kết nối doanh nghiệp cung ứng nguồn nhân lực cho các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và châu Âu; đào tạo ngôn ngữ, văn hóa và kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên để đáp ứng yêu cầu nhân lực cho các thị trường này.
Hiện tại, Khoa Chăn nuôi - Thú y, Trường đại học Nông Lâm, Đại học Huế có 4 lớp, với khoảng 150 sinh viên được đào tạo theo đơn đặt hàng của Công ty Cổ phần Greenfeed Việt Nam. Gần 10 năm hợp tác, sinh viên của trường được phỏng vấn, tuyển chọn kỹ vào các lớp học này. Nội dung giảng dạy cho sinh viên được đơn vị đào tạo và doanh nghiệp bàn bạc, cân nhắc kỹ. Ngoài việc được các giảng viên trong trường truyền đạt kiến thức, sinh viên còn được chuyên gia của công ty đào tạo về chuyên môn chăn nuôi, thú y và kỹ năng mềm; được đi thực tế tại trại chăn nuôi và được cán bộ trại cầm tay chỉ việc.
Theo ông Nguyễn Duy Đông, Trưởng phòng Đào tạo cấp cao Công ty Cổ phần GreenFeed, sinh viên sau khi ra trường là những nhân viên có chuyên môn, có kỹ năng mềm và thích ứng tốt với công việc. Điều này đã được chứng minh trong thực tế, khi sau tốt nghiệp gần 100% sinh viên đều đỗ khi phỏng vấn tuyển dụng và hiện đang yên tâm gắn bó lâu dài với công ty.
Thay đổi cách tiếp cận
Hợp tác đầu tiên giữa Trường đại học Khoa học, Đại học Huế và Hiệp hội hỗ trợ Internship Nhật Bản có 5 sinh viên của trường sang thực tập Nhật Bản. Các sinh viên này trở về và đến hiện tại đã tốt nghiệp với bằng kỹ sư điện. Ngay sau đó, 4/5 tân kỹ sư đã được phỏng vấn tuyển dụng sang Nhật Bản làm việc.
PGS.TS. Trần Ngọc Tuyền, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học phân tích, nhiều đối tác sang và đánh giá rằng sinh viên Việt Nam nói chung và Huế nói riêng chịu khó, ham học hỏi và có tinh thần trách nhiệm cao. Đó là những tiêu chí để họ quay lại để tuyển dụng nguồn lao động sang làm việc. Chúng ta đang sống trong “thế giới phẳng”. Hội nhập quốc tế là điều bắt buộc để nâng tầm chất lượng. Việc đào tạo tại Việt Nam mà sinh viên sau khi ra trường có thể làm việc ở nước ngoài là hướng đi mới, cần được thúc đẩy.
Theo ThS. Nguyễn Trung Kiên, Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường đại học Luật, trong giai đoạn tự chủ như hiện nay, sự cạnh tranh giữa các trường đại học trong thu hút sinh viên càng gay gắt, buộc trường không chỉ thay đổi từ các chương trình phù hợp với xã hội cần, mà thay đổi cả mô hình quản trị, quản lý và nhiều lĩnh vực hoạt động khác như mô hình doanh nghiệp. Đó là sự thích ứng mới, dĩ nhiên là phải dựa trên các quy định hiện hành.
PGS.TS. Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học Huế đưa ra hai số liệu. Thứ nhất là, hiện có đến 54 tỉnh, thành trong cả nước có sinh viên lựa chọn Đại học Huế để học tập. Thứ hai là, trong kết quả xếp hạng đại học châu Á 2024 (QS Asia University Rankings 2024), tiêu chí Uy tín với nhà tuyển dụng của Đại học Huế xếp rất cao. Điều này chứng minh một điều rằng, sự đánh giá của xã hội và nhất là doanh nghiệp với Đại học Huế đang trở lại.
Theo PGS.TS. Lê Anh Phương, để tiếp tục duy trì các chỉ số và uy tín, Đại học Huế đang mở rộng liên kết mạng lưới giáo dục đại học để chia sẻ nguồn lực, các hoạt động, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Như vừa qua, Đại học Huế đã “bắt tay” với Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh trong trao đổi giảng viên giảng dạy; xây dựng, chia sẻ chương trình đào tạo đại học và sau đại học tiến đến công nhận tín chỉ lẫn nhau. Hai bên phối hợp xây dựng các nhóm nghiên cứu liên trường, tiến đến hợp tác xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh quốc gia; chia sẻ cơ sở vật chất và tài nguyên phục vụ nghiên cứu; kinh nghiệm trong quản trị đại học…