Thay đổi cách tiếp cận về chuyển đổi số

Để chuyển đổi số thành công, dữ liệu đóng vai trò rất quan trọng, nhất là làm sao triển khai đồng bộ, để dữ liệu chia sẻ, kết nối, sử dụng được

Trong khuôn khổ lễ trao giải cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 5, Báo Người Lao Động đã tổ chức tọa đàm "Chuyển đổi số (CĐS) trong quản lý đô thị: Xu hướng và giải pháp cho TP HCM".

Nhiều thách thức

Tổng quan về tình hình CĐS trong quản lý đô thị tại TP HCM, Giám đốc Trung tâm CĐS TP HCM Võ Thị Trung Trinh cho biết dữ liệu phục vụ quản trị đô thị thành phố gồm nhiều lớp, như xây dựng, giao thông, đất đai, môi trường… Đây là nội dung mà thành phố đang làm với Ngân hàng Thế giới và Trung tâm CĐS TP HCM đang hoàn thiện.

Tuy nhiên, dữ liệu hiện nay vừa chưa đầy đủ vừa chưa liên thông, kết nối. Do đó, phải đặt ra tổng thể để chuyển đổi, đầu tư đồng bộ. Đây vừa là hiện trạng vừa là định hướng. "Muốn đẩy mạnh CĐS thì cái gốc để giải quyết triệt để là tạo lập dữ liệu và duy trì cập nhật thường xuyên bằng hệ thống thông tin chuyên ngành, trên cơ sở đó ứng dụng công nghệ" - bà Võ Thị Trung Trinh thông tin.

Ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược CĐS - Hội Truyền thông số Việt Nam, nhìn nhận điểm nghẽn rất lớn trong CĐS là dữ liệu. Chúng ta có rất nhiều dữ liệu nhưng không phải dữ liệu nào cũng dùng được. Cần phải xây dựng một kiến trúc dữ liệu nền tảng, cho phép đồng hợp, cộng hưởng được cả dữ liệu thực tế và dữ liệu số. Đây là dữ liệu dùng chung, có thể đồng kết nối, chia sẻ, thu thập, xử lý, phân tích và sử dụng.

Trao đổi ý kiến tại tọa đàm “Chuyển đổi số trong quản lý đô thị: Xu hướng và giải pháp cho TP HCM”, sáng 19-9. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Trao đổi ý kiến tại tọa đàm “Chuyển đổi số trong quản lý đô thị: Xu hướng và giải pháp cho TP HCM”, sáng 19-9. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Từ thực tiễn của ngành, ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM, chỉ ra những thách thức khi CĐS, như: dữ liệu mảng vận tải chưa tích hợp lên cơ sở dữ liệu của TP HCM; cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực trong lĩnh vực này... Việc đầu tư thông qua các dự án để nâng cấp, bổ sung công nghệ thông tin ở ngành giao thông cũng chưa mạnh.

Để giải quyết vấn đề, theo ông Hưng, cần cả thể chế, chính sách và công nghệ. Mặt khác, để tích hợp và chia sẻ dữ liệu thì quy định pháp lý rất cần thiết.

Cần nhận thức đúng

Ông Lê Nguyễn Trường Giang cho rằng CĐS không phải là công nghệ thông tin hay dự án công nghệ thông tin mà là một phương thức phát triển mới để thay đổi cách thức phát triển. Do đó, việc đầu tiên là cần nhận thức đúng về CĐS. Trong đó, lãnh đạo phải là người đầu tiên thay đổi nhận thức về CĐS.

Đồng quan điểm, bà Võ Thị Trung Trinh lưu ý nhận thức đúng về CĐS rất quan trọng. Hiện nay, nhiều đơn vị triển khai các hệ thống dữ liệu. Vấn đề đặt ra là giải pháp nào cho các sở cùng triển khai đồng bộ, để dữ liệu chia sẻ, kết nối, sử dụng được.

Dẫn trường hợp Singapore nhiều năm trước gặp những vấn đề như TP HCM hiện nay, bà Võ Thị Trung Trinh cho rằng trước mắt, thành phố cần tập trung dữ liệu đất đai và xây dựng. "Singapore đặt ra một lộ trình dài, chiến lược quốc gia thông minh để có kết quả như hôm nay. Nếu chúng ta làm tốt từng việc, chạy trên nền dữ liệu chính xác thì sẽ hiệu quả" - bà Võ Thị Trung Trinh nhìn nhận.

Trao đổi tại tọa đàm, ông Lý Minh Tuân, Trưởng Phòng Công nghệ thông tin - Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM, cho biết TP HCM đang hướng đến triển khai một số giải pháp công nghệ tiên tiến để tối ưu hóa quá trình thu thập, phân tích dữ liệu nhằm đưa ra các quyết định nhanh chóng, chính xác trong quản lý đô thị. Trong đó, tiếp tục phát triển và mở rộng Trung tâm Dữ liệu thành phố; xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ quản lý đô thị ứng dụng công nghệ GIS, BIM; xây dựng và triển khai các giải pháp, chính sách an ninh mạng tiên tiến...

Ông Vũ Văn Thái, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin tài nguyên - môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM, cho hay những năm qua, việc áp dụng công nghệ để hỗ trợ công tác quản lý tài nguyên, giám sát và quản lý chất lượng môi trường tại TP HCM được lãnh đạo sở rất quan tâm. Đơn vị đã và đang triển khai hệ thống giám sát phương tiện vận chuyển chất thải rắn; xây dựng hệ thống thông tin môi trường…

Ở góc nhìn khác, chuyên gia về trí tuệ nhân tạo (AI) Lê Dương Lâm nhận định lợi thế lớn của AI là thu thập dữ liệu, tạo ra kịch bản tối ưu, tích hợp đô thị, giao thông và những ngành kinh tế - xã hội khác...

PGS-TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức - Trường Đại học Việt Đức, đề xuất TP HCM cần có quy hoạch tổng thể về giao thông thông minh, xác định được tầm nhìn, mục đích, mục tiêu, các giải pháp, lộ trình để tránh lãng phí. Từ đó, tập hợp được nguồn lực đầu tư, tạo ra đột phá trong quá trình triển khai; đồng thời tăng cường hợp tác đầu tư PPP (đối tác công - tư) để tạo ra những giá trị mới.

Phát biểu kết luận tọa đàm, TS - nhà báo Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, đúc kết đa số chuyên gia nhận định cần thống nhất nhận thức về CĐS trong quản lý đô thị từ lãnh đạo cấp cao cho đến người dân. Cùng với đó, nâng cao kiến thức về ứng dụng công nghệ số trong quản lý đô thị cho đội ngũ cán bộ quản lý; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, có cơ chế thu hút nguồn nhân lực cho lĩnh vực CĐS. Đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách và tạo hành lang pháp lý bài bản, dễ thực hiện.

Theo nhà báo Tô Đình Tuân, các ý kiến tại tọa đàm cũng thống nhất cần xây dựng cơ sở dữ liệu nền tảng; kết nối dữ liệu các đơn vị. Mặt khác, xây dựng lộ trình về CĐS trong quản lý đô thị; công nghệ phải kết hợp với việc nâng cao nhận thức của người dân đô thị thông qua chế tài nghiêm và tăng cường công tác truyền thông.

TS TRẦN DU LỊCH, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết 98 TP HCM:

TS TRẦN DU LỊCH

Cần có lộ trình từng bước

CĐS là một xu hướng, nếu ứng dụng được vào quản lý đô thị sẽ đem lại hiệu quả cực kỳ lớn; tạo hiệu quả và năng suất quản lý nhảy vọt. Tuy nhiên, cần có lộ trình từng bước cụ thể, thay đổi cách tiếp cận. Số hóa là công cụ nhưng để công cụ này phát huy hết hiệu quả thì thành phố cần phải làm nhiều việc, như một cuộc cách mạng ở hầu hết các lĩnh vực.

Đối với TP HCM, xu hướng lớn nhất bây giờ là CĐS và xanh. Rất hoan nghênh Báo Người Lao Động tổ chức tọa đàm về chủ đề CĐS. Trong thời gian tới, báo cần tiếp tục chủ đề này theo hướng cụ thể hơn để có những hiến kế, giải pháp cụ thể cho từng lĩnh vực.

TS VÕ KIM CƯƠNG, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP HCM:

TS VÕ KIM CƯƠNG

Đánh giá tác động đến người dân

Việc số hóa dữ liệu cần nghĩ tới tác động đến người dân. Vì vậy, cần thiết kế chung, chuẩn chung cho cả nước để các ngành hợp tác được với nhau trên hệ thống chung.

Ngành giao thông, xây dựng, môi trường rất gần nhau nhưng việc kết hợp không dễ. Điển hình là việc đặt số nhà hiện chưa ổn nên công tác quản lý khó khăn. Phải chuẩn hóa cách đặt số nhà, tên đường cho thống nhất thì mới số hóa được.

Ông THẠCH PHƯỚC HÙNG, Viện Nghiên cứu và Tư vấn phát triển vùng - Đại học Kinh tế TP HCM:

Ông THẠCH PHƯỚC HÙNG

Quy hoạch về giao thông thông minh cho TP HCM

Thách thức trong CĐS là ra quyết định đầu tư hạ tầng số, chọn vị trí đầu tư. Hiện nay, lĩnh vực giao thông thông minh chưa đáp ứng nhu cầu của người dân. TP HCM cần lựa chọn đúng công nghệ áp dụng, giải pháp để người dùng có thể tiếp cận thông tin.

TP HCM cũng đang hạn chế nguồn lực cho lĩnh vực này. Cần đầu tư trọng tâm, trọng điểm, lâu dài để phát triển giao thông thông minh. Đặc biệt, khi đầu tư, phải tính toán đến các yếu tố rủi ro an ninh mạng.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thay-doi-cach-tiep-can-ve-chuyen-doi-so-196240919215359185.htm
Zalo