Thay đổi cách quản trị để giữ chân nhân sự Gen Z

Dự báo từ Tổng cục Thống kê cho thấy, đến năm 2025, thế hệ Gen Z (những người sinh năm từ 1997 trở lại đây) sẽ đóng góp 1/3 lực lượng trong độ tuổi lao động tại Việt Nam. Thế hệ lao động mới này được đánh giá là sáng tạo, ưa đổi mới và am hiểu công nghệ. Tuy nhiên, họ cũng có những kỳ vọng và suy nghĩ khác trong khi làm việc so với các thế hệ nhân sự trước.

Trên thực tế, nhiều nhà quản trị doanh nghiệp đang gặp khó khăn khi làm việc cùng với lớp người trẻ này. Gen Z tham gia vào thị trường lao động sẽ khiến các doanh nghiệp tồn tại nhiều thế hệ, nên có thể sẽ gây nên nhiều bất đồng trong giao tiếp và cách giải quyết công việc. Văn hóa doanh nghiệp ít nhiều bị xáo trộn bởi lực lượng lao động trẻ tuổi có cách sống và lối tư duy khác hẳn với thế hệ cũ.

Thậm chí, thế hệ nhân lực Gen Z sẵn sàng “nhảy việc”, thay đổi môi trường nhiều hơn. Đây là điều khiến các nhà tuyển dụng băn khoăn trong việc hợp tác với nhóm lao động này, liệu họ có mang lại sự ổn định cho doanh nghiệp?

Một báo cáo nghiên cứu từ Công ty Anphabe vào năm 2024 cho thấy, thời gian trung bình dự định gắn bó với một doanh nghiệp của Gen Z là 2,2 năm, trong khi các thế hệ trước như Gen Y (thế hệ sinh năm từ năm 1981 đến 1996); Gen X (thế hệ sinh từ năm 1965 đến 1980) lần lượt là 3,2 năm và 4,3 năm. Trên thực tế, thời gian gần đây trên nhiều hội nhóm trên mạng xã hội, nhiều lao động Gen Z chia sẻ, họ đã từ bỏ công việc chỉ sau vài ngày gia nhập một doanh nghiệp bởi thấy nội quy, văn hóa công sở không phù hợp với bản thân.

Theo các chuyên gia, xu hướng hiện nay của Gen Z ưu tiên lựa chọn các công việc có sự thoải mái về mặt thời gian, được tự do thể hiện mình và quản lý dựa trên chất lượng công việc. Là thế hệ ưa trải nghiệm nên Gen Z sẽ không thích gắn bó quá lâu với một công việc có tính chất lặp đi - lặp lại nhàm chán, họ cũng mong muốn sở hữu các bộ kỹ năng cần thiết để có thể đảm nhiệm nhiều vị trí, công việc khác nhau. Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng với xu thế Gen Z sẽ lực lượng lao động chủ đạo trong tương lai, nên các doanh nghiệp phải dần thay đổi trong cách thức quản trị để thu hút và giữ chân lực lượng lao động mới này.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Cúc, Giám đốc phát triển kinh doanh khu vực phía Nam của nền tảng quản trị Base.vn, thì quản lý và vận hành một doanh nghiệp đa thế hệ cần nhiều sự linh hoạt. Nhóm nhân sự Gen Z mong muốn được trao quyền, tin tưởng và nhận phản hồi thường xuyên, trong khi những lao động lâu năm lại ưa chuộng phong cách quản lý tập trung, có kế hoạch rõ ràng và được định hướng phát triển. Do đó, lãnh đạo cần tìm hiểu và điều chỉnh phong cách quản lý liên tục để phù hợp với từng thế hệ, tạo động lực và khơi dậy tiềm năng của mỗi nhân viên.

Một trưởng phòng nhân sự đang chịu trách nhiệm quản lý khoảng 20 nhân viên Gen Z chia sẻ rằng, với một thế hệ dựa vào cảm hứng để làm việc thì điều cần thiết phải tạo hứng thú trong công việc để nhân viên có được nhiệt huyết hơn. Thay vì gò bó nhóm nhân sự Gen Z với những nội quy khắt khe, hãy tạo điều kiện để họ chọn các hình làm việc từ xa thay vì chỉ ngồi 8 tiếng/ngày trên văn phòng. Đồng thời, người quản lý phải đóng vai như một người bạn biết lắng nghe, chia sẻ và tìm được cách giúp những lao động trẻ chứng minh giá trị của bản thân. Và phải thể hiện rằng, mình thực sự đặt niềm tin vào cấp dưới khi giao việc cho họ.

Đồng thời, trong bối cảnh chuyển đổi, nguồn nhân lực số đang dần chiếm lĩnh thị trường lao động với đại diện chính là nhóm Gen Z. Đây là nhóm nhân sự thích ứng nhanh với các tiến bộ công nghệ, cho nên họ cũng ưa thích những nơi làm việc hiện đại với mức độ số hóa cao. Vậy nên, theo nhiều chuyên gia, việc áp dụng công nghệ vào mô hình quản trị (thường được biết đến là HRTech) đang là phương án để doanh nghiệp quản lý nguồn nhân lực số. Công nghệ là chìa khóa để doanh nghiệp nâng cấp vận hành hệ thống quản trị nhân sự, ứng dụng tự động hóa, chuẩn hóa và tinh gọn mọi quy trình, qua đó nâng cấp trải nghiệm nhân viên, mang đến lợi ích về chi phí và tiết kiệm thời gian.

Xu thế ứng dụng HRTech đang nổi lên trong vài năm gần đây cũng giúp các doanh nghiệp tối ưu hóa quá trình vận hành, đồng thời góp phần chọn được nhân tài phù hợp với tổ chức. Qua đó, góp phần giúp doanh nghiệp thích ứng với trong nền kinh tế số, tăng sức cạnh tranh trên thị trường với nhân lực chất lượng để phát triển bền vững hơn.

Hồng Sơn

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/thay-doi-cach-quan-tri-de-giu-chan-nhan-su-gen-z-154543.html
Zalo