Thầy cô giáo bỏ tiền túi nấu cơm trưa cho học trò
Những bữa trưa chủ yếu là rau xào, trứng rán, canh, thỉnh thoảng có thịt nấu với đậu phụ của giáo viên trong 7 năm qua níu chân nhiều học trò ở lại với lớp ở Trường Tiểu học Châu Phong (huyện Quỳ Châu, Nghệ An).
Bữa cơm trung tuần tháng 11 của giáo viên và học trò ở điểm trường bản Tằm, Trường Tiểu học Châu Phong có cơm, trứng rán, rau bắp cải xào và canh rau cải. Không đành lòng nhìn học sinh ăn cơm trắng, bền bỉ 7 năm nay, các giáo viên nơi đây bỏ tiền túi để tổ chức bán trú cho các học trò nghèo. Nhờ đó, các em đi học chuyên cần hơn, không còn những bữa đói, bữa no, không còn những buổi trưa phải ăn mì tôm hoặc nuốt vội vắt cơm nguội.
Hai năm trước, Lữ Mạnh Hải (học sinh lớp 2E) cùng với bố và em gái phải cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Quỳ Châu sau khi ăn nhầm trứng cóc. Hoàn cảnh gia đình Hải khó khăn, bố em đau yếu thường xuyên, mẹ phải đi làm ăn xa. Do thiếu ăn, Hải cùng bố ra đồng mò cua bắt ốc rồi bắt nhầm trứng cóc về để chế biến thức ăn.
Nhà Hải nằm ở bản Lịm, cách Trường Tiểu học Châu Phong khá xa. Từ ngày vào lớp 1, vì phải học 2 buổi một ngày, Hải quen với việc mang cơm từ nhà và ở lại trường vào giờ nghỉ trưa. Bữa cơm của cậu học trò nghèo, thiếu vắng sự chăm sóc của mẹ, thường chỉ có cơm với một chút cá khô hoặc xôi. Có khi, Hải chỉ ăn gói mì tôm cho qua bữa.
Trong tuần, có 2 ngày Hải vui nhất vì hôm đó em có cơm do các thầy cô nấu. Bữa cơm dẫu còn khó khăn nhưng hôm nào cũng có đủ, thịt, rau, cá.
Trường Tiểu học Châu Phong nằm ở vùng khó khăn, xa xôi, cách trở của huyện Quỳ Châu. Với gần 600 học sinh nhưng hiện trường vẫn duy trì 3 điểm trường và chưa thực hiện mô hình bán trú. Nhiều em ở xa vẫn tự đem cơm đi và ở lại trường vào buổi trưa. Điều này ảnh hưởng khá nhiều đến việc học tập và sinh hoạt, nhất là khi các em đều đang ở độ tuổi còn nhỏ và chưa tự chăm sóc được bản thân.
Thực đơn chủ yếu là rau, trứng, đậu phụ và canh tươm tất hơn sẽ có thịt hoặc cá. Ngoài ra, các học sinh sẽ mang theo cơm hoặc xôi từ gia đình. Hai bữa ăn còn lại trong tuần, phụ huynh sẽ tự túc cho các em.
Cô Lương Thị Hà, giáo viên Trường Tiểu học Châu Phong cho biết, thương những học sinh xa nhà, các thầy cô tổ chức nấu 2 bữa cơm bán trú mỗi tuần. Mỗi tháng, lãnh đạo nhà trường đóng góp 100 nghìn đồng, còn giáo viên, nhân viên đóng góp 50 nghìn đồng. Số tiền này được các thầy cô tự bỏ ra từ thu nhập hàng tháng.
"Tôi cảm thấy rất vui và hạnh phúc khi được đóng góp một phần nhỏ vào những bữa ăn của học trò. Trong lớp tôi chủ nhiệm có 2 em tham gia chương trình 'Bữa cơm tình thương', đều là những em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Có em phải ở với bà vì bố mẹ ly hôn, có em thì bố đang chịu án phạt tù. Nhờ những bữa cơm ấm áp tình thầy trò này, các em chăm chỉ học tập hơn và vui vẻ khi đến trường. Tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần của lớp ngày càng cao," cô Hà cho biết.
Cô Trần Ái Liên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Châu Phong cho hay, đây là ngôi trường có số lượng học sinh đông nhất của huyện Quỳ Châu. Tuy nhiên, hơn 60% học sinh thuộc diện hộ nghèo. Do kinh phí đóng góp hạn hẹp nên trường chỉ có thể tổ chức bán trú được hơn 30 học sinh và đây là những đối tượng "nghèo nhất trong các hộ nghèo".
Khi triển khai chương trình dạy học 2 buổi/1 ngày và chương trình giáo dục phổ thông mới, nhiều điểm trường lẻ đã được sáp nhập để tạo cơ hội cho các em được học các môn Tin học, Ngoại ngữ.
"Vì đường sá đi lại quá xa, hầu hết có hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ phải đi làm xa, các em phải sống cùng ông bà. Chính vì vậy, việc đưa đón các em đến trường bốn lần mỗi ngày là điều vô cùng khó khăn. Thời gian đầu, nhiều em phải mang cơm từ nhà đến trường, phải ở lại trong lớp, rất vất vả. Vì thế, cán bộ, giáo viên và nhân viên nhà trường quyết định làm một việc ý nghĩa vì học trò. Những bữa cơm tình thương bắt đầu từ một suy nghĩ đơn giản như vậy", cô Ái Liên chia sẻ.
Đối tượng học sinh thuộc diện hộ nghèo rất nhiều nhưng do kinh phí quyên góp được còn ít nên hiện các thầy, cô chỉ mới hỗ trợ được 31 học sinh có diện nghèo và hoàn cảnh éo le.
Mong mỏi của các giáo viên ở Trường Tiểu học Châu Phong có thêm kinh phí để tất cả học sinh ở xa của trường được ăn, ngủ bán trú tại trường. Xa hơn, nhà trường mong sẽ được đầu tư cơ sở vật chất, sáp nhập các điểm trường lẻ về điểm trường chính và chuẩn bị các điều kiện để xây dựng trường tiểu học dân tộc bán trú trong tương lai.