Thầy cô, dân bản tu sửa trường lớp, đón học sinh đến trường

Bước vào năm học mới 2023-2024, các trường học trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, đặc biệt khu vực miền núi, biên giới, thầy cô và bà con dân bản đã cùng nhau tu sửa phòng lớp học, đến từng nhà vận động học sinh ra lớp.

Xã Trung Lý, huyện biên giới Mường Lát được xem là địa phương khó khăn nhất tỉnh Thanh Hóa, chuẩn bị bước vào năm học mới 2023-2024, điểm trường mầm non bản Khằm, vẫn còn thiếu phòng lớp học, nhà trường đã tổ chức cho giáo viên và người dân trong bản đi rừng lấy tranh tre, nứa lá, tu sửa 2 phòng học tranh tre, chuẩn bị đón học sinh tới lớp.

Cô Lò Thị Phượng, Giáo viên trường Mầm Non Trung Lý nhiều ngày qua phải đến từng nhà vận động học sinh ra lớp

Cô Lò Thị Phượng, Giáo viên trường Mầm Non Trung Lý nhiều ngày qua phải đến từng nhà vận động học sinh ra lớp

Ông Giàng Xeo Vảng, Trưởng bản Khằm 2, xã Trung Lý cho biết: "Bản mình 2 bản sáp nhập 1 nên phòng học không đủ cho các cháu học. Chúng tôi huy động nhân dân toàn bộ đi chặt cây, lấy cây nứa, cây gỗ, từ rừng về để tu sửa phòng lớp học".

Cùng với việc sửa chữa phòng, lớp học, trang bị đồ dùng học tập để bước vào năm học mới, thầy cô nơi biên giới huyện Mường Lát cũng phải đối mặt với trách nhiệm với việc tiếp tục nỗ lực vận động con em đến tuổi đi học nơi đây đến trường học đầy đủ.

Điểm trường Mầm non bản Khằm 2, xã Trung Lý, huyện Mường Lát vẫn còn 2 phòng học tạm

Điểm trường Mầm non bản Khằm 2, xã Trung Lý, huyện Mường Lát vẫn còn 2 phòng học tạm

Cô Lò Thị Phượng, Giáo viên trường Mầm Non Trung Lý cho biết thực tế, nhiều tháng qua giáo viên phải đến từng gia đình để rà soát, vận động học sinh tới lớp: "Đầu năm học bọn em đến dọn dẹp trường lớp và đến từng nhà rà soát học sinh, đi từng nhà động viên khích lệ các em đi học đều, đủ. Tuy nhiên, một số khu dân cư phụ huynh đi làm xa, còn tiếng thì nhiều phụ huynh không biết nói tiếng phổ thông nên bọn em khổ, các cháu đi học vất vả".

Một vấn đề nữa được quan tâm đối với giáo dục miền núi Thanh Hóa bước vào năm học mới là, nhiều học sinh nhà xa trường, việc chuẩn bị cơ sở vật chất, đảm bảo cho các em ăn ở bán trú được đặc biệt quan tâm. Tại trường THCS Hiền Kiệt, có 50 học sinh xa trường phải ở nội trú, những ngày qua thầy cô giáo đã quét dọn, chuẩn bị nơi ăn ở, chuẩn bị đón học sinh đến trường.

Điểm trường Mầm non bản Khằm 2, xã Trung Lý, huyện Mường Lát vẫn còn 2 phòng học tạm

Điểm trường Mầm non bản Khằm 2, xã Trung Lý, huyện Mường Lát vẫn còn 2 phòng học tạm

Thầy Lê Mạnh Hùng, Hiệu trưởng trường THCS Hiền Kiệt thông tin: "Đối với 2 bản đặc biệt khó khăn, các em được hỗ trợ chế độ bán trú, học phí không phải đóng, được hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định 81. Nhà trường cũng tư vấn cho phụ huynh giới thiệu các đầu sách cho phụ huynh nắm bắt được vì có nhiều bộ sách, khi bước vào năm học mới là các em có đầy đủ về sách giáo khoa, đồ dùng học tập để các em đi học".

Những năm qua Thanh Hóa đã dành nguồn lực lớn đầu tư cho giáo dục, đặc biệt là đầu tư cơ sở vật chất, trường lớp học, xóa nhà tranh tre, tạm bợ. Thế nhưng, đối với giáo dục ở miền núi, vùng biên giới, khó khăn, thách thức vẫn còn nhiều.

Học sinh bản Ón xã Tam Trung, huyện Mường Lát tới trường

Học sinh bản Ón xã Tam Trung, huyện Mường Lát tới trường

Điểm trường Mầm non bản Khằm 2,

Điểm trường Mầm non bản Khằm 2,

Cần tiếp tục có những chính sách, sự quan tâm đối với giáo viên miền núi

Cần tiếp tục có những chính sách, sự quan tâm đối với giáo viên miền núi

Theo ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND huyện Mường Lát, việc khắc phục khó khăn đối với giáo dục miền núi không thể ngày 1 ngày 2: "Đối với ngân sách huyện không có để đầu tư. Nhưng thực hiện Nghị quyết 11 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa thì Ban chỉ đạo thống nhất chủ trương từ năm 2023-2025 ngoài các nguồn kinh phí khác tỉnh hỗ trợ huyện Mường Lát thêm mỗi năm 150 tỷ đồng xây dựng hạ tầng, phát triển kinh tế xã hội. Ưu tiên giáo dục trước, tới đây huyện sẽ triển khai đầu tư cơ sở trường lớp học toàn huyện thì sẽ đáp ứng được phòng lớp học và nhà công vụ".

Năm học 2023 - 2024, tỉnh Thanh Hóa có 2.026 cơ sở giáo dục với gần 29.500 lớp, gần 900 nghìn học sinh các cấp. Mặc dù khó khăn đối với giáo dục miền núi còn nhiều, nhưng sự quan tâm, chia sẻ của cấp ủy, chính quyền các cấp, tình yêu nghề, nhiệt huyết của đội ngũ người thầy, khắc phục phần nào những khó khăn.

Sỹ Đức/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/thay-co-dan-ban-tu-sua-truong-lop-don-hoc-sinh-den-truong-post1043662.vov
Zalo