Thay áo mới cho ngôi trường dân tộc nội trú

Công trình cải tạo, nâng cấp Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh (tại xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom) dự kiến đến tháng 2-2025 mới hoàn thành, nhưng đã vượt tiến độ và kịp đưa vào sử dụng vào đúng dịp khai giảng năm học mới 2024-2025.

Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh với mái ngói đỏ tươi khang trang, hiện đại. Ảnh: P.TUẤN

Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh với mái ngói đỏ tươi khang trang, hiện đại. Ảnh: P.TUẤN

Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Sầm Thị Lệ Thanh chia sẻ: “Nhìn ngôi trường cũ được tỉnh quan tâm “thay áo mới”, chúng tôi ai nấy đều rất phấn khởi. Trước ngày khánh thành, không chỉ có cán bộ, giáo viên, học sinh nhà trường vui mừng, mà nhiều cựu học sinh cũng tìm về tặng quà mừng cho trường”.

“Thay áo mới” cho ngôi trường đặc biệt

Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh được thành lập vào năm 1993, tiền thân là Trường trung cấp Nông nghiệp tỉnh Đồng Nai. Trường là nơi học tập bậc trung học phổ thông của con em đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Đồng Nai. Khi mới thành lập, trường chỉ có những dãy phòng và nhà cấp 4 lợp ngói đã cũ. Sau này, trường được xây dựng thêm một số phòng học và khu hiệu bộ nhưng cũng chỉ với quy mô một trệt, một lầu.

Nhiều chế độ cho học sinh dân tộc thiểu số

Nhiều năm nay, học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh được miễn học phí, đồng thời được cấp sách vở, đồ dùng học tập, quần áo vào mỗi dịp đầu năm học. Từ năm học mới này, mỗi tháng các em còn được hỗ trợ thêm gần 2,4 triệu đồng chi phí ăn ở (mỗi năm học 9 tháng); đối với 3 tháng hè, học sinh khối 10 và 11 được hỗ trợ 80%. Riêng năm học 2023-2024, học sinh khối 12 được thêm một tháng tiền hỗ trợ ôn thi tốt nghiệp.

Theo thời gian sử dụng, mỗi năm, trường lại xuống cấp nhiều hơn, trong đó có những dãy nhà, phòng học, ký túc xá cũ gần như không thể sử dụng. Đơn cử như khu ký túc xá của học sinh nam, sau khi xuống cấp trầm trọng, Ban giám hiệu đã phải “sơ tán” học sinh lên một số phòng của khu hiệu bộ, thậm chí dành cả hội trường ngăn thành nơi ở tạm cho học sinh. Một số phòng học cũ trước đây cũng chỉ có bàn ghế cũ cùng bảng đen phấn trắng, sau này mới có thêm một số quạt gió để học sinh đỡ nóng bức khi ngồi học. Toàn bộ sân trường trước đây chỉ là nền đất, vào mùa mưa cỏ mọc um tùm.

Chị Điểu Thị Hoa, cựu học sinh của trường, đang làm việc tại Công ty TNHH YKK Việt Nam (Khu công nghiệp Amata, thành phố Biên Hòa) về thăm trường, kể lại: “Những năm 2005-2008, tôi là học sinh ở nội trú. Khi đó, khung cảnh trường cũ kỹ và xuống cấp khá nhiều. Buổi tối ở ký túc xá, muốn đi vệ sinh nhưng rất sợ, phải nhờ bạn đi cùng, vì đêm tối trường rất vắng vẻ, thậm chí thi thoảng có rắn bò vào sân trường. Nay được chứng kiến khung cảnh trường thay đổi hoàn toàn, tôi thực sự xúc động và mừng cho các em học sinh sau này”.

Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh SẦM THỊ LỆ THANH:

Biết ơn về sự quan tâm của tỉnh với học sinh và nhà trường

Năm học mới 2024-2025 này thực sự là một dấu mốc rất đặc biệt với Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh khi trường chính thức có cơ sở vật chất mới khang trang, hiện đại. Chúng tôi vô cùng biết ơn lãnh đạo tỉnh. Đây cũng chính là sự động viên, khích lệ to lớn để nhà trường tiếp tục trở thành nơi nâng bước cho nhiều thế hệ học sinh dân tộc thiểu số nữa có tri thức và kỹ năng để trưởng thành.

Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Sầm Thị Lệ Thanh bộc bạch: “Tôi xuất thân là học sinh dân tộc thiểu số, đến năm 1997, tôi được cử về trường công tác sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm. Nhờ cơ duyên này, tôi gần như được chứng kiến toàn bộ quá trình hoạt động của trường từ những dãy nhà cấp 4 giản đơn cho đến những khối nhà cao tầng hiện đại sắp được khánh thành. Đó thực sự là một thay đổi khó tin”.

Gắn bó 27 năm ở ngôi trường này, cô Sầm Thị Lê Thanh cho biết, giai đoạn khó khăn nhất là từ năm 2010 tới nay, khi trường xuống cấp. Nhiều phụ huynh là người dân tộc thiểu số ở các huyện dẫn con em mình đến nhập học, nhưng khi đến và thấy cơ sở vật chất của trường xuống cấp, họ lại “rút” hồ sơ quay trở lại địa phương chứ không muốn cho con nhập học tại trường. Điều đó làm cho Ban giám hiệu và giáo viên khá buồn và mong ước trường sớm có một diện mạo mới.

Trường cũ, diện mạo mới

Cô Sầm Thị Lệ Thanh kể: “Từ năm 2000, Sở Giáo dục và đào tạo đã kiến nghị với tỉnh cải tạo, nâng cấp trường nhưng không dám nghĩ lại được tỉnh “làm to” như hiện nay. Từ khi thấy bản thiết kế, chúng tôi chỉ mong ngôi trường trong bản vẽ sớm trở thành thực tế sớm ngày nào hay ngày nấy”.

Sự kỳ vọng vào diện mạo mới của Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh đã có cơ hội trở thành sự thật vào tháng 3-2023, công trình chính thức được khởi công với số vốn lên tới 152 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh. Ngoài những dãy nhà cũ được đập bỏ hoặc nâng cấp, trường còn được xây thêm 4 dãy phòng học mới cao 4 tầng, hội trường, nhà thi đấu đa năng, nhà văn hóa, nhà truyền thống, bếp ăn, sân bóng đá, bóng chuyền và bóng rổ. Khi hoàn thành, trường đáp ứng nhu cầu học tập nội trú cho 552 học sinh, đồng thời đủ điều kiện trở thành một trường chuẩn quốc gia.

Giới thiệu về ngôi trường cũ nhưng nay đã có diện mạo mới, cô Sầm Thị Lệ Thanh cho hay: “Trước đây, ở trường cái gì cũng cũ kỹ thì nay cái gì cũng mới toanh, thậm chí có mơ cũng không dám nghĩ sẽ được hiện đại đến thế. Như khu ký túc xá dành cho học sinh nam, nay đã là một dãy nhà mới cao 4 tầng, mỗi phòng bố trí cho 6 học sinh vào ở, có nhà vệ sinh khép kíp trong phòng, đẹp như khách sạn. Hay trước đây, trường chỉ có các phòng học, nay còn có cả 3 phòng bộ môn. Bên cạnh đó, còn có 2 phòng tin học, phòng học ngoại ngữ sắp tới sẽ được trang bị đầy đủ máy tính, máy chiếu và màn hình ti vi, máy lạnh”.

Ban giám hiệu Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh còn phấn khởi cho biết, được tin trường sắp khánh thành nên nhiều cựu học sinh của trường đã gọi điện về hỏi thăm, chia vui với nhà trường. Có cựu học sinh của trường làm việc ở Thành phố Hồ Chí Minh đã thiết kế cho trường một Thư viện xanh, sắp tới có điều kiện nhà trường sẽ triển khai. Nhiều nhóm cựu học sinh còn gửi ghế đá, chậu cây cảnh, đồ trang trí “làm đẹp” cho ngôi trường mới. Đặc biệt, có cựu học sinh ở nước ngoài đã 10 năm nay nhưng năm nào cũng gửi về trường 25 triệu đồng tặng học bổng cho học sinh, dịp này cũng liên hệ sớm về chúc mừng nhà trường.

Công Nghĩa

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202408/thay-ao-moi-cho-ngoi-truong-dan-toc-noi-tru-5826923/
Zalo