Thắp sáng đam mê, tô màu cuộc sống

Đến với hội họa bằng tất cả niềm say mê, thời gian qua, cô Nguyễn Thị Mỹ Xuân - giảng viên Trường Đại học Sư phạm TP.HCM phân hiệu Long An, đã 'gặt hái' những thành công nhất định trong nghề. Tên tuổi của cô đã tạo được nhiều dấu ấn trong giới hội họa.

Cô Nguyễn Thị Mỹ Xuân - giảng viên Trường Đại học Sư phạm TP.HCM phân hiệu Long An, bên tác phẩm tranh lụa

Cô Nguyễn Thị Mỹ Xuân - giảng viên Trường Đại học Sư phạm TP.HCM phân hiệu Long An, bên tác phẩm tranh lụa

“Hội họa là niềm đam mê bất tận của tôi”

Sinh ra trong gia đình có truyền thống đam mê nghệ thuật tại huyện Bến Lức nên từ khi còn nhỏ, tình yêu hội họa đã nhen nhóm trong trái tim của giảng viên, họa sĩ Nguyễn Thị Mỹ Xuân. Khi trưởng thành, niềm đam mê ấy lớn dần và thôi thúc cô theo đuổi con đường chuyên nghiệp.

Ít ai biết rằng mặc dù có niềm đam mê lớn với hội họa nhưng cô Mỹ Xuân từng thi trượt vào Khoa Hội họa, Trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM. Tuy nhiên sau “vấp ngã” đầu tiên trên con đường chinh phục ước mơ, cô đã không nản lòng và càng quyết tâm hơn để luyện thi lại. Cô chia sẻ, khi ấy đều đặn mỗi ngày, cô di chuyển bằng xe đạp và xe buýt từ Long An lên TP.HCM để tham gia các lớp luyện thi vẽ.

Từ sự kiên trì, niềm đam mê của bản thân và sự khích lệ của gia đình, người thân, sau 1 năm luyện thi, cô thi đậu vào ngôi trường mơ ước. Năm 2002, cô tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM và về công tác tại Trường Cao đẳng Sư phạm Long An. Hiện cô công tác tại Trường Đại học Sư phạm TP.HCM phân hiệu Long An.

Là giảng viên, cô luôn tận tụy, chủ động nghiên cứu, đổi mới phương pháp giảng dạy giúp các tiết học trở nên sinh động và thu hút hơn. Khoảng cách giữa giảng viên và sinh viên như gần hơn thông qua các bài giảng “học mà chơi, chơi mà học”. Cô mong muốn truyền tải tình yêu hội họa cũng như những kinh nghiệm, kiến thức đã tích lũy trong quá trình đi học và sáng tác đến sinh viên.

Trong quá trình theo học tại Trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM, họa sĩ Mỹ Xuân được tiếp xúc với nhiều chất liệu khác nhau, song cô lại dành sự yêu thích cho chất liệu sơn mài. Trong các sáng tác của nữ họa sĩ, đề tài về nghệ thuật tuồng cổ có một vị trí đặc biệt và là nguồn cảm hứng vô tận.

“Hồi nhỏ, tôi hay đi coi tuồng trong cúng đình, coi qua tivi, coi riết “thấm vào máu” nên màu sắc, hoa văn trên trang phục hoặc mặt nạ tuồng,... trở thành niềm đam mê. Đề tài này theo tôi từ hồi học năm nhất đại học đến khi tốt nghiệp. Sau khi học xong đại học, trong sáng tác, tôi vẫn theo đề tài tuồng và nó cũng phù hợp với chất liệu tôi yêu thích là sơn mài. Thời gian sau này, khi học lên cao học, tôi vẫn chọn đề tài tuồng. Nghệ thuật tuồng cổ dần dần mai một, tôi mong muốn thông qua các tác phẩm truyền cảm hứng về tuồng cổ cho các bạn trẻ” - cô Mỹ Xuân nói.

Lan tỏa tình yêu nghề

Với cô Nguyễn Thị Mỹ Xuân, niềm đam mê nghệ thuật luôn bất tận, nhờ đó cô tạo nhiều dấu ấn trong giới hội họa

Với cô Nguyễn Thị Mỹ Xuân, niềm đam mê nghệ thuật luôn bất tận, nhờ đó cô tạo nhiều dấu ấn trong giới hội họa

Bên cạnh chất liệu sơn mài, cô Mỹ Xuân còn dành thời gian tìm hiểu, học hỏi và sáng tác trên chất liệu lụa. Với bề mặt mềm mại, lụa tạo ra hiệu ứng thị giác đặc biệt cho người xem. Và cũng từ chất liệu lụa, họa sĩ Mỹ Xuân cho ra đời nhiều tác phẩm về đề tài gia đình. Đây cũng là 1 trong 2 đề tài mà cô yêu thích nhất trong quá trình theo đuổi đam mê hội họa. Theo họa sĩ, đề tài gia đình mang đến cho cô sự gần gũi nhưng cũng đầy cảm xúc trong từng tác phẩm.

Tình yêu hội họa của họa sĩ Mỹ Xuân càng được lan tỏa khi cô kết hợp giữa đam mê hội họa và tổ chức các hoạt động thiện nguyện đóng góp cho cộng đồng. Cô Mỹ Xuân cho biết, mỗi năm, cô và những người bạn có cùng đam mê hội họa đều tổ chức các buổi workshop vẽ tranh vào dịp hè để gây quỹ ủng hộ trẻ em ở tỉnh Hà Giang.

Trong các buổi workshop, cô sẽ tài trợ toàn bộ dụng cụ, nguyên vật liệu để sinh viên, học sinh và những ai yêu thích hội họa được tự do sáng tác theo chủ đề mà mình yêu thích. Tranh vẽ sau khi hoàn thành sẽ được bán để gây quỹ. Mỗi bức tranh do các bạn vẽ ra tuy chưa được tròn trịa và đẹp mắt như các họa sĩ chuyên nghiệp nhưng chứa đựng biết bao tình cảm, sự trân quý mà mỗi người muốn gửi gắm vào tác phẩm. Mỗi bức tranh thường có giá dao động vài trăm ngàn đồng, nhiều tranh có giá hơn 1 triệu đồng.

Thời gian qua, thấu hiểu được ý nghĩa nhân văn của các chương trình do họa sĩ Mỹ Xuân và những người bạn tổ chức nên mỗi dịp hè, các buổi workshop thu hút đông đảo phụ huynh, học sinh và các nhà hảo tâm tham gia.

Được biết, ngoài dịp hè, vào Tết Trung thu, Tết Nguyên đán, họa sĩ Mỹ Xuân và các bạn cũng tổ chức các buổi workshop nhỏ để gây quỹ tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em khuyết tật trong và ngoài tỉnh. Không chỉ đơn thuần là dạy vẽ tranh, họa sĩ Mỹ Xuân còn góp phần giáo dục lòng nhân ái, tinh thần chia sẻ cho các em thông qua các hoạt động trải nghiệm.

Cô Mỹ Xuân chia sẻ: “May mắn là đằng sau tôi có gia đình, bạn bè và những người thân xung quanh đều ủng hộ làm nghệ thuật. Tôi cũng cảm ơn Ban Giám hiệu trường, các đồng nghiệp tạo điều kiện để mình vừa giảng dạy, vừa có thể trao đổi chuyên môn, học hỏi, đi sáng tác, nâng cao trình độ cũng như có điều kiện làm những công việc thiện nguyện. Mong muốn của tôi là sẽ đưa hội họa Long An ngày càng được nhiều người tiếp cận hơn”.

Họa sĩ Mỹ Xuân hiện là hội viên Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh, hội viên liên kết của Hội Mỹ thuật TP.HCM. Những tác phẩm của họa sĩ Mỹ Xuân đã dành được nhiều tình cảm, sự yêu mến của những người yêu hội họa. Cô đã 5 lần đoạt giải thưởng tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực VIII Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, cô nhiều lần được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì đã có thành tích đạt giải cao tại cuộc thi hội họa.

22 năm gắn bó với hội họa, dù ở cương vị nào, giảng viên, họa sĩ Mỹ Xuân cũng luôn “cháy” hết mình với đam mê. Qua đó, góp phần làm phong phú thêm vườn hoa hội họa của tỉnh./.

Như Nguyệt

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/thap-sang-dam-me-to-mau-cuoc-song-a187319.html
Zalo